7. Bố cục khóa luận
1.2.2.1. Komako – con người nồng nhiệt, mạnh mẽ
a. Komako – con người của đam mê, nội tâm phong phú
Đọc Xứ tuyết, ta dễ dàng nhận ra tất cả Komako là sự đam mê. Vẫn biết
đam mê mang đến cho con người bao khổ lụy, nhưng vứt bỏ đam mê, sợi dây nối liền cuộc sống với con người không còn nữa, sống liệu có ích gì? Dưới bức họa chiếc thuyền Thất thánh tài của danh họa người Nhật Yamaoka Tesshu có viết rằng: “Nếu ai hỏi bằng cách nào để vượt qua thế giới phiền toái này, nên bảo với họ rằng: Hãy đi xuyên qua những chỗ nông cạn của đam mê”. Đam mê khiến con người ta cuồng dại, có khi ngu muội đánh mất lí trí, trái tim không có mắt, sẽ gây nên biết bao muộn phiền, nhưng đam mê như dòng nước ngọt tưới tắm tâm hồn, nuôi dưỡng niềm vui sống của con người. Komako là người đam mê nghệ thuật, cộng với nội tâm dồi dào, nàng như con chim non khát khao vùng vẫy mà bị giam hãm, thiếu bầu trời như thiếu tri âm để cùng hòa chung tiếng hót. Nàng tìm thấy ở Shimamura niềm thấu cảm với những gì nàng đeo đuổi và Shimamura cũng luôn biết lắng nghe cách nàng cảm thụ cuộc đời. Komako giống như chiếc cung căng mình tột độ, rồi từ từ thả lỏng, nhắm mắt, lao về hướng đã định như cánh hoa Anh Đào vô tư lự thả rơi sự mỏng manh trong trạng thái an nhiên tuyệt đối. Bởi thế, trách chi Shimamura ngự trong trái tim nàng như dải ngân hà rực sáng, và nàng tận tụy dâng hiến niềm vui đang có cho Shimamura. Ngược lại, đối với Shimamura, Komako như một tia sáng ấm áp rơi trong đêm tối đến tâm hồn anh, thậm chí nuôi dưỡng tâm hồn anh.
Niềm đam mê nghệ thuật đã đem đến cho Komako một ý chí phi thường. Từ lần gặp đầu tiên, Komako đã khiến Shimamura ngạc nhiên trước sự am hiểu của cô về kịch Kabuki. Cô cũng đã từng có ý định làm vũ nữ ở Tokyo, đã phải học múa rất nhiều, phải tập, phải nghe giảng, đủ thứ, nhưng có lẽ tài năng nghệ thuật của cô kết tinh ở đàn samisen. Shimamura vô cùng sửng sốt, ngạc nhiên khi cô học chơi đàn samisen chỉ qua những tập bài hát in theo lối
phổ thông, khoảng hai mươi tập phương pháp cổ xưa của Kineya Yashichi và những bản đàn bè hiện đại. Chơi đàn samisen không phải dễ, nó đòi hỏi một ý chí, sự kiên trì bền bỉ và chút năng khiếu bẩm sinh. Shimamura đã phải thốt lên khi biết Komako không được ai hướng dẫn cụ thể, chỉ học qua sách vở mà lại có thể chơi hay được: “Quả thật anh tin rằng người xuất bản những khúc nhạc này sẽ vô cùng sung sướng khi biết một geisha thực sự - chứ không phải một kẻ tài tử - lại học đàn theo sách của ông ta để hành nghề ở vùng núi này”. Cùng với sự ngạc nhiên, Shimamura cũng không khỏi khâm phục người con gái đầy ý chí đó: “Vì cho dù có học được chút ít kiến thức sơ đẳng nhưng chỉ tập theo sách mà chơi được những bản nhạc khó, lại chịu khó luyện đàn đến mức thuộc lòng cả bài, thì rõ ràng đó là một chiến thắng lớn lao của ý chí”.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là việc học đàn, khi nghe Komako chơi đàn, Shimamura mới thực sự bị thuyết phục “Thế là thế nào nhỉ? Và nói cho cùng, đây chỉ là một cô geisha miền núi, một phụ nữ còn chưa đầy hai mươi tuổi, lẽ nào cô lại có tài đến thế?”. Và đặc biệt hơn, tài năng chơi đàn ấy đã kết hợp một cách tuyệt vời với tình yêu mãnh liệt của Komako, khiến cho trái tim tưởng như vô cảm của Shimamura phải nhận ra rằng “Cô yêu ta. Người phụ nữ này phải lòng ta”. Tiếng đàn của Komako dường như có sức mạnh phi thường, có khả năng dẫn dụ Shimamura, khiến anh “cảm thấy như bị nhiễm điện”, “anh rùng mình và nổi da gà lên đến tận má”. Trước những âm thanh kì diệu đó, mọi sự chống cự bằng lý trí của Shimamura hoàn toàn trở nên vô ích “Anh tưởng như những nốt nhạc đầu tiên đã khoét một cái hốc trong ruột gan anh, tạo ở đó một khoảng trống cho tiếng đàn tinh khiết và trong sáng âm vang. Đó là một cái gì cao hơn sự ngạc nhiên, đó là sự sững sờ khi anh bị một cú đòn giáng trúng đầu. Bị cuốn theo một cảm giác gần như sùng kính, gần như bị ngập chìm trong biển cả những luyến tiếc, cảm động, hụt hẫng, không thể chống cự, anh chỉ còn một cách là để mặc cho sức mạnh cuốn đi, một cách vui sướng, theo ý Komako. Cô có thể muốn làm gì anh thì làm”. Bằng tiếng
đàn và lời ca của mình, Komako như đưa Shimamura vào một cuộc phiêu lưu trong những cảm xúc, bắt anh phải đối diện với tình cảm trực tiếp của mình “tiếng hát bạo dạn của cô khiến Shimamura chóng mặt, anh cố cưỡng lại, vì không biết tiếng nhạc sẽ kéo anh đến tận đâu”.
