Kiến nghị với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một phần của tài liệu luận văn quản trị chất lượng Nâng cao chất lượng cho vay đối với danh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương chi nhánh Hai Bà Trưng (Trang 62)

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHO VAY ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA NGÂN HÀNG

3.3.4 Kiến nghị với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một thực tế hết sức bất cập hiện nay là doanh nghiệp thì thiếu vốn trong khi các ngân hàng đang thừa vốn nhưng không cho vay được, lí do không phải là do ngân hàng không muốn cho các doanh nghiệp vay mà ngân hàng e ngại doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Vì vậy DNVVN phải khắc phục những yếu kém còn tồn tại trong doanh nghiệp.

-Không chỉ hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực, DNVVN còn hạn chế về trang thiết bị, công nghệ. Do nguồn tài chính hạn hẹp, lại chưa tiếp cận được với nền kỹ thuật tiên tiến, hầu hết các DNVVN đều sử dụng trang thiết bị lạc hậu, lỗi thời không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Trước mắt, chưa cần phải là công nghệ hiện đại mà doanh nghiệp phải chọn công nghệ phù hợp, xuất phát từ nhu cầu thị trường để lựa chọn công nghệ. Trong quá trình sử dụng phải quan tâm cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó cần đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động để theo kịp sự hiện đại của công nghệ.

-DNVVN cần khắc phục những yếu kém về trình độ người lao động và năng lực quản lý. Dựa trên cơ sở chiến lược phát triển, cơ cấu ngành nghề, từ đó doanh nghiệp đưa ra chính sách đào tạo nguồn nhân lực hợp lý. Các doanh nghiệp phải bỏ chi phí đào tạo nguồn nhân lực hoặc sử dụng có hiệu quả kinh phí đào tạo do các tổ chức quốc tế tài trợ thông qua các chương trình, dự án.

-Các doanh nghiệp cần xây dựng được các phương án kinh doanh có hiệu quả, có tính khả thi vì tính khả thi là yếu tố quyết định đến việc doanh nghiệp có

vay được vốn của ngân hàng hay không. Trên thực tế, các DNVVN Việt Nam chưa làm tốt công đọan then chốt này, kế họach kinh doanh của họ thường chỉ là những phác thảo trong đầu và chỉ thể hiện dưới dạng một văn bản chính thức khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Đó chỉ là những kế hoạch kinh doanh dùng để đối phó hơn là một kế họach thực thụ mang tính chiến lược. Các doanh nghiệp thường chủ quan khi phân tích, giả định tài chính hoặc cân nhắc yếu tố cung-cầu và gần như không có các phương án dự phòng cho tình huống xấu. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chủ động nghiên cứu thị trường, môi trường kinh doanh và những rủi ro có thể tạo ra đồng thời nâng cao kỹ năng lập dự án để xây dựng được phương án kinh doanh có hiệu quả và khả thi.

-Các DNVVN hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn đi vay ngân hàng. Doanh nghiệp hầu như chỉ tiến hành được phương án kinh doanh khi vay được vốn ngân hàng. Vì vậy doanh nghiệp cần chủ động hơn, không nên lúc nào cũng chỉ huy động vốn dưới hình thức vay ngân hàng mà có thể huy động các nguồn vốn khác như: vốn tự có của chủ doanh nghiệp, vốn cổ phần, vốn liên doanh liên kết, vốn huy động qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu…Khi doanh nghiệp có thể tự tạo dựng được nguồn vốn, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong mọi hoạt động kinh doanh, có thể tự chịu trách nhiệm trước các rủi ro. Nguồn vốn tự có cũng là cơ sở để bảo lãnh cho doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng nên khả năng tiếp cận nguồn vốn vay cũng dễ dàng hơn.

-DNVVN cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin và nâng cao hiểu biết về luật lệ thương mại quốc tế, khai thác thị trường phù hợp với khả năng của doanh nghiệp nhất là trong nền kinh tế hội nhập với khu vực và thế giới như hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp và xây dựng các dự án nhằm tranh thủ sự hỗ trợ các tổ chức quốc tế. Điều cần thiết nhất là DNVVN phải tự đánh giá và không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN

Nâng cao chất lượng cho vay đối với các DNVVN là vấn đề quan tâm của hầu hết các ngân hàng thương mại nói chung và NHCT HBT nói riêng. Vì chất lượng cho vay có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như của ngân hàng, mặt khác còn có ảnh hưởng rất lớn trong việc kích thích nền kinh tế phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng đất nước bằng cách tạo điều kiện giúp đỡ các DNVVN hoạt động ngày càng hiệu quả.

Trong thời gian qua, với sự cố gắng không ngừng của tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên, NHCT HBT đã đạt được nhiều kết quả trong việc nâng cao chất lượng cho vay của chi nhánh. Tuy nhiên, hoạt động cho vay đối với DNVVN của chi nhánh vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Chuyên đề đã cố gắng đi sâu vào phân tích tình hình hoạt động cho vay chung cũng như hoạt động cho vay đối với DNVVN của chi nhánh, từ đó tìm ra những hạn chế đồng thời đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn trong việc mở rộng cho vay đối với các DNVVN của NHCT HBT. Do thời gian nghiên cứu còn ngắn, cũng như kiến thức còn hạn hẹp nên chuyên đề chắc chắn còn tồn tại nhiều thiếu sót. Kính mong các thầy cô cùng toàn thể cán bộ công nhân viên tại chi nhánh ngân hàng phê bình và góp ý để chuyên đề được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu luận văn quản trị chất lượng Nâng cao chất lượng cho vay đối với danh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương chi nhánh Hai Bà Trưng (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(65 trang)
w