Thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ – CP của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, hệ thống kiểm soát thủ tục hành chính các cấp chuyển giao về ngành Tư pháp (Trung ương và cấp tỉnh) và tổ chức Pháp chế (bộ, ngành). Theo giải thích của cấp trên là do đây là công việc khó khăn, không chỉ dừng ở việc tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phải được thực hiện thường xuyên và gắn với các nhiệm vụ cụ thể của hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt gắn với công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật. Từ thực tiễn đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ, tổ chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ về Bộ Tư pháp để khẳng định rõ vị trí, vai trò của hoạt động này trong hệ thống quản lý nhà nước. Việc chuyển giao về ngành Tư pháp đảm bảo hợp pháp vì chức năng xây dựng, kiểm tra văn bản thuộc ngành tư pháp và chức năng kiểm soát thủ tục hành chính cũng có một phần phải tham gia xây dựng, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, nguyên tắc của kiểm soát thủ tục hành chính là: Cần thiết, hợp lý và hợp pháp, vì vậy việc chuyển giao mới chỉ đáp ứng một nguyên tắc thứ yếu, nguyên tắc quan trọng nhất là cần thiết, trong trường hợp xác định là cần thiết thì hợp lý hóa và hợp pháp hóa cho việc chuyển giao. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ phức tạp, va chạm nhiều vì ảnh hưởng
trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ, công chức thực hiện thủ tục hành chính vì nguyên tắc của kiểm soát thủ tục hành chính là tạo lề lối làm việc phục vụ nhân dân nhưng hiện nay cơ chế “xin – cho” vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong tư tưởng mỗi cán bộ, công chức, ví dụ: làm cho cán bộ mất đi quyền được ban phát, mất đi thời gian co dãn, đòi hỏi quyền lợi…
Mục tiêu của Đề án 30 (nay là Kiểm soát thủ tục hành chính) là nhằm cải cách nề lối làm việc của cán bộ, công chức thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện mối quan hệ của nhân dân với cơ quan hành chính nhà nước. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, việc công khai thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp 30 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Vì vậy cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính phải đặt ở đâu, có vị thế ra sao để tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc thực hiện chức năng nhiệm vụ không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các cấp hoặc từ các các cơ quan quyền lực khác.
Hiện nay, thực tiễn ở địa phương (cấp tỉnh) có 3 cơ quan có tiếng nói đối với các ngành, địa phương gồm:
- Sở Tài chính tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính; ngân sách nhà nước… Tuy nhiên nêu ra ở đây chỉ mang tính tham khảo, minh chứng về quyền lực, vị thế.
- Sở Nội vụ có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nội vụ, gồm: tổ chức bộ máy; biên chế các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước; bộ máy chính quyền địa phương; thi đua, khen thưởng… và nhất là hiện nay đang thực hiện chức năng cải cách thủ tục hành chính…
- Văn phòng UBND tỉnh có chức năng tham mưu tổng hợp, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức các hoạt động chung của Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh, tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, điều hành các hoạt động chung của bộ máy hành chính ở địa phương…
Trước đây, theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ, công tác kiểm soát thủ tục hành chính thuộc chức năng của Văn phòng UBND tỉnh đã thể hiện sự ổn định, vị thế của công tác kiểm soát thủ tục hành chính cấp tỉnh vì được sự chỉ đạo, điều hành kịp thời do tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Văn bản chỉ đạo, điều hành được Chủ tịch UBND tỉnh ký hoặc lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh ký thừa lệnh Chủ tịch do đó việc thực hiện của các Sở, ngành mang tính mệnh lệnh cấp trên có ý nghĩa bắt buộc cấp dưới chấp hành. Việc kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính có tác dụng rõ rệt nên đã mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh, đảm bảo quyền lợi của cá nhân, tổ chức.
Hiện nay, theo Nghị định 48/2013/NĐ-CP chức năng kiểm soát thủ tục hành chính chuyển giao cho ngành Tư pháp và tổ chức Pháp chế của Bộ, ngành. Việc chuyển giao đã gây xáo trộn trong hệ thống Kiểm soát thủ tục hành chính, hàng loạt cán bộ có tâm huyết với công tác này xin chuyển công tác, người mới về còn bỡ ngỡ chưa bắt nhịp ngay với công việc nên đã làm ngắt quãng công tác này trong một thời gian dài.
Vị thế của ngành Tư pháp so với các bộ, ngành khác không cao do đó khi thực hiện chức năng này còn nhiều bất cập ví dụ: Theo Điều 6 Thông tư 05/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định: Quyết định công bố thủ tục hành chính của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải được ban hành chậm nhất trước 20 (hai mươi) ngày làm việc tính đến ngày văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành (nội dung này nên quy định trong Nghị định của Chính phủ hoặc bổ sung vào Nghị định 48/2013/NĐ-CP để đảm bảo hiệu lực thi hành)… trên thực tế hiện nay có rất nhiều thông tư của các Bộ, ngành quy định về thủ tục hành chính đã có hiệu lực
pháp luật từ lâu nhưng thủ tục hành chính vẫn chưa được công bố đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc công bố thủ tục hành chính của cấp tỉnh. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 05/2014/TT-BTP, cấp tỉnh chỉ được công bố sau khi nhận được quyết định công bố của Bộ, ngành. Việc chậm công bố thủ tục hành chính đã ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp cũng như việc thực hiện của cơ quan hành chính nhà nước. Ngay tại Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa công bố thủ tục hành chính theo quy định hoặc Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo 2011, các nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa công bố thủ tục hành chính gây bức xúc cho cá nhân, tổ chức vì đây là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm.
