1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

So sánh chế định giao kết hợp động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ

104 1K 4

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 104
Dung lượng 1,16 MB

Nội dung

Ngoài ra, một số luận án, bài viết, một số sách và giáo trình khi viết về giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam có so sánh với pháp luật các nước trong đó có Hoa Kỳ, như luận án tiến

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

KHOA LUẬT

NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG

SO SÁNH CHẾ ĐỊNH GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT

VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

Hà Nội – 2009

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

KHOA LUẬT

NGUYỄN THỊ MAI HƯƠNG

SO SÁNH CHẾ ĐỊNH GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ

Chuyên ngành : Luật kinh tế

Mã số : 60 38 50

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: TS NGÔ HUY CƯƠNG

Hà nội – 2009

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực Tôi đã hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Khoa Luật Đại học Quốc gia

Hà Nội

Vậy tôi viết Lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để tôi có thể bảo vệ Luận văn

Tôi xin chân thành cảm ơn!

NGƯỜI CAM ĐOAN

Nguyễn Thị Mai Hương

Trang 4

MỤC LỤC

Trang LỜI CAM ĐOAN 1

MỤC LỤC 2

PHẦN MỞ ĐẦU 5

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ 9

1.1 Khái niệm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ 9

1.1.1 Khái niệm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam 9

1.1.2 Khái niệm hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ 11

1.2 Khái niệm giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ.13 1.3 Pháp luật điều tiết giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ 14

1.3.1 So sánh chung về pháp luật điều tiết giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và theo pháp luật Hoa Kỳ 14

1.3.2 Pháp luật điều tiết giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam 15

1.3.3 Pháp luật điều tiết giao kết hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ 17

Chương 2: THOẢ HUẬN VÀ CÁC THÀNH TỐ CỦA THOẢ THUẬN THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT

HOA KỲ 20

2.1 Khái niệm về sự thoả thuận theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ 20

2.2 Các thành tố của sự thoả thuận 21

2.2.1 Đề nghị giao kết hợp đồng 21

2.2.2 Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng 34

Chương 3: HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG CỦA HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ 47

Trang 5

3.1 Hình thức hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ 47

3.1.1 Những vẫn đề chung về hình thức hợp đồng 47

3.1.2 Sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ về hình thức hợp đồng 48

3.2 Nội dung của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ 53

Chương 4 : ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG 60

4.1 Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam 60

4.1.1 Điều kiện về chủ thể 60

4.1.2 Điều kiện về mục đích và nội dung của hợp đồng 62

4.1.3 Điều kiện về sự tự nguyện của người tham gia hợp đồng 64

4.1.4 Điều kiện về hình thức 66

4.2 Điều kiện có hiệu lực theo pháp luật Hoa Kỳ 67

4.2.1 Thoả thuận giữa các bên trong quan hệ hợp đồng (Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng) 68

4.2.2 Năng lực chủ thể giao kết hợp đồng 68

4.2.3 Thống nhất ý chí giữa các bên 71

4.2.4 Nghĩa vụ đối ứng (consideration) 73

4.2.6 Điều kiện về hình thức 78

4.3 Nhận xét điều kiện hiệu lực của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ 79

4.3.1 Quy định về điều kiện chủ thể 80

4.3.2 Điều kiện về nội dung và mục đích của hợp đồng 81

4.3.3 Điều kiện về sự tự nguyện theo pháp luật Việt Nam và sự thống nhất ý chí theo pháp luật Hoa Kỳ 81

4.3.4 Điều kiện về hình thức 82

4.3.5 Điều kiện về nghĩa vụ đối ứng, đề nghị và chấp nhận đề nghị theo pháp luật Hoa Kỳ 84

Trang 6

Chương 5: NHỮNG KIẾN NGHỊ RÚT RA TỪ NGHIÊN CỨU SO SÁNH CHẾ ĐỊNH GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ 88

5.1 Kiến nghị về khái niệm “hợp đồng dân sự” trong Bộ luật dân sự năm 2005.88 5.2 Kiến nghị về hình thức của hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam và hiệu lực của hợp đồng dân sự do có vi phạm về hình thức 89 5.3 Kiến nghị về quy định thời điểm giao kết hợp đồng dân sự và hiệu lực của hợp đồng dân sự 92 5.4 Kiến nghị về rút, huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng của bên đề nghị 94 5.5 Kiến nghị về các trường hợp chấm dứt hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng 95 5.6 Kiến nghị quy định về sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất 95 5.7 Kiến nghị về độ tuổi tham gia giao kết hợp đồng trong một số lĩnh vực nhằm duy trì trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích công cộng 96

KẾT LUẬN 99 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 101

Trang 7

PHẦN MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

Trong nền kinh tế thị trường, xu hướng hội nhập mọi mặt kinh tế - xã hội đã làm phát triển các giao dịch với quy mô ngày càng mở rộng và tính chất phức tạp, đa dạng Các giao dịch thể hiện dưới hình thức hợp đồng ngày càng phố biến không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra khỏi khu vực và thế giới Pháp luật Hợp đồng Việt Nam đã và đang được hoàn thiện để phù hợp và đáp ứng với nhu cầu điều chỉnh các giao dịch đó Sự phát triển của luật hợp đồng ở Việt Nam đã thể hiện sự cố gắng và nỗ lực của nền lập pháp Việt Nam trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được trong lịch sử phát triển về luật hợp đồng ở Việt Nam cũng như là kết quả tiếp thu những giá trị tiến bộ của luật hợp đồng một số nước trên thế giới Chế định hợp đồng là một chế định trọng tâm và chủ yếu trong hệ thống các chế định của pháp luật dân sự Việt Nam Việc xác lập quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng là cơ sở cho sự điều chỉnh của luật về hợp đồng Chính vì vậy, tác giả nhận thấy các quy định về giao kết hợp đồng là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và phát triển các quan hệ hợp đồng Trong phạm vi nghiên cứu của chương trình đào tạo cao học, tác giả chọn đề tài “So sánh chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ” vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, khi bắt đầu được tìm hiểu các quy định về giao kết hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005, tác giả đã thực sự cảm thấy quan tâm và nghĩ đến việc nghiên cứu đi sâu tìm hiểu các quy định về giao kết hợp đồng ở Việt Nam

Thứ hai, sự hiểu biết và kinh nghiệm của tác giả về giao kết hợp đồng ở Việt Nam chưa vững vàng nhưng trong thực tiễn tác giả thấy hàng ngày, hàng

Trang 8

giờ biết bao giao dịch được diễn ra mà cũng chưa thể hình dung hết được tính phức tạp chúng khi được điều chỉnh theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành

Thứ ba, việc chọn đề tài “So sánh chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ” sẽ là cơ hội tốt nhất giúp tác giả nghiên cứu sâu hơn về chế định giao kết hơp đồng của Việt Nam trên cơ sở đối chiếu,

so sánh với pháp luật Hoa Kỳ về các quy định tương ứng và các quy định khác biệt Việc tìm hiểu pháp luật Hoa Kỳ sẽ giúp tác giả hiểu biết sâu sắc hơn về đặc trưng của hệ thống pháp luật của nước này cũng như pháp luật thông lệ về hợp đồng Đặc biệt, tác giả nghĩ rằng sau khi nghiên cứu sẽ mang lại cho tác giả vốn kiến thức về ngoại ngữ và có thể nói đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà tác giả muốn phấn đấu để có được phương tiện nghiên cứu và thực hành nghề luật một cách tốt hơn

2 Tình hình nghiên cứu về so sánh chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ

Đề tài nghiên cứu “so sánh chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ” theo tác giả là một đề tài mới nhưng đang là

xu hướng nghiên cứu chung của ngành khoa học pháp lý Hiện nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu mang tính chất so sánh trên cơ sở lý luận cơ bản của môn học luật so sánh mới được đưa vào Việt Nam trong những năm gần đây Đã có một số công trình nghiên cứu so sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ, trong đó có lĩnh vực hợp đồng và có giá trị khoa học trong

nghiên cứu và phát triển luật học, đầu tiên phải kể đến sách tham khảo “Tìm

hiểu pháp luật Hoa Kỳ trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới” do TS Phạm Duy Nghĩa (2001) cùng một số nhà khoa học khác viết

(NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội) Vấn đề pháp luật hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ được nghiên cứu và so sánh với pháp luật Việt Nam, qua đó thấy

Trang 9

được đặc trưng cơ bản của giao kết hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ Ngoài

ra, một số luận án, bài viết, một số sách và giáo trình khi viết về giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam có so sánh với pháp luật các nước trong đó có Hoa Kỳ, như luận án tiến sỹ luật học của Nguyễn Vũ Hoàng (2008) với đề tài

“Pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài” hoặc sách “Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam” của TS Nguyễn Ngọc Khánh (2007), NXB Tư pháp, Hà Nội…v.v

Tuy nhiên, với phạm vi so sánh rộng hoặc chỉ dừng lại ở một số quy định tiêu biểu nên hiện tại chưa có công trình nghiên cứu nào chuyên sâu về so sánh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về giao kết hợp đồng Đồng thời, tác giả thấy một số phân tích so sánh về giao kết hợp đồng chưa rõ ràng hoặc còn chung chung Như vậy, để có cái nhìn tổng quan và chuyên sâu hơn về chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam với pháp luật Hoa

Kỳ, tác giả hy vọng rằng bằng công sức đóng góp của mình sẽ giải quyết được những vấn đề còn bỏ ngỏ trên

3 Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

Như tác giả đã trình bày, mục tiêu để có cái nhìn tổng quan và cụ thể hơn về chế định giao kết hợp đồng của pháp luật Việt Nam trên cơ sở nghiên cứu so sánh pháp luật của Hoa Kỳ, nhận diện những mặt tiến bộ và phù hợp của pháp luật Việt Nam để tiếp tục duy trì và phát huy, đồng thời kiến nghị,

đề xuất các điểm mới tiến bộ theo pháp luật Hoa Kỳ và vận dụng một cách phù hợp trong điều kiện pháp luật Việt Nam hiện nay

Với mục tiêu như trên, tác giả tập trung nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến giao kết hợp đồng, các quy định của hai nước về các điều kiện và trình tự giao kết hợp đồng và các nội dung khác có liên quan chặt chẽ đến quá trình giao kết hợp đồng như hình thức và nội dung của hợp đồng, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng Trên cơ sở đánh giá những điểm khác và tương

Trang 10

đồng giữa pháp luật hai nước về chế định này, nhận xét và đưa ra quan điểm bình luận về tính tiến bộ và khả thi của mỗi quy định khác nhau, tác giả kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng Với mục đích và phạm vi nghiên cứu trên, tác giả quyết tâm đi sâu nghiên cứu bằng hết khả năng của mình Tuy nhiên, vì lần đầu tiên tác giả tiếp cận nghiên cứu theo một hướng mới còn khó khăn, trong khi điều kiện về thời gian và trình độ còn hạn chế, nên luận văn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, bất cập và hạn chế Chính vì vậy, tác giả rất mong nhận được mọi ý kiến phê bình và đóng góp của các chuyên gia

Trân trọng cảm ơn!

