NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN I. BUNIN Nguyễn Thị Vân Anh 1 Truyện ngắn I. Bunin hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi nó chứa đựng những giá trị vĩnh hằng của cái Đẹp. Qua mỗi trang văn của ông, chúng ta thấy hiện lên những bức tranh thiên nhiên Nga đẹp đẽ, sống động, giàu thanh sắc và hương vị ngọt ngào. Bên cạnh đó còn là ấn tượng mạnh mẽ về cái đẹp của những tâm hồn Nga toả rạng trong mỗi trước tác của ông. Có thể thấy, một trong những phương diện mang lại giá trị nghệ thuật và làm nên sức hấp dẫn của các truyện ngắn I. Bunin, đó là ông đã xây dựng được một thế giới nhân vật độc đáo và sinh động. Điều này thể hiện rõ nét qua các dạng thức và đặc điểm nhân vật, qua nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn. 1. Mở đầu I. Bunin là một trong những đỉnh cao của nền văn học Nga cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX. Ông là nhà văn có cuộc đời nhiều uẩn khúc và một sự nghiệp văn chương phong phú, độc đáo. Là một nhà văn tài năng nhiều mặt, Bunin sáng tác cả thơ lẫn truyện ngắn và ở thể loại nào cũng gặt hái được những thành công nhất định. Riêng trong lĩnh vực truyện ngắn, ông được đánh giá rất cao. Năm 1933, I. Bunin trở thành nhà văn Nga đầu tiên vinh dự được trao giải Nobel văn chương. Ở Nga và thế giới, việc đánh giá Bunin có thể đã vướng phải những giới hạn lịch sử nhất định. Đương thời, những sáng tác của ông chưa được bạn đọc và giới nghiên cứu quan tâm, dành cho một vị trí thoả đáng trong nền văn học. Tuy nhiên, thời gian gắn với những thăng trầm lịch sử đã khiến cho sự nhận thức về tác phẩm của ông đổi khác. Truyện ngắn I. Bunin hấp dẫn và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi nó chứa đựng những giá trị vĩnh hằng của cái Đẹp. Qua mỗi trang văn của ông, chúng ta thấy hiện lên những bức tranh thiên nhiên Nga đẹp đẽ, sống động, giàu thanh sắc và hương vị ngọt ngào. Bên cạnh đó còn là ấn tượng mãnh liệt về cái đẹp của những tâm hồn Nga toả rạng trong mỗi trước tác của ông. Tất cả đều được miêu tả bằng một thứ ngôn từ gợi cảm, uyển chuyển và điêu luyện bậc thầy. Có thể thấy, một trong những phương diện mang lại giá trị nghệ thuật và làm nên sức hấp dẫn của các truyện ngắn I. Bunin đó là ông đã xây dựng được một thế giới nhân vật độc đáo và sinh động. Điều này thể hiện rõ nét qua các dạng thức và đặc điểm nhân vật, qua nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn. Bài viết này của chúng tôi sẽ tập trung phân tích phương diện độc đáo này. 2. Nội dung 2.1. Các dạng thức và đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn I. Bunin 2.1.1. Vào những năm cuối thế kỉ XIX, Bunin trực tiếp chứng kiến sự “lao dốc” và đổ vỡ nhanh chóng của nhiều gia đình quý tộc Nga. Tác động mạnh vào giác quan nhà văn là những cảnh tàn tạ, xác xơ của các trang ấp quý tộc trước đây vốn rất sung túc và trù phú. Trong hoàn cảnh ấy, con người không tránh 1 Trường ĐHSP Hà Nội 2 khỏi tâm trạng đau đớn và hụt hẫng. Có điều gì uất nghẹn và xót xa đến thế trong tâm hồn những nhân vật thuộc giới quý tộc thời kì sa sút trong truyện ngắn của I. Bunin. Ngày cuối cùng diễn tả trọn vẹn nỗi đau của ông chủ Vôâykôp khi lâm vào tình cảnh khánh kiệt tài sản đến nỗi phải bán cả nhà cửa, đất vườn của gia đình và dòng tộc cho người khác. Nỗi đau xoáy vào tận đáy lòng. Bao nhiêu sự hồi tưởng, luyến tiếc về một thời bình yên và no đủ. Những bức