1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Hình tượng nhân vật trong xứ tuyết của y kawabata

58 4,4K 52

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 58
Dung lượng 465,96 KB

Nội dung

Đã có nhiều nghiên cứu về kiệt tác văn học này, song Hình tượng nhân vật trong Xứ tuyết của Y.Kawabata vẫn là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của những người say mê nền văn học

Trang 1

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

KHOA NGỮ VĂN

VŨ THỊ THOA

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG

XỨ TUYẾT CỦA Y.KAWABATA

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Người hướng dẫn khoa học

TS Nguyễn Thị Bích Dung

Hà Nội – 2015

Trang 2

LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp của mình, tôi đã nhận được sự giúp đỡ chỉ bảo tận tình của các thầy giáo, cô giáo trong khoa Ngữ văn – trường ĐHSP Hà Nội 2, trong tổ bộ môn văn học nước ngoài

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình tới các thầy, cô trong

khoa, tổ, đặc biệt là TS Nguyễn Thị Bích Dung – người đã trực tiếp hướng

dẫn tôi hoàn thành đề tài này

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2015

Sinh viên

Vũ Thị Thoa

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Khóa luận tốt nghiệp này được hoàn thành dưới sự hướng dẫn của TS Nguyễn Thị Bích Dung, tôi xin cam đoan rằng:

- Đây là kết quả nghiên cứu của riêng tôi

- Kết quả này không trùng với kết quả của bất kỳ tác giả nào đã được công bố Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm

Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2015

Sinh viên

Vũ Thị Thoa

Trang 4

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1 Lý do chọn đề tài 1

1.1 Lý do khoa học 1

1.2 Lý do sư phạm 2

2 Lịch sử vấn đề 2

3 Mục đích nghiên cứu 5

4 Nhiệm vụ nghiên cứu 5

5 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát 6

5.1 Đối tượng nghiên cứu 6

5.2 Phạm vi khảo sát 6

6 Phương pháp nghiên cứu 6

7 Bố cục khóa luận 6

NỘI DUNG 7

CHƯƠNG 1: HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG XỨ TUYẾT CỦA Y.KAWABATA 7

1.1 Vấn đề về hình tượng nhân vật văn học 7

1.2 Hình tượng nhân vật nữ trong Xứ tuyết của Y.Kawabata 8

1.2.1 Đặc điểm ngoại hình nhân vật nữ 8

1.2.1.1 Komako – vẻ đẹp ngoại hình trong sáng, đầy sức sống 10

1.2.1.2 Yoko – một dáng vẻ cổ xưa huyền bí 14

1.2.2 Đặc điểm tính cách nhân vật nữ 18

1.2.2.1 Komako – con người nồng nhiệt, mạnh mẽ 21

1.2.2.2 Yoko – vẻ đẹp cao khiết, thánh thiện 32

CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NAM TRONG XỨ TUYẾT CỦA Y.KAWABATA 38

2.1 Đặc điểm ngoại hình của nhân vật nam 38

Trang 5

2.2.Vẻ đẹp Nhật Bản trong con mắt nhìn của người đàn ông trong Xứ tuyết

của Y.Kawabata 40

2.2.1 Shimamura- lữ khách trong hành trình tìm kiếm cái đẹp 40

2.2.2 Vẻ đẹp của người phụ nữ Nhật 45

2.3.Đặc điểm tâm lý nhân vật nam trong Xứ tuyết của Y.Kawabata 47

KẾT LUẬN 51 TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trang 6

“Người cứu rỗi cái đẹp”

Kawabata là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải thưởng Nobel văn học

vào năm 1968 với bộ ba tiểu thuyết: Xứ tuyết (1947), Ngàn cánh hạc (1951),

Cố đô (1962) Với sự kiện này, ông được các nhà nghiên cứu tôn vinh như

người “Mở cánh cửa tâm hồn Nhật Bản” ra thế giới

Những tác phẩm của Yasunary Kawabata giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong văn học cận hiện đại Nhật Bản nói riêng và cho cả nền văn học Nhật

Bản nói chung Trong bộ ba tác phẩm giành giải Nobel văn học thì Xứ tuyết

được xem là một trong những tác phẩm toàn bích, là quốc bảo của nền văn

học Nhật Bản thế kỷ XX Qua Xứ tuyết, thiên nhiên, con người cũng như

những nét đẹp văn hóa của xứ Phù Tang đều đẹp lộng lẫy, hấp dẫn, kỳ thú

Để tạo nên kiệt tác này là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó hình tượng nhân vật đóng vai trò quan trọng Vì vậy, việc tìm hiểu về hình tượng nhân vật trong tác phẩm này là điều thú vị, là sự quan tâm của nhiều người

Trang 7

Đã có nhiều nghiên cứu về kiệt tác văn học này, song Hình tượng nhân

vật trong Xứ tuyết của Y.Kawabata vẫn là đề tài thu hút nhiều sự quan tâm,

chú ý của những người say mê nền văn học xứ Phù Tang

1.2 Lý do sư phạm

Việc tìm hiểu sáng tác của Y kawabata sẽ giúp người giáo viên tương lai hiểu hơn về tác giả, đồng thời có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về văn học nước ngoài, đặc biệt là văn học Nhật Bản Đây là điều cần thiết cho việc dạy và học ở nhà trường phổ thông, cung cấp cho học sinh những tri thức về văn học, văn hóa Nhật Bản, giúp các em hiểu sâu sắc hơn các tác phẩm thơ Haikư của Basho Từ những nét đẹp của nền văn hóa truyền thống Nhật Bản, giáo viên có thể liên hệ tới văn hóa truyền thống Việt Nam, giúp các em có ý thức giữ gìn, trân trọng những giá trị truyền thống khi xã hội đang tiến lên và hội nhập

Một kiệt tác văn chương cần hội tụ rất nhiều yếu tố, trong đó Hình tượng

nhân vật là đề tài độc đáo và đặc sắc Việc nghiên cứu đề tài này, không chỉ

giúp nắm được nội dung tư tưởng của tác phẩm mà còn là dấu hiệu nhận biết phong cách nhà văn

Từ những lý do đó, chúng tôi chọn đề tài Hình tượng nhân vật trong Xứ

tuyết của Y.Kawabata với hi vọng khám phá được phần nào đóng góp của tác

giả làm nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm

2 Lịch sử vấn đề

Y.Kawabata là một văn hào lỗi lạc của Nhật Bản mà vị thế và sự nghiệp của ông mãi mãi bất hủ Với sự nghiệp cao cả và những đóng góp lớn lao cho văn học Nhật Bản nói riêng và văn học thế giới nói chung, sáng tác của Kawabata đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phê bình, nghiên cứu trên thế giới

Trang 8

Ở Nhật Bản, một công trình khá nổi bật nghiên cứu về Kawabata nhưng

lại chủ yếu lý giải phương pháp sáng tác của nhà văn, như: Kawabata

Yasunari: Sự giao hòa giữa bài ca cổ điển phương Đông với những kỹ thuật tiên tiến của tác giả Setsuko Tsutsumi Trong bài viết này, tác giả đã tập trung

lý giải, tìm hiểu tác phẩm tác giả ở phương diện phương pháp sáng tác dựa trên sự kết hợp của văn hóa, mĩ học, triết học… Nhật Bản

Ở Nga, năm 1971, Nhà xuất bản Matxcơva đã cho xuất bản tuyển tập tác phẩm của Y.Kawabata Khi tác phẩm này xuất hiện, đông đảo độc giả Nga đã nồng nhiệt đón nhận nó và hướng về đất nước hoa anh đào

Nhà nghiên cứu người Nga N Fedorenko trong các bài viết: Y.Kawabata

với triết học và mĩ học và Kawabata – con mắt nhìn thấu cái đẹp đã trình bày

những tình cảm, suy ngẫm của mình về nguyên lý của thuyết duy mỹ Nhật Bản và phát hiện thấy trong kinh nghiệm nghệ thuật của Y.Kawabata chịu ảnh hưởng sâu sắc của mĩ học thiền

