II. Phát triển hoạt động tín dụng đối với DNVVN tại Ngân hàng thương mại
4. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển hoạt động tín dụng đối với DNVVN tạ
ngân hàng thương mại.
Để hiểu về phát triển hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại đối với các DNVVN, chúng ta cần nắm rõ những nhân tố có thể tác động đến việc phát triển hoạt động tín dụng bao gồm các yếu tố chủ quan và các yếu tố khách quan.
4.1. Nhân tố khách quan.
4.1.1. Từ phía bản thân các DNVVN.
- Năng lực tài chính: các DNVVN ở Việt Nam thường gặp khó khăn về tài chính. DN siêu nhỏ thì càng gặp khó khăn về vấn đề tài chính này hơn vì các DN này thường hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa trên nguồn vốn tự có là chính, đa số các DN này không có đủ tài sản đảm bảo, thế chấp vì vậy việc tiếp cận các nguồn vốn từ
bên ngoài là rất khó khăn, nhất là nguồn vốn tín dụng của các Ngân hàng. Việc khó tiếp cận nguồn vốn sẽ dẫn đến tình trạng thiếu vốn sản xuất kinh doanh khiến cho các DN gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp cận các công nghệ kỹ thuật mới, phát triển các loại sản phẩm mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút nhân tài…
- Năng lực sản xuất kinh doanh: Do các hạn chế về nguồn vốn, lao động, công nghệ khiến năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô của các DNVVN là không lớn, khó có thể phát triển, tạo dựng uy tín hay hình thành thương hiệu nổi tiếng để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính.
- Năng lực tổ chức quản lý: Do quy mô nhỏ hẹp nên mô hình tổ chức cũng gọn nhẹ nên không đòi hỏi năng lực quản lý hay mức độ chuyên môn cao. Điều này là một hạn chế có thể gây cản trở đến việc phát triển và mở rộng quy mô của các DN. Việc quản lý các bộ phận không tách bạch rõ ràng, chồng chéo lẫn nhau khiến hiệu quả của công tác quản lý không cao. Nếu các DNVVN không chú trọng đào tạo để nâng cao năng lực quản lý thì rất khó có thể để phát triển ổn định và mở rộng quy mô.
- Năng lực Marketing, phát triển thị trường: Các DNVVN không có đủ khả năng tài chính để phát triển các hoạt động truyển thông, marketing do vậy không có nhiều khách hàng biết đến họ, họ có ít khách hàng truyền thống hay các khách hàng lớn khiến các DN không thể mở rộng sản xuất kinh doanh hay phát triển sản phẩm của mình ra các thị trường lớn hơn.
4.1.2. Các chính sách của nhà nước.
Hiện nay các DNVVN rất thiếu vốn, cộng với sức ép cạnh tranh từ hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy để các DNVVN có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình thì Nhà nước ta cần có những chính sách hỗ trợ các DNVVN là rất cần thiết. Các chính sách phải chú trọng việc khai thác và huy động nguồn vốn hợp lý luôn là một nhiệm vụ trung tâm, một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp nói chung và với DNVVN nói riêng.
4.1.3. Môi trường kinh tế.
Sự phát triển của một nền kinh tế nhìn chung có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các chủ thể kinh tế nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng. Một nền kinh tế phát triển ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng trong đó có
hoạt động tín dụng. Giúp hoạt động của các Doanh nghiệp diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế như khủng hoảng, lạm phát nên có khả năng trả nợ đúng hạn, đúng kế hoạch do đó tiến hành mở rộng tín dụng cũng đơn giản hơn.
Mỗi biểu hiện tốt hay xấu trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ có những ảnh hưởng tương ứng với hoạt động tín dụng bởi cơ chế tác động của mối quan hệ tín dụng. Với những khách hàng sản xuất kinh doanh có lãi, có xu thế phát triển, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và có quan hệ tín dụng tốt, cầu nối cho vay thông suốt, tạo điều kiện tăng vòng quay tín dụng mở rộng quy mô vốn đầu tư mang lại thu nhập cho ngân hàng cũng như đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp .
Phát triển hoạt động tín dụng ngân hàng tới các DNVVN còn bị ảnh hưởng bởi từng giai đoạn kinh tế. Nếu trong giai đoạn suy thoái kinh tế, sản xuất dừng lại thì nhu cầu về vốn giảm, dẫn đến quan hệ tín dụng cũng giảm theo nên ngân hàng không thể thực hiện được nghiệp vụ cho vay. Ngược lại, trong thời kì hưng thịnh nhu cầu vốn tín dụng cao, chất lượng tín dụng đảm bảo, nền kình tế có tích lũy thì hoạt động tín dụng là rất cần thiết nên chính sách mở rộng phạm vi hoạt động của nghiệp vụ này của các ngân hàng là tất yếu nhằm tối đa các nguồn lực trong xã hội.
4.1.4. Môi trường pháp lý.
Hiện nay, nước ta đã có những cải cách đáng kể để tạo môi trường pháp lý bình đẳng và công bằng cho các loại hình DN cùng tham gia kinh doanh, đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, huy động tối đa các nguồn vốn trong xã hội, phát triển mạnh mẽ các nguồn lực sản xuất. Tạo điều kiện cho tất cả các loại hình DN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai, công nghệ mới, thông tin, thị trường, đào tạo và các chế độ ưu đãi hiện hành của nhà nước. Vì vậy một hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, ổn định và rõ ràng về môi trường đầu tư kinh doanh, tính công khai minh bạch về chế độ, chính sách khuyến khích đầu tư thì hoạt động tín dụng sẽ diễn ra hiệu quả.
4.1.5. Môi trường chính trị - xã hội.
Sự ổn định về chính trị của một vùng, một quốc gia là tiền đề để các DNVVN phát triển. Việt Nam có môi trường chính trị rất ổn định, đây là điều kiện hết sức thuận lợi, tạo tâm lý an tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tạo sự yên tâm cho
người dân bỏ vốn kinh doanh. Đó cũng là môi trường thuận lợi cho hoạt động tín dụng nói chung và các hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại nói riêng.
Nghiên cứu các yếu tố văn hóa xã hội là một trong những khâu quan trọng giúp cho ngân hàng có thể nhận diện được thị trường tiềm năng, mức độ an toàn của các khoản tín dụng từ đó có các quyết định và chiến lược phát triển tín dụng đối với cac DNVVN nói riêng và hoạt động tín dụng nói chung.
Mặc dù dựa trên cơ sở sự tín nhiệm nhưng cũng có không ít những trường hợp khách hàng cố tình gian lận, lừa đảo không thể hiện những gì đã cam kết trong hợp đồng tín dụng, dẫn đến rủi ro đối với ngân hàng, Làm cho các cán bộ tín dụng đắn đo trong cho vay đối với các đối tượng khách hàng mới, khiến cho chủ trương mở rộng tín dụng gặp nhiều khó khăn hơn.
4.2. Nhân tố chủ quan.
4.2.1. Chính sách tín dụng đối với các DNVVN của ngân hàng thương mại.
Chính sách tín dụng là những quy định của ngân hàng về quy mô, kỳ hạn, các quy định về đảm bảo, phạm vi, quy trình tín dụng, lãi suất các khoản tín dụng có vấn đề và nội dung khác nhau. Chính sách tín dụng là kim chỉ nam đảm bảo cho hoạt động tín dụng đi đúng quỹ đạo của nó, chính sách tín dụng có ý nghĩa quyết định đến thành công hay thất bại của ngân hàng.
Những định hướng này sẽ giúp cho các ngân hàng hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng mở rộng hoạt động tín dụng. Chính sách cho vay đúng đắn, đầy đủ, đồng bộ sẽ xác định phương hướng cho cán bộ tín dụng khi thực hiện các nhiệm vụ của mình nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của hoạt động tín dụng. Giúp NH có thể đạt được sự tăng trưởng về quy mô đồng thời nâng cao chất lượng trong hoạt động tín dụng đối với các DNVVN.