Tất cả ở Komako, khiến người ta sửng sốt. Xinh đẹp, thanh khiết, tài năng, kiên trì và cũng dồi dào nội tâm. Nàng đam mê nghệ thuật, là một geisha tuyệt vời của một nền nghệ thuật sắp tàn của Nhật Bản. Một đời sống tinh thần đầy bất trắc, dồi dào nội tâm ở một geisha là điều cần thiết nhưng cũng là một nhược điểm. G.Vostokos (Nga) đã khẳng định rằng: “Geisha hoàn toàn không phải phụ nữ bán mình, điều hoàn toàn thuộc về nghĩa vụ của cô ta; đó chỉ là những nữ nghệ sĩ được mời đến với một số tiền thù lao cho việc giải trí và thú vui của nghệ thuật”. Lẽ vậy, Komako lưu trú lại trong lòng Shimamura cảm thức nghịch dị, sự mê đắm thể xác và cả sự trân trọng tâm hồn tài hoa rồi để lại một niềm khinh thanh dịu nhẹ. Người Nhật Bản từ thưở xa xưa đã quen chia người phụ nữ ra thành ba loại: để cho ngôi nhà của mình có người nối dõi tông đường là vợ; để cho tâm hồn là geisha với trình độ học vấn của cô ta; để cho thể xác là các cô ôiran. Kawabata đã gởi gắm một nét đẹp lưng chừng giữa đời sống tinh thần Nhật Bản đang chao nghiêng khi một cô ôiran và một geisha gần như là một. Một geisha không thuần nhất thanh khiết, chỉ để cho tâm hồn và tài hoa; một geisha biết dùng thể xác ở các trà thất, nhà trọ, nhưng vượt lên trên là cách cô đối xử với chính tâm hồn mình, geisha Komako ở suối nước nóng xa xôi hẻo lánh là một geisha tuyệt vời! Khiến cho ai cũng có giấc mơ về một thế giới tinh khiết.
Người ta thường nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, niềm đam mê nghệ thuật đã đưa Komako đến với một tình yêu mãnh liệt khi cô tìm thấy ở Shimamura một niềm đồng cảm sâu sắc, như con chim đã tìm lại được bầu trời, tìm được tri âm để hòa chung tiếng hót. Komako luôn khao khát có một mái ấm gia đình, có một người đàn ông để nương tựa, nhưng cô cũng
luôn ý thức được rằng nghề nghiệp của mình chỉ phục vụ những người đàn ông lông bông nhàn rỗi đến giải khuây vài ngày rồi lại đi, cô cảm nhận rõ ràng sự chua xót, phũ phàng của số phận. Tình yêu mãnh liệt của Komako dành cho Shimamura trải qua vô vàn những cung bậc cảm xúc khác nhau, và qua đó cũng cho thấy một nội tâm phong phú, một tâm hồn nhạy cảm của cô. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Komako đã bị Shimamura chinh phục một cách dễ dàng. Với bản tính trong sáng, hồn nhiên, bộc trực và một cá tính mạnh mẽ, cô không thể che dấu tình cảm của mình. Ý thức được kết cục của cuộc tình với những khách du lịch chỉ lưu lại có vài này rồi đi, trong con người Komako luôn diễn ra sự đấu tranh tư tưởng, sự dằn vặt, lo sợ vì tình yêu ấy không đến đâu, lo sợ ngày mai sẽ không còn ở bên cạnh người yêu, và lo sợ Shimamura không hiểu được khát khao cháy bỏng của mình. Cô cố gắng dùng lí trí để trấn át con tim không được đến bên Shimamura, nhưng rồi cuối cùng cô vẫn ào đến bên anh như một cơn lốc. Mọi sự cố gắng che giấu, cưỡng lại tình cảm của mình đều bị phản bội trong tiếng gọi giữa đêm khuya vang khắp quán trọ: “Shimamura! Shimamura! tôi không trông rõ gì nữa cả - cô gọi – Shimamura!”