Tại lễ trao giải thưởng Nobel văn học năm 1968, Anders Usterling đã ca tụng Kawabata: “ Ông là người tôn vinh vẻ đẹp huyền ảo và hình ảnh u ẩn hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”

Ở Việt Nam, năm 1969, tạp chí Văn (Sài Gòn) đã phát hành số đặc biệt

về Y.Kawabata và đăng hàng loạt những truyện ngắn, những bài nghiên cứu

về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của ông

Tạp chí văn học số 9 năm 1999, tác giả Lưu Đức Trung có bài viết bàn

về Thi pháp tiểu thuyết Y.Kawabata – Nhà văn lớn của Nhật Bản Bài viết thể

hiện rõ thi pháp đặc trưng trong sáng tác của Y.Kawabata là thi pháp Chân

không Đồng thời, với công trình nghiên cứu Yasunari Kawabata, cuộc đời và

tác phẩm, tác giả đã đi sâu phân tích tư tưởng, cuộc đời, tác phẩm cùng những

yếu tố ảnh hưởng đến con đường nghệ thuật của Kawabata

Tạp chí văn học số 15 (tháng 6/ 2010) có bài: Đọc Xứ tuyết suy nghĩ về

cái nhìn huyền ảo của Y.Kawabata của tác giả Đào Ngọc Chương Ở bài viết

Trang 9

này, người nghiên cứu không đề cập tới lý thuyết tiếp cận như một cơ sở để xây dựng các luận điểm, mà chỉ dừng lại ở việc so sánh, hệ thống các yếu tố

trong tác phẩm, hướng tới lý giải cái nhìn huyền ảo của Y.Kawabata trong Xứ

tuyết như một đặc trưng thi pháp của ông

Tạp chí văn học tháng 2 năm 2002, tác giả Nhật Chiêu có bài Thế giới

Kawabata Yasunary (hay cái đẹp hình và bóng) Bài viết đi sâu vào cái đẹp

hiện hữu thông qua thẩm mĩ chiếc gương soi

Trong bài viết: Mĩ học Kawabata Yasunari, Khương Việt Hà đã giới

thiệu và đưa ra những dẫn chứng dày đặc cho các phương thức biểu hiện cái đẹp của Yasunari Kawabata Đồng thời tác giả cũng liệt kê khá nhiều những biểu tượng và đi sâu vào biểu tượng gương soi

Trong tạp chí văn học số 7 năm 2005, Đào Thị Thu Hằng có bài

Y.Kawabata giữa dòng chảy Đông – Tây, nghiên cứu về sự ảnh hưởng của

văn hóa Đông Tây đối với Y.Kawabata và khẳng định văn hóa phương Đông

là gốc rễ trong tư tưởng nhà văn

Tạp chí văn học số 11 năm 2005 với bài: Y Kawabata – Lữ khách muôn

đời đi tìm cái đẹp của tác giả Nguyễn Thị Mai Liên đã nghiên cứu đi sâu vào

vẻ đẹp Nhật Bản trong sáng tác của Y.Kawabata: Vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp phong tục, vẻ đẹp của tâm hồn con người

Trong nghiên cứu văn học số 6 năm 2006, Khương Việt Hà có bài bàn

về Mỹ họcY.Kawabata Bài viết tình bày rõ quan điểm về cái đẹp của

Y.Kawabata và nguồn gốc hình thành quan điểm đó

Tác giả Đào Thị Thu Hằng với cuốn chuyên luận Văn hóa Nhật Bản và

Yasunary Kawabata viết về những nét văn hóa đặc sắc của Nhật Bản, về tác

giả Y.Kawabata và nghệ thuật kể chuyện trong sáng tác của ông

Trong những năm gần đây cũng đã xuất hiện khá nhiều những khóa luận, luận văn tìm hiểu về sáng tác của Kawabata Có thể kể tới như: Luận văn thạc sĩ

Trang 10

tiễn sáng tác) của Trần Thị Tố Loan Luận văn thạc sĩ năm 2007 của Nguyễn

Thị Thu Hương tập trung phân tích Nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật trong

tiểu thuyết của Y.Kawabata Khóa luận tốt nghiệp đại học năm 2005 của Trần

Thi Thúy Quỳnh với đề tài Bản sắc Nhật trong sáng tác của Y.Kawabata…

Nhìn chung đã có những bài viết đề cập đến “hình tượng nhân vật” trong sáng tác của Y.Kawabata, nhưng chưa được khai thác sâu

Trong khóa luận này, người viết muốn tìm hiểu, khám phá sâu hơn

phương diện Hình tượng nhân vật trong Xứ tuyết của Y.Kawabata

Xứ tuyết là một trong ba tác phẩm đạt giải Nobel của Y.Kawabata, được

viết từ năm 1934 và hoàn thành vào năm 1947 Tác phẩm được viết nhằm tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Nhật Bản cũng như thiên nhiên và những giá trị

văn hóa của Nhật Bản Các nhà nghiên cứu đành giá Xứ tuyết là bài ca về tình

yêu tuyệt vọng của một geisha Một tình yêu được hình thành như tuyết và tan

ra như tuyết” Trong Xứ tuyết, số lượng nhân vật trong tác phẩm không nhiều,

nhưng mỗi nhân vật lại mang một nét cá tính khác nhau, hình dáng khác nhau Đó cũng chính là bóng dáng của con người Nhật Bản trong sáng tác của Y.Kawabata

3 Mục đích nghiên cứu

Đề tài nhằm mục đích khám phá hình tượng nhân vật trong Xứ tuyết của

Y.Kawabata Qua đó thấy được tài năng của nhà văn và những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn học Nhật Bản nói riêng và cho nhân loại nói chung

4 Nhiệm vụ nghiên cứu

Với đề tài này, người nghiên cứu sẽ tìm hiểu về hình tượng nhân vật

trong tác phẩm, chỉ ra vai trò, vị trí của hình tượng nhân vật trong Xứ tuyết

của Y.Kawabata

Trang 11

5 Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát

5.1 Đối tượng nghiên cứu

Hình tượng nhân vật trong Xứ tuyết của Y.Kawabata

5.2 Phạm vi khảo sát

Tiểu thuyết Xứ tuyết trong Y.Kawabata Tuyển tập tác phẩm (2005),

(nhiều người dịch), Nxb Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây Hà Nội

Tuy nhiên, để tiện cho việc phân tích, đối chiếu, người viết có thể mở rộng sang một số tác phẩm khác của Y.Kawabata nếu cần thiết

6 Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện phương pháp này, người viết thực hiện các phương pháp như

- Phương pháp khảo sát tác phẩm

- Phương pháp phân tích, so sánh

- Phương pháp tổng hợp nâng cao vẩn đề

7 Bố cục khóa luận

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung khóa luận gồm 2 chương:

Chương 1: Hình tượng nhân vật nữ trong Xứ tuyết của Y.Kawabata Chương 2: Hình tượng nhân vật nam trong Xứ tuyết của Y.Kawabata

Trang 12

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG XỨ TUYẾT

CỦA Y.KAWABATA

1.1 Vấn đề về hình tượng nhân vật văn học

Theo góc độ văn học và nghệ thuật, hình tượng được hiểu là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, nhận thức trực tiếp bằng cảm tính Cùng với tác phẩm, hình tượng thường được xem là đơn vị hoàn chỉnh trong nghiên cứu văn học Trong nhiều trường hợp, thuật ngữ hình tượng thường được hiểu đồng nhất với hình tượng nhân vật, cũng có lúc, người ta dùng hình tượng để chỉ một tác phẩm