ảnh in trên kim loại, những bức tranh cổ, những bức tượng thánh từng treo trên tường nay không còn nữa. Rồi hình ảnh những ông bà, cụ kị… đã từng sống và qua đời trong ngôi nhà ấy, những chuyến đi săn cùng các chú chó boocdôi… giờ chỉ còn là kỉ niệm. Vẫn tập trung thể hiện kiểu nhân vật trên, Những quả táo Antônôp lại tái hiện dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” về một „cuộc sống mơ màng xa xưa” – cái thủa từng có những cô gái và những người đàn bà xinh đẹp sống trong những điền trang quý tộc”. Thẳm sâu trong miền nhớ của nhân vật „tôi” là hình ảnh những ngày mùa thu hoạch và hương vị ngọt ngào của táo Antônôp, là những cuộc đi săn tập thể đông vui vả náo loạn… Tất cả, giờ đã lùi vào dĩ vãng: “Giờ đây là vương quốc của những người có ít đất đai, nghèo đi đến cùng cực”… 2.1.2. Nhạy cảm với sự đổi thay của thời cuộc, I. Bunin viết về cái tù túng, buồn tẻ và ngưng đọng của cuộc sống Nga những năm đầu thế kỉ XX. Từ đó, các truyện ngắn của ông xây dựng kiểu nhân vật thể hiện những quan niệm mới mẻ về cuộc đời (cụ thể hơn là về mục đích và ý nghĩa của cuộc đời)… Tiêu biểu cho loại nhân vật này là Gôridôntôp trong Chiếc cốc đời. Đây là con người luôn có “thái độ bình thản phi thường và triết lí sống độc nhất vô nhị”. Mục đích sống của ông ta là “sống lâu và hưởng lạc thú tùy theo sức và khả năng của mình”. Gôridôntôp luôn có ý thức „giữ chặt và nâng niu chiếc cốc đời quý giá của mình”. Như thế, hạnh phúc chỉ mỉm cười với những ai biết quý trọng nâng niu và gìn giữ những giá trị dù nhỏ nhoi nhất của cuộc sống. Cũng thể hiện kiểu con người nói trên, tác phẩm Quý ông từ Xanphranxixcô đến đề cập đến quan niệm sống mới mẻ của một ông chủ quý tộc đã dành quá nửa đời người lao động không biết mệt mỏi nay muốn được nghỉ ngơi và hưởng thụ. Ông ta đưa vợ và con gái đi “tận hưởng lạc thú ở đời” qua nhiều nước châu Âu như: Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kì… Cuối cùng, quý ông đó đột tử tại một khách sạn trên đảo Capri – Italia. Cái chết của nhân vật này giống như một liều thuốc thử, phơi bày tận cùng cái vô nghĩa lí của đời sống con người và sâu xa hơn thế là niềm trăn trở, khắc khoải về một cuộc sống mà ở đó tình người đang ngày một phai nhạt đi nhanh chóng. Điều làm chúng ta ngạc nhiên hơn cả đó là, trước cái chết của một con người sao đám đông lại có thể dửng dưng, vô cảm đến nhường ấy. Không một giọt nước mắt, không một lời sẻ chia…, người ta quay lưng và bước đi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra ở đó. 2.1.3. I. Bunin là nhà văn sống lưu vong, xa quê hương tổ quốc nên những kí ức một thời về xứ sở và con người Nga luôn in đậm trong tâm trí, tràn lên đạt dào thương mến trong mỗi trang viết của ông. Trong dòng chảy bộn bề của miền kí ức xa xăm ấy, kỉ niệm về những câu chuyện tình lãng mạn thuở hoa niên luôn trở đi trở lại và làm nên nét đặc sắc nhất của truyện ngắn Bunin. Nhân vật trong các truyện tình của ông được khắc họa vô cùng sinh động và ấn tượng. Cùng là những kẻ đang yêu nhưng tâm trạng và tình yêu của họ cũng „trăm hồng ngàn tía”, chẳng ai giống ai. Có nhân vật suốt đời không quên được một mối tình đẹp đẽ, thơ mộng mà mình đã trải qua. Đó là người đàn ông luống tuổi trong truyện ngắn Ruxia suốt quãng đời dằng dặc chỉ dành để tưởng nhớ về những ngày ngắn ngủi, say đắm bên nàng Ruxia xinh đẹp. Ông mãi ám ảnh về cái khoảnh khắc ngắn ngủi mà diệu kì của