Với mô hình nghiên cứu được trình bày ở phần trên, nghiên cứu định tính này sẽ khám phá thêm các nhân tố mới bổ sung để xây dựng mô hình phù hợp cho nghiên cứu định lượng. Phương pháp chọn mẫu dựa trên đối tượng khảo sát ở các CTC của Tập đoàn FPT. Trong đó, thành phần khảo sát chính là chuyên gia, nhân viên triển khai phần mềm được chọn từ các Công ty thành viên chuyên mảng CNTT – chuyên thực hiện các dự án Tin học, triển khai phần mềm. Mẫu được chọn để thực hiện trong nghiên cứu định tính vừa là những người đang làm việc và cả những người đã nghỉ việc. Tác giả chọn phỏng vấn ở đối tượng đã từng làm việc ở FPT vì những ý kiến của họ thật sự rất đáng quan tâm, vì đó là những tâm sự, chia sẻ chân tình và thật lòng nhất. Tỉ lệ phân chia mẫu để thực hiện nghiên cứu định tính được chia cho 3 CTC. Trong đó, do việc liên hệ được những nhân viên đã nghỉ việc có khó khăn hơn nên tỉ lệ mẫu này ở các Công ty cũng khác nhau.
Bảng 3.1: Tỉ lệ mẫu trong nghiên cứu định tính
STT
Số Mẫu Tỉ lệ Mẫu
Công Ty Đang làm việc Đã nghỉ việc Đang làm việc Đã nghỉ việc
1 FIS SOFT 11 4 27.50% 10.00%
2 FIS ERP 9 2 22.50% 5.00 %
3 FSOFT 12 2 30.00% 5.00%
Tổng số 40 100%
(Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả, 08/2013)
Trong bảng tổng hợp trên, số lượng mẫu của những nhân viên đang làm việc tại FPT chiếm tỉ trọng lớn hơn (80%), so với tỉ lệ nghỉ việc (20%). Tác giả nhận thấy, việc ghi nhận ý kiến của những nhân viên đang làm việc tại các CTC sẽ có ý nghĩa quan trọng vì yếu tố này cần thiết với bối cảnh hiện tại. Ngoài ra, trong tỉ lệ này tác giả cũng đã tiến hành khảo sát trên các đối tượng lao động đang làm việc chính thức, cộng tác viên để có những đánh giá đầy đủ về công việc này.
Những ý kiến đóng góp từ những nhân viên đã nghỉ việc cũng được tác giả quan tâm nhiều vì nó sẽ là những kinh nghiệm, chia sẻ sâu sắc về nghề triển khai phần mềm, những điều tốt, điều xấu, trở ngại, khó khăn,… sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để bổ sung vào mô hình nghiên cứu.