Ngược lại, một chính sách tín dụng không đầy đủ, không thống nhất sẽ tạo ra định hướng lệch lạc cho hoạt động tín dụng dẫn đến việc cấp tín dụng không đúng đối tượng, tạo kẽ hở cho người sử dụng vốn gây rủi ro.
4.2.2. Quy trình tín dụng đối với các DNVVN.
Quy trình tín dụng là tập hợp những nội dung kỹ thuật hướng dẫn về trình độ tổ chức thực hiện các nghiệp vụ cho vay của ngân hàng từ khi phát sinh đến khi kết thúc một khoản vay.
Nhằm đảm bảo hoạt động cho vay được tiến hành theo một trình tự khoa học hợp lý, trên cơ sở đó hạn chế tối đa rủi ro mà Ngân hàng có thể gặp phải khi cấp tín dụng, tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà. Về cơ bản nội dung của quy trình cấp tín dụng bao gồm 7 bước chủ yếu:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ tín dụng. Khách hàng có nhu cầu vay lập bộ hồ sơ đề nghị ngân hàng phục vụ mình xem xét đáp ứng nhu cầu vay vốn của mình.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ tín dụng. Đây là bước có ý nghĩa rất quan trọng để ngân hàng có thể đi đến quyết định có cho khách hàng vay hay không ? Mức cho vay bao nhiêu ? Thời hạn cho vay bao lâu? Lãi suất bao nhiêu ?...
Bước 3: Ra quyết định tín dụng. Với những kết quả sau khi thẩm định và phân tích tín dụng, ngân hàng sẽ ra quyết định đồng ý hay từ chối cho vay đối với hồ sơ vay vốn của khách hàng đã được thẩm định.
Bước 4: Giải ngân. Sau khi hợp đồng tín dụng được kí kết giữa ngân hàng và khách hàng, việc giải ngân cho khách hàng vay được ngân hàng thực thi theo điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng.
Bước 5: Kiểm tra sử dụng vốn vay. Kiểm tra sử dụng vốn vay nhằm phát hiện kịp thời hiện tượng sử dụng vốn sai mục đích hoặc giá trị tài sản đảm bảo không còn đủ đáp ứng yêu cầu.
Bước 6: Đôn đốc thu hồi nợ. Căn cứ vào kì hạn trả nợ đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, cán bộ tín dụng nhắc nhở khách hàng để có thể thu hồi nợ theo đúng kì hạn thỏa thuận.
Bước 7: Thanh lý hợp đồng tín dụng. Kết thúc thời gian hợp đồng, ngân hàng và khách hàng cùng xem xét kết quả thực hiện từng điều khoản hợp đồng đã được thỏa thuận giữa 2 bên.
Nếu ngân hàng có được 1 quy trình tín dụng nhanh gọn, đơn giản mà lại hiệu quả thì đó chính là lợi thế thu hút khách hàng đồng thời giúp nhanh chóng tìm được những sai sót cũng như nguyên nhân của những sai sót đó, tiết kiệm nhiều nguồn lực xã hội. Do đặc thù sản phẩm khá giống nhau cho nên yếu tố cạnh tranh tạo nên lợi thế cạnh tranh cho ngân hàng chính là chất lượng của cá gói dịch vụ phục vụ khách hàng, tạo được thiện cảm từ phía khách hàng chính là con đường nhanh nhất để giúp ngân hàng mở rộng, phát triển các khoản tín dụng.
4.2.3.Lãi suất tín dụng:
Lãi suất là giá cả của quyền được sử dụng vốn vay trong một thời gian nhất định mà người sử dụng trả cho người sở hữu vốn. Thông thường chính sách lãi suất được quy định theo xu hướng là lãi suất tiền gửi nhỏ hơn lãi suất tiền vay và lãi suất tiền vay nhỏ hơn lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp, đồng thời lãi suất tiền gửi phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiết kiệm, lợi nhuận cho cơ quan tín dụng và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất mở rộng. Sự chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng cũng chỉ là một trong những yếu tố để khách hàng lựa chọn. Mức lãi suất cạnh tranh sẽ thu hút được nhiều khách hàng, mở rộng hoạt đông tín dụng của ngân hàng.