một ngày mưa rào khi Ruxia chạy từ ngoài vườn vào và ông đã cúi xuống hôn lên mu bàn chân nhỏ ướt sũng nước mưa của nàng. Đọc truyện tình Bunin, thấy ông đặc biệt hứng thú và viết rất hay về kiểu “tình yêu sét đánh”, vụt thoáng. Những truyện Say nắng, Những tấm danh thiếp, Một chuyện tình nho nhỏ, Ngày thứ hai trong trắng, Kapkaz… là các tác phẩm tiêu biểu cho đề tài này. Nhân vật trong truyện tình Bunin thường là những con người khao khát tình yêu cháy bỏng và mãnh liệt. Đó là hình ảnh anh sĩ quan và cô gái trên chuyến tàu thủy trong truyện Say nắng. Lúc đầu, họ tình cờ gặp nhau và chỉ xuất hiện những đam mê thể xác tầm thường, giống như là một “trò giải trí ngộ nghĩnh”. Sau đó là sự trỗi dậy bất ngờ của “tình yêu sét đánh” – một thứ tình cảm gần như “say nắng” nhưng lại có sức ám ảnh mạnh mẽ và có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời viên sĩ quan trẻ. Trong truyện tình của Bunin, những nhân vật nữ thường được nhà văn dành cho nhiều tình cảm ưu ái, đặc biệt là đối với những người phụ nữ đã có gia đình. Qua mỗi trang văn của ông, họ hiện lên là những người đàn bà xinh đẹp với thế giới tâm hồn phong phú, lãng mạn, luôn khao khát giải phóng mình khỏi vòng kiềm tỏa của những người chồng khô khan, thô thiển và ưa dùng uy quyền để khống chế vợ. Những nhân vật ấy luôn hướng tới khát vọng tự do, những đam mê tình ái cháy bỏng, dù chỉ một lần duy nhất. Họ thường là những người vô danh, xuất hiện vụt thoáng trong cuộc đời một người đàn ông nào đó nhưng có thể để lại dấu ấn đậm nét, thậm chí là những ám ảnh khôn nguôi trong tâm trí những người đàn ông này. Có thể nhận thấy kiểu nhân vật ấy qua hình ảnh những người phụ nữ không tên trong Những tấm danh thiếp, Say nắng, Kapkaz… Như vậy, với một tâm hồn nhạy bén và tinh tế, I. Bunin đã phát hiện ra những biểu hiện phong phú và phức tạp của thế giới tâm hồn con người. Truyện của ông chất chứa cái tâm trạng hoài niệm, u buồn, tràn ngập xót xa và tiếc nuối về một thời đã qua của đời sống quý tộc Nga; về cái ngột ngạt, tù túng cùng với nhu cầu đổi mới cách sống của con người thời đại; và, đặc biệt hơn cả là những tâm hồn khao khát và đam mê tình yêu cháy bỏng. Với cảm quan về con người người như thế, Bunin đã tạo ra một thế giới nhân vật sống động với rất nhiều cảnh đời và số phận khác nhau. Sức thuyết phục cũng như cái mạnh trong cảm quan nghệ thuật của ông từng được M. Gorki đánh giá rất cao. Trong thư gửi Sêkhôp, Gorki tâm sự: “Anh biết không? – Bunin quả là một trí tuệ trác việt. Anh ấy cảm nhận vẻ đẹp thật tinh tế, những lúc chân thành anh ấy viết rất tuyệt” [dẫn theo Phan Hồng Giang, 3 - tr. 9]. 2.2. Một số nét độc đáo về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn I. Bunin 2.2.1. Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật Truyện ngắn I. Bunin thường được viết theo dòng hồi tưởng của các nhân vật. Do thế, sự khắc họa chân dung nhân vật chủ yếu tập trung vào những đường nét từng gây ấn tượng và hằn sâu trong kí ức của chủ thể tiếp cận. Có thể nhận thấy, chân dung các nhân vật trong truyện ngắn Bunin được miêu tả vô cùng phong phú và sinh động. Dường như cảm hứng miêu tả mãnh liệt nhất của ông đều dồn cả vào việc khắc họa chân dung các nhân vật nữ. Nhưng ngay ở đây, thế giới của phái đẹp cũng được nhà văn miêu tả từ rất nhiều góc độ khác nhau. Điều ấy tạo nên sự phong phú đa dạng về các kiểu loại chân dung phụ nữ trong truyện