Trong phạm trù cơ bản của mĩ học, hình tượng nghệ thuật dùng để chỉ một hình thức phản ánh hiện thực đặc thù bằng các phương tiện nghệ thuật Hình tượng nghệ thuật khác với các phạm trù của tư duy khoa học và các phạm trù khác như: cảm giác, tri giác, biểu tượng Nó thâm nhật vào bản chất của các hiện tượng trong đời sống và làm sáng tỏ ý nghĩa sâu xa của chúng Hình tượng nghệ thuật là phương tiện nghệ thuật nhằm thể hiện cuộc sống Phát sinh từ cuộc sống, các hình tượng nghệ thuật trở về với cuộc sống, tác động vào tình cảm, thức tỉnh tư duy, giúp cho con người ý thức được mình, ý thức được mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, giữa cá nhân và xã hội, giữa hiện thực và lý tưởng Hình tượng nghệ thuật là điều kiện đầu tiên để tạo nên giá trị của tác phẩm nghệ thuật Sự khác biệt giữa hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương và các loại hình nghệ thuật khác đó là hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương được thể hiện thông qua hình tượng nhân vật, đó là phương tiện hình thức để nhà văn bộc lộ giá trị tư tưởng và phong cách nghệ thuật của mình Mỗi khi cầm bút, nhà văn phải không ngừng

Trang 13

tìm tòi, sáng tạo để xây dựng hình tượng nhân vật tiêu biểu, đặc sắc Không phải tác phẩm nào cũng có hình tượng văn học Không phải nhân vật nào trong tác phẩm văn học cũng trở thành hình tượng nhân vật văn học Để trở thành hình tượng văn học, điều kiện tiên quyết là phải có tính điển hình Trong văn học, hình tượng nhân vật phải là: nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình Nghĩa là nhân vật văn học ấy phải có sức tập trung, khái quát cao Nhân vật ấy phải có những nét chung nhất của tầng lớp, giai cấp…mà mình đại diện Và bối cảnh mà nhân vật ấy xuất hiện phải là bối cảnh điển hình của một vùng, một nơi vào một thời điểm lịch sử nhất định

1.2 Hình tượng nhân vật nữ trong Xứ tuyết của Y.Kawabata

1.2.1 Đặc điểm ngoại hình nhân vật nữ

Xứ tuyết là tiểu thuyết đầu tay của văn hào Nhật Bản Kawabata

Yasunary, được khởi bút từ năm 1935 và hoàn thành năm 1947 Sự ra đời của tác phẩm đã đem lại niềm tự hào lớn lao cho nước Nhật nói chung và Kawabata nói riêng, khiến tác phẩm được đánh giá là quốc bảo của nền văn học Nhật Bản Đánh giá về tác phẩm, dịch giả người Pháp Armel Guerne cho rằng “đây là một tác phẩm thuần túy Nhật Bản khác với lối tư duy trong ngôn ngữ phương Tây vốn nặng về gò bó duy lý Nghệ thuật mờ ảo, cái Đẹp được

miêu tả tinh tế lộng lẫy, lối kết cấu gần như vô hình” Có thể nói Xứ tuyết là

một hành trình đi tìm cái đẹp mà Kawabata là người lữ khách u sầu trên hành trình vĩ đại ấy Cái đẹp mà Kawabata thể hiện trong tác phẩm đó là cái đẹp của con người, mà đặc biệt là người phụ nữ, cái đẹp của thiên nhiên, của tuyết trắng, của nghệ thuật geisha, và của nghề dệt vải Chijimi truyền thống

Trong hành trình đi tìm cái đẹp của Kawabata, có lẽ cái đẹp mà ông nâng niu, trân trọng nhất là cái đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ Kawabata quan niệm phụ nữ là cái đẹp tượng trưng cho vẻ đẹp của Nhật Bản

cổ xưa, Nhật Bản thời Heian Trong Xứ tuyết, vẻ đẹp của người phụ nữ Nhật

Trang 14

Bản được hội tụ đầy đủ ở hai nhân vật Komoko và Yoko Dưới ngoài bút tài hoa, tinh tế của Y.Kawabata, chỉ qua một vài nét về hình dáng bên ngoài của nhân vật, người đọc cũng thấy toát lên những vẻ đẹp cao quý của tâm hồn, đó

là những trái tim đầy vị tha, nhân hậu, những trái tim bồ tát Vẻ bề ngoài yêu kiều, quyến rũ của họ khiến chàng lãng tử Shimamura đến từ Tokyo phải sửng sốt, choáng ngợp

Trong sáng tác của Kawabata, người phụ nữ xuất hiện với số lượng đông đảo và hết sức phong phú đa dạng, ở mọi lứa tuổi mà đặc biệt là tuổi trẻ Họ

có thể làm nhiều nghề khác nhau và ở những địa vị khác nhau, mỗi người đều

có một tính cách, đặc điểm, cuộc đời riêng như công chức, dạy trà đạo, thư kí,

nội trợ,… Xứ tuyết là điểm nhấn để cho bức tranh về phụ nữ Nhật Bản trong

sáng tác của Kawabata được phong phú, đầy đủ hơn, đó là nghề Geisha, một ngành nghệ thuật gần như sắp tàn ở Nhật Bản Và nếu như các nhân vật nam thường được Y.Kawabata chú trọng vào nội tâm mà ít chú ý đến miêu tả về ngoại hình thì ngược lại nhân vật nữ lại được ông đặc biệt chú trọng về ngoại

hình dù đó là nhân vật chính hay nhân vật phụ Trong Xứ tuyết, Komako và

Yoko được đặc tả khá đầy đủ các bộ phận trên cơ thể Đối với Komako, đó là làn da, mắt, lông mi, dáng người, tóc,… còn với Yoko thì tác giả chủ yếu tập trung vào giọng nói, ánh mắt và khuôn mặt lạnh lùng xa cách

Bên cạnh lối miêu tả chi tiết, kỹ lưỡng là lối đặc tả chi tiết nhằm cá thể hóa nhân vật Mỗi nhân vật nữ của ông là một con người rất riêng, cụ thể, không thể lẫn lộn, thể hiện khả năng quan sát hết sức tinh tế của Y.Kawbata Yoko được Kawabata nhấn đi nhấn lại vẻ đẹp của đôi mắt Đó là “đôi mắt đen lánh như ngọc huyền” như ám ảnh Shimamura cũng như độc giả Đôi mắt cháy lửa ấy được miêu tả tới mười lần, và gương mặt quyến rũ nhưng lạnh lùng, xa cách được miêu tả tới chín lần, đặc biệt là âm giọng của nàng tới mười lăm lần Đối với Komako, Kawabata lại nhấn mạnh vào làn da “làn da

cô khiến ta nhớ tới cái nhẵn của một củ hành tươi bóc vỏ hoặc hơn thế nữa,

Trang 15

của một củ huệ” Dưới ngòi bút của Kawabata, mỗi nhân vật nữ hiện lên với một vẻ đẹp ngoại hình khác nhau, và họ đều đẹp lộng lẫy, đầy sức sống

1.2.1.1 Komako – vẻ đẹp ngoại hình trong sáng, đầy sức sống

Trong Xứ tuyết, nhân vật Komako đã gây được ấn tượng mạnh mẽ về

một ngoại hình trong sáng, đầy sức sống Gặp Komako lần đầu, Shimamura không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng: “sững sờ đứng dậy vì ngạc nhiên… Cô gái gây cho Shimamura một cảm giác tuyệt vời bởi vẻ sạch sẽ và tươi mát của cô… thân thể cô chắc phải sạch sẽ lắm, sạch đến tận chân tơ kẽ tóc, thậm chí anh tự hỏi sự tinh khiết ấy phải chăng là ảo ảnh” Komako gợi lên trong anh những tình cảm bạn bè trong sạch, anh thực lòng muốn giữ mãi tình cảm đó

và cô sẽ là người bạn gái tuyệt vời cho vợ anh khi cả gia đình đến đây Nhưng cuối cùng, chính ấn tượng kì lạ rất tươi mát và cực kì sạch sẽ mà cô gây nên

là nguồn gốc cho sự ham muốn đột ngột ở Shimamura: “rõ ràng ngay từ đầu anh chỉ muốn có mình cô”