Trang 11

Chương 1 - NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ

1.1 Khái niệm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ

Ngay từ khoảng thế kỷ thứ V – IV trước công nguyên, thuật ngữ hợp đồng (contractus) đã xuất hiện ở La Mã Dần dần, qua quá trình phát triển cùng các giao dịch thương mại, dân sự, thuật ngữ hợp đồng được thừa nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia Theo đó, khái niệm về hợp đồng cũng có nhiều quan điểm khác nhau Ngày nay, dưới góc độ pháp luật, khái niệm hợp đồng được đưa ra một cách đầy đủ hơn thể hiện đúng bản chất của nó Tuy nhiên, các thuật ngữ và sự kết hợp giữa chúng để đưa ra một khái niệm hợp đồng theo pháp luật mỗi quốc gia có thể khác nhau mặc dù về bản chất có nhiều điểm tương đồng Dưới đây là quan niệm về hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ

1.1.1 Khái niệm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

Pháp luật hợp đồng Việt Nam trải qua các thời kỳ hình thành và phát triển với các quan điểm và khái niệm khác nhau về hợp đồng Pháp luật thời

kỳ Pháp thuộc qua các Bộ dân luật Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ hồi thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX đã xuất hiện khái niệm hợp đồng nhưng được diễn

đạt bằng tên gọi là hiệp ước và khế ước [15, tr 28, 29] Những năm từ 1945

đến năm 1959, quy định của ba bộ dân dân luật phong kiến nửa thực dân vẫn được thừa nhận áp dụng theo Sắc Lệnh số 97/SL ngày 25/5/1950 của Chủ tịch

Hồ Chí Minh Chỉ đến năm 1959 với Chỉ thị số 772-CT/TATC ngày 10/7/1959 về việc đình chỉ áp dụng luật lệ của đế quốc và phong kiến thì khái

niệm về khế ước được thay thế bằng khái niệm hợp đồng Từ thời điểm này

cho đến trước khi có Bộ luật dân sự năm 1995, trong hệ thống pháp luật về

Trang 12

hợp đồng ở Việt Nam xuất hiện hai khái niệm: “hợp đồng kinh tế” và “hợp đồng dân sự” thay cho khái niệm hợp đồng khái quát như thời kỳ trước Sự phân biệt giữa “hợp đồng kinh tế” và “hợp đồng dân sự” là sự phân biệt giữa công cụ giao dịch trong xây dựng kế hoạch hoá nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công cụ giao dịch trong sinh hoạt, tiêu dùng Sự phân biệt này xuất phát từ yêu cầu thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới xây dựng kinh tế đất nước Chỉ đến khi nhận thức được yêu cầu của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có sự thay đổi quan điểm nhận thức về hợp đồng thì tại Bộ luật dân sự năm 1995, khái niệm hợp đồng dân sự

được quy định tại Điều 395 theo đó: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa

các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sư”

Khái niệm này đã trở lên gần gũi với tư tưởng về hợp đồng của nền văn hoá pháp lý Rômanh – Giécmanh [7, tr 37] Tuy nhiên, bên cạnh quy định về hợp đồng dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự thì vẫn tồn tại khái niệm “hợp đồng kinh tế” theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 Do vậy, vẫn còn sự phân biệt giữa “hợp đồng dân sự” và “hợp đồng kinh tế”, nhưng ranh giới giữa chúng khó xác định, đặc biệt với sự ra đời của Bộ luật Thương mại năm

1997 lại càng gây ra nhiều bất cập về xác định các quan hệ hợp đồng

Với sự ra đời của Bộ luật dân sự năm 2005, khái niệm về hợp đồng được quy định tại Điều 388 về thuật ngữ không khác quy định về khái niệm hợp đồng theo Điều 395, Bộ luật dân sự năm 1995 Nhưng, điểm mới căn bản

là khái niệm hợp đồng dân sự mang một ý nghĩa hoàn toàn khác Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế không còn hiệu lực kể từ thời điểm có hiệu lực của Bộ luật dân sự năm 2005, do đó, không còn tồn tại khái niệm về hợp đồng kinh tế Thuật ngữ “dân sự” được nhận thức không chỉ là các quan hệ mang tính sinh hoạt và tiêu dùng mà còn bao quát cả các quan hệ kinh doanh, thương mại và lao động Do đó, khái niệm “hợp đồng dân sự” bao quát tất cả các loại hợp đồng trong lĩnh vực đời sống sinh hoạt, kinh doanh, thương mại và lao

Trang 13

động.Vì vậy, khi nói đến hợp đồng nói chung, không gì khác hơn là nói đến hợp đồng dân sự Và khi nói đến loại hợp đồng cụ thể từ phạm vi một lĩnh vực như sinh hoạt, tiêu dùng, thương mại, kinh doanh đến phạm vi hẹp hơn nữa như hợp đồng cho thuê, hợp đồng gia công, hợp đồng mua bán…v.v tất

nhiên sẽ dựa trên nền tảng là hợp đồng dân sự

Đến đây, một lần nữa khái niệm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam khẳng định xu hướng gần với khái niệm hợp đồng theo hệ thống dân luật (civil law) có nguồn gốc từ hệ tư tưởng pháp lý Rô manh – Giéc manh nhưng

nó đã thể hiện đầy đủ hơn bản chất của hợp đồng, đó là sự thoả thuận giữa các bên mà sự thoả thuận đó làm phát sinh quan hệ giữa các bên trong hợp đồng

1.1.2 Khái niệm hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ

Pháp luật của Hoa Kỳ chưa bao giờ có sự tách biệt giữa cái gọi là “hợp

đồng kinh tế” hay “ hợp đồng dân sự” như từng diễn ra ở Việt Nam Luật hợp

đồng của Hoa Kỳ được tiếp nhận từ luật hợp đồng của nước Anh trong dòng chảy hệ thống thông luật (Commom law) được du nhập từ nước Anh sang Hoa Kỳ nên mang những đặc điểm của pháp luật hợp đồng theo hệ thống thông lệ Cái gốc hình thành hợp đồng xuất phát từ nhu cầu trao đổi hàng hoá đơn giản giữa các bên Nhưng sự trao đổi đơn giản hàng – hàng không có sự hứa hẹn nghĩa vụ gì nên chưa thể coi là hợp đồng Chỉ đến khi có sự trao đổi

mà ở đó đòi hỏi sự tín nhiệm giữa các bên trong các giao dịch liên quan đến tiền tệ, các giao dịch không chỉ là hàng hoá mà còn là dịch vụ trong điều kiện hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường

Thuật ngữ hợp đồng (contract) được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau theo pháp luật Hoa Kỳ Đôi khi, nó được sử dụng với nghĩa thông dụng chỉ đơn giản ám chỉ tới một văn bản chứa đựng những điều khoản mà ở đó các bên chủ thể đã thoả thuận với nhau, nhưng thông thường thuật ngữ hợp đồng được sử dụng nhiều hơn với ý nghĩa là để nói tới một hay nhiều lời hứa mà

Trang 14

pháp luật quy định có hiệu lực hoặc thừa nhận theo một vài cách khác nhau

[19, p 1] Một định nghĩa đầy đủ hơn về hợp đồng theo đó, hợp đồng là một

hoặt nhiều lời hứa mà việc thực hiện những lời hứa đó luật pháp quy định thừa nhận như là những nghĩa vụ, nếu vi phạm thì pháp luật sẽ có những chế tài nhất định [24, §1]

Theo Bộ luật thống nhất thương mại Hoa Kỳ (Uniform Commercial Code hay còn gọi là UCC) điều chỉnh cụ thể về các hợp đồng mua bán hàng

hoá (bao gồm cả các dịch vụ) định nghĩa rằng: Hợp đồng là khối nghĩa vụ

pháp lý phát sinh từ sự thoả thuận của các bên theo quy định của luật này và những quy định khác có liên quan [23, §1-201(11)].