ngắn của ông. 2.1.1. Phác họa chân dung với những nét đẹp trong sáng, thánh thiện Đọc truyện Bunin, ta bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với vẻ đẹp kiêu sa, thánh thiện. Họ tựa như những nốt nhạc trong trẻo mang đến cho tác phẩm của ông sự hấp dẫn và lôi cuốn kì lạ. Tiêu biểu cho kiểu khắc họa chân dung này là nhân vật Natali (trong truyện Natali). Chân dung Natali được miêu tả thông qua sự cảm nhận của nhân vật “tôi”: “Nàng mặc một chiếc váy nhỏ bằng vải lanh và chiếc áo sơmi cổ thêu kiểu Ucren, đằng sau tấm xiêm áo ấy có thể đoán được tấm thân nàng thơ trẻ, hoàn thiện biết bao nhiêu, dường như còn là một cô bé… cánh tay yếu ớt thanh thanh…, hàng lông tơ mịn màng trên nước da vàng vàng trăng trắng…, cặp mắt long lanh đen láy, cái đầu xinh xinh cuốn một cuộn tóc to dày…”. Do hiện lên qua điểm nhìn của chàng trai có tình yêu say đắm, phụng thờ đối với Natali nên chân dung nàng vô cùng đẹp đẽ và thánh thiện. Cái đẹp của Natali là cái đẹp vĩnh dị, trong veo. Cái đẹp ấy luôn khiến cho người ta ngưỡng vọng và khát khao vươn tới. Từ một góc nhìn khác, cô bé Ôlia trong truyện Hơi thở nhẹ là hiện thân của vẻ đẹp “yêu kiều, đỏm dáng, uyển chuyển, khoan thai”. Chân dung Ôlia được khắc họa qua một vài chi tiết ngoại hình. Nàng đẹp đến nỗi mà ngôn ngữ miêu tả của loài người xưa nay tỏ ra bất lực: “Năm 14 tuổi, Ôlia đã có hình dáng thon thả, đôi chân thẳng, ngực tròn căng, cô đã có những đường nét mà vẻ đắm đuối của chúng xưa nay ngôn ngữ loài người chưa bao giờ diễn tả được”. Vẻ đẹp của Ôlia là vẻ đẹp trong sáng, trẻ trung và tràn đầy sức sống. Nó khiến cho con người đắm đuối say mê và nó chỉ có thể tồn tại ở một thế giới thanh cao – nơi mà cái xấu và cái ác không có chỗ đứng. 2.1.2. Phác họa chân dung với những đường nét thể hiện cái đẹp dung dị, thuần khiết Cùng với cảm hứng miêu tả những chân dung phụ nữ có vẻ đẹp thánh thiện, I. Bunin còn chú tâm khắc họa kiểu chân dung phụ nữ mang những nét đẹp dung dị thuần phác. Có thể nhận thấy sự miêu tả này ở nhân vật Ruxia trong truyện ngắn Ruxia. Nàng Ruxia được tái hiện qua dòng hồi ức của người đàn ông luống tuổi từng yêu nàng. Và, bởi thế, tất cả những dáng nét về khuôn mặt, mái tóc, làn da, bàn chân…, những chi tiết ngày xưa vốn rất thân thương, gần gũi với người đàn ông ấy, giờ ùa về trong miền nhớ. Nó hiển hiện sống động, đẹp đẽ và như còn tươi mới. Ruxia hiện ra với “bím tóc đen dài thả sau lưng, khuôn mặt bầu bĩnh với những nốt ruồi nhỏ, mũi cao thanh tú, mắt đen, lông mày đen…, mái tóc khô cứng, hơi xoăn xoăn… bắp chân và mu bàn chân lộ ra trên đôi hài sảo thon gầy, làn da mỏng mịn”. Một điều đáng lưu ý là, trong khi miêu tả chân dung các nhân vật nữ, Bunin thường chú trọng và quan tâm đặc biệt đến cách ăn mặc của họ. Những chiếc váy áo mà họ mang trên người thường đem đến một ấn tượng và sức hấp dẫn kì lạ đối với người tiếp cận. Trong truyện Natali, Natali nhiều lần gây ấn tượng choáng váng đối với nhân vật “tôi‟ bởi những bộ váy của nàng. Đó có thể là “chiếc áo lụa mặc ngủ rộng không có khuy, màu vàng tơ” hay bộ váy nhỏ bằng vải lanh”. Còn hình ảnh nàng Lika trong bộ váy xanh thì không biết bao nhiêu lần đã khiến cho anh nhà văn trẻ say mê, đắm đuối: “Nàng nâng gấu váy bằng vải mỏng màu xanh sẫm rồi chạy về nhà. Tôi đứng lại sững sờ, chân không còn đứng vững”, rồi “màu xanh sẫm của làn váy mỏng khẽ xao xác, thấp thoáng trên đôi chân nàng