Vẻ đẹp gợi cảm của Komako còn được tác giả đặc tả trên khuôn mặt

“một vẻ gợi tình đằm thắm, có lẽ tại hàng mi dày và dài của cô, mà đôi mắt cụp xuống lại càng tôn thêm giá trị” Đôi mắt của Komako được miêu tả mang vẻ đẹp huyền bí và có chút gì đó phi nữ tính: “Hàng mi của cô không cong, cũng không hướng lên phía trên, cắt ngang mí mắt thành một đường thẳng đến nỗi trông có vẻ kì dị, thậm chí buồn cười, nếu nó không được bao bọc một cách tế nhị bởi hàng lông mày rậm, cong và mượt như tơ lụa” Mặc

dù mắt cô không được miêu tả đẹp lộng lẫy, kết hợp với “mặt cô rất tròn và hai gò má hơi cao kể ra thì không có gì đáng chú ý”, nhưng “ với nước da hồng hào mịn màng với cái cổ trinh bạch và đôi vai mảnh dẻ còn sắp đầy lên chút nữa, cô gợi một ấn tượng tươi mát, trong sạch đến nỗi cô có tất cả vẻ đẹp quyến rũ của một sắc đẹp, cho dù cô không đẹp hoàn hảo” Và đôi mắt đó còn cho thấy sự trong sáng, hồn nhiên của cô gái miền cao, sống hồn hậu, mộc

Trang 16

mạc, chân thành như chính thiên nhiên nơi đây: “ Ánh mắt cô ướt và sáng một cách ngây thơ lại càng non trẻ; đôi mắt cô vẫn là đôi mắt của một thiếu nữ mới lớn, gần như của một đứa bé…” Như vậy, chỉ qua một vài nét vẽ về đôi mắt, Kawabata đã khắc họa được phần nào vẻ bề ngoài trong sáng, chân thành của Komako, một đôi mắt của sự quyến rũ, đầy sức sống

Miêu tả về ngoại hình Komako, Kawabata tập trung nhiều nhất ở làn da Nước da hồng hào của cô được miêu tả một cách đầy ấn tượng: “Với màu da

tự nhiên khỏe khoắn của cô gái miền núi xiết bao trong trắng với gương mặt mịn màng bóng bẩy của một geisha thị thành, làn da cô khiến ta nhớ tới cái nhẵn của một củ hành tươi bóc vỏ hoặc hơn thế nữa, của một củ huệ, nhưng với một chút ửng hồng tỏa xuống tận hõm ngực Một hương thơm của sự sạch

sẽ thoang thoảng quanh cô” Làn da của Komako gợi lên một vẻ đẹp trong sạch đến tinh khiết toát lên từ mọi biểu hiện của cơ thể nàng, khiến cho Shimamura cảm nhận vẻ đẹp thanh khiết của Komako phô bày như một ảo mộng về sự trinh bạch Shimamura quyến luyến xứ tuyết cũng phải thừa nhận bởi có Komako trong đó, chàng say mê nét nữ tính ở làn da, ở dáng điệu hồn nhiên của cô như người ta say mê những dòng ôn tuyền nơi xứ lạnh, và anh

“ngây ngất ngắm làn da mát rượi lành mạnh trắng đến tinh khiết gợi đến sự sạch bóng của những đồ phơi giặt ngoài trời” Làn da, cảm giác buốt giá của bàn tay Komako là nỗi ám ảnh đọng lại rất lâu trong Shimamura Nên khi thiếu vắng nàng, anh chợt đắn đo: “Phải chăng con người nhờ có làn da mịn dịu thơm mà con người biết yêu thương?” Rồi như một thói quên vụng dại dành cho Komako, anh luôn nghĩ về cô với sự khao khát đụng chạm với làn

da mịn màng, thanh khiết: “đúng ra đó là một giấc mơ hơn là sự thèm muốn thân xác, trở thành nỗi niềm thương nhớ nảy ra trong anh, như nỗi niềm thương nhớ huyền bí về những đỉnh núi cao”

Màu sắc của làn da dường như đối lập với màu sắc ấm áp ở đôi gò má của cô: “Má cô hơi hồng hồng, ở phía dưới đôi mắt, nơi cô vừa áp tay

Trang 17

Shimamura vào, màu hồng vẫn lộ rõ bất chấp lớp phấn trắng thoa khắp mặt cô” Làn da và gò má của Komako đều được đặc tả bằng ấn tượng về màu sắc Màu trắng và vẻ sạch sẽ của làn da cô khiến Shimamura nghĩ tới màu của xứ tuyết, nghĩ đến cái lạnh ở đây Tương phản với nó là sự ấm áp rực lên từ gò

má Komako mà Shimamura nhiều lần nhìn ngắm Sự đối lập mạnh mẽ này phần nào đã khắc họa được vẻ đẹp tràn đầy, một vẻ đẹp của vùng núi tuyết hiện lên qua ngoại hình của người phụ nữ này Và vẻ đẹp trong sáng, đầy sức sống ấy được nhân lên gấp bội khi nó được phản chiếu qua chiếc gương soi:

“Cái màu trắng ở tít sâu trong gương, đó là màu tuyết, ở giữa đó rực lên màu

đỏ của đôi má người đàn bà trẻ Vẻ đẹp của sự tương phản ấy cực kì trong sạch, nó vô cùng dữ dội vì nó sắc nhọn và sống động”

Một đặc điểm không thể thiếu trong ngoại hình của Komako chính là mái tóc Shimamura dường như đã ngắm nhìn mái tóc ấy rất kĩ và miêu tả nó thật ấn tượng: “Thực ra thì tóc cô không dày lắm, có lẽ nó đẹp là bởi sức sống của nó, bởi tóc cô cứng gần như tóc đàn ông nên cô có thể chải cao lên một cách hoàn hảo, cách điệu hóa theo mốt cổ xưa, bóng như sơn, khiến trông như

cô đội một tác phẩm điêu khắc chắc nịch bằng đá đen” Mỗi lần ngắm nhìn mái tóc ấy của Komako, anh dường như lại phát hiện ra một vẻ đẹp trong cô Mái tóc gần như một biểu tượng cho sức sống trong người đàn bà trẻ Đôi khi

vẻ đẹp ngoại hình ấy lại gợi lên chút gì đó huyền bí, mờ ảo dưới con mắt của Shimamura: “Màu đen của mái tóc người đàn bà trẻ hình như không sâu như trước, mà lại ẩn hiện sắc thái của màu tím” Các đặc điểm ngoại hình của Komako được chú trọng miêu tả rất nhiều bằng màu sắc và tạo sự tương phản giữa chúng Kawabata đã thật khéo léo khi miêu tả làn da Komako đỏ ửng dưới áo kimono hơi hở ra “trông thật khêu gợi và khi tương phản với mái tóc đen sẫm, da thịt cô chỗ ấy càng làm anh thèm muốn Trong cơn thèm khát rạo rực cháy bỏng anh tưởng như cô đang khỏa thân trước mặt anh” Mỗi một đặc

Trang 18

điểm ngoại hình lại là một vẻ đẹp của Komako nhưng có thể nói, nó đều gợi nên một vẻ đẹp tràn trề, đầy sức sống và rực rỡ ở người phụ nữ này