. Tiếng gọi ấy đã lột bỏ hết sự giả tạo, là tiếng kêu thực sự của trái tim, là lời cầu cứu của một người đàn bà với một người đàn ông, hoàn toàn tự nhiên. Nó mộc mạc và rõ rang đến mức “Shimamura cảm thấy cực kì cảm động”. Đêm hôm đó, cô đã đấu tranh quyết liệt với bản thân mình trong sự tuyệt vọng trước tiếng gọi của tình yêu và sự khát khao được dâng hiến: “Cô khoanh tay để không cho bàn tay của Shimamura lần tới vú cô. Bỗng nhiên cô tức giận với cánh tay của chính cô vì nó đã không làm điều cô muốn, cô chửi rủa nó và cắn nó một cách độc ác”. Từ trang 242 đến trang 245, tác giả đã diễn tả hết sức thành công sự giằng xé quyết liệt trong con người Komako, từ tiếng gọi thống thiết, tới việc chửi rủa, cắn vào cánh tay mình một cách độc ác, cô viết đi viết lại cái tên Shimamura và trong cơn mê sảng, cô nhắc đi nhắc lại “không, ồ không!...Anh chả vẫn bảo chúng ta chỉ nên là
bạn đó sao?”. Cô cố gắng một cách tuyệt vọng để bình tĩnh, để tự chủ lại và thì thầm “chẳng bao giờ em hối tiếc. Nhưng em đâu phải là một người đàn bà như thế… một cuộc phiêu lưu không có ngày mai...”, và rồi “Trong phút chốc, cô như mất hồn. Cô điên cuồng cắn lấy cắn để tay áo như còn cố đấu tranh chống lại niềm hạnh phúc, cố chối bỏ niềm sung sướng lớn lao…Rồi chợt nhớ ra một điều gì ở nơi sâu thẳm của kí ức, cô nói: - Anh đang cười em, phải không? Anh đang cười em…Đôi mắt cô đẫm lệ, cô quay đi để vùi mặt vào gối. Tiếng nức nở của cô dịu dần và chẳng bao lâu, trong một sự thân thiết dịu dàng muốn trao gửi cho anh thêm nữa”. Kawabata đã hết sức tinh tế khi khắc họa những phản ứng tâm lý của Komako. Những nỗi lo lắng, băn khoăn của cô trước mối tình mà ngay từ đầu cô đã biết là vô vọng, cô cố gắng huy động mọi giác quan, huy động lý trí để chống lại lời mời gọi tha thiết của con tim, nhưng rồi cô vẫn bất chấp tất cả để đến với Shimamura.
Tình yêu của Komako cứ càng ngày càng nhiều hơn và cô càng liều lĩnh hơn, không quan tâm tới dư luận. Lúc đầu, Komako cố gắng dậy sớm để về trước khi trời sáng, khi chưa có ai thức dậy, nhưng cô nói về rồi cứ lần lữa cho tới khi trời sáng hẳn. Dần dần, Komako mặc kệ tất cả, cô không dậy sớm để về nữa, cô không cần Shimamura gọi cũng đến, và có việc gì đi ngang qua, cô cũng vào thăm Shimamura. Dù bận tới đâu, không ngày nào Komako không tới thăm Shimamura, có thể là sáng sớm, cũng có thể là nửa đêm. Komako sung sướng hạnh phúc khi thấy Shimamura trở lại. Cô xin nghỉ cả tháng để chờ đón Shimamura, chỉ trông thấy anh ở đằng xa mặt cô đã đỏ lựng lên, không thể cưỡng lại đôi chân không chạy theo anh. Komako yêu Shimamura bằng một tình yêu mãnh liệt, không vụ lợi. Sau khi mọi sự đấu tranh của lý trí đều thất bại, cô cháy hết mình cho tình yêu và luôn day dứt liệu Shimamura có hiểu mình không “Nhắm nghiền mắt, Komako dường như quẩn quanh với câu hỏi. Anh ấy có hiểu mình không nhỉ? Liệu anh ấy có hiểu đúng mình không, có cư xử đúng với thân phận mình hiện nay không?”.