Qua các định nghĩa trên cho thấy bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận hay lời hứa có hiệu lực bắt buộc Sự thoả thuận hay lời hứa có thể làm hoặc không làm một hoặc một số hành vi nhất định Tuy nhiên, không phải tất

cả các lời hứa và sự thoả thuận đều là hợp đồng Lời hứa hay sự thoả thuận là hợp đồng chỉ khi pháp luật chấp nhận có hiệu lực.Vì vậy, toà án có thể không thừa nhận sự tồn tại của một hợp đồng vì lời hứa của một bên đưa ra đã không được bên kia chấp nhận Theo quan điểm pháp luật Hoa Kỳ, Hợp đồng cần sáu yếu tố bao gồm: đề nghị; chấp nhận đề nghị; sự đồng ý giữa các bên; năng lực chủ thể; nghĩa vụ đối ứng (consideration); tính hợp pháp

Như vậy, về bản chất, khái niệm hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ về cơ bản không khác so với khái niệm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam khi thừa nhận sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng và quy định chỉ khi những thoả thuận đó có hiệu lực bắt buộc thì mới coi là hợp đồng Nhưng về thuật ngữ thì

pháp luật Việt Nam có dùng cụm từ “hợp đồng dân sự” để nói tới hợp đồng nói

chung, còn pháp luật Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác trên thế giới dùng thuật ngữ “hợp đồng” (contract) với ý nghĩa là hợp đồng nói chung

Trang 15

Điểm khác biệt là quan điểm hợp đồng của Hoa Kỳ mang đặc điểm chung của hệ thống luật thông lệ, trong khi quan điểm hợp đồng của luật Việt Nam mang đặc điểm của hệ thống dân luật, nên trong một số trường hợp, theo pháp luật nước này là hợp đồng mà pháp luật nước kia không được coi là hợp đồng Sự phân biệt này được nêu rõ ở những chương sau của luận văn này

1.2 Khái niệm giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ

1.2.1 Giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam chưa có một khái niệm chính thức nào mà chỉ được nói tới như một giai đoạn của hợp đồng mà

ở đó pháp luật quy định những điều kiện cần phải có để hình thành hợp đồng

Có thể hiểu giao kết hợp đồng là giai đoạn thiết lập mối liên hệ pháp lý giữa các chủ thể trong quan hệ trao đổi [8, tr 198] Các quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng nhằm đảm bảo tính phù hợp và an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao kết, hướng dẫn xử sự của các chủ thể trong quá trình giao kết và thiết lập quan hệ hợp đồng hợp pháp

Giao kết hợp đồng cũng là quá trình tạo ra một hợp đồng mà ở đó có sự thể hiện ý chí của các chủ thể trong thoả thuận Bắt đầu quá trình giao kết là

đề nghị giao kết và kết thúc là chấp nhận đề nghị giao kết Quá trình này phải đảm bảo đầy đủ những yếu tố về hình thức và nội dung hợp đồng cũng như những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì mới thực sự hình thành được một hợp đồng

Giao kết hợp đồng gồm bốn đặc trưng: Là quá trình tuyên bố ý chí của các chủ thể trong giao dịch; Chủ thể đầy đủ năng lực để giao kết hợp đồng; Thống nhất ý chí của các bên về nội dung cần trao đổi và giao kết hợp đồng được xác lập dưới hình thức nhất định

1.2.2 Theo quan niệm truyền thống pháp luật thông lệ cũng như pháp luật Hoa Kỳ, vấn đề giao kết hợp đồng (contract formation) liên quan đến các

Trang 16

quy định về nghĩa vụ đối ứng (consideration), đề nghị giao kết và chấp nhận

đề nghị giao kết hợp đồng Giao kết hợp đồng được bắt đầu từ thời điểm bên

đề nghị đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng và kết thúc khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng Các vấn đề pháp luật quy định liên quan đến giao kết hợp đồng như hình thức, nội dung của hợp đồng, điều kiện hình thành hợp đồng cũng được thể hiện trong giai đoạn này

Như vậy, giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và giao kết hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ bao gồm tập hợp các quy định pháp luật điều chỉnh quá trình thiết lập quan hệ hợp đồng giữa các bên chủ thể, là quá trình các bên thoả thuận với nhau để xác lập quyền và nghĩa vụ của mỗi bên

1.3 Pháp luật điều tiết giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

là luật gốc quy định những nguyên tắc chung và cơ bản nhất về hợp đồng Luật chuyên ngành cụ thể hoá và được phép quy định khác với bộ luật dân sự

để phù hợp với tính đặc thù của quan hệ giao dịch trong từng lĩnh vực cụ thể Nguồn án lệ không được thừa nhận là nguồn pháp luật chính thức trong khoa học pháp lý Việt Nam Tuy nhiên, trên thực tế công tác xét xử, việc toà án sử dụng án lệ không phải là hiếm

Với pháp luật Hoa Kỳ, sự điều chỉnh của nó thể hiện mối quan hệ giữa pháp luật liên bang và bang Tuy nhiên, không giống như pháp luật Việt Nam

là hệ thống pháp luật thực định thì nguồn của pháp luật Hoa Kỳ chủ yếu là án

lệ Và cái mà người ta gọi là bộ luật ở Hoa Kỳ không giống như như Bộ luật

Trang 17

hay luật ở Việt Nam, có thể so sánh giữa Bộ luật thương mại thống nhất Hoa

Kỳ và Bộ luật dân sự Việt Nam cho thấy sự khác biệt này Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ rất phong phú và đa dạng, vì bên cạnh tuyển tập những án lệ, còn

có những văn bản thành văn do Quốc hội Mỹ ban hành, thêm vào đó, những

án lệ tỏ ra lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Mỹ cũng như trong giao dịch quốc tế đã được điều chỉnh cho phù hợp

Nhìn chung, pháp luật điều chỉnh giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ mang tính linh hoạt và phong phú đa dạng nhưng thể hiện đặc trưng riêng theo pháp luật mỗi nước Để thấy được sự so sánh tổng quát như trên, dưới đây là phần trình bày các quy định của pháp luật Hai nước về giao kết hợp đồng

1.3.2 Pháp luật điều tiết giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

Pháp luật điều chỉnh hợp đồng nói chung, giao kết hợp đồng nói riêng theo pháp luật Việt Nam được quy định khá rõ ràng và cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật Qua các thời kỳ phát triển, luật hợp đồng của Việt Nam hiện hành đã đạt được những thành tựu quan trọng và đóng vai trò trọng tâm trong pháp luật dân sự Việt Nam Dưới đây là sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật liên quan đến giao kết hợp đồng

1.3.1.1 Bộ luật dân sự năm 2005

Bộ luật dân sự năm 2005 được thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 điều chỉnh các quan hệ dân sự, trong đó nổi bật và trọng tâm là chế định về hợp đồng Đóng vai trò quan trọng trong chế định hợp đồng là phần các quy định về giao kết hợp đồng gồm 26 điều (từ Điều 388 đến Điều 411), mở đầu cho các quy định về hợp đồng dân sự Bộ luật dân sự điều chỉnh giao kết hợp đồng qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản của giao kết hợp đồng, những nội dung liên quan đến đề nghị giao kết và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, hình thức hợp đồng dân sự, nội dung hợp đồng dân sự, vấn đề hiệu lực

Trang 18

của hợp đồng dân sự Đó là các quy định này mang tính điều chỉnh chung cho các quan hệ hợp đồng trong giai đoạn giao kết Ngoài ra, Bộ luật còn có quy định một số loại hợp đồng dân sự thông dụng làm cơ sở điều chỉnh pháp lý các quan hệ giao kết hợp đồng cho từng loại hợp đồng như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng trao đổi tài sản, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng mượn tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng uỷ quyền, hứa thưởng và thi có giải Tuy là những quy định cụ thể về một số loại hợp đồng thông dụng nhưng với vai trò của Bộ luật dân sự là luật gốc nên ngoài các quy định chung đó, tuỳ từng lĩnh vực và trường hợp cụ thể mà có sự áp dụng kết hợp với các luật chuyên ngành khác

1.3.1.2 Các luật chuyên ngành

Các luật chuyên ngành quy định việc giao kết hợp đồng trong từng lĩnh vực cụ thể dựa trên cơ sở luật gốc là Bộ luật dân sự Ngày càng nhiều văn bản luật chuyên ngành trong mọi lĩnh vực cụ thể được ban hành thể hiện sự phong phú đa dạng của đời sống kinh tế - xã hội Mỗi lĩnh vực tương ứng với luật điều chỉnh riêng, có thể kể đến như Luật thương mại, một văn bản quan trọng liên quan đến chế định hợp đồng bên cạnh Bộ luật dân sự điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các thương nhân Ngoài ra, quá trình giao kết hợp đồng còn

có thể chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác có liên quan đến lĩnh vực giao kết hợp đồng trong từng trường hợp cụ thể như Luật đầu tư năm 2005; Luật đất đai năm 2003; Luật doanh nghiệp năm 2005; Luật giao dịch điện tử năm 2005; Luật kinh doanh bảo hiểm 2000; Luật xây dựng; Luật nhà ở; Luật giao dịch bảo đảm; Luật chứng khoán; Luật đấu thầu…v.v và toàn bộ

hệ thống các văn bản dưới luật trong lĩnh vực có liên quan

1.3.1.3 Mối quan hệ giữa Bộ luật dân sự và các luật chuyên ngành

Như phần trên đã trình bày, Bộ luật dân sự được coi là văn bản luật điều chỉnh chung nhất vấn đề hợp đồng, trong đó có giao kết hợp đồng Giữa

Bộ luật dân sự và các luật chuyên ngành có mối liên hệ gắn bó nhau thể hiện

Trang 19

ở chỗ bổ sung cho nhau Với vai trò là bộ luật gốc, chế định về giao kết hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2005 đóng vai trò định hướng nguyên tắc trong việc điều chỉnh các quan hệ giao kết hợp đồng nói chung cũng như từng hợp đồng cụ thể cho phù hợp với đặc thù của loại hợp đồng dân sự đó Tuy nhiên, sự áp dụng của Bộ luật dân sự mang tính linh hoạt mà không áp đặt hay loại trừ sự áp dụng của luật chuyên ngành, điều đó thể hiện ở việc luật chuyên ngành có quy định điều chỉnh về một trường hợp cụ thể thì phải áp dụng quy định của luật chuyên ngành đó Ngược lại, nếu luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng Bộ luật dân sự