Vẻ đẹp ngoại hình đầy sức sống còn được miêu tả qua sống mũi và đôi môi của Komako Kawabata đã đặc tả đôi môi của Komako với vẻ đẹp đầy quyến rũ: “Đôi môi của cô thì giống như một bông hoa lúc chụm lúc nở, nồng nàn, sống động và khát khao Ngay cả khi cô không nói gì, đôi môi cô cũng rất linh hoạt và hình như tự nó luôn chuyển động Nếu bị nứt nẻ hoặc nhăn nheo, hoặc chỉ nhợt nhạt thôi, đôi môi có thể trông sẽ hơi khó chịu, nhưng đằng này, môi cô lại mịn màng đỏ mọng đầy sức sống” Từng cử chỉ, động tác, từng biểu hiện của đôi môi ấy đều được Shimamura ghi lại trong ấn tượng

về sự căng mọng, tràn đầy sức sống, khi cô hát cử động cặp môi thật quyến rũ: “Chúng căng lên chỉ cốt để sau đó dãn ra buông thả hơn – đó cũng là biểu

lộ của toàn bộ thân thể cô, căng lên giây lát để rồi lả lơi hơn đầy nữ tính trong

sự trẻ trung, đẹp đẽ của cô” Cùng với đôi môi, sống mũi cô càng tôn thêm nét thanh tú của khuôn mặt, toát lên cái vẻ thanh sạch, tinh khiết và những vẻ đẹp

vô hình mà Shimamura đã cảm nhận được: “Mũi cô thanh tú và cao, vẻ côi cút trên gương mặt khiến anh cảm động và gợi một chút buồn…”

Vẻ đẹp trong sáng của Komako còn được bộc lộ ở dáng người thẳng ra

“trong một tư thế khiến cô lại càng trẻ trung hơn bao giờ hết”, trong giọng nói

“thẳng thắn, tính tự nhiên hoàn toàn đi thẳng vào tình cảm” Cảm nhận vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của cô là một ấn tượng mạnh khiến Shimamura dường như lúc nào cũng nhận thấy ở mỗi đặc điểm ngoại hình của cô, nhưng vẫn luôn bất ngờ về nó, đến mức có cảm tưởng rằng diễn tả nhiều đến thế nhưng anh vẫn cảm thấy chưa hết được vẻ đẹp thánh thiện của Komako Một vẻ đẹp trong sáng đến mức thánh thiện đã gây cho Shimamura nhiều cảm xúc: từ sững sờ, sung sướng, bối rối đến cảm thấy có lỗi, hổ thẹn khi chinh phục cô quá dễ dàng và càng yêu quý trân trọng cô hơn bao giờ hết

Trang 19

Sự gợi cảm quyến rũ mạnh mẽ của Komako là một sự tổng hòa được cảm nhận bởi tất cả các giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, cảm giác, và bằng cả tâm hồn Shimamura Phải chăng vẻ đẹp mà Komako có được là bởi nàng “đã được thấm đẫm những ngọn nguồn thần diệu, những sức mạnh huyền bí và những đức hạnh của thiên nhiên ở đây mà có lẽ nàng không hay biết”

1.2.1.2 Yoko – một dáng vẻ cổ xưa huyền bí

Có thể nói, nhân vật Komako và Yoko, là những hình tượng nhân vật tiêu biểu cho người phụ nữ Nhật Bản Cả hai nhân vật đều được vẽ bằng những nét vẽ tuyệt vời, thể hiện một vẻ đẹp lộng lẫy, khiến “chim sa cá lặn”, nhưng mỗi người lại mang một vẻ đẹp khác nhau, nói như Nguyễn Du thì đó là: “Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.Mặc dù Yoko ít được Kawbata chú ý miêu tả hình dáng bên ngoài, nhưng chỉ qua một vài nét phác thảo thôi,

ta cũng thấy được một nhan sắc “nghiêng thành” của một thiếu nữ vùng cao, sắc đẹp đó làm mê mẩn cả những người lần đầu tiên thấy nàng, một nét đẹp

cổ xưa huyền bí

Vẻ đẹp bên ngoại của Yoko không được miêu tả một cách đầy đủ, cũng không quá nhiều nhặn trong tác phẩm, những ấn tượng về ngoại hình của nàng chỉ hiện lên thông qua điểm nhìn và cảm nhận của Shimamura Và bức chân dung về ngoại hình của Yoko cũng chỉ có hai nét phác thảo chính: đôi mắt, trang phục và một vài nét về gương mặt, còn lại tất cả đều là cảm nhận của Shimamura Lần đầu tiên Shimamura gặp Yoko là lúc họ lên tàu, nhưng lúc đó, vẻ đẹp lạnh lùng của nàng khiến Shimamura không dám đối diện nhìn thẳng: “Anh chỉ mới thoáng nhìn đã phải cụp ngay mắt xuống vì quá sửng sốt trước sắc đẹp của nàng và vẻ lạnh lùng xa cách của nàng khiến anh e ngại”.Sự trong sáng, thánh thiện của Yoko đã được bộc lộ ở ngay ngoại hình, tạo nên một sức quyến rũ của nội lực huyền bí Vẻ lạnh lùng ấy đã ám ảnh

Trang 20

Shimamura sâu sắc, cuốn hút Shimamura, và trở thành niềm khao khát không thể với tới, dáng vẻ ấy khiến shimamura nghĩ tới một nhân vật xa xưa trong huyền thoại hơn là một con người trong thế giới thực tại: “Dáng vẻ vẫn nghiêm trang và quý phái,cảm giác đầu tiên của anh làm anh ít nghĩ tới chính nàng mà lại nghĩ nhiều tới một nhân vật nào đó xa xưa, tới một con người lý tưởng nào đó của thế giới huyền thoại”, “Cái lạnh lùng ở Yoko, mặc dù nàng vẫn nhiệt tình chăm sóc người ốm, như đã thấm vào Shimamura và làm anh nản lòng” Trong thời gian ở lại Xứ tuyết, cũng nhiều lần Shimamura tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với Yoko, nhưng lần nào anh cũng ấn tượng sâu sắc trước cái phong thái không bao giờ thay đổi, ngay cả trong tình huống xúc động nhất, khi Yoko vừa chạy bộ hai cây số để tới cầu xin Komako về vì Yukio đang hấp hối “Shimamura đứng đó sửng sốt tự hỏi tại sao bao giờ nàng cũng biết điều đến thế, nghiêm túc đến thế, anh lại còn tự trách mình đã có những ý nghĩ như vậy trong lúc này” Cái sức hấp dẫn kì lạ và mãnh liệt từ Yoko phải chăng là nét đẹp ngàn đời của người phụ nữ Nhật Bản kết tụ lại nơi nàng, một nét đẹp truyền thống, cổ xưa huyền bí xa vời chỉ có thể ngắm nhìn

mà không với tới được

Miêu tả vẻ đẹp bên ngoài của Yoko, Kawabata đặc biệt chú ý miêu tả đôi mắt, một đôi mắt cháy lửa hút hồn người Trên chuyến tàu đêm tới Xứ tuyết, Shimamura vô tình vạch tay lên tấm kính cửa sổ mờ hơi nước, và anh đã sững

sờ, suýt kêu lên một tiếng khi ở đó xuất hiện một con mắt phụ nữ Tấm kính cửa sổ như một tấm gương chiếu rõ khuôn mặt cô gái ngồi ở phía bên kia với đôi mắt có vẻ đẹp kì lạ, “sự căng thẳng ở con mắt đăm đăm của nàng, với hai hàng mi sững lặng” đã khiến chàng lãng tử Shimamura mê mẩn Và “ánh mắt tuyệt vời, ánh mắt xuyên thủng cả người ai đó bắt gặp” với cái nhìn ngấn nước đã tạo nên vẻ quyến rũ của “một vẻ đẹp huyền bí đến xiêu lòng” Ánh mắt liếc xéo của Yoko như để lại một vết bỏng giữa trán Shimamura, và cái