bước trên bãi cỏ”… Với người đàn ông trong truyện Ruxia thì lại khác. Ấn tượng Ruxia để lại trong ông không phải là những bộ cách mỏng manh, yêu kiều mà là một chiếc xaraphan dân dã “may rộng, vải nhẹ mỏng choàng lấy tấm thân trinh nữ dong dỏng của nàng”… 2.1.3. Phác họa chân dung nhân vật bằng những đường nét kì dị Qua truyện ngắn của Bunin, chúng ta còn bắt gặp kiểu chân dung nhân vật được nhà văn miêu tả bằng những chi tiết, đường nét vô cùng kì dị. Nhưng chính ở những con người có ngoại hình dị thường này lại ẩn chứa một đời sống nội tâm khá phong phú. Đó có thể là hình ảnh cậu bé Nikanor Matvêits với “cái đầu to tướng… hai bên tóc mai của nó xù xì, hung hung như lông chó, mặt nó phèn phẹt, già cấc … chân tay nó mảnh khảnh như chân cẳng con cừu vậy, chân tay nào cũng gẫy ráo, đầy sẹo”, hay có thể là chân dung nhân vật Gôridôntôp với biệt danh “Đười ươi” trong tác phẩm Chiếc cốc đời. Gôridôntôp được khắc họa sinh động qua từng chi tiết ngoại hình và hành động. Sự miêu tả nhân vật này được nhà văn thực hiện từ điểm nhìn của đám đông: “Người ông ta cao lớn đến mức khách ngoài đường trông thấy phải sững lại nhìn kinh ngạc”. Ông “trở thành một thứ huyền thoại của thành phố… Ông ta chậm chạp bước vào, nhíu đôi lông mày xám xịt, hơi cúi xuống, buông thõng đôi vai to khủng khiếp và đôi tay dài như rễ cây sồi…, nước da xam xám, đôi bàn chân quái dị, cong vẹo sang một bên, ngón chân quặp vào nhau, móng chân to như cái vỏ hến… Ông ta ăn bằng mười người…”. Như thế, đối với những chân dung nhân vật dị biệt, tác giả thường sử dụng những từ ngữ miêu tả giàu tính tạo hình, sử dụng lối so sánh ví von gợi cảm giác và ấn tượng đặc biệt cho người đọc. Điều đáng lưu ý ở đây là, trong khi miêu tả kiểu nhân vật này, Bunin luôn có xu hướng “vật hóa” chúng nhằm nhấn mạnh tính chất dị thường của các nhân vật. Chẳng hạn khi khắc họa chân dung Mavêits, nhà văn miêu tả tóc cậu ta “xù xì, hung hung như lông chó…, chân tay mảnh khảnh như cẳng con cừu”. Còn đối với nhân vật Gôridôntôp thì hình dạng ông ta được miêu tả chẳng khác nào một con đười ươi khổng lồ. Có thể nói, đây là một phương diện độc đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của I. Bunin. Ngoài những nét đặc sắc trong việc miêu tả ngoại hình các nhân vật nữ với nhiều sắc thái khác nhau và nhân vật kì dị, truyện ngắn Bunin còn sáng tạo một số kiểu khắc họa chân dung nhân vật khác, chẳng hạn như: phác họa chân dung nhân vật bằng những đường nét khắc khổ, gân guốc (nhân vật bác Mêlitôn trong truyện Mêlitôn, nhân vật Averki trong Cỏ gầy), miêu tả chân dung nhân vật bằng những đường nét cơ thể hấp dẫn đặc biệt về tính dục (nhân vật người phụ nữ trong Những tấm danh thiếp…). 2.3. Nghệ thuật miêu tả thế giới nội tâm nhân vật 2.3.1. Miêu tả thế giới nội tâm qua dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” Qua khảo sát 24 truyện ngắn của I. Bunin, chúng tôi thấy 11 tác phẩm (gần 50%) được kể theo hình thức hồi tưởng của những nhân vật xưng “tôi”. Vì được kể qua dòng kí ức của các nhân vật như thế nên mỗi truyện ngắn của Bunin tựa như một bài thơ trữ tình tràn ngập những trạng thái cảm xúc, tâm hồn tình cảm của con người. Đọc Cuộc đời tươi đẹp, thế giới nội tâm của nhân vật “tôi” hiện lên hết sức chân thực tạo cảm giác tin cậy đối với độc giả. Người phụ nữ này tự cho rằng mình có cuộc đời thật tươi đẹp. Bất cứ điều gì chị ta mong ước cũng “đều đạt như