1.3.3 Pháp luật điều tiết giao kết hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ

1.3.2.1 Tuyển tập về luật hợp đồng (Restatements of contracts)

Thế kỷ thứ 19 được coi là thời điểm phát triển các học thuyết, tư tưởng

và hệ thống hoá các quy định của luật hợp đồng ở Hoa Kỳ Sự phát triển này thể hiện ở các chuyên luận và các bộ tuyển tập các án lệ về hợp đồng (restatement of contracts) Tuyển tập luật hợp đồng là một trong những công trình của Viện nghiên cứu luật Hoa Kỳ thể hiện sự cố gắng trình bày chính xác những quyết định của Toà án có độ dung hoà cao nhất và có thể được áp dụng bởi các toá án của các bang của Hoa Kỳ [ 17, tr 325, 326] Tuyển tập quan tâm nhiều đến các nguyên tắc cơ bản trong giao kết hợp đồng cũng như vấn đề hiệu lực của hợp đồng

Tuyển tập hợp đồng đầu tiên được hoàn thành vào năm 1932 Năm

1981, tuyển tập hợp đồng lần thứ hai được xuất bản với một số thay đổi và bổ sung so với tuyển tập năm 1932, đặc biệt là việc bổ sung những ngoại lệ của chế định nghĩa vụ đề bù (consideration), hạn chế rút lại lời hứa Nhìn chung, tuyển tập lần hai có nhiều đối mới và được quy định chi tiết hơn so với tuyền tập lần đầu [19, p 55] Những nội dung chính liên quan đến giao kết hợp đồng được thể hiện trong tuyển tập như chế định về lời hứa, đề nghị và chấp nhận

đề nghị, hiệu lực của hợp đồng tuy không mang giá trị như các quy định của pháp luật thành văn tại các nước theo hệ thống dân luật nhưng lại có thể được

Trang 20

trích dẫn trong các quy định của toà án, là cơ sở để tìm ra những quyết định quan trọng trong những vụ việc tương tự

1.3.2.2 Bộ luật thương mại chuẩn thống nhất Hoa Kỳ

Bộ luật thương mại chuẩn thống nhất Hoa Kỳ là tuyển tập các án lệ điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại, mua bán và cho thuê hàng hoá Bộ luật có nguồn gốc từ luật thương nhân, sau đó được phát triển dựa trên cơ sở các án lệ liên quan đến hoạt động thương mại Vấn đề giao kết hợp đồng trong lĩnh vực thương mại được quy định cụ thể trong Bộ luật với những điểm kế thừa quan điểm truyền thống của thông luật và ghi nhận những điểm mới cho phù hợp với điều kiện giao dịch thương mại hiện đại Bộ luật là sản phẩm của Viện nghiên cứu luật Hoa Kỳ có vai trò kham thảo và là bộ luật mẫu cho các bang, ngoại trừ bang Louisiana, nơi chịu ảnh hưởng của luật dân sự Pháp nên chỉ chấp nhận một phần của Bộ luật không liên quan đến mua hán hàng hoá Các bang dựa vào Bộ luật này ban hành cho mình đạo luật riêng Vì vậy, tuy mỗi bang có đạo luật riêng về hợp đồng nhưng về cơ bản các đạo luật đó có nhiều điểm tương đồng về điều chỉnh giao kết hợp đồng nói riêng, các vấn đề giao dịch thương mại nói chung

Bộ luật chia thành 11 điều, trong đó tập trung về điều chỉnh giao kết hợp đồng tại Điều 1 (những quy định chung) và Điều 2 (mua bán hàng hoá)

Ngoài các công trình luật nói trên, Hoa Kỳ có còn một số văn bản luật thực định chuyên về một số lĩnh vực do Quốc hội Mỹ ban hành như Luật Magnjewsson Moss ( luật về các bảo đảm và thẩm quyền của ban thương mại Hoa Kỳ); Luật chống lừa đảo (Statute of frauds), Luật thống nhất về giao dịch thông tin trên máy tính (UCITA), Luật thống nhất về giao dịch điện tử (UETA), Luật chữ ký điện tử trong thương mại quốc gia và quốc tế (E – Sign), Luật bảo hộ tín dụng tiêu dùng, Luật an toàn hàng hoá tiêu dùng; Luật nghĩa vụ đóng bao bì bảo đảm tránh sự thâm nhập của chất độc hại; Luật cấm dùng các chất gây hại sức khoẻ con người….v.v

Trang 21

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Qua phân tích, so sánh những vấn đề chung về giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ có thể rút ra được những điểm chính sau đây:

1 Khái niệm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều có chung bản chất là sự thoả thuận giữa các bên tham gia giao kết hợp

đồng Nhưng pháp luật Việt Nam sử dụng thuật ngữ “hợp đồng dân sự” để

nói về khái niệm hợp đồng trong khi pháp luật Hoa Kỳ cũng như nhiều nước

khác chỉ sử dụng thuật ngữ hợp đồng (contract)

2 Chế định giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều điều chỉnh tập trung vào những vấn đề liên quan đến đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng

3 Nếu như pháp luật Việt Nam điều chỉnh giao kết hợp đồng bằng các nguồn pháp luật thành văn của cơ quan lập pháp, hành pháp thì pháp luật Hoa

Kỳ điều chỉnh giao kết hợp đồng chủ yếu bằng các nguồn án lệ của toà án Các quy phạm pháp luật thành văn chỉ đóng vai trò thứ yếu và điều chỉnh trong một số lĩnh vực nhất định

4 Hệ thống pháp luật Việt Nam là pháp luật thống nhất của một quốc gia khác với pháp luật Hoa Kỳ có sự phân biệt giữa pháp luật liên bang và tiểu bang Tại Hoa Kỳ, lĩnh vực pháp luật hợp đồng mang tính tiểu bang hơn là liên bang Pháp luật điều chỉnh giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam thể hiện mối liên hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành cũng như luật chuyên biệt còn pháp luật Hoa Kỳ điều chỉnh giao kết hợp đồng thể hiện mới liên hệ giữa pháp luật liên bang và tiểu bang, giữa pháp luật thành văn và án lệ

Trang 22

Chương 2 - THOẢ THUẬN VÀ CÁC THÀNH TỐ CỦA THOẢ THUẬN

THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT HOA KỲ

2.1 Khái niệm về sự thoả thuận theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ

Thuật ngữ thoả thuận theo nghĩa rộng được hiểu là bất kỳ sự đồng ý của hai hay nhiều chủ thể cho dù có hay không hậu quả pháp lý Ở đây, tác giả chỉ nói tới khái niệm thoả thuận mang tới hậu quả pháp lý và trong mối liên hệ với quan hệ hợp đồng

Như chương đầu của luận văn đã trình bày, thoả thuận vừa thể hiện bản chất của hợp đồng, vừa là yếu tố không thể thiếu trong hợp đồng Thoả thuận thể hiện sự thống nhất trong việc bày tỏ ý chí của các bên, theo đó, nội dung của hợp đồng được hình thành [15, tr 20] Thoả thuận vừa là kết quả, vừa là nội dung của sự thống nhất ý chí, sự gặp nhau về mặt tư tưởng giữa các chủ thể bình đẳng về mặt pháp lý Mục đích của thoả thuận trong hợp đồng nhằm tạo lập hệ quả pháp lý theo đó xác định mỗi chủ thể trong thoả thuận có những quyền và nghĩa vụ nhất định [7, tr 42, 43]

Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa đưa ra khái niệm chính thức về thoả thuận Nhưng viện dẫn theo các quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005, thoả thuận là kết quả của sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể giao kết hợp đồng mà ở đó phải đảm bảo sự tự do, tự nguyện giữa các bên Yêu cầu của sự thoả thuận là không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội thì mới được coi là hợp pháp Thoả thuận hợp pháp

có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng [1, Điều 4]

Trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, thoả thuận (agreement) được hiểu

là sự thể hiện thống nhất ý chí của hai hoặc nhiều người [24, § 3] Sự thoả thuận như các toà án đã từng nói, nó không khác gì hơn sự thể hiện nhất trí giữa

Trang 23

các bên một cách hợp pháp Ở một vài khía cạnh, thoả thuận là một thuật ngữ rộng hơn so với hợp đồng, sự thương lượng hay lời hứa Nó bao trùm các giao dịch mua bán, tặng cho và các chuyển giao tài sản khác [22, § 2]

Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ định nghĩa thoả thuận là sự phân biệt so với hợp đồng để thể hiện sự thương lượng giữa các bên trong thực tế, được thiết lập theo ngôn ngữ của họ hoặc được suy ra từ hoàn cảnh bao gồm quá trình thực hiện, giải quyết hợp đồng hoặc theo tập quán thương mại theo quy định của Bộ luật này [23, § 1- 201 (3)] Theo pháp luật Hoa Kỳ, thoả thuận giữa các bên phải hợp pháp mới được pháp luật thừa nhận và bảo vệ

Như vậy, pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều thừa nhận thoả thuận là yếu tố cơ bản của hợp đồng, thể hiện bản chất của hợp đồng, qua đó thể hiện sự thống nhất ý chí của các bên Về cơ bản, những yêu cầu của thoả thuận làm phát sinh hiệu lực hợp đồng theo pháp luật hai nước cũng có nhiều quan điểm tương đồng nhau Quan điểm về sự thoả thuận chính vì vậy

mà có thể phân biệt được với hợp đồng Thoả thuận không đồng nghĩa với hợp đồng, nhưng hợp đồng thì đương nhiên là thoả thuận, vì hợp đồng bao hàm sự thoả thuận Sự thoả thuận chỉ được coi là hợp đồng nếu nó có đầy đủ những yếu tố cơ bản của hợp đồng

2.2 Các thành tố của sự thoả thuận

Thoả thuận gồm hai yếu tố cấu thành, đó là đề nghị giao kết hợp đồng

và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mà nếu thiếu một trong hai yếu tố này sẽ không tồn tại một thoả thuận theo đúng nghĩa pháp lý của nó Dưới đây là những vấn đề cơ bản về các thành tố đó