ấn tượng sâu sắc nhất mà Shimamura bị ám ảnh mãi không thôi, đó là khi ánh

Trang 21

lửa ở một ngọn núi xa trùng khít với đồng tử của Yoko “Một thế giới đẹp khôn tả mà Shimamura cảm thấy thấm tận vào tim anh, anh bàng hoàng khi một ánh lửa xa tít trong núi bỗng lóe sáng ở giữa gương mặt đẹp của người đàn bà trẻ, khiến cho vẻ đẹp không thể nào kể xiết ấy đạt tới đỉnh điểm” Chàng lãng tử ấy như chìm đắm trong vẻ đẹp choáng ngợp toàn bộ tâm trí lẫn con người mình “Shimamura nhìn dõi theo ánh sáng từ từ dịch chuyển trên khuôn mặt mà không làm mờ nó, đó là một đốm lửa lạnh lẽo thấp thoáng rất

xa Và khi nó rơi vào đúng đồng tử của người đàn bà trẻ, khi ánh mắt và ánh lửa trùng khít nhau thì đó là một vẻ đẹp huyền diệu lạ kì, con mắt sáng rực như lênh đênh trên đại dương đêm tối và trên những cơn sóng xô nhanh của các núi non” Vẻ bừng sáng trong đôi mắt của Yoko được miêu tả với ánh sáng lóe lên trong tấm kính trên toa tàu đã cho thấy một vẻ đẹp phi thực hiện lên trong ngoại hình của người phụ nữ này Và vẻ đẹp phi thực ấy nhiều lần

ám ảnh tâm trí Shimamura, khiến cho anh cảm thấy việc ngắm nhìn vẻ đẹp ấy đối với anh như một giấc mộng “Và anh nhớ lại vẻ đẹp tinh khiết, khó tả nên lời của đốm lửa lạnh lẽo ở xa kia, vẻ thần tiên của điểm sáng ấy khi nó dịch chuyển qua khuôn mặt của người đàn bà trẻ… ánh sáng ấy trong một lúc đã rọi chiếu đầy vẻ siêu nhiên cái nhìn của nàng Sự say đắm tuyệt diệu và bí ẩn của cái nhìn ấy đã được trái tim Shimamura đáp lại tối hôm ấy bằng cách nó đập gấp gáp hơn” Như vậy, nếu như Komako với ánh mắt giống như trẻ thơ thì đôi mắt của Yoko được đặc tả với vẻ đẹp huyền diệu đầy cuốn hút, qua đó

ta thấy được vẻ đẹp khác biệt giữa các nhân vật của Kawabata, thể hiện tài năng quan sát hết sức tinh tế của ông Với đôi mắt cháy lửa, Kawabata đã khiến vẻ đẹp của Yoko trở thành nỗi ám ảnh đối với Shimamura cũng như độc giả và khiến cho vẻ đẹp của nàng trở nên siêu thực

Bên cạnh đôi mắt được miêu tả nhiều nhất, gương mặt quyến rũ nhưng lạnh lùng, xa cách của Yoko được miêu tả tới chín lần Ngắm nhìn gương mặt

Trang 22

như đang mê đi trước bức tranh vừa không thực lại vừa siêu nhiên, và không phút nào anh cảm thấy bất nhã khi chăm chăm ngắm nhìn cô gái ấy Shimamura không thể không thừa nhận rằng vẻ đẹp của Yoko “có sự ám ảnh quyến rũ và huyền diệu” với “một khuôn mặt gợi cảm đậy nữ tính và tuổi trẻ” Mặc dù luôn e ngại trước dáng vẻ nghiêm trang, quý phái của Yoko nhưng trước “sắc đẹp kì lạ của khuôn mặt… Anh quên cả bản thân anh, anh hoàn toàn bị cuốn hút vào những điều thần diệu và không biết mình mơ hay tỉnh” Xúc động sâu sắc trước cái đẹp tới mê người, Shimamura như người đang say, chàng không ngừng ngắm nhìn và cảm nhận “ và gương mặt xinh đẹp và cảm động ấy như thể hất tất cả cái buồn tẻ âm u xung quanh Hình ảnh gương mặt đó có vẻ phi thực và nếu vậy cũng phải trong suốt” Khuôn mặt ấy

dù ở trạng thái cảm xúc nào cũng toát lên một vẻ đẹp kì diệu, khiến cho Shimamura có nhiều cảm xúc khác nhau “Mặt nàng sững lặng như một cái mặt nạ, vẻ nghiêm nghị đến nỗi không biết nàng kinh ngạc, khiếp sợ hay giận

dữ Một gương mặt mà Shimamura thấy trong trắng và giản dị khác thường” Cái vẻ nghiêm nghị và lạnh lùng toát ra từ gương mặt thiên thần ấy đã tạo một

ấn tượng sâu sắc trong lòng Shimamura, khiến Shimamura không khỏi ngượng ngùng, lúng túng mỗi khi đối diện

Vẻ đẹp truyền thống cổ xưa qua bề ngoài của Yoko còn thể hiện qua trang phục mà nàng mặc Shimamura không khai thác những đặc điểm khác

về ngoại hình mà tiếp tục miêu tả những đặc điểm gây ấn tượng mạnh với anh

“Anh chỉ cần nhìn cái cách thức nàng mặc chiếc quần bakama miền núi,… : nhưng mẫu hình trang nhã ở đai thắt lưng của nàng chỉ lộ ra một nửa ở phía trên chiếc quần rộng xẻ ống như rọi sáng những đường kẻ nâu và kẻ đen xấu

xí ở vải quần, đồng thời làm cho hai ống tay dài ở áo kimono bằng len của nàng có vẻ quyến rũ hơn” Bộ trang phục và cách ăn mặc của Yoko không có

gì nổi bật, thậm chí có phần giản đơn, xấu xí nhưng dưới con mắt của Shimamura, mọi thứ dù xấu hay đẹp đều góp phần tôn thêm vẻ đẹp quyến rũ

Trang 23

của nàng Tất cả những đặc điểm ngoại hình của Yoko qua con mắt nhìn của Shimamura được miêu tả đầy tính thẩm mĩ và phi thực, tạo nên những đặc trưng nổi bật về ngoại hình của Yoko, một dáng vẻ cổ xưa, huyền bí

Trong tác phẩm, thời lượng tác giả miêu tả Yoko không nhiều nhưng không lần nào không nhắc đến ấn tượng của vẻ đẹp đầy gợi cảm và quyến rũ của nàng đối với Shimamura khiến anh tự thấy “chẳng biết vì sao, sự thực ra sao, khi mình bị người con gái ấy hút hồn” Vẻ đẹp của cô tác động vào tâm hồn Shimamura một cách mạnh mẽ Mỗi lần gặp gỡ, cô lại để lại một ấn tượng mới, một sự ngạc nhiên mới dù cô không cố tình thể hiện, mà hơn thế

cô còn tỏ ra “lạnh lùng” với dáng vẻ lúc nào cũng “nghiêm trang và quý phái” khiến cho Shimamura nản lòng nhưng rồi lại bị cuốn hút hơn Từ những ấn tượng cảm nhận về ngoại hình của Yoko, ta thấy toát lên những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Nhật Bản, rất tiêu biểu cho vẻ đẹp Nhật Bản, lặng lẽ, thanh cao, cổ xưa, huyền bí

1.2.2 Đặc điểm tính cách nhân vật nữ

Thạch Lam từng nói: “cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi sự vật tầm thường Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức” Mỗi nhà văn đều có sự lựa chọn riêng cho tác phẩm và sự nghiệp sáng tác của mình

Từ xưa đến nay, nhiều người đã chọn phụ nữ làm đối tượng thẩm mĩ như R Tagore, M Goky, L Tônxtôi, Nguyễn Du, Thạch Lam,… Tuy nhiên, với Y.Kawabata ông có cách nhìn riêng về người phụ nữ Với ông, người phụ nữ đẹp phải là sự kết tinh của truyền thống, tâm hồn và tính cách dân tộc

Người phụ nữ xuất hiện với một số lượng đông đảo như trong tác phẩm

của Y.Kawabata là một hiện tượng khá đặc biệt Trong Xứ tuyết, nhân vật

chính là nữ có hai người là Yoko và Komako, còn nhân vật chính là nam thì

Trang 24

chỉ có Shimamura Đi sâu vào tác phẩm của Kawabata ta thấy rõ một tình cảm đặc biệt của ông dành cho người phụ nữ Với ông, phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là biểu tượng hội tụ cái đẹp của cuộc sống Ông đã khám phá ra vẻ đẹp của họ từ những góc nhìn rất độc đáo và “Ở những chỗ mà không ai ngờ tới”

