Nghĩa vụ đối ứng (consideration)

Một phần của tài liệu So sánh chế định giao kết hợp động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ (Trang 75)

Nghĩa vụ đối ứng hay còn gọi là nghĩa vụ đền bù hoặc cân nhắc lợi ích (consideration) là một khái niệm đóng vai trò quan trọng trong luật hợp đồng thể hiện đặc trưng của truyền thống luật thông lệ để nói tới một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

Có thể hiểu nghĩa vụ đối ứng là sự trả giá của bên được hứa để đổi lấy lời hứa của bên đưa ra lời hứa mà sự trả giá đó có thể là sự có lợi cho bên đưa ra lời hứa hoặc bất lợi cho bên được hứa. Một cách hiểu nôm na thì nghĩa vụ đối ứng là một cái gì đó có giá trị như một hành động, sự chịu đựng hoặc sự đáp lại lời hứa từ bên được hứa đối với bên đưa ra lời hứa [18]. Quan điểm này gắn liền với thuyết mặc cả (bargain theory). Theo thuyết mặc cả, hầu như bất cứ một cái gì được đưa ra mặc cả để đổi lấy lời hứa đều có thể được coi là nghĩa vụ đối ứng [19, tr. 70 - 71].

Ví dụ: Một hãng sơn mới ra đời vì muốn có tiếng tăm và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nên đã thoả thuận với một số cửa hàng tổng hợp về việc trưng bày các biển quảng cáo giới thiệu hình ảnh và tính năng của sản phẩm. Hãng sơn hứa với các chủ cửa hàng cuối mỗi tháng trả một khoản tiền nhất định để được treo biển quảng cáo và các chủ cửa hàng đều đồng ý. Trong sự thoả thuận này, việc chủ các cửa hàng cho phép treo biển quảng cáo cho hãng sơn là nghĩa vụ đối ứng lại lời hứa trả tiền vào mỗi cuối tháng nên thoả thuận của các bên có hiệu lực pháp lý.

Trường hợp ngược lại, giả sử một người đã đồng ý để cho Hãng sơn đặt nhờ biển quảng cáo tại nhà mình và mà không lấy quyền lợi nào. Một thời gian sau, người này thấy việc treo biển quảng cáo gây bất lợi và mỹ quan cho nhà của mình nên đã yêu cầu hãng sơn phải dỡ bỏ. Trong trường hợp này, hãng sơn không thể kiện bắt người này phải thực hiện nghĩa vụ hay bồi thường, vì thoả thuận giữa hãng sơn và người này không có nghĩa vụ đối ứng, cụ thể là hãng sơn không có nghĩa vụ đối ứng nào để đáp lại lời hứa của người đó.

Luật pháp Hoa Kỳ không thừa nhận hiệu lực của một thoả thuận nếu như thoả thuận đó không có sự thương lượng, mặc cả. Dưới đây là các yêu cầu cơ bản thể hiện đặc điểm của nghĩa vụ đối ứng:

- Lời hứa được đưa ra trong quá trình thương lượng, mặc cả phải phụ thuộc vào nghĩa vụ đối ứng được nhận; Vì vậy, lời hứa thể hiện sự cảm ơn hay đáp lại một hành hành vi đã thực hiện trong quá khứ không có giá trị bắt buộc phải thi hành, bởi vì hành vi được trả ơn đã xảy ra trong quá khứ và không phụ thuộc vào lời hứa cảm ơn;

- Nghĩa vụ đối ứng phải liên quan đến một cái gì có giá trị, nhưng nghĩa vụ đối ứng không bắt buộc phải có giá trị tương đương với giá trị được mang lại từ thực hiện lời hứa, thậm chí nó chỉ mang ý nghĩa tượng trưng;

- Nghĩa vụ đối ứng phải hợp pháp. Một bên không thể hứa hoặc thực hiện công việc mà pháp luật cấm để đổi lấy lời hứa của bên kia.

