Cái đèn kéo quân Cái đèn kéo quân đồ sộ được bầy ở trước cửa hàng, trên một bàn cao. Đèn lục lăng sáu mặt dán giấy tàu bạch. Ngọn nến đỏ ở trong giữa được châm lên, có đèn thắp bằng đĩa dầu lạc có bấc. Lửa lên làm gió thổi quay các hình trên vòng ở trong. Có lẽ vì quay vòng thế mà đèn này còn có tên là đèn cù. Ô kìa, hình lên mặt giấy tàu bạch bóng con voi, con ngựa, người quảy lúa, người dắt trâu, nhiều nhất hình người lính tập đội nón chóp, lính nhiều quá, có lẽ vì thế mà đèn này cũng tên là đèn kéo quân. VOI TRẢ NGHĨA Một lần, tôi gặp một chú voi non bị thụt bùn dưới đầm lầy. Tôi nhờ năm quản tượng đến giúp sức, kéo nó lên bờ. Nó run run, quơ mãi vòi lên người tôi hít hơi. Nó còn nhỏ, chưa làm được việc. Tôi cho nó mấy miếng đường rồi xua nó trở vào rừng. Vài năm sau, tôi chặt gỗ đã được trồng lâu năm về làm nhà. Một buổi sáng, tôi ngạc nhiên thấy năm, sáu cây gỗ mới đốn đã được đưa về gần nơi tôi ở. Tôi ra rình, thấy hai con voi lễ mễ khiêng gỗ đến. Tôi nhận ra chú voi non ngày trước. Đặt gỗ xuống, voi non tung vòi hít hít. Nó kêu lên khe khẽ rồi tiến lên, huơ vòi trên mặt tôi. Theo VŨ HÙNG Làng Dược Hạ Làng Dược Hạ ở chân núi Mào Gà. Đường làng nhiều cọ, bờ rào nhiều mây dai và dây lạc tiên. Trẻ con trong làng thường lên đồi cắt lá guột đem về đun. Bó guột thành từng bó to, lăn từ lưng đồi xuống rồi gánh về làng. Chỉ riêng trẻ làng Dược Hạ biết cách bó guột chặt, to mà gọn nhất. Chúng cắt cũng nhanh nhất, không trẻ làng nào theo kịp. Khi chơi ô ăn quan, chơi cướp cờ, khi học hát cũng như khi thi bơi ở đầm, trẻ làng Dược Hạ luôn được giải nhất. “Trẻ con làng ta” – Trẻ làng Dược Hạ thường nói một cách tự hào như vậy. Làng tôi Mưa cuối mùa bao giờ cũng rả rích. Cứ tưởng mưa bắc cầu sang tận cuối thu. Vậy mà không. Nắng hanh vàng đã đẩy bổng mây lên, để lộ hẳn mênh mông khoảng trời xanh thẳm. Đồng quê dạt dào "Làng tôi xanh bóng tre " Không hiểu tại sao, cứ đến mùa thu thì tôi lại nhớ và thì thầm bài hát có câu hát ấy. Làng cái tên gọi nghe đã xa xa, xa xưa khi ai cũng quen nói: xã, xóm. Làng nhắc nhở đến rặng cây và vòm xanh bao quanh những ngôi nhà thấp lè sập sè trong khóm lá. Và nhẹ vẫy trên thinh không trắng lóa những cánh cò. Chỉ cần nhớ lại tới chừng ấy, đã thấy lòng êm dịu, bâng khuâng. Chóng thế đấy. Cứ thoảng nhanh như tiếng hót của bầy chim. NHỮNG HẠT BỎNG NGÔ Bạn đã từng nhá bỏng ngô bao giờ chưa? Ngon lắm! Hạt ngô bé thế mà lúc rang nó nở ra, tròn như những quả táo trắng và xốp. Thứ quà này dễ mua vì không cần phải có nhiều tiền. Chỉ cần nói xin tiền để mua bỏng ngô thôi, thế nao bố mẹ cũng cho. Bỏng ngô không thể ăn no, nhưng ăn mãi vẫn không thấy chán. Hẳn một túi bỏng, chỉ đánh vèo đã hết. Hết rồi, còn thèm, còn thơm mãi trong miệng. Nhiều khi chỉ ăn dè, dè mà cũng cứ veo veo. Hôm nào trời mưa, không đi đâu được, có nắm bỏng ngô, vừa nhai vừa kể chuyện cổ tích, thật tuyệt. Xem xiếc Sáu tuổi, lần đầu tiên xem xiếc, Trang rất thích những tiết mục của chú hề. Nhất là tiết mục “Quả bóng kỳ lạ” của chú. Thật tài tình. Quả bóng tưởng như nhẹ nhàng kia đã kéo chú theo xiêu vẹo cả người, lại có lúc chú phải dồn sức toàn thân lên hai bàn tay, nhảy người lên ấn quả bóng xuống mà không nổi. Lúc thì nó kéo chú như bay lên chơi vơi giữa khoảng không… Nhưng có phải quả bóng có phép lạ hay chính chú hề đã mang lại phép lạ cho quả bóng? Chợ Mặt Trời Người ta gọi chợ này là chợ Mặt Trời. Có lẽ vì chợ nhóm tại doi đất ngã ba vàm một con kênh có tên là kênh Mặt Trời. Còn thằng Cò thì cứ bảo tôi đây là chợ chim. Hôm qua, chợ chưa nhóm. Tía nuôi tôi còn cắm sào ở bên chợ, hy vọng có thể bán nốt mấy tấm da cá sấu còn vướng chỗ trong thuyền. Suốt ngày, ánh nắng rừng rực đổ lửa xuống mặt đất. Bốn phía chân trời trống huếch trống hoác. Từ lúc mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn, không kiếm đâu ra một bóng cây để tránh nắng. Con kênh Mặt Trời còn phơn phớt màu đào buổi sáng, giữa trưa bỗng hóa ra một dòng thủy ngân cuồn cuộn lóa mắt, rồi dần dần biến thành một con suối lửa lúc trời chiều. Năm ba ngôi quán lèo tèo ngó cửa ra một khoảng đất rộng.