sở nguyện”. Theo dòng hồi tưởng ấy, thế giới nội tâm nhân vật từng bước được hé lộ. Để đạt được các sở nguyện của mình, chị ta luôn toan tính, thậm chí lập âm mưu và lên kế hoạch hành động trong mỗi khúc đoạn, mỗi đường đi nước bước. Sau khi cha mất, người phụ nữ này xác quyết một cách sống cho mình: “Rõ ràng là sống với lẽ phải là không được rồi, và rõ ràng là phải tính toán thận trọng mới được”. Những toan tính ở nhân vật này thể hiện rõ nhất qua sự kiện chị ta đến giúp việc cho gia đình Xamôkhvalôp. Tại đây, chị ta đã âm mưu, lợi dụng tình yêu trong sáng của Matvêits, giả vờ ban phát tình cảm cho cậu ta nhằm nhằm chiếm đoạt số tiền mà cậu đã tiết kiệm bấy lâu. Lời kể lại của nhân vật đã thể hiện khá chân thực điều này: “Còn tôi, thỉnh thoảng tôi nghĩ bụng lạy Chúa tha tội cho chứ, giá cậu ấy đưa cho mình số tiền đó thì hay biết bao! Dù sao chăng nữa thì cậu ấy cần gì đến số tiền ấy. Cậu ấy chết đến nơi rồi, còn tôi thì có thể ăn được cả đời. Tôi chỉ chờ có dịp là sẽ thực hiện được việc đó cho khôn ngoan hơn. Điều dễ hiểu là tôi bắt đầu dịu dàng với cậu ta hơn, năng đến ngồi với cậu ta hơn…”. Như vậy, qua sự hồi tưởng và lời kể của nhân vật “tôi”, những biểu hiện phức tạp nhất của tâm hồn nhân vật đã được phơi bày thành thực, tạo cảm giác tin cậy và thuyết phục đối với bạn đọc. Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của I. Bunin và đưa ông đến với giải thưởng Nobel cao quý là truyện Nàng Lika. Trong đây, nhân vật xưng “tôi” là một người đàn ông sắm vai nhà văn. Anh ta hồi tưởng lại toàn bộ câu chuyện tình yêu của mình với nàng Lika. Qua dòng hồi ức ấy, biết bao cảm xúc, tâm trạng và ý nghĩ của nhân vật đã dược phơi bày. Mặc dù yêu say đắm Lika nhưng nhân danh nghệ sĩ, anh tự cho mình quyền được phiêu lưu, tận hưởng mọi cảm giác mới lạ của cuộc đời. Nhân vật “tôi” thường hồ hởi với những chuyến đi xa, thậm chí cho phép mình phiêu lưu tình ái với những cô gái khác… Lối sống phóng túng ấy của anh ta khiến Lika vô cùng đau khổ. Nàng không thể chấp nhận được điều ấy, không thể chấp nhận thứ tình yêu san sẻ. Do vậy, nàng đã rời xa anh về nhà bố mẹ đẻ, ít lâu sau ốm rồi chết. Những nỗi nhớ nhung, cô đơn và trống trải; sự đau đớn và dằn vặt… là tất cả sự trừng phạt đối với nhân vật “tôi”. Anh đã không biết trân trọng và gìn giữ tình yêu trong sáng, đẹp đẽ của nàng Lika. Giờ đây, anh phải trả một cái giá quá đắt cho sai lầm của mình; sống hết quãng đời còn lại trong sự thiếu vắng nàng với “một tình yêu, một niềm say mê mãnh liệt, với cảm giác gần gũi da diết về tâm hồn và thể xác” mà trong cả cuộc đời anh chưa từng nếm trải. 2.3.2. Thể hiện thế giới nội tâm qua biện pháp độc thoại Có thể khẳng định, độc thoại là biện pháp nghệ thuật có ưu thế lớn trong việc thể hiện thế giới tâm tư nhân vật. Độc thoại là tiếng nói thoát ra từ chính nội tâm, suy nghĩ của nhân vật. Do thế, khi nhân vật độc thoại nội tâm thì cũng chính là lúc nó sống thật nhất. Nhờ thế, bạn đọc có cơ hội thâm nhập sâu vào mọi ngõ ngách tâm hồn nhân vật. Như đã nói, truyện ngắn Bunin thiên về dòng hồi tưởng và giãi bày cảm xúc nên ông cũng thường xuyên để cho nhân vật độc thoại nội tâm. Chẳng hạn, đoạn độc thoại của nhân vật người phụ nữ xưng “tôi” trong truyện Cuộc đời tươi đẹp. Khi chứng kiến cậu chủ Mavêits dị dạng được hưởng một cuộc sống giàu sang, sung sướng, chị ta sinh lòng đố kị: “Làm sao mà cái số của mày được sung sướng như