Trang 24

thể hiện ý định định giao kết hợp đồng của chủ thể này đối với một hay nhiều chủ thể khác Không phải ngẫu nhiêu mà có sự xuất hiện của các thủ thể cùng một lúc để tiến hành giao kết hợp đồng, hay nói cách khác không phải lúc nào hợp đồng cũng dễ dàng được hình thành từ hai phía nếu không

có sự chủ động của một phía

Theo pháp luật Việt Nam, khái niệm về giao kết hợp đồng được quy

định tại khoản 1, Điều 390, Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể là:“đề nghị

giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định

cụ thể”

Khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam cho thấy bản chất của đề nghị là hành vi pháp lý đơn phương với nội dung thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của bên đề nghị đối với bên được đề nghị, thông qua đó thể hiện sự sẵn sàng chịu sự ràng buộc của bên đề nghị với bên được đề nghị về nội dung đề nghị đó

Theo quan niệm của pháp luật Hoa Kỳ, đề nghị giao kết hợp đồng được xác định là sự thể hiện ý chí của bên đề nghị đối với bên được đề nghị dưới hình thức là lời hứa mà lời hứa đó phụ thuộc vào hình thức thể hiện ý chí (hành vi) của bên được đề nghị [19, tr 82] Ví dụ, người bán hàng hứa

sẽ cung cấp hàng hoá nếu người mua hàng hứa thanh toán tiền mua hàng

Do đó, cũng có thể nói đề nghị giao kết hợp đồng là đề xuất của một bên này với bên kia để thể hiện ý định giao kết hợp đồng Đề nghị giao kết hợp đồng tạo cho chủ thể được đề nghị quyền được tạo ra hợp đồng bằng việc thể hiện

sự đồng ý

Như vậy, bản chất của khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng theo pháp luật hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đều khẳng định là hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý định giao kết hợp đồng của bên đề nghị với bên được đề nghị Với khái niệm về giao kết hợp đồng như đã trình bày trên theo pháp

Trang 25

luật hai nước đều cho phép nhận diện và phân biệt với các lời mời giao kết hợp đồng sẽ được trình bày ở mục 2.2.1.2 dưới đây

2.2.1.2 Điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng là bước đầu tiên trong việc tạo ra mối quan

hệ pháp lý giữa các bên chủ thể giao kết Vì ý nghĩa quan trọng như vậy nên pháp luật các nước đều đưa các yêu cầu cũng như điều kiện đối với một đề nghị giao kết hợp đồng

Theo pháp luật Việt Nam, chưa có điều luật cụ thể nào nói về điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng, nhưng xuất phát từ khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng như đã trình bày tại mục trên cho thấy đề nghị giao kết hợp động phải có những điều kiện cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, đề nghị giao kết hợp đồng phải là sự thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng

- Thứ hai, bên đề nghị thể hiện ý chí muốn ràng buộc về đề nghị đối với bên được đề nghị;

- Thứ ba, đề nghị phải được gửi tới đối tượng xác định cụ thể

Theo pháp luật Hoa Kỳ, đề nghị giao kết hợp đồng phải đảm bảo những điều kiện như: đề nghị phải thể hiện ý định giao kết hợp đồng một cách nghiêm túc; đề nghị giao kết hợp đồng phải có tính xác định, và đề nghị giao kết phải được truyền đạt tới bên được đề nghị cụ thể Như vậy, ở phương diện chung, pháp luật Hoa Kỳ và pháp luật Việt Nam có điểm chung

về điều kiện để coi một trường hợp là đề nghị giao kết hợp đồng Dưới đây

là các khía cạnh cụ thể về các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng theo pháp luật hai nước:

Điều kiện thể hiện ý định giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện rõ ý định của bên đề nghị đối với bên được đề nghị về việc muốn được giao kết hợp đồng Nhưng mức độ thể hiện rõ ràng ý định đó như thế nào thì pháp luật thực định của Việt Nam

Trang 26

chưa nêu rõ Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý Việt Nam cũng như căn cứ các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung của đề nghị và chấp nhận

đề nghị giao kết hợp đồng cho thấy, việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng chính là nội dung đề nghị giao kết hợp đồng phải cụ thể, qua đó thể hiện ý muốn của bên đề nghị muốn giao kết cái gì, giao kết như thế nào Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của bên đề nghị với bên được đề nghị về đề nghị giao kết đó

Theo cách lý giải của thông luật cũng như pháp luật Hoa Kỳ thì sự thể hiện ý định giao kết hợp đồng chính là ý định nghiêm túc với mục đích giao kết hợp đồng Lời nói và hành vi của bên đề nghị đảm bảo với bên được đề nghị một ý định về một sự thoả thuận ràng buộc Ý định nghiêm túc được thể hiện bằng ngôn ngữ, lời nói và hành động của bên đề nghị và bằng những gì mà bên được đề nghị có thể tin rằng đó là ý định thực sự cho việc giao kết hợp đồng [ 20, p 108] Quan điểm trên về ý định nghiêm túc trong

đề nghị giao kết hợp đồng cũng đồng thời nói lên được trách nhiệm của bên

đề nghị trước bên được đề nghị về đề nghị giao kết hợp đồng

Điều kiện về tính xác định của đề nghị giao kết hợp đồng

Theo khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng được quy định tại Điều

390, Bộ luật dân sự Việt Nam thì bên đề nghị phải xác định chủ thể được đề nghị một cách cụ thể chứ không phải bất kỳ người nào khi chủ thể đề nghị giao kết hướng lời đề nghị tới Không có điều kiện này, mặc nhiên không tồn tại đề nghị giao kết hợp đồng

Theo pháp luật Hoa Kỳ, tính xác định của đề nghị tập trung thể hiện ở chỗ: đề nghị giao kết hợp đồng chứa đựng những điều khoản, nội dung rõ ràng và xác định cụ thể, qua đó thể hiện được những vấn đề cơ bản của hợp đồng như các bên chủ thể trong hợp đồng; đối tượng của hợp đồng, giá cả

mà bên đề nghị đưa ra, thời gian yêu cầu thực hiện hợp đồng

Trang 27

Tuy nhiên, các toà án của Mỹ cũng không vì thế mà yêu cầu một cách tuyệt đối về tính xác định của đề nghị giao kết hợp đồng mà thường chỉ xem xét tính xác định ở một mức độ hợp lý của đề nghị giao kết hợp đồng

Bộ luật thương mại chuẩn thống nhất Hoa Kỳ chấp nhận những đề nghị bỏ qua thông tin đòi hỏi phải chắc chắn, đích xác Theo đó, một hoặc nhiều điều khoản có thể để ngỏ, một hợp đồng mua bán hàng hoá không bị vô hiệu vì tính không xác định nếu các bên có ý định giao kết hợp đồng và có những cơ sở chắc chắn và phù hợp để đưa ra biện pháp

hợp lý [ 23, § 2 – 204 (3)]

Đề nghị được truyền đạt tới bên được đề nghị

Đề nghị phải được thông báo cho bên được đề nghị để bên được

đề nghị biết được ý định giao kết hợp đồng của bên đề nghị Pháp luật hai nước đều thừa nhận việc thông báo, truyền đạt đề nghị giao kết có thể qua bất kỳ hình thức và phương tiện gì như hình thức bằng miệng, văn bản, thư, qua máy fax, thư điện tử…v.v Ngoài ra, pháp luật Hoa

Kỳ còn thừa nhận sự ngầm định trong những điều kiện nhất định để được coi là đề nghị đã được thông báo cho bên được đề nghị Pháp luật Việt Nam không quy định về vấn đề này

Sự phân biệt đề nghị giao kết hợp đồng với lời mời giao kết hợp đồng

Với các yêu cầu trên về đề nghị giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ, có thể dễ dàng thấy sự phân biệt giữa đề nghị giao kết hợp đồng với các hành vi mang tính chất là lời mời giao kết như bày bán hàng hoá để bán, bán đấu giá, mời thầu, quảng cáo, trưng bày, thông báo phát hành trái phiếu, cổ phiếu…v.v Với lời mời giao kết hợp đồng trong đó chưa xác định được hợp đồng sẽ được giao kết với chủ thể nào, tức chưa xác định được về mặt chủ thể Mặc dù những yếu tố khác có thể thể hiện trong lời mời giao kết như giá cả, địa điểm, thời hạn để giao kết…v.v nhưng nhìn chung thiếu đi tính thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng một cách chắc chắn

Trang 28

Người đưa ra lời mời giao kết hợp đồng không phải chịu trách nhiệm một cách ràng buộc về lời mời đó trước các chủ thể khác khi mà chưa thể xác định được chủ thể cụ thể để giao kết hợp đồng Ví dụ như hành vi trưng bày hàng hoá tại một cửa hàng của người bán hàng là lời mời khách hàng đề nghị giao kết hợp đồng Nếu khách hàng bất kỳ đến xem và đề nghị được mua hàng thì hành vi đề nghị được mua hàng của người mua mới là đề nghị giao kết hợp đồng Trách nhiệm sẽ không đặt ra đối với người bán hàng nếu người này muốn giữ lại món hàng đó hoặc từ chối bán cho người người này

để bán cho người khác Tương tự như vậy, trong một cuộc đấu giá, bên đề nghị giao kết là người đặt giá tại cuộc đấu giá và người bán đấu giá mới là người có quyền chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị đó Do đó, các hàng

vi thông báo bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá của người bán đấu giá không được coi là đề nghị giao kết hợp đồng

2.2.1.3 Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng

Vấn đề hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng là cơ sở xác định trách nhiệm của bên đề nghị đối với đề nghị được đưa ra Đề nghị giao kết hợp đồng với đầy đủ các điều kiện của nó sẽ làm phát sinh hiệu lực và ràng buộc bên đề nghị, tạo ra cho bên được đề nghị quyền lựa chọn sự chấp nhận giao kết hợp đồng

Thời điểm bắt đầu hiệu lực của đề nghị

Theo pháp luật Việt Nam, thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định căn cứ theo Điều 391 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:

Trang 29

- Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

- Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được

Tuy nhiên, thực chất vấn đề thời điểm bắt đầu có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng chưa được pháp luật Hoa Kỳ chú ý tới vì sự ràng buộc của bên đề nghị đối với đề nghị trước khi nó được chấp nhận khác với quy định của pháp luật Việt Nam, đó là các quy định về quyền tự do rút lại đề nghị sẽ được làm rõ dưới đây

Thời điểm hết hiệu lực của đề nghị

Người đưa ra đề nghị phải chịu sự ràng buộc về đề nghị của mình, tuy nhiên sự ràng buộc đó là có giới hạn Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ về thời điểm hết hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng tại Điều 394, Bộ luật dân sự:

- Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;

- Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

- Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

- Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực ;

- Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời

Trang 30

Ngoài những trường hợp trên, căn cứ Điều 398, Điều 395 Bộ luật dân

sự, còn có hai trường hợp dẫn đến chấm dứt hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng: (1) sự kiện bên đề nghị chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự trước khi đề nghị được chấp nhận cũng là điều kiện chấm dứt hiệu lực của

đề nghị giao kết hợp đồng; (2) bên đề nghị đưa ra đề nghị mới cũng là cơ sở chấm dứt hiệu lực của đề nghị ban đầu đối với bên được đề nghị

Theo pháp luật Hoa Kỳ, những trường hợp chấm dứt hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng bao gồm [12, tr 163 ; 20, p 117, 118]:

- Bên đề nghị rút lại đề nghị giao kết hợp đồng;

- Người nhận đưa ra đề nghị mới;

- Người nhận từ chối đề nghị giao kết hợp đồng;

- Hết hạn chấp nhận;

- Bên đề nghị chết hoặc mất năng lực hành vi;

- Đối tượng của hợp đồng không còn tồn tại hoặc bị phá huỷ

- Nội dung của đề nghị vi phạm pháp luật

So sánh các trường hợp hết hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng giữa pháp luật hai nước cho thấy có nhiều điểm tương đồng và khác biệt đáng chú ý Trước hết là những trường hợp tương ứng mà pháp luật mỗi nước đều đặt ra làm căn cứ chấm dứt hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng Những trường hợp này tuy được pháp luật hai nước thừa nhận nhưng điều kiện áp dụng không hoàn toàn giống nhau, cụ thể như sau:

Đối với trường hợp rút, huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Pháp luật Việt Nam quy định bên đề nghị được rút hoặc thay đổi đề nghị trong hai trường hợp: (1) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo

về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; (2) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh [1, Điều 392] Như vây, nếu thông báo rút đề nghị

Trang 31

đến sau thời điểm bên được đề nghị nhận được đề nghị thì thông báo đó sẽ không có hiệu lực, ngoại trừ trường hợp có phát sinh điều kiện mà điều kiện đó đã được nêu rõ trong đề nghị Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng nêu rõ thời hạn trả lời mà trong thời hạn chờ trả lời đó nếu bên đề nghị giao kết với người thứ ba thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh [1, Điều 390, khoản 2]

Trường hợp huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng theo Điều 393, Bộ luật dân sự, bên đề nghị chỉ được huỷ bỏ đề nghị trước khi đề nghị được giao kết nhưng phải đảm bảo điều kiện huỷ bỏ do đã được nêu rõ trong đề nghị Như vậy, nếu trong đề nghị không nêu rõ về quyền huỷ bỏ đề nghị trước khi được chấp nhận thì bên đề nghị sẽ không thể huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng mà mình đã đưa ra

Không giống các quy định trên của pháp luật Việt Nam, pháp luật Hoa

Kỳ cho phép bên đề nghị được quyền rút lại đề nghị bất kỳ thời điểm nào trước khi đề nghị được chấp nhận Quyền chấp nhận giao kết hợp đồng của bên được đề nghị bị chấm dứt nếu người này nhận được thông báo của bên

đề nghị thể hiện sự không muốn giao kết hợp đồng đã đề nghị [24, § 42] Như vậy, ngay cả khi trong đề nghị đó có nêu rõ thời hạn trả lời thì việc rút hay thay đổi đề nghị vẫn có hiệu lực Cũng chính vì vậy, pháp luật Hoa Kỳ không quy định trách nhiệm của bên đề nghị trong thời hạn trả lời đề nghị

mà giao kết hợp đồng với người thứ ba như với cách quy định của pháp luật Việt Nam như trên Pháp luật Hoa Kỳ cho phép bên đề nghị được tự do rút lại đề nghị ngay cả khi bên được đề nghị đã nhận được đề nghị, do đó, đề nghị chấm dứt hiệu lực

Ngược lại, theo pháp luật Việt Nam, nếu thông báo rút đề nghị đến sau thời điểm bên được đề nghị nhận được đề nghị thì sẽ không được coi là rút lại đề nghị, do vậy, trường hợp này, đề nghị không thể bị chấm dứt hiệu

Trang 32

lực như pháp luật Hoa Kỳ Việc hủy bỏ đề nghị theo pháp luật Việt Nam lại càng hạn chế hơn nhiều so với pháp luật Hoa Kỳ Nếu bên được đề nghị đã nhận được đề nghị mà trong đề nghị không nêu rõ quyền được huỷ bỏ đề nghị thì bên đề nghị không thể huỷ bỏ

Tuy nhiên, quy định truyền thống thông lệ trên đã thay đổi khi chế định estopel của luật công bằng (equity law) đã can thiệp điều chỉnh bổ sung cho luật thông lệ Sự điều chỉnh đó đã hạn chế quyền tự do rút lại đề nghị giao kết hợp đồng của bên đề nghị Do đó, mặc dù về nguyên tắc, bên đề nghị được tự do rút lại đề nghị trước khi đề nghị được chấp nhận thì có một

số ngoại lệ sau đây:

- Bên đề nghị đã hứa trước một thời hạn để đề nghị này có hiệu lực

và đã nhận được từ bên được đề nghị một sự trả giá cho việc giữ lời hứa trên, đây là đặc trưng của một dạng quan hệ hợp đồng mà theo pháp luật Hoa

Kỳ gọi là “option contract” (tạm dịch là hợp đồng tuỳ chọn) [24, §37] Ví

dụ, A đề nghị B mua xe ô tô, B hẹn một tuần sau thì trả lời và đặt trước cho

A 1/3 giá trị tiền xe để A giữ lời hứa không bán xe cho người khác cho đến khi hết thời hạn Không may, trước khi hết hạn thì A chết Trong trường hợp này, B có quyền yêu cầu người quản lý chiếc ô tô của A phải thực hiện lời hứa bán xe như A đã hứa với B

- Bên đề nghị biết trước rằng người nhận sẽ phải dựa vào đề nghị của mình và bên đề nghị do đã quá tin tưởng vào lời hứa của bên đề nghị nên đã

có những hành vi nhất định để được thực hiện lời đề nghị đó [19, p 74]

Ví dụ, A hứa sẽ tuyển con trai của B hiện đang là nhân viên của A vào làm việc sau khi tốt nghiệp đại học B và con trai do quá tin tưởng vào lời hứa của A nên đã từ chối làm việc cho một số công ty sau khi tốt nghiệp

và đã chuyển về ở gần trụ sở nơi mà con trai B dự định làm việc cho A Trong trường hợp này, A buộc phải giao kết hợp đồng lao động với con trai B theo lời hứa của mình

Trang 33

- Những đề nghị không thể huỷ ngang (firm offer) theo quy định của

Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ, cụ thể là các chào hàng bằng văn bản của thương nhân hứa không huỷ ngang thì không được rút lại hay huỷ

bỏ trong thời hạn đã cam kết hoặc trong một thời hạn hợp lý không quá ba tháng nếu trong chào hàng không cam kết chi tiết về thời hạn [23, § 2 – 205]

Trường hợp bên được đề nghị thay đổi đề nghị giao kết hợp đồng của bên đề nghị

Theo pháp luật Hoa Kỳ, việc bên được đề nghị thay đổi nội dung của

đề nghị là căn cứ chấm dứt hiệu lực của đề nghị đó Pháp luật Việt Nam thừa nhận và quy định quyền của bên được đề nghị có thể đề xuất sửa đổi đề nghị

mà bên đề nghị đã đưa ra, trường hợp này được coi như bên đề nghị đưa ra

đề nghị mới [1, Điều 395] Bên đề nghị trở thành bên được đề nghị còn bên được đề nghị trở thành bên đề nghị Do đó, đề nghị ban đầu đưa ra không còn giá trị hiệu lực

Trường hợp bên đề nghị chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự

Theo pháp luật Hoa Kỳ, trong trường hợp bên đề nghị chết hoặc mất năng lực hành vi trước thời điểm đề nghị được chấp nhận thì đề nghị của người đó chấm dứt hiệu lực [20, p 118] Pháp luật Việt Nam không quy

định trực tiếp về trường hợp này, nhưng căn cứ quy định: nếu xảy ra sự kiện

bên đề nghị chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị [1, Điều 398] có thể suy ra trường hợp tương tự như pháp luật Hoa Kỳ,

tức là nếu bên đề nghị chết hoặc mất năng lực hành vi trước thời điểm đề nghị được chấp nhận thì đề nghị đó sẽ mất hiệu lực

Tuy nhiên, pháp luật Hoa Kỳ có ngoại lệ trong trường hợp trên Đó là trong trường hợp đối với hợp đồng tuỳ chọn, nếu bên đề nghị đưa ra đề nghị xác định thời hạn trả lời và đã nhận của bên được đề nghị lợi ích đối ứng thì

kể cả trường hợp bên đề nghị chết thì lời hứa vẫn có hiệu lực [20, p 119]

Trang 34

Đối với trường hợp thời gian chờ trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng hết hạn hoặc dể mặc thời gian trôi qua (passage of time)