Việc không có chế tài khi không công bố kịp thời thủ tục hành chính cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc công bố vì vậy cần phải sửa lại Nghị định 48/2013/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng bổ sung thêm chế tài đối với việc chậm công bố thủ tục hành chính đối với người đứng đầu các Bộ, ngành đồng thời giao cho các Bộ, ngành đưa vào quy chế thi đua khen thưởng để bắt buộc thực hiện với mục tiêu vì người dân và doanh nghiệp.
Để công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong thời gian tới đi vào ổn định, thực chất tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính và giúp cán bộ công chức thực hiện thủ tục hành chính cải tạo được lề lối, tác phong làm việc, thực sự coi việc giải quyết thủ tục hành chính là phục vụ nhân dân. Làm công tác này thực sự đi vào thực chất, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp góp phần lớn vào việc kêu gọi và thu hút
đầu tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính theo một trong các phương án sau:
Phương án thứ nhất:
- Ở Trung ương thành lập cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu do Thủ tướng bổ nhiệm, có quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ, sửa đổi các văn bản do các Bộ, ngành, địa phương không tổ chức đánh giá tác động hoặc đánh giá tác động không nghiêm túc hoặc các văn bản qua thực tiễn cho thấy còn rườm rà không phù hợp với thực tiễn khách quan gây khó khăn cho việc thực hiện. Có quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Đưa công tác kiểm soát thủ tục hành chính của cơ quan đơn vị vào tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm và đề bạt, bổ nhiệm.
- Ở cấp tỉnh cơ quan thuộc quyền quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có thẩm quyền kiến nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh bãi bỏ, sửa đổi các văn bản do các Sở, ngành không tổ chức đánh giá tác động hoặc đánh giá tác động không nghiêm túc hoặc các văn bản qua thực tiễn cho thấy còn rườm rà không phù hợp với thực tiễn khách quan gây khó khăn cho việc thực hiện. Có quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Đưa công tác kiểm soát thủ tục hành chính của cơ quan đơn vị vào tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm và đề bạt, bổ nhiệm. Có quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn toàn tỉnh kể cả các cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc đóng trên địa bàn, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác này.
Phương án hai:
Thực hiện theo mô hình cũ (thuộc Văn phòng Chính phủ; ủy ban nhân dân tỉnh) theo đúng Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ vì trong quá
trình thực hiện giai đoạn 2011 – 2013 đã chứng minh được hiệu quả của công tác kiểm soát thủ tục hành chính khi trực thuộc Văn phòng Chính phủ và Văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Phương án ba:
Đưa công tác này về Bộ nội vụ và Sở Nội vụ cấp tỉnh vì đây là cơ quan có tiếng nói hiệu quả ở trung ương cũng như địa phương, là cơ quan tham mưu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, có chức năng cải cách hành chính (trong đó có kiểm soát thủ tục hành chính) sẽ tránh được chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của Tư pháp và Nội vụ nhất là ở cấp tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Đối với cơ quan quản lý trực tiếp (Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp) đây là công tác va chạm nhiều đòi hỏi cán bộ công chức ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng phải có bản lĩnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vì thực hiện tốt chức năng này là bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, tổ chức, đảm bảo quyền bình đẳng của cá nhân, tổ chức với cơ quan nhà nước. Nó cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại với quyền lợi của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính và của cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài việc kiện toàn lại tổ chức, bộ máy làm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính và công bố thủ tục hành chính (Bộ, ngành và cấp tỉnh); công khai, niêm yết thủ tục hành chính (tại bốn cấp chính quyền) phải đẩy mạnh công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất và đặc biệt là kiểm tra đột xuất vì qua việc kiểm tra thường xuyên, liên tục và đột xuất mới phát hiện được những khó khăn, vướng mắc những vấn đề bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ của thủ tục hành chính để kịp thời kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền.
Việc kiểm tra thường xuyên, đột xuất cũng chấn chỉnh kịp thời bộ máy cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, phát hiện
những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, không thực hiện các quy định của thủ tục hành chính nhằm trục lợi cá nhân, phát hiện những hành vi cửa quyền, hách dịch của cán bộ, công chức kiến nghị với người đứng đầu cơ quan đơn vị để xử lý, chấn chỉnh lại những hành vi tiêu cực, giúp cho việc cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và nhân dân.
Tuy nhiên, với tổ chức biên chế như hiện nay (phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Sở Tư pháp hiện tại có 4 biên chế) việc tổ chức kiểm tra định kỳ, thường xuyên cũng rất khó khăn chưa nói đến việc tổ chức kiểm tra đột xuất, ngoài ra liên quan đến vấn đề kinh phí vì việc kiểm tra đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục tại nơi trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đặc biệt là tại cấp xã.