Sự tồn tại của nghĩa vụ đối ứng đã phủ nhận quan hệ tặng cho tài sản không phải là quan hệ hợp đồng theo hệ thống thông luật trong khi ở các nước theo hệ thống dân luật đây lại là quan hệ hợp đồng. Một người hứa tặng một đồ vật nào đó mà không nhận từ người được hứa một giá trị đền bù cho lời hứa đó thì người hứa không có nghĩa vụ phải thực hiện lời hứa của mình.

Nghĩa vụ đối ứng có thể là lời hứa hoặc hành vi thực hiện để đáp lại lời hứa của một bên. Ví dụ như người bán hàng hứa sẽ mang hàng cho người

mua hàng để đáp lại lời hứa trả tiền hàng của người mua hàng là trường hợp nghĩa vụ đối ứng thể hiện dưới dạng lời hứa. Lời hứa nghĩa vụ đối ứng thường xuất hiện ở những hợp đồng song vụ (bilateral contract), cả hai bên cùng đưa ra lời hứa. Trường hợp nghĩa vụ đối ứng thể hiện dưới dạng hành vi, vi dụ như hành vi của người bán hàng cung cấp hàng cho người mua để đáp lại lời hứa trả tiền hàng của người mua hàng, ở đây chỉ một bên đưa ra lời hứa là người mua hàng. Do đó, được coi là hợp đồng đơn vụ (unilateral contract).

Tuy nhiên, nguyên tắc nghĩa vụ đối ứng không có giá trị áp dụng một cách tuyệt đối trong mọi trường hợp. Pháp luật Hoa Kỳ cũng có những ngoại lệ cho những thoả thuận không có nghĩa vụ đối ứng nhưng thoả thuận vẫn có hiệu lực. Cụ thể là những trường hợp sau:

- Lời hứa bằng văn bản có đóng dấu không liên quan đến hàng hoá được thừa nhận có hiệu lực ở một số bang của Hoa Kỳ; Tuy nhiên, theo Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ, trường hợp liên quan đến hàng hoá mà chủ thể giao kết là thương nhân thì việc đóng dấu không thể thay thế cho nghĩa vụ đối ứng [23, §2 - 203].

- Lời hứa sau khi thanh toán phá sản doanh nghiệp có hiệu lực ở hầu hết các bang. Sau khi phá sản doanh nghiệp, con nợ có thể phục hồi nghĩa vụ thanh toán của mình đối với chủ nợ bằng việc xác nhận lại lời hứa mà không cần phải có nghĩa vụ đối ứng.

- Người có nghĩa vụ trả nợ phục hồi lại nghĩa vụ trả nợ của mình khi hết thời hiệu mà bên chủ nợ có quyền yêu cầu đòi nợ. Pháp luật các bang của Hoa Kỳ thường yêu cầu thời hiệu khởi kiện để chủ nợ có quyền kiện bên nợ phải trả nợ cho mình. Hết thời hạn này, chủ nợ hết quyền đòi nợ. Tuy nhiên, nếu bên nợ đã phục hồi lại nghĩa vụ trả nợ cũ đó thì không cần phải có nghĩa vụ đối ứng từ phía chủ nợ. Do vậy, pháp luật sẽ buộc thi hành lời hứa trả nợ trong trường hợp này.

- Những lời hứa có hiệu lực theo chế định hạn chế rút lại lời hứa (promissory estoppel) trong trường hợp bên đề nghị biết rõ bên được đề nghị sẽ dựa vào lời hứa đó và bên được hứa đã có những hành vi nhất định để đón nhận kết quả có được từ lời hứa đó. Ví dụ, Giám đốc công ty A biết B đang có nhu cầu tìm một công việc khác vì công việc hiện tại không phù hợp với điều kiện và hoản cảnh của B nên A đã hứa sẽ tuyển dụng B vào làm việc với mức lương cao. B vì tin tưởng vào lời hứa này đã xin nghỉ công việc hiện tại, chuyển chổ ở đến nơi công ty A đóng trụ sở. Lời hứa của A tuy không có đối ứng nhưng A vẫn bắt buộc phải thực hiện theo chế định hạn chế rút lại lời hứa.