Pháp luật hai nước đều quy định nếu bên đề nghị ấn định thời hạn chờ trả lời mà hết thời hạn đó thì đương nhiên đề nghị sẽ hết hiệu lực Cụ thể, theo pháp luật Hoa Kỳ, quyền của bên được đề nghị chấp nhận đề nghị sẽ

chấm dứt tại thời điểm được xác định trong đề nghị [24, §41(1)] Pháp luật

Việt Nam quy định hết hạn trả lời chấp nhận là một trong những trường hợp chấm dứt hiệu lực đề nghị giao kết hợp đồng [1, khoản 2, Điều 394]

Tuy nhiên, trong trường hợp bên đề nghị không ấn định thời hạn chờ trả lời thì việc chấm dứt hiệu lực của đề nghị theo pháp luật Hoa Kỳ quy định cụ thể hơn Nếu trong đề nghị không ấn định thời hạn thì sau khoảng thời gian dài được coi là hợp lý mà không nhận được trả lời thì đề nghị đương nhiên chấm dứt hiệu lực Khoảng thời gian hợp lý này được xác định

dựa vào tình hình thực tế và tuỳ vào từng hoàn cảnh cụ thể [24, §41(2)]

Theo quy định của Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ, thời gian hợp lý được xác định là không quá ba tháng

Pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ vấn đề trên trong trường hợp đề nghị không nêu thời hạn trả lời Tuy nhiên, theo Bộ luật dân sự, trong trường hợp các bên không ấn định thời hạn trả lời mà trực tiếp giao tiếp với nhau,

kể cả qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận [1, Điều 397, khoản 2] Như vậy, nếu bên được đề nghị không trả lời ngay về việc chấp nhận hay không chấp nhận thì bên đề nghị có thể rút hoặc huỷ bỏ đề nghị bất cứ khi nào và đề nghị có thể chấm dứt bất cứ khi nào theo ý muốn của bên đề nghị Tuy nhiên, trong trường hợp gửi thông báo bằng phương thức gián tiếp mà trong thông báo đó không xác định thời thời hạn trả lời thì pháp luật Việt Nam chưa có quy định Có một số quan điểm cho rằng, bên đề nghị muốn thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng thì phải nêu rõ thời hạn trả lời trong đề

Trang 35

nghị đó, nếu không, đề nghị đó không mang tính chất là đề nghị giao kết hợp đồng mà chỉ là lời mời giao kết hợp đồng Vì vậy, muốn đề nghị giao kết hợp đồng thì phải nêu rõ thời hạn trả lời [8, tr 220]

Bên cạnh những trường hợp mà pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ đều quy định là điều kiện chấm dứt hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng, còn

có những trường hợp khác mà pháp luật nước này có quy định mà pháp luật nước kia lại không quy định hoặc chưa rõ ràng, cụ thể như sau:

Trường hợp đối tượng của hợp đồng định giao kết không còn

Theo pháp luật Hoa Kỳ, trong trường hợp đối tượng chính liên quan đến đề nghị giao kết hợp đồng không còn thì đề nghị giao kết hợp đồng đó

sẽ đương nhiên hết hiệu lực [20, tr 118] Khi đối tượng của hợp đồng dự định giao kết không còn thì các bên sẽ không có khả năng thực hiện được hợp đồng đó Pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng chưa có quy định trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực do đối tượng không còn mà chỉ có quy định trường hợp hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được [1, Điều 411] Nhưng, thực tiễn cho thấy nếu đối tượng

đề nghị giao kết không còn thì việc hai bên giao kết hợp đồng với nhau sẽ không còn ý nghĩa Ví dụ, đề nghị giao kết mua bán nhà mà nhà không còn

do bị phá huỷ hoặc bị tịch thu hoặc đề nghị mua bán một tài sản nhất định

mà tài sản đó không còn thì đương nhiên các bên sẽ không đạt được mục đích của mình nếu hợp đồng được giao kết Nếu bên được đề nghị vẫn mong muốn được giao kết hợp đồng thì bên đề nghị cũng không có khả năng thực hiện được hợp đồng

Trường hợp nội dung của đề nghị vi phạm pháp luật

Theo pháp luật Hoa Kỳ, việc thực hiện những hợp đồng dự định giao kết mà bất hợp pháp thì sẽ đương nhiên làm mất hiệu lực của đề nghị đang đang tồn tại Bất kỳ sự thoả thuận nào mà do có được từ việc cố tình chấp nhận đề nghị giao kết sẽ không có hiệu lực [20, tr 118] Theo pháp luật Việt

Trang 36

Nam, tuy không quy định cụ thể đề nghị giao kết hợp đồng có nội dung vi phạm pháp luật làm mất hiệu lực của chính đề nghị đó, nhưng xuất phát từ

nguyên tắc “tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái với pháp luật

và đạo đức xã hội” thì đương nhiên đề nghị mà chứa đựng nội dung phạm

pháp hay vi phạm đạo đức xã hội thì sẽ không được pháp luật bảo vệ Trong trường hợp này, đề nghị đương nhiên không được coi là có hiệu lực nên sẽ không đặt ra vấn đề chấm dứt hiệu lực

2.2.2 Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

2.2.2.1 khái niệm, bản chất của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Nếu như đề nghị giao kết hợp đồng là cơ sở đầu tiên đóng vai trò là điều kiện cần để hình thành nên hợp đồng thì chấp nhận giao kết hợp đồng đóng vai trò là điều kiện đủ để hình thành nên hợp đồng Chấp nhận giao kết hợp đồng là yếu tố hoàn thiện nên sự thoả thuận và nó chỉ tồn tại dựa trên cơ

sở của đề nghị giao kết hợp đồng

Theo pháp luật Việt Nam, khái niệm chấp nhận giao kết hợp đồng

được quy định tại Điều 396 Bộ luật dân sự: “Chấp nhận giao kết hợp đồng

là sự trả lời của bên được đề nghị với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của hợp đồng”

Qua khái niệm trên cho thấy đặc điểm của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời nhất trí với toàn bộ nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng Đây là một lựa chọn trong số các lựa chọn khác mà người nhận được

đề nghị có thể làm như từ chối hay thay đổi đề nghị giao kết hợp đồng, đưa

ra đề nghị mới Chấp nhận đề nghị là hành vi pháp lý đáp lại đề nghị giao kết hợp đồng nhưng là một kết quả tích cực mà bên đề nghị mong muốn đạt được Do đó, sự chấp nhận đề nghị phù hợp và thống nhất ý chí với bên đề nghị để đi đến kí kết hợp đồng

Trang 37

Theo pháp luật Hoa Kỳ, chấp nhận đề nghị là việc bên được đề nghị đồng ý chịu sự ràng buộc bởi những quy định, nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng [20, p 97] Nó là hành vi của bên được đề nghị tạo ra hợp đồng (qua lời hứa hoặc thực hiện một hành vi nhất định), là cơ sở làm cho lời hứa của bên đề nghị được thực thi, do đó, bên đề nghị bị ràng buộc bởi lời hứa thể hiện trong nội dung của đề nghị [19, p 80]

Như vậy, khái niệm chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều có cùng bản chất, phản ánh ý chí chủ quan của bên được đề nghị nhất trí với toàn bộ nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng Cũng giống như đề nghị giao kết hợp đồng, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là hành vi pháp lý đơn phương nhưng nó là sự đáp lại của bên được đề nghị với bên đề nghị về chấp nhận giao kết hợp đồng

2.2.2.2 Điều kiện của chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời đề nghị giao kết hợp đồng dẫn tới sự hình thành hợp đồng giữa các bên Tuy nhiên, sự trả lời đề nghị giao kết hợp đồng phải có những điều kiện nhất định của nó mới được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Theo pháp luật Việt Nam, có thể thấy những điều kiện cơ bản của một chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng:

- Chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng.[1, Điều 396]

- Việc trả lời chấp nhận đề nghị phải trong thời hạn chờ trả lời chấp nhận đề nghị [1, Điều 397]

Theo pháp luật Hoa Kỳ, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải đảm bảo các điều kiện như:

- Chấp nhận tuyệt đối và vô điều kiện các nội dung của đề nghị

- Chấp nhận được chuyển đến bên được đề nghị đúng hạn

Trang 38

Như vậy, pháp luật Việt nam và pháp luật Hoa Kỳ về cơ bản có điểm chung về yêu cầu đối với chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng đó là chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị và thông báo trả lời chấp nhận được gửi đi đúng thời hạn trả lời Dưới đây là nội dung của từng điều kiện theo pháp luật từng nước:

Chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị

Bên được đề nghị phải chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị thì mới được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng Điều này thể hiện sự ưng thuận hoàn toàn của bên được đề nghị với bên đề nghị về các nội dung của đề nghị đó một cách vô điều kiện, không đặt ra một yêu cầu gì khác đối với đề nghị Yêu cầu này là sự phản ánh nguyên tắc “hình ảnh qua gương” (mirror image rule) trong hệ thống luật thông lệ, tức là chấp nhận đề nghị là hình ảnh phản chiếu qua gương của đề nghị Nguyên tắc này xuất phát từ học thuyết nghĩa vụ đối ứng (consideration), theo đó bên được đề nghị trả lời đồng ý toàn bộ những điều khoản, nội dung được xác định trong đề nghị mà bên đề nghị đưa ra, điều này thể hiện sự thống nhất ý chí, sự đồng thuận tuyệt đối của bên được đề nghị với bên đề nghị

Như vậy, pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ đều yêu cầu điều kiện chấp nhận đề nghị một cách tuyệt đối về nội dung được nêu trong đề nghị, vì vậy, nếu có sự thay đổi nội dung thì sự trả lời đó không được coi là chấp nhận đề nghị Trường hợp người trả lời có thay đổi nội dung của đề nghị thì coi như bên được đề nghị đã đưa ra đề nghị mới đối với bên đề nghị Pháp luật Việt Nam quy định khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới [1, Điều 395] Với pháp luật Hoa Kỳ, điều này được thể hiện trong Bộ các tuyển tập luật hợp đồng của Hoa Kỳ và được các nhà nghiên cứu luật học xem như là nguyên tắc đặc trưng cơ bản khi nói đến chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Trang 39

