Đánh giá cấu trúc tài chính của các NHTM Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp tái cấu trúc tài chính ngân hàng thương mại Việt Nam sau khủng hoảng kinh tế 2008 (Trang 87)

- Cấu trúc tài chính của các NHTM Việt Nam chịu tác động rất lớn từ các chính sách, quy định của NHNN Việt Nam và rất nhạy cảm với những tác động của nền kinh tế.

- Cơ cấu tài chính của các ngân hàng hiện nay chưa tối ưu: với đặc thù ngành kinh doanh tiền tệ, huy động vốn từ những nơi nhàn rỗi sang cho vay những nơi thiếu vốn nên các ngân hàng sử dụng cơ cấu tài chính nợ chiếm tỷ lệ cao > 90%, hệ số đòn bẩy tài chính cao, lợi nhuận nhiều nhưng tiềm ẩn rủi ro cao. Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh và NH TMCP có quy mô lớn do đã có thị phần và thương hiệu, rủi ro kinh doanh ít hơn nhóm NH TMCP quy mô nhỏ nên sử dụng nợ nhiều hơn trong cơ cấu tài chính, đòn bẩy tài chính cao hơn, lợi nhuận thu được nhiều hơn. Nguồn vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thấp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn. Việc tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn do các cổđông còn e ngại bị phân tán quyền kiểm soát, điều hành.

- 90% nguồn vốn huy động là ngắn hạn, trong khi dư nợ trung và dài hạn chiếm đến 50% tổng dư nợ nên rủi ro thanh khoản của các ngân hàng cao.

- Các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh và NH TMCP có quy mô lớn với lợi thế về uy tín, thương hiệu lại có nhiều kênh huy động nên tham gia gửi vốn tích cực trên thị trường liên ngân hàng, thu được lợi nhuận cao.

- Các NHTM vẫn tập trung chính vào hoạt động tín dụng, thu nhập từ lãi chiếm trên 70%, chưa chú trọng phát triển mảng dịch vụ trong khi dịch vụ là mảng lợi nhuận cao và ít rủi ro.

- Tốc độ tăng trưởng tài sản và tăng trưởng tín dụng quá nhanh so với tốc độ tăng trưởng huy động, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng năm 2007 là trên 51% và năm 2009 tăng đến 38%, quy mô vốn chủ sở hữu còn thấp.

- Cho vay phi sản xuất nhiều, trên 20% dư nợ trung dài hạn là cho vay phi sản xuất (trong đó, 80% là cho vay bất động sản và chứng khoán) trong khi thị trường bất động sản đang “đóng băng”, thị trương chứng khoán “trầm lắng” dẫn đến rủi ro về thanh khoản khi khe hở kỳ hạn của các ngân hàng ngày càng lớn. Vì vậy, NHNN quy định phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 22% tổng dư nợ vào cuối 30/06/2011 và còn 16% tổng dư nợ vào cuối năm 2011.

- Quản lý rủi ro còn kém, chất lượng tài sản không tốt, xuất hiện nhiều khoản nợ cho vay dưới chuẩn, cho vay đảo nợ, hoạt động cho vay quá phụ thuộc vào tài sản đảm bảo trong khi tình hình thị trường bất động sản đang khó khăn, nợ xấu tăng cao: theo công bố của các NHTM trên website của NHNN tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng vào thời diểm tháng 5/2012 là 4,47%. Tuy nhiên, phần lớn các NHTM VN phân loại nợ theo phương pháp định lượng nên tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể cao hơn.

- Hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn, liên minh, liên kết quá phân tán vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực không bổ trợ cho hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng, đầu tư nhiều vào các công ty bất động sản, các công ty chứng khoán trong khi 2 thị trường này đang giảm sút trầm trọng nên việc đầu tư không hiệu quả. Xuất hiện tình trạng sở hữu chồng chéo giữa các ngân hàng, giữa các TCKT với các ngân hàng khiến tình hình tài chính của các ngân hàng không lành mạnh, nhiều khoản vay dưới chuẩn, tình trạng tăng vốn ảo, tình trạng chi phối hoạt động ngân hàng của một nhóm cổđông để phục vụ lợi ích riêng.

- Báo cáo tài chính chưa phản ảnh chính xác tình hình kinh doanh của các ngân hàng :

Nhiều ngân hàng vì mục tiêu lợi nhuận, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế vẫn tìm cách tăng dư nợ bằng cách sử dụng các hình thức ủy thác đầu tư, ủy thác cho vay, mua trái phiếu công ty…

Tình trạng khan hiếm nguồn vốn huy động khiến các ngân hàng chạy đua lãi suất, nhiều ngân hàng vi phạm quy định vượt trần lãi suất huy động của NHNN (như HDBank), nhiều hình thức lách luật trên báo cáo tài chính để hợp thức các hóa các khoản vốn huy động vượt trần.

Trên báo cáo tài chính còn có các khoản mục đầu tư khác, tài sản nợ khác, tài sản có khác chưa thuyết minh rõ.

KẾT LUẬN CHƯƠNG II

Chương 2 của luận văn giới thiệu khái quát quá trình hình thành và phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam, đồng thời chương 2 đi sâu phân tích cấu trúc tài chính của ba ngân hàng VCB, ACB, NVB đại diện cho ba nhóm NHTM của Việt Nam là ngân hàng quốc doanh, NHTM CP có tổng tài sản từ 100.000 tỷ đồng trở lên, nhóm NHTM CP có tổng tài sản dưới 100.000 tỷđồng.

Qua phân tích thực trạng cấu trúc tài chính của ba ngân hàng trên, tác giả khái quát được thực trạng tình hình tài chính của hệ thống NHTM Việt Nam và những khó khăn, thách thức của các NHTM Việt Nam khi thực hiện tái cấu trúc.

Những nhận định về thực trạng cấu trúc tài chính của chương 2 là cơ sở để tác giả xây dựng các giải pháp thích hợp từng bước thực hiện tái cấu trúc tài chính đối với các NHTM Việt Nam.

CHƯƠNG III

CÁC GIẢI PHÁP TÁI CẤU TRÚC TÀI CHÍNH CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

Trong hoạt động kinh doanh, bản thân các ngân hàng đã chứa đựng nhiều loại rủi ro: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro tác nghiệp, rủi ro tín nhiệm…

Thêm vào đó, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến các ngân hàng Việt Nam mất khả năng thanh khoản, đứng trước nguy cơ phá sản, buộc phải tái cấu trúc tài chính.

Với vai trò quan trọng và có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến cả nền kinh tế, hoạt động tái cấu trúc tài chính của các NHTM Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân các ngân hàng tái cấu trúc, sự hỗ trợ của các ngân hàng trong hệ thống và vai trò định hướng, chỉ đạo, điều tiết, quản lý, giám sát, hỗ trợ của các cơ quan chức năng Nhà Nước.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giải pháp tái cấu trúc tài chính ngân hàng thương mại Việt Nam sau khủng hoảng kinh tế 2008 (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)