- Lời hứa không thể huỷ ngang (firm offer hoặc irrevocable) mặc dù không có nghĩa vụ đối ứng theo Bộ luật thương mại thống nhất Hoa kỳ. Đề nghị bằng văn bản của thương nhân để ngỏ có ấn định thời hạn hoặc không ấn định thời hạn nhưng không quá ba tháng vẫn có hiệu lực bắt buộc thi hành mà không cần phải có nghĩa vụ đối ứng [23, § 2 – 205].

4.2.5. Tính hợp pháp của hợp đồng.

Theo pháp luật Hoa Kỳ, tính hợp pháp của hợp đồng được xác định dựa trên nội dung, mục đích của hợp đồng và được coi là điều kiện cơ bản để hợp đồng có hiệu lực. Những hợp đồng được xác lập với mục đích và nội dung bất hợp pháp sẽ không đảm bảo hiệu lực của hợp đồng. Những hợp đồng bất hợp pháp được xác định bao gồm:

- Hợp đồng tham gia các hoạt động bất hợp pháp như hoạt động tội phạm hoặc gây thiệt hại cho tổ chức hoặc cá nhân khác.

- Hợp đồng bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật: Hợp đồng trả giá cao, hợp đồng cá cược, hợp đồng liên quan đến hoạt động không có giấy phép, hợp đồng trái đạo đức và hợp đồng ngày chủ nhật (thực hiện vào ngày chủ nhật).

Hợp đồng trả giá cao. Một bên trong hợp đồng phải trả giá cao hơn nhiều lần về lợi ích nhận được so với quy định của luật. Ví dụ, hợp đồng cho vay nặng lãi, pháp luật mỗi bang quy định tỷ lệ lãi phải trả trong quan hệ vay mượn tiền, nếu hợp đồng vượt quá tỷ lệ này thì hợp đồng sẽ bị coi là bất hợp pháp và vô hiệu.

Hợp đồng cá cược. Các thoả thuận liên quan đến cờ bạc hoặc cá cược

không được coi là có hiệu lực. Tuy nhiên, các bang đều có quy định ngoại lệ đối với các thoả thuận mà pháp luật cho phép như đua ngựa, xổ số, casinô…v.v.

Thoả thuận liên quan đến hoạt động không có giấy phép. Các tổ chức,

cá nhân hoạt động thường xuyên và chuyên nghiệp về một hoặc vài lĩnh vực phải có giấy phép thì hợp đồng giao kết trong lĩnh vực được cấp phép mới có hiệu lực. Ngoài ra, một số ngành nghề đặc biệt, có thể ảnh hưởng đến lợi ích công cộng cũng phải yêu cầu có giấy phép đối với tổ chức, cá nhân đó.

Hợp đồng trái đạo đức. Những hợp đồng vô đạo đức khi được giao kết

có thể bị vô hiệu và phần còn lại nếu không chứa những điều khoản đó có thể được công nhận có hiệu lực hoặc cả hợp đồng đó sẽ bị hạn chế áp dụng các điều khoản vô đạo đức để tránh những hậu quả xấu xảy ra [24, § 208]

Bộ luật thương mại thống nhất Hoa Kỳ quy định những nguyên tắc trung thực, chân chính trong kinh doanh; trong mua bán hàng hoá; trong bảo hành. Những nguyên tắc này không những được áp dụng trong phạm vi của luật thương mại mà cho tất cả các lĩnh vực khác và trở thành nguyên tắc chung của pháp luật hợp đồng [12, tr. 194 - 195]

Tính trái đạo đức xã hội trong hợp đồng thể hiện một quan hệ hợp đồng giữa hai hoặc nhiều bên không cân bằng hoặc có một bên yếu thế trong quá

trình đàm phán hoặc mặc cả nên đã cam kết hợp đồng hoặc một số điều khoản không thoả đáng, thiếu lương tâm [24, § 208, comment]

Hợp đồng vào ngày chủ nhật. Một số bang của Hoa Kỳ cấm làm việc

vào ngày chủ nhật, việc giao kết hợp đồng vào ngày chủ nhật hay một ngày bất kỳ mà nội dung của nó là yêu cầu phải thực hiện vào ngày chủ nhật thì sẽ không có hiệu lực trừ trường hợp vì lợi ích công cộng, nhưng nếu mặc dù được giao kết vào ngày chủ nhật mà yêu cầu thực hiện vào ngày thường thì hợp đồng được công nhận có hiệu lực.

