ĐẶT VẤN ĐỀ Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hoá mạn tính thường gặp nhất, biểu hiện là tăng glucose máu do thiếu hụt tuyệt đối hay tương đối insulin trong máu [35]. Tỷ lệ mắc ĐTĐ ngày càng gia tăng theo sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính năm 2000 trên toàn thế giới có khoảng 171 triệu người mắc bệnh ĐTĐ và dự đoán đến năm 2030 con số này sẽ lên đến 366 triệu người [78]. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh ĐTĐ tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo điều tra dịch tễ học của Tạ Văn Bình và cộng sự năm 2003, tỷ lệ ĐTĐ cao nhất ở khu vực thành phố là 4,4% và tỷ lệ ĐTĐ chung cho cả nước là 2,7% [4, 6]. Sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ người mắc ĐTĐ, đặc biệt là ĐTĐ typ 2, một typ bệnh phổ biến nhất, làm cho ĐTĐ trở thành một vấn đề sức khoẻ xã hội. Bởi vậy ĐTĐ đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu bệnh căn, bệnh sinh, các đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng cùng các biến chứng của bệnh; nhằm mục đích phòng ngừa, điều trị bệnh và các biến chứng của bệnh một cách có hiệu quả nhất. Bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù loà ở bệnh nhân ĐTĐ tại các nước phát triển [1, 40, 41, 44]. Ở Anh, tỷ lệ bệnh VMĐTĐ chiếm khoảng 30% trong số người bệnh ĐTĐ nằm viện. Ở Mỹ, bệnh VMĐTĐ là một trong bốn nguyên nhân thường gặp gây mù lòa – và 85% người ĐTĐ bị mù do tổn thương võng mạc [34, 40, 41, 44]. Bệnh VMĐTĐ là một biến chứng vi mạch do hậu quả của nhiều yếu tố phối hợp; một trong những yếu tố đó là do màng đáy của mạch máu bị dày lên, chứa nhiều chất lắng đọng như protein, lipoprotein. Các lipoprotein dường như thoát ra từ các vi phình mạch, có thể kết tụ lại dưới dạng xuất tiết cứng nằm ở lớp rối sâu của vùng võng mạc bệnh lý [1, 21]. Nhiều nghiên cứu của nước ngoài cho thấy, có thể do sự thay đổi độ nhớt của huyết tương và máu toàn phần liên quan đến rối loạn chuyển hoá lipid ở bệnh nhân ĐTĐ là căn nguyên của sự lắng đọng này [53, 85]. Ở bệnh nhân ĐTĐ còn có sự gia tăng các stress oxy hoá [77]. Vai trò của gốc tự do trong bệnh sinh các biến chứng của bệnh ĐTĐ đã được đề cập. Tuy nhiên bệnh sinh của bệnh VMĐTĐ còn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Vì vậy, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu các chỉ số lipid và nồng độ malondialdehyd (MDA) huyết thanh trong bệnh lý võng mạc đái tháo đường typ II” với hai mục tiêu: 1. Đánh giá sự biến đổi các chỉ số lipid huyết thanh ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 theo các giai đoạn của bệnh VMĐTĐ. 2. Tìm hiểu nồng độ MDA huyết thanh ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có biến chứng bệnh VMĐTĐ. Nội dung nghiên cứu của đề tài gồm: 1. Xác định nồng độ triglycerid (TG), cholesterol toàn phần (TC), cholesterol của lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C), cholesterol của lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có biến chứng bệnh VMĐTĐ. 2. Xác định nồng độ MDA huyết thanh ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có biến chứng bệnh VMĐTĐ.