vậy! Què quặt đến như thế mà lại được sống trong cảnh giàu có nhường ấy. Còn thằng con tao khôi ngô như thế, ngày lễ ngày hội cũng chẳng được ăn, được uống bằng nửa cái ngày thường, cái ăn chơi ăn bời của mày”. Với ý nghĩ như thế, nhân vật càng nung nấu thêm những âm mưu, toan tính để đạt được các sở nguyện của mình, và để thấy “cuộc đời tươi đẹp”. Say nắng là một trong những truyện ngắn xuất sắc của I. Bunin mà theo Iu. Bônđarép coi đó là “một trong vài ba truyện ngắn hay nhất của văn học thế giới xưa nay”. Tác phẩm kể về một câu chuyện tình yêu theo kiểu “sét đánh”. Thoạt tiên chỉ là những phút đam mê thường tình về thể xác nhưng sau đó là sự trỗi dậy đầy bất ngờ, thú vị của một mối tình sâu sắc, mãnh liệt. Sau một ngày đêm ngắn ngủi ở khách sạn, khi người phụ nữ đã rời khỏi căn phòng nhỏ, viên sĩ quan nọ mới bàng hoàng nhận ra mình đã yêu say đắm người con gái ấy. Anh tự hỏi: “Điều gì đã đến với mình thế? Đúng là một cái gì giống như say nắng đã đến! Và cái chính là bây giờ mình làm sao có thể sống qua một ngày, không có nàng ở đây, ở nơi hẻo lánh này”. Đây quả là một tình yêu kì lạ! Những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi trong cuộc đời lại có thể khiến cho người ta tìm thấy một tình yêu mãnh liệt đến nhường ấy. Chàng trai đã trải qua những giờ phút đau khổ, quặn thắt con tim vì nhận ra mình đã yêu người phụ nữ ấy mà nàng thì đã không còn ở đây nữa. Anh không có cơ hội gặp lại nàng vì anh không biết nàng tên là gì, và bởi nàng đã có gia đình, con cái. Lúc này, anh chỉ còn biết giày vò bản thân và đau khổ: “Điều chủ yếu là giờ đây không sao nói được với nàng nữa, làm sao sống qua được cái ngày dài vô tận này với chuỗi dài kỉ niệm, với nỗi đau khổ dằn vặt không lối thoát này, ở giữa cái nơi sơn cùng thủy tận ngay bên cạnh dòng sông Vonga lấp loáng ánh nước mà chính theo dòng sông này con tàu màu hồng ấy đã đưa nàng đi”. Natali là câu chuyện tình yêu thời trẻ tuổi nhiều nông nổi của nhân vật “tôi”. Anh ta cùng một lúc phân thân để yêu hai người con gái: với Xônhia là tình yêu dục vọng, bản năng còn với Natali là tình yêu phụng thờ vươn tới cái đẹp cao cả của bản chất Người. Chính vì cùng một lúc đem lòng yêu hai người con gái nên nhân vật “tôi” nhiều khi không tránh khỏi sự dằn vặt và đấu tranh tư tưởng. Có những lúc anh rơi vào tình trạng bế tắc, tự đặt ra câu hỏi cho mình; “làm sao sống bây giờ đây, trong cái cảnh phân thân này – những cuộc hen hò vụng trộm với Xônhia và bên cạnh là Natali, người con gái mà chỉ cần thoáng nghĩ đến thôi mà cả lòng tôi đã tràn ngập một tình yêu say mê trong trắng…”. Như vậy, bằng việc sử dụng biện pháp độc thoại, I. Bunin đã miêu tả sinh động thế giới nội tâm nhân vật. Những biểu hiện phong phú và phức tạp của tâm hồn con người được khám phá từ một điểm nhìn rất đáng tin cậy: điểm nhìn bên trong từ chính nội tâm nhân vật. III. KẾT LUẬN Theo thời gian, tên tuổi I. Bunin cùng những truyện ngắn của ông ngày càng được khẳng định, dành được một vị trí thỏa đáng trong nền văn học Nga và thế giới. Có thể khẳng định, sự phong phú, đa dạng và độc đáo của thế giới nhân vật chính là nhân tố quan trọng làm nên giá trị cũng như sức hấp dẫn của truyện ngắn ông. Một điều đáng chú ý là, Bunin dường như rất có cảm hứng khám phá và thể hiện cái đẹp ở phái nữ. Do thế, những người phụ nữ trong các sáng tác của ông thường là hiện thân của cái đẹp, vừa hấp dẫn lôi cuốn