Tình yêu càng sâu sắc thì nỗi ám ảnh về sự chia ly lại càng khiến người ta đau khổ. Trong sự tuyệt vọng, buồn rầu khổ sở cô thừa nhận “Anh phải về Tokyo. Chuyện đó không dễ dàng đối với em”. Cô cầu xin Shimamura “Em xin anh: Anh hãy trở về Tokyo đi”, nhưng khi Shimamura nói ngày mai anh về thật thì cô lại chồm lên và nói những lời lẽ lộn xộn “Sao cơ? Không!... Anh không đi, anh không có lý do gì để đi cả, phải không?”. Sau một hồi xúc động, cô lấy lại sự tự chủ, với ánh mắt đẫm lệ, Komako nói nói với giọng bình tĩnh, hiền lành “thôi, mai anh về đi”. Những tâm trạng phức tạp đó thể hiện khát vọng níu giữ tình yêu trong tuyệt vọng. Ở Komako toát lên vẻ đẹp của sự hi sinh cao cả, một tình yêu cao quý “anh cứ trở lại, dù năm một lần cũng được”.
Komako còn là một người có tâm hồn nhạy cảm. Komako luôn muốn Shimamura hiểu rằng tình yêu của cô không phải là tình yêu của một geisha với một du khách, mà là tình yêu giữa một người đàn bà với một người đàn ông, bởi thế cô luôn lo sợ shimamura khinh thường mình. Một lần, vô tình Shimamura đã tỳ tay lên vết thương trên trái tim nàng khi anh mơ màng đánh giá “Em là người đàn bà tuyệt hảo”. Câu nói được lặp lại hai lần như thanh gươm chém sâu vào trái tim một geisha có ý thức. Trong nguyên tác , Shimamura đã thốt lên: Kimi ii musume dane. Nghĩa là: em là một cô gái tuyệt vời, để chỉ người con gái chưa chồng, ngây thơ trong trắng. Rồi bất giác chàng đổi lại: Kimi ii onna dane. Chính sự thay đổi đột ngột này khiến Komako cảm thấy bị tổn thương nặng nề, vì onna chỉ người đàn bà mang nghĩa coi thường, ám chỉ người phụ nữ hấp dẫn về thể xác. Trước câu nói đó, Komako phản ứng gay gắt và nàng vô cùng đau đớn: “mắt cô rực lửa, vai run lên vì giận, mặt đỏ nhừ,…và nước mắt ràn rụa trên gương mặt tái ngắt!”. Tình yêu trong sáng, vô vụ lời bị xúc phạm, bị khinh thường, xem rẻ. Komako đã yêu Shimamura chân thành bằng bản ngã vượt lên nhục dục đơn thuần của
một geisha biến chất thời ấy, làm geisha chẳng phải để kiếm tiền, mà để chờ đợi, bởi, nếu “ anh đi khỏi, em sẽ sống lương thiện”.
Bàn về nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật Komako của Y.Kawabata
trong Xứ tuyết, Donald Keenne, nhà nghiên cứu người Mỹ viết: “Nếu ông
không viết thêm một tác phẩm nào khác, thì hình ảnh Komako vẫn sẽ mang lại cho ông danh tiếng của một chuyên gia về tâm lý học phụ nữ” [7, 1054]. Sinh ra ở xứ tuyết, Komako có một sức quyến rũ đặc biệt từ hình thể, tâm hồn, tài năng, tính cách. Cùng với tài hoa và nội tâm dồi dào, Komako quá tiêu biểu, hoàn hảo cho một geisha, một thế giới đầy bí mật, cuốn hút và mê đắm.
b. Ngôn ngữ trong sáng, tự nhiên
Ngôn ngữ không chỉ là công cụ để giao tiếp mà còn là phương tiện của tư duy và để bộc lộ tư tưởng, tình cảm của con người. Ăng Ghen từng nói: “Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng”. Qua ngôn ngữ, con người hiện lên một cách chân thực, sinh động như con người thật trong cuộc sống. Khi nhân vật được đặt trong một hoàn cảnh, một không gian, thời gian, đối tượng giao tiếp, nội dung giao tiếp, đặc biệt là trong một tình huống, biến cố đặc biệt thì đó là lúc nhân vật bộc lộ mình rõ nhất. Trong tác phẩm của Y.Kawabata, ngôn ngữ thể hiện thành công sự lưu chuyển tâm lý của nhân vật, là cơ hội để nhân vật thể hiện rõ tư tưởng, tình cảm, thái độ của mình với các vấn đề và với các nhân vật liên quan. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật nữ không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn trở thành những sự kiện tâm lý của nhân vật. Chính vì thế, tính cách nồng nhiệt, mạnh mẽ của nhân vật Komako
trong Xứ tuyết được bộc lộ rõ nét qua ngôn ngữ trong sáng, tự nhiên của cô.
Chân dung tâm lý nhân vật Komako được bộc lộ rõ ràng qua ngôn ngữ,