Trong hệ thống luật thông lệ cũng như pháp luật Hoa Kỳ có khái

niệm “Counter offer” là đề nghị đáp lại của bên được đề nghị đối với bên đề

nghị liên quan đến cùng vấn đề nội dung của đề nghị ban đầu và đề xuất sự

thay đổi bổ sung đối với đề nghị ban đầu “Counter offer” không được coi là

chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mà là một cách huỷ bỏ đề nghị [24,

§39 (1)] Tuy nhiên, với “Counter offer”, Bộ luật thương mại thống nhất

Hoa Kỳ đã làm thay đổi nguyên tắc “mirror image rule” khi quy định về

hợp đồng mua bán hàng hoá Theo Bộ luật này, nếu như lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng có bổ sung hay thay đổi những điều khoản khác thì hợp đồng vẫn coi như được giao kết Nếu hai bên trong hợp đồng đều không phải là thương nhân thì những điều khoản bổ sung hay thay đổi đó được coi như đề nghị bổ sung đối với hợp đồng Còn nếu cả hai bên đều là thương nhân thì những điều khoản bổ sung thay đổi đó trở thành một phần của hợp đồng, trừ ba trường hợp sau [23, § 2 – 207 (1)]:

- Thứ nhất, có sự thay đổi căn bản và quan trọng đối với hợp đồng

- Thứ hai, bên đề nghị từ chối

- Thứ ba, đề nghị giao kết ban đầu đã giới hạn chấp nhận những điều khoản đó

Việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong thời hạn còn hiệu lực của đề nghị giao kết

Pháp luật Việt Nam và Hoa Kỳ đều có điểm chung về quy định hiệu lực của thông báo trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng liên quan đến thời hạn

do bên đề nghị ấn định Thông báo chấp nhận đề nghị phải được gửi đi đúng hạn, tức là trong thời hạn chờ trả lời chấp nhận đề nghị, nếu quá thời hạn này, thông báo chấp nhận sẽ không có hiệu lực Để xác định chấp nhận có được gửi đúng hạn hay không, phải xác định thời hạn được ấn định như thế nào, được bắt đầu và kết thúc khi nào

Trang 40

Pháp luật Việt Nam quy định trường hợp đề nghị có sự ấn định thời hạn trả lời do bên đề nghị đưa ra thì trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi bên

đề nghị nhận được trong thời hạn đó Trường hợp trả lời đề nghị đến muộn hơn so với thời hạn mà bên đề nghị ấn định thì sự trả lời đó không có hiệu lực như là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mà lúc này nó được coi là đề nghị mới của bên được đề nghị và quyền quyết định có chấp nhận hay không thuộc về bên đề nghị ban đầu, bên đề nghị ban đầu trở thành bên được đề nghị đối với đề nghị mới Trong trường hợp vì lý do khách quan dẫn đến thông báo trả lời đến muộn mà bên đề nghị biết được hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực [1, Điều 397] Điều này cũng có nghĩa là nếu thông báo đến muộn do nguyên nhân khách quan nhưng bên đề nghị không biết và cũng không có nghĩa vụ phải biết về nguyên nhân khách quan đó thì thông báo chấp nhận không có hiệu lực Phân biệt hai trường hợp yếu tố khách quan bên đề nghị biết được hoặc có nghĩa vụ phải biết với yếu tố khách quan bên đề nghị không biết hoặc không có nghĩa vụ phải biết cho thấy, trường hợp thứ nhất, yếu tố khách quan thường là do hậu quả của thiên tai, hoả hoạn mà nó có sự ảnh hưởng rộng hoặc được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp thứ hai, sự ảnh hưởng của nó chỉ là cá biệt với bên được

đề nghị Nhưng, ngay cả khi trường hợp thứ hai xảy ra, bên đề nghị không

có nghĩa vụ phải biết mà bằng cách nào đó người này biết được thì đương nhiên vẫn đủ điều kiện để thông báo trả lời chấp nhận giao kết có hiệu lực

Tuy nhiên, xuất phát từ quyền tự do giao kết hợp đồng, pháp luật cũng không quá ràng buộc bên đề nghị phải đồng ý với thông báo chấp nhận đến muộn do nguyên nhân khách quan Chính vì vậy, nếu bên đề nghị nhận được thông báo đến muộn do nguyên nhân khách quan mà không muốn chấp nhận

nó thì có thể trả lời ngay không đồng ý

Ngày đăng: 10/07/2015, 11:03

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
3. Ts Ngô Huy Cương (2008), “Tự do ý chí và sự tiếp cận tự do ý chí trong pháp luật Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (115) Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tự do ý chí và sự tiếp cận tự do ý chí trong pháp luật Việt Nam hiện nay"”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp
Tác giả: Ts Ngô Huy Cương
Năm: 2008
4. TS. Đỗ Văn Đại (2009), Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án
Tác giả: TS. Đỗ Văn Đại
Nhà XB: Nhà xuất bản chính trị quốc gia
Năm: 2009
5. Phạm Hoàng Giang (2007), “Ảnh hưởng của điều kiện hình thức hợp đồng đến hiệu lực hợp đồng”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật (03), tr. 47 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Ảnh hưởng của điều kiện hình thức hợp đồng đến hiệu lực hợp đồng”, "Tạp chí Nhà nước và pháp luật
Tác giả: Phạm Hoàng Giang
Năm: 2007
6. Học viện Tư pháp (2007), Giáo trình luật dân sự, NXB. Công an nhân dân, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giáo trình luật dân sự
Tác giả: Học viện Tư pháp
Nhà XB: NXB. Công an nhân dân
Năm: 2007
7. TS. Nguyễn Ngọc Khánh (2007), Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam, NXB Tư pháp, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: ), Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam
Tác giả: TS. Nguyễn Ngọc Khánh
Nhà XB: NXB Tư pháp
Năm: 2007
8. PGS.TS. Hoàng Thế Liên (2009), Bình luật khoa học Bộ luật dân sự năm 2005, tập II, phần thứ ba: Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bình luật khoa học Bộ luật dân sự năm 2005, "tập II, phần thứ ba": Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự
Tác giả: PGS.TS. Hoàng Thế Liên
Nhà XB: NXB. Chính trị Quốc gia
Năm: 2009
11. TS. Lê Đình Nghị (2009), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, NXB. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam
Tác giả: TS. Lê Đình Nghị
Nhà XB: NXB. Giáo dục Việt Nam
Năm: 2009
12. TS. Phạm Duy Nghĩa (2001), Tìm hiểu pháp luật Hoa Kỳ trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tìm hiểu pháp luật Hoa Kỳ trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới
Tác giả: TS. Phạm Duy Nghĩa
Nhà XB: NXB. Chính trị Quốc gia
Năm: 2001
13. GS.TS. Nguyễn Thị Mơ (2006), Cẩm nang pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử, NXB, Lao động – xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cẩm nang pháp luật về giao kết hợp đồng điện tử
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Thị Mơ
Năm: 2006
14. PGS.TS. Phạm Như Phát (2008), Giáo trình luật kinh tế, NXB. Thống kê, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Giáo trình luật kinh tế
Tác giả: PGS.TS. Phạm Như Phát
Nhà XB: NXB. Thống kê
Năm: 2008
15. ThS. Đinh Thị Mai Phương (2005), Thống nhất Luật Hợp đồng ở Việt Nam, NXB Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thống nhất Luật Hợp đồng ở Việt Nam
Tác giả: ThS. Đinh Thị Mai Phương
Nhà XB: NXB Hà Nội
Năm: 2005
16. Phạm Thái Việt (1993), Những quy định chung của luật hợp đồng ở Pháp, Đức, Anh, Mỹ (bản dịch), NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những quy định chung của luật hợp đồng ở Pháp, Đức, Anh, Mỹ
Tác giả: Phạm Thái Việt
Nhà XB: NXB. Chính trị Quốc gia
Năm: 1993
17. Rene David (2003), Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại. NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.Tiếng Anh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại
Tác giả: Rene David
Nhà XB: NXB. Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng Anh
Năm: 2003
18. Bryan. A. Gorner (1990), Black ’ s law Dictionary, West publishing Co. 7 th Edition, DeLuxe Sách, tạp chí
Tiêu đề: Black"’"s law Dictionary
Tác giả: Bryan. A. Gorner
Năm: 1990
19. E.Allan Farnsworth (1991), United States Contract law, Transnational Juris Publications, Inc, New York Sách, tạp chí
Tiêu đề: United States Contract law
Tác giả: E.Allan Farnsworth
Năm: 1991
20. Gordon W.Brown, Paul A.Sukys (2001), Business law with UCC applications, 10 th edition, Glencoe Mcgraw-Hill, New York Sách, tạp chí
Tiêu đề: Business law with UCC applications
Tác giả: Gordon W.Brown, Paul A.Sukys
Năm: 2001
21. G.H. Treitel (1975), The law of contract, London Steven & Sons, fourth edition, London Sách, tạp chí
Tiêu đề: The law of contract
Tác giả: G.H. Treitel
Năm: 1975
22. Samuel Willistion (1957), A treaties on the law of contracts, Vol. 8. 3d ed, Welter H.E Jeager Sách, tạp chí
Tiêu đề: A treaties on the law of contracts
Tác giả: Samuel Willistion
Năm: 1957
23. The American Law Institute - UCC 2007 Edition (Official Text with Comments) Sách, tạp chí
Tiêu đề: UCC 2007 Edition
24. The American Law Institute (1981), the statement (second) of contracts.Các trang web Sách, tạp chí
Tiêu đề: the statement (second) of contracts
Tác giả: The American Law Institute
Năm: 1981

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TRÍCH ĐOẠN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w