- Những thoả thuận trái với chính sách công cộng bao gồm thoả thuận gây cản trở sự công bằng (Obstruct justice); thoả thuận cản trở dịch vụ công cộng; thoả thuận lừa dối trong hoạt động tín dụng; thoả thuận trốn tránh nghĩa vụ pháp lý; thoả thuận kiềm chế thương mại;…v.v.

Pháp luật Hoa Kỳ cũng thừa nhận hiệu lực một phần của hợp đồng nếu như từng phần hợp pháp của thoả thuận có thể tách biệt độc lập so với phần bất hợp pháp. Tương tự như vậy, nếu như mục đích chính của sự thoả thuận có thể đạt được mà không cần sự thực thi hiệu lực của phần thoả thuận bất hợp pháp, toà án có thể cũng thừa nhận bảo vệ hợp đồng.Trái lại, nếu phần thoả thuận hợp pháp không thể tách biệt độc lập được với phần thoả thuận bất hợp pháp thì toàn bộ thoả thuận là vô hiệu.

4.2.6. Điều kiện về hình thức.

Bằng các quy định của luật thực định cũng như các án lệ, có một số loại hợp đồng bắt buộc phải lập bằng một hình thức nhất định. Đặc điểm nổi bật của việc đòi hỏi hình thức hợp đồng theo pháp luật Hoa Kỳ được thể hiện ở chỗ nhằm hướng tới vấn đề chứng cứ hơn là hiệu lực hợp đồng [7, trg. 179]. Theo đó, sự vi phạm về hình thức là cơ sở để toà án từ chối giải quyết khi một hoặc các bên yêu cầu. Hình thức thể hiện bằng văn bản có giá trị là chứng cứ để chứng minh cho sự giao kết và tồn tại hợp đồng giữa các bên. Như vậy,

trong trường hợp các bên không có hợp đồng bằng văn bản thì sẽ không có cơ sở để chứng minh quan hệ hợp đồng và do đó sẽ không thể yêu cầu toà án giải quyết. Điều đó cũng có nghĩa là toà án sẽ để cho các bên tự giải quyết với nhau dựa trên nguyên tắc thoả thuận chứ không can thiệp để tước đi sự thoả thuận của các bên đối với hợp đồng đó. Quy định như vậy thể hiện sự tôn trọng quyền tự do giao kết hợp đồng giữa các bên và sự tôn trọng của nhà nước không can thiệp quá sâu vào giao dịch giữa các bên.

Như trên đã trình bày, đối với các hợp đồng pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà các bên vi phạm thì một hoặc các bên sẽ không có cơ sở để yêu cầu toà án giải quyết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, toà án một số bang sẽ xem xét hiệu lực của hợp đồng để bắt buộc thi hành, cụ thể như sau: [12, tr. 182].

- Trong các hợp đồng chuyển giao lợi ích liên quan đến bất động sản, tuy được giao kết miệng, song nếu bên nhận đã đầu tư đáng kể tăng giá trị của bất động sản và sự tăng giá trị đó không thể dễ dàng xác định được bằng tiền, thì hợp đồng được coi là có hiệu lực.

- Nếu người bảo lãnh nợ bằng miệng cho một người thứ ba mà không có văn bản nhưng chủ yếu vì lợi ích của mình, thì hợp đồng bảo lãnh đó vẫn có hiệu lực.

- Một bên do quá tin vào lời hứa miệng của người khác nên đã thực hiện một số hành vi để được thực hiện lời hứa đó thì có quyền yêu cầu toà án buộc bên hứa phải thực hiện lời hứa mặc dù lời hứa đó đáng lẽ phải lập thành văn bản.

Một phần của tài liệu So sánh chế định giao kết hợp động theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)