Trong vài năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là “Ngôi sao đang lên”, một điểm đến mới hấp dẫn khách du lịch MICE từ khắp nơi trên thế giới, một điểm đến an toàn, thân thiện và là thị trường đầu tư hấp dẫn. Với tiến trình hội nhập toàn cầu, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào các sự kiện quốc tế, vì vậy lượng
khách MICE đến với Việt Nam cũng không ngừng tăng nhanh. Thời gian vừa qua, Việt Nam tự hào với sự thành công rực rỡ của các sự kiện mang tầm cỡ khu vực và quốc tế diễn ra tại đây như ASEM 5, APEC 2006, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Trái Đất 2010 tại Khánh Hòa,... đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế, quảng bá tiềm năng du lịch MICE của Việt Nam.
Từ năm 2011, Chính phủ đã đưa ra những chính sách trực tiếp hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam theo 4 trọng tâm (Báo Lao động, 2011):
- Chiến lược phát triển sản phẩm – thị trường: Xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng (du lịch mạo hiểm, du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa theo dòng lịch sử), tập trung vào thị trường khách cao cấp với những sản phẩm mới như: du lịch MICE, du lịch chữa bệnh và làm đẹp,...
- Chiến lược phát triển nguồn nhân lực: Liên kết và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương trong việc đào tạo cũng như tăng cường kiểm tra, thanh tra các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch theo nhu cầu xã hội.
- Chiến lược xúc tiến quảng bá: Thay đổi phương thức, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm trọng tâm nội dung xúc tiến quảng bá. Ngoài việc duy trì và khai thác các thị trường khách truyền thống cần tăng cường xúc tiến quảng bá tại thị một số thị trường khách tiềm năng (Ấn Độ, Nam Phi, Trung Đông,...).
- Chiến lược đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng: Hệ thống giao thông thiếu và kém là rào cản trực tiếp đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Tăng cường đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng (giao thông, lưu trú), phải có quy hoạch và quản lý phù hợp với hiện trạng và phát triển của từng địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng đến việc nâng cấp hạ tầng cho du lịch tàu biển khi hầu hết các cảng đón khách hiện nay đều là cảng công nghiệp. Chọn và nâng cấp nhằm phục vụ riêng cho đối tượng khách tàu biển tại một số khu vực trọng điểm.
Được sự hỗ trợ của chính phủ và nhận thấy loại hình du lịch MICE thu được nhiều lợi ích đáng kể hơn các loại hình thông thường, các công ty du lịch của Việt Nam hiện nay đang tập trung vào kinh doanh hình thức này. Các hãng lữ hành, hàng
không, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, trung tâm tổ chức hội chợ và triển lãm,... đang liên kết dịch vụ với nhau để tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy loại hình du lịch MICE. Việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007 đã tạo ra nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài. Theo các chuyên gia, du lịch MICE tại Việt Nam sẽ tăng trưởng trong thời gian tới bởi lượng khách đến nước ta thông qua MICE nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh còn tiếp tục tăng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần lên kế hoạch để khai thác loại hình này một cách hiệu quả, tăng cường liên kết để xây dựng một thương hiệu du lịch MICE vững chắc, hấp dẫn tại Việt Nam (Du lịch Trái tim Việt, 2011). Từ năm 2012, hình ảnh Việt Nam với vẻ đẹp bất tận (Vietnam – The timeless charm) sẽ được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế và các tạp chí thế giới, thu hút sự chú ý của du khách MICE khắp nơi trên thế giới.
Tóm lại, có thể khẳng định du lịch MICE đang là một định hướng tốt của du lịch Việt Nam trong tương lai. Phát triển MICE đem lại nhiều cơ hội để mở rộng thị trường du lịch, tăng lượng khách quốc tế và nâng cao uy tín cho du lịch Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam chính là một trong 10 điểm đến hàng đầu của du lịch MICE trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có tiềm năng là đối thủ cạnh tranh ngang tầm với các trung tâm MICE khác trong khu vực Đông Nam Á là Singapore và Thái Lan.