lại vừa khiến người ta ngưỡng mộ, say mê. Ngoài ra, đọc truyện ngắn Bunin, chúng ta thấy nhà văn đã dụng công xây dựng nhiều kiểu chân dung phong phú như chân dung con người dị thường, chân dung con người khắc khổ… Và, điều đặc biệt nhất là ông rất chú trọng khai thác phương diện nội tâm nhân vật. Truyện ngắn Bunin thường được kể bởi dòng kí ức của một nhân vật “tôi” nào đó. Do vậy, cái tôi hồi tưởng ấy tự nó đã là một kênh quan trọng giúp bộc lộ rõ ràng thế giới tâm tư phức tạp của con người. Bên cạnh đó, để khai thác sâu hơn những biểu hiện tinh vi, phong phú của đời sống cảm xúc, tâm trạng nhân vật, tác giả còn sử dụng biện pháp độc thoại nội tâm. Đối với sáng tác của Bunin thì đây là một biện pháp nghệ thuật có vai trò quan trọng đặc biệt, góp phần thể hiện sinh động thế giới nội tâm nhân vật: những mâu thuẫn, trăn trở; những dằn vặt, đấu tranh; những âm mưu toan tính; những nỗi nhớ nhung, tương tư và đau khổ… Có thể nói, nếu xem giá trị văn hóa tinh thần là gương mặt tâm hồn của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia thì những trước tác văn học mà I. Bunin để lại đã góp một phần không nhỏ trong việc tạo nên diện mạo tâm hồn Nga và làm nên những giá trị vĩnh hằng của cái Đẹp. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bunin, Tuyển truyện Bunin (Hà Ngọc dịch và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội, 1987. 2. I. Bunin, Nàng Lika (tập truyện, Phan Hồng Giang dịch), Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988. 3. I. Bunin, Tuyển tập tác phẩm (Nhiều người dịch, Phan Hồng Giang giới thiệu), Nxb Lao động, Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2002. 4. Phùng Minh Hiến, Tác phẩm văn chương, một sinh thể nghệ thuật, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 5. M.B. Khrapchenko, Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học (Nhiều người dịch, Trần Đình Sử tuyển chọn, giới thiệu), Nxb ĐHQG, Hà Nội, 2002. 6. Tập thể tác giả, Lịch sử văn học Nga, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998. THE CHARACTERS IN I. BUNIN’S SHORT STORIES Nguyen Thi Van Anh Abstract Bunin‟s short stories are attractive and leaving deep impression in the reader‟s heart because it contains the eternal value of beauty. Through every page of his text, we see these up the Russian natural paintings which are beautiful, lively, rich sound and excellent sweet flavor. Besides a strong impression on the beauty of the Russian soul which shines in every his previous work. Can see, one of the aspects of bringing artistic value and the attractiveness of I. Bunin‟s short stories is that he has built up a world of the unique and lively characters. This shows so clearly through the forms and feature of characters, through ways of building character of the writer. . danh thiếp…). 2.3. Nghệ thuật miêu tả thế gi i n i tâm nhân vật 2.3.1. Miêu tả thế gi i n i tâm qua dòng h i tưởng của nhân vật “t i Qua khảo sát 24 truyện ngắn của I. Bunin, chúng t i thấy. nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn I. Bunin 2.2.1. Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật Truyện ngắn I. Bunin thường được viết theo dòng h i tưởng của các nhân vật. Do thế, sự khắc. biện pháp nghệ thuật có ưu thế lớn trong việc thể hiện thế gi i tâm tư nhân vật. Độc tho i là tiếng n i thoát ra từ chính n i tâm, suy nghĩ của nhân vật. Do thế, khi nhân vật độc tho i nội