Trong Xứ tuyết, đó là vẻ đẹp của những cô gái nơi xa xôi, hẻo lánh, phía bắc

Nhật Bản, hơn nữa lại là những geisha Vẻ đẹp của nàng Komako không chỉ

là sức quyến rũ của ngoại hình mà là vẻ đẹp tinh thần, tâm hồn, vẻ đẹp của sức sống tràn trề, của tình yêu nồng nhiệt, say mê, hết mình, của sự hồn nhiên, trong sáng, chân thành, đam mê trong từng hành động, cử chỉ, trong cả lời ca tiếng đàn của cô Vẻ đẹp đó là sự hội tụ sức mạnh, tinh thần của thiên nhiên

xứ tuyết Ở Yoko lại có một vẻ đẹp riêng, khác biệt, nàng là biểu tượng cho

vẻ đẹp tinh thần trong sáng, thuần khiết mà xa với không thể với tới, biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Nhật Bản, một vẻ đẹp lặng lẽ, thanh cao, dịu dàng, tận tụy, thủy chung với tình yêu bao la của người mẹ

Với Y.Kawabata, người phụ nữ là phương tiện tốt nhất để biểu thị cái đẹp và tư tưởng thẩm mĩ của ông Vẻ đẹp dù trong trắng, quyến rũ, tuyệt vời đến mức nào thì cũng hết sức mong manh, không bền vững và cái đẹp là hiện hữu nhưng không hẳn ai cũng cảm nhận được giá trị đích thực của nó để trân trọng, nâng niu, giữ gìn Y.Kawabata đã giành cho người phụ nữ một sự quan tâm đặc biệt, nhưng họ đều là những người phụ nữ đẹp bất hạnh Người lữ khách đi tìm cái đẹp gặp gỡ rồi chia xa, cái đẹp hiện hữu rồi mất đi, chính vì thế mà hành trình đó vô tận muôn đời

Trong Dẫn luận nghiên cứu văn học nhà nghiên cứu G.N.Pôxpêlốp

viết: “Thể hiện tâm lý (psychologisme) là phương thức quan trọng nhất để chiếm lĩnh đời sống con người bằng văn học nghệ thuật Thuật ngữ này chỉ là một sự tái hiện cá thể hóa chi tiết các thể nghiệm của nhân vật trong quan hệ qua lại của chúng với nhau và trong sự vận động” [10, 216] Với ưu thế của nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu sáng tạo, văn học có khả năng khám phá

Trang 25

và tái hiện một cách sâu sắc, tinh tế thế giới bên trong của con người Được xem là một trong những tác giả tiêu biểu của khuynh hướng tiểu thuyết hướng nội thế kỉ XX, mặc dù toàn bộ tiểu thuyết của ông đều được kể theo ngôi thứ

ba, nhưng ông không trần thuật theo lối khách quan với tư cách “thượng đế thông toàn” như truyền thống mà ông dịch chuyển điểm nhìn vào nhân vật để khách quan hóa tự sự và khẳng định vai trò của độc giả trong tiếp nhận văn học Và với “nghệ thuật viết văn tuyệt vời và lối tư duy của một tâm hồn Nhật Bản”, ông “không bao giờ tham gia trực tiếp vào câu chuyện nhưng lại kể với

tư thế của một người trong cuộc” khiến cho việc khám phá tâm lý nhân vật một cách sâu sắc, hết sức chân thực mà hấp dẫn

Trong Xứ tuyết, qua con mắt nhìn của Shimamura, hay chính là của

Kawabata, vẻ đẹp của người phụ nữ được miêu tả trong sự đối lập với đàn

trong mình một trái tim bồ tát, người phụ nữ càng nhân hậu, thánh thiện, nhạy cảm, vị tha, bao dung thì người đàn ông lại càng méo mó, vô cảm Komako cuối cùng cũng phát hiện ra hình như đàn ông không biết yêu Tình yêu cháy bỏng, mãnh liệt cùng sự hi sinh, tận tụy, dâng hiến hết mình của Komako dường như không thể lay động được trái tim vô cảm của Shimamura Chính

sự méo mó, vô cảm của người đàn ông lại làm nền nổi bật cho cái đẹp của người phụ nữ Trong trái tim của người phụ nữ không hề có đàn ông xấu, tất

cả những gì xấu xa khi đi qua trái tim người phụ nữ đều trở nên tốt đẹp cả Đó chính là khả năng thanh lọc của trái tim, trái tim người phụ nữ cũng là cái đẹp

và có khả năng cứu rỗi cuộc đời Đa số những người phụ nữ trong sáng tác của Kawabata, xét về cuộc sống riêng tư đều là những người bất hạnh, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống gia đình Dường như với họ, không phải cuộc sống lúc nào cũng bình lặng, ngược lại, họ phải chịu những bất hạnh mà lẽ ra

họ không phải chịu Nhưng trên hết, vượt qua nỗi đau, tâm hồn và nhân cách

Trang 26

1.2.2.1 Komako – con người nồng nhiệt, mạnh mẽ

a Komako – con người của đam mê, nội tâm phong phú

Đọc Xứ tuyết, ta dễ dàng nhận ra tất cả Komako là sự đam mê Vẫn biết

đam mê mang đến cho con người bao khổ lụy, nhưng vứt bỏ đam mê, sợi dây nối liền cuộc sống với con người không còn nữa, sống liệu có ích gì? Dưới bức họa chiếc thuyền Thất thánh tài của danh họa người Nhật Yamaoka Tesshu có viết rằng: “Nếu ai hỏi bằng cách nào để vượt qua thế giới phiền toái này, nên bảo với họ rằng: Hãy đi xuyên qua những chỗ nông cạn của đam mê” Đam mê khiến con người ta cuồng dại, có khi ngu muội đánh mất lí trí, trái tim không có mắt, sẽ gây nên biết bao muộn phiền, nhưng đam mê như dòng nước ngọt tưới tắm tâm hồn, nuôi dưỡng niềm vui sống của con người Komako là người đam mê nghệ thuật, cộng với nội tâm dồi dào, nàng như con chim non khát khao vùng vẫy mà bị giam hãm, thiếu bầu trời như thiếu tri âm

để cùng hòa chung tiếng hót Nàng tìm thấy ở Shimamura niềm thấu cảm với những gì nàng đeo đuổi và Shimamura cũng luôn biết lắng nghe cách nàng cảm thụ cuộc đời Komako giống như chiếc cung căng mình tột độ, rồi từ từ thả lỏng, nhắm mắt, lao về hướng đã định như cánh hoa Anh Đào vô tư lự thả rơi sự mỏng manh trong trạng thái an nhiên tuyệt đối Bởi thế, trách chi Shimamura ngự trong trái tim nàng như dải ngân hà rực sáng, và nàng tận tụy dâng hiến niềm vui đang có cho Shimamura Ngược lại, đối với Shimamura, Komako như một tia sáng ấm áp rơi trong đêm tối đến tâm hồn anh, thậm chí nuôi dưỡng tâm hồn anh

Niềm đam mê nghệ thuật đã đem đến cho Komako một ý chí phi thường

Từ lần gặp đầu tiên, Komako đã khiến Shimamura ngạc nhiên trước sự am hiểu của cô về kịch Kabuki Cô cũng đã từng có ý định làm vũ nữ ở Tokyo, đã phải học múa rất nhiều, phải tập, phải nghe giảng, đủ thứ, nhưng có lẽ tài năng nghệ thuật của cô kết tinh ở đàn samisen Shimamura vô cùng sửng sốt, ngạc nhiên khi cô học chơi đàn samisen chỉ qua những tập bài hát in theo lối