4.2.4. Chất lượng cán bộ tín dụng.
Các cán bộ tín dụng là những người trực tiếp giao dịch với khách hàng, là cầu nối cho khách hàng tiếp cận đến các khoản tín dụng của ngân hàng. Đối tượng khách hàng là DNVVN có số lượng rất lớn và đa dạng do đó cần cán bộ tín dụng phải có kiến thức, hiểu biết trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, có trình độ tổng quát, có khả năng phát hiện, phân tích vấn đề, giám sát khách hàng tốt thì mới đảm bảo được chất lượng tín dụng.
Cán bộ tín dụng thông thạo nghiệp vụ, nhanh nhẹn, linh động trong giao tiếp ứng xử với khách hàng chính là yếu tố làm tăng khả năng thu hút khách hàng đến với ngân hàng. Cán bộ tín dụng nếu quá nguyên tắc, cứng nhắc khi làm việc gây cảm giác, ấn tượng không tốt với khách hàng. Ngược lại, nếu quá dễ dàng trong quá trình thẩm định, cũng như giám sát khách hàng có thể gây ra rủi ro, tổn thất cho bản thân ngân hàng.
4.2.5. Kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Trong quá trình cấp tín dụng, hoạt động kiểm soát là hoạt động thường xuyên, cần thiết đối với các NHTM bởi lẽ, công tác kiểm tra kiểm soát càng thường xuyên, càng chặt chẽ càng đảm bảo cho hoạt động tín dụng đi đúng hướng, thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy trình tín dụng. Thông qua kiểm tra, kiểm soát nội bộ ngân hàng có thể phát hiện những sai phạm, yếu kém trong hoạt động tín dụng, từ đó có các biện pháp xử lý, chỉnh sửa, uốn nắn kịp thời để ngày càng nâng cao chất lượng tín dụng cũng như mở rộng hoạt động này.
Mạng lưới hoạt động quyết định tới khả năng tiếp cận của các khách hàng là DNVVN tới sản phẩm tín dụng của ngân hàng đồng thời tác động đến khả năng giám sát, theo dõi của ngân hàng với khách hàng. Các DNVVN với đặc điểm phân bố rộng rãi trên khắp các vùng miền sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng của các ngân hàng có mạng lưới CN, phòng giao dịch rộng khắp các tỉnh thành. Việc cơ sở sản xuất kinh doanh của cac DNVVN thường phân tán gây khó khăn trong việc kiểm tra giám sát, theo dõi khách hàng, do đó nếu có được một mạng lưới rộng khắp sẽ hạn chế được các rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát.
4.2.7. Quy mô nguồn vốn của ngân hàng
Vốn chủ sở hữu là nguồn lực cơ bản của ngân hàng để minh chứng sức mạnh tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần, đóng vai trò quan trọng vừa để ngân hàng bắt đầu hoạt động, vừa đảm bảo khả năng tồn tại của ngân hàng đó. Quyết định quy mô hoạt động, tầm vươn và độ an toàn cho các hoạt động kinh doanh của mỗi ngân hàng trên thương trường. vốn chủ sở hữu của ngân hàng có chức năng quan trọng là chống đỡ rủi ro cho người gửi tiền. Do vậy, vốn chủ sở hữu tối thiểu luôn được các cơ quan chức năng kiểm soát ngân hàng quan tâm. Rất nhiều chỉ tiêu hoạt động ngân hàng bị ràng buộc với vốn như mức huy động tối đa, mức cho vay tối đa cho một khách hàng. Mỗi ngân hàng có phương pháp quản trị vốn chủ sở hữu khác nhau, có ngân hàng lấy an toàn làm tiêu chí để định hướng cac hoạt động kinh doanh, nhưng cũng có các ngân hàng chấp nhận rủi ro để xích gần tới các cơ hội sinh lời cao hơn.
CHƯƠNG II : THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÁC DNVVN TẠI NGÂN HÀNG TMCP ĐT&PT VIỆT NAM