Giải pháp về hỗ trợ cộng đồng địa phương

Một phần của tài liệu Luận văn ThS Địa lý học Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh (Trang 92)

Du lịch LN hoàn toàn phụ thuộc vào người dân địa phương. Những trải nghiệm của khách du lịch phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ do người dân địa phương cung cấp. Vì vậy, người dân địa phương cần được đào tạo các kỹ năng và năng lực cần thiết để cung cấp những sản phẩm du lịch có chất lượng. Các kỹ năng người dân địa phương cần có được bao gồm: kỹ năng phát triển sản phẩm (hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, đồ uống…), kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng chăm sóc khách hàng, kỹ năng quản lý môi trường và văn hóa, đạo đức làm việc tốt.

Việc xây dựng năng lực cho người dân địa phương cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch để hình thành một đội ngũ du lịch tại chỗ theo hai hướng: hình thành đội ngũ quản lý và điều hành hoạt động du lịch tại LN; huy động cộng đồng dân cư tại làng nghề tham gia vào quá trình hoạt động du lịch. Có thể được thực hiện bởi các tổ chức có kinh nghiệm (công ty lữ hành, công ty tư vấn), hoặc các tổ chức địa phương (hiệp hội), hoặc sử dụng một số thành viên trong cộng đồng có kiến thức và kinh nghiệm hơn những người khác để chia sẻ kinh nghiệm của mình cho mọi người vì lợi ích cộng đồng. Trong đó, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích những nghệ nhân này trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình hướng dẫn sản xuất sản phẩm cho các du khách. Tạo không gian phát triển cho phụ nữ. Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển du lịch LNTT ở địa phương như nấu ăn, làm hàng thủ công mỹ nghệ và rất nhiều dịch vụ du lịch khác. Chính vì vậy, cần tạo cho họ có cơ hội tham gia tích cực vào hoạt động du lịch địa phương và đào tạo cho họ những kỹ năng mới.

Xây dựng năng lực cho người dân địa phương bằng việc mở các khóa đào tạo ngắn hạn; đào tạo dài hạn và bền vững thông qua cách “vừa học vừa làm”. Xây dựng và thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo du lịch hoặc các ngành nghề du lịch. Nâng cấp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch của tỉnh lên thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch. Hướng đến lồng ghép bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch vào trong các chương trình giáo dục phổ thông của tỉnh.

85

Ngoài ra, xây dựng năng lực cho người dân địa phương không chỉ dừng lại ở mức độ nâng cao các kỹ năng và kiến thức, mà cần nâng cao sự tự tin và động lực tham gia vào du lịch nhằm xây dựng đam mê, niềm tin rằng họ có thể triển khai kinh doanh du lịch.

Xây dựng mô hình LN - làng văn hoá du lịch, xây dựng môi trường văn hoá du lịch LN. Căn cứ theo tiêu chuẩn LN du lịch sẽ xếp hạng LN (như đối với khách sạn) để khuyến khích các LN phát triển. Muốn các LN thực hiện theo các tiêu chuẩn để xếp hạng thiết thực là gắn lợi ích với tiêu chuẩn hạng được xếp. Ngoài các chính sách khuyến khích chung, thì cần có quy định cụ thể về cơ chế đối với từng hạng được xếp về. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng ; có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân ; chính sách vay vốn tín dụng để đầu tư ; chính sách đào tạo, ưu đãi các nghệ nhân. Cần có những chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc khôi phục lại các hoạt động LNTT.

Phát triển du lịch làng nghề cũng cần chú ý đến việc phân chia lợi nhuận thu được giữa các doanh nghiệp du lịch với cộng đồng địa phương thông qua hình thức đóng góp xây dựng đối với cộng đồng LN và trả lương cho những nghệ nhân, thợ thủ công ở các cơ sở để họ yên tâm với nghề.

Như ở làng tranh Đông Hồ, hiện nay cả làng cũng chỉ còn 2 gia đình theo đuổi nghề tranh là gia đình bác Nguyễn Đăng Chế và gia đình bác Nguyễn Hữu Sam. Bác Chế và bác Sam đã được Nhà nước công nhận là những nghệ nhân của nghề. Tuy nhiên, sau khi được vinh danh đến nay 2 nghệ nhân hầu như chưa được hưởng những chính sách đãi ngộ. Điều này phần nào cũng có ảnh hưởng đến sự tâm huyết với nghề của họ. Vậy nên, một trong những biện pháp để khuyến khích thúc đẩy du lịch LNTT phát triển hiệu quả thì cần phải có những chính sách ưu tiên đãi ngộ những nghệ nhân LN. Bởi họ là những người không những gìn giữ tinh hoa của nghề mà họ còn phát triển và lan rộng tinh hoa đó thông qua việc truyền nghề cho thế hệ sau.

86

Một phần của tài liệu Luận văn ThS Địa lý học Nghiên cứu phát triển du lịch làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh (Trang 92)