Trang 27

phổ thông, khoảng hai mươi tập phương pháp cổ xưa của Kineya Yashichi và những bản đàn bè hiện đại Chơi đàn samisen không phải dễ, nó đòi hỏi một ý chí, sự kiên trì bền bỉ và chút năng khiếu bẩm sinh Shimamura đã phải thốt lên khi biết Komako không được ai hướng dẫn cụ thể, chỉ học qua sách vở mà lại có thể chơi hay được: “Quả thật anh tin rằng người xuất bản những khúc nhạc này sẽ vô cùng sung sướng khi biết một geisha thực sự - chứ không phải một kẻ tài tử - lại học đàn theo sách của ông ta để hành nghề ở vùng núi này” Cùng với sự ngạc nhiên, Shimamura cũng không khỏi khâm phục người con gái đầy ý chí đó: “Vì cho dù có học được chút ít kiến thức sơ đẳng nhưng chỉ tập theo sách mà chơi được những bản nhạc khó, lại chịu khó luyện đàn đến mức thuộc lòng cả bài, thì rõ ràng đó là một chiến thắng lớn lao của ý chí” Tuy nhiên, đó mới chỉ là việc học đàn, khi nghe Komako chơi đàn, Shimamura mới thực sự bị thuyết phục “Thế là thế nào nhỉ? Và nói cho cùng, đây chỉ là một cô geisha miền núi, một phụ nữ còn chưa đầy hai mươi tuổi, lẽ nào cô lại có tài đến thế?” Và đặc biệt hơn, tài năng chơi đàn ấy đã kết hợp một cách tuyệt vời với tình yêu mãnh liệt của Komako, khiến cho trái tim tưởng như vô cảm của Shimamura phải nhận ra rằng “Cô yêu ta Người phụ

nữ này phải lòng ta” Tiếng đàn của Komako dường như có sức mạnh phi thường, có khả năng dẫn dụ Shimamura, khiến anh “cảm thấy như bị nhiễm điện”, “anh rùng mình và nổi da gà lên đến tận má” Trước những âm thanh kì diệu đó, mọi sự chống cự bằng lý trí của Shimamura hoàn toàn trở nên vô ích

“Anh tưởng như những nốt nhạc đầu tiên đã khoét một cái hốc trong ruột gan anh, tạo ở đó một khoảng trống cho tiếng đàn tinh khiết và trong sáng âm vang Đó là một cái gì cao hơn sự ngạc nhiên, đó là sự sững sờ khi anh bị một

cú đòn giáng trúng đầu Bị cuốn theo một cảm giác gần như sùng kính, gần như bị ngập chìm trong biển cả những luyến tiếc, cảm động, hụt hẫng, không thể chống cự, anh chỉ còn một cách là để mặc cho sức mạnh cuốn đi, một cách

Trang 28

đàn và lời ca của mình, Komako như đưa Shimamura vào một cuộc phiêu lưu trong những cảm xúc, bắt anh phải đối diện với tình cảm trực tiếp của mình

“tiếng hát bạo dạn của cô khiến Shimamura chóng mặt, anh cố cưỡng lại, vì không biết tiếng nhạc sẽ kéo anh đến tận đâu”

Tất cả ở Komako, khiến người ta sửng sốt Xinh đẹp, thanh khiết, tài năng, kiên trì và cũng dồi dào nội tâm Nàng đam mê nghệ thuật, là một geisha tuyệt vời của một nền nghệ thuật sắp tàn của Nhật Bản Một đời sống tinh thần đầy bất trắc, dồi dào nội tâm ở một geisha là điều cần thiết nhưng cũng là một nhược điểm G.Vostokos (Nga) đã khẳng định rằng: “Geisha hoàn toàn không phải phụ nữ bán mình, điều hoàn toàn thuộc về nghĩa vụ của

cô ta; đó chỉ là những nữ nghệ sĩ được mời đến với một số tiền thù lao cho việc giải trí và thú vui của nghệ thuật” Lẽ vậy, Komako lưu trú lại trong lòng Shimamura cảm thức nghịch dị, sự mê đắm thể xác và cả sự trân trọng tâm hồn tài hoa rồi để lại một niềm khinh thanh dịu nhẹ Người Nhật Bản từ thưở

xa xưa đã quen chia người phụ nữ ra thành ba loại: để cho ngôi nhà của mình

có người nối dõi tông đường là vợ; để cho tâm hồn là geisha với trình độ học vấn của cô ta; để cho thể xác là các cô ôiran Kawabata đã gởi gắm một nét đẹp lưng chừng giữa đời sống tinh thần Nhật Bản đang chao nghiêng khi một

cô ôiran và một geisha gần như là một Một geisha không thuần nhất thanh khiết, chỉ để cho tâm hồn và tài hoa; một geisha biết dùng thể xác ở các trà thất, nhà trọ, nhưng vượt lên trên là cách cô đối xử với chính tâm hồn mình, geisha Komako ở suối nước nóng xa xôi hẻo lánh là một geisha tuyệt vời! Khiến cho ai cũng có giấc mơ về một thế giới tinh khiết

Người ta thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, niềm đam mê nghệ thuật đã đưa Komako đến với một tình yêu mãnh liệt khi cô tìm thấy ở Shimamura một niềm đồng cảm sâu sắc, như con chim đã tìm lại được bầu trời, tìm được tri âm để hòa chung tiếng hót Komako luôn khao khát có một mái ấm gia đình, có một người đàn ông để nương tựa, nhưng cô cũng

Trang 29

luôn ý thức được rằng nghề nghiệp của mình chỉ phục vụ những người đàn ông lông bông nhàn rỗi đến giải khuây vài ngày rồi lại đi, cô cảm nhận rõ ràng sự chua xót, phũ phàng của số phận Tình yêu mãnh liệt của Komako dành cho Shimamura trải qua vô vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau, và qua đó cũng cho thấy một nội tâm phong phú, một tâm hồn nhạy cảm của cô Ngay từ lần gặp đầu tiên, Komako đã bị Shimamura chinh phục một cách dễ dàng Với bản tính trong sáng, hồn nhiên, bộc trực và một cá tính mạnh mẽ,

cô không thể che dấu tình cảm của mình Ý thức được kết cục của cuộc tình với những khách du lịch chỉ lưu lại có vài này rồi đi, trong con người Komako luôn diễn ra sự đấu tranh tư tưởng, sự dằn vặt, lo sợ vì tình yêu ấy không đến đâu, lo sợ ngày mai sẽ không còn ở bên cạnh người yêu, và lo sợ Shimamura không hiểu được khát khao cháy bỏng của mình Cô cố gắng dùng lí trí để trấn át con tim không được đến bên Shimamura, nhưng rồi cuối cùng cô vẫn

ào đến bên anh như một cơn lốc Mọi sự cố gắng che giấu, cưỡng lại tình cảm của mình đều bị phản bội trong tiếng gọi giữa đêm khuya vang khắp quán trọ:

“Shimamura! Shimamura! tôi không trông rõ gì nữa cả - cô gọi – Shimamura!” Tiếng gọi ấy đã lột bỏ hết sự giả tạo, là tiếng kêu thực sự của trái tim, là lời cầu cứu của một người đàn bà với một người đàn ông, hoàn toàn tự nhiên Nó mộc mạc và rõ rang đến mức “Shimamura cảm thấy cực kì cảm động” Đêm hôm đó, cô đã đấu tranh quyết liệt với bản thân mình trong

sự tuyệt vọng trước tiếng gọi của tình yêu và sự khát khao được dâng hiến:

“Cô khoanh tay để không cho bàn tay của Shimamura lần tới vú cô Bỗng nhiên cô tức giận với cánh tay của chính cô vì nó đã không làm điều cô muốn,

cô chửi rủa nó và cắn nó một cách độc ác” Từ trang 242 đến trang 245, tác giả đã diễn tả hết sức thành công sự giằng xé quyết liệt trong con người Komako, từ tiếng gọi thống thiết, tới việc chửi rủa, cắn vào cánh tay mình một cách độc ác, cô viết đi viết lại cái tên Shimamura và trong cơn mê sảng,

Ngày đăng: 09/10/2015, 09:56

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w