- Hệ thống chính quyền được củng cố, bắt đầu hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
2.2.2.1. Thực trạng việc ban hành đơn giá bồi thường, hỗ trợ.
- Đối với cây trồng, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản: Hàng năm, Sở Tài chính ra thông báo đơn giá làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ các loại cây, hoa màu, vật nuôi trên đất có mặt nước phục vụ công tác GPMB trên địa bàn Thành phố. Hầu hết đơn giá bồi thường, hỗ trợ đều sát với thực tế và giá thị trường. Tuy nhiên, cách xác định nhóm loại cây, diện tích trồng xen hoặc vượt quá mật độ quy định lại chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng chưa bồi thường chưa thoả đáng và làm chậm tiến độ GPMB.
+ Một vấn đề khó khăn cho đơn vị thực hiện công tác bồi thường, GPMB là số loại cây không nằm trong bảng đơn giá bồi thường, hỗ trợ của Sở Tài chính. Khi đi điều tra xác minh tài sản trên đất và ghi vào biên bản trước sự chứng kiến của người dân và các ban ngành, đoàn thể, nhưng khi lập phương án bồi thường thì lại không có đơn giá. Trong trường hợp này, người điều tra xác minh có thể linh hoạt áp dụng đơn giá của các loại cây cùng họ hoặc tương đương. Nhưng cũng có trường hợp người dân chống đối, yêu cầu phải có thông báo giá của Sở Tài chính. Thời gian để đơn vị thực hiện nhiệm vụ GPMB tập hợp, làm công văn đề nghị bổ sung
đơn giá cho đến khi có văn bản trả lời của Thành phố là dài, làm kéo dài thời gian GPMB.
+ Đối với cây trồng cao hơn mật độ quy định thì được hỗ trợ tối đa không quá 30% mật độ quy định và theo mức giá bằng 50% đơn giá của cây cùng chủng loại. Thực tế cho thấy, khi người dân trồng cây, đặc biệt là cây lâu năm, thông thường đều trồng với mật độ cao hơn quy định vì chỉ trồng theo kinh nghiệm chứ không nắm được tỷ lệ, mật độ của từng loại cây. Mục đích người dân trồng để sử dụng hoặc kinh doanh chứ không phải mục đích nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, có những trường hợp cố tình trồng thật nhiều, với mật độ cao sau khi có thông báo thu hồi đất với mục đích lấy tiền bồi thường, hỗ trợ. Vì vậy, khi Nhà nước thu hồi đất, việc chỉ được hỗ trợ một phần diện tích và đơn giá cho tất cả các đối tượng gây bức xúc cho người dân.
+ Đối với một số loại cây, diện tích trồng xen dưới tán của cây khác thì chưa có quy định cụ thể cho việc bồi thường. Ví dụ như rau Diếp cá trồng dưới tán giàn Mướp, Dứa trồng xen trong vườn Keo. Khi bồi thường chỉ được tính giàn Mướp hoặc cây Keo, còn lại rau Diếp cá hoặc Dứa lại không được bồi thường. Người dân thường có xu thế đòi bồi thường toàn bộ những cây trồng trên đất, vì vậy cho phép đơn vị làm nhiệm vụ bồi thường vận dụng linh hoạt để lập phương án bồi thường hỗ trợ thực sự cần thiết.
- Đối với công trình, vật kiến trúc: Đơn giá làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ cũng linh hoạt, thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Di chuyển mộ là điều bất đắc dĩ và hầu như các gia đình không mong muốn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ di chuyển mộ chưa thực sự thoả đáng. Đối với những ngôi mộ chưa cải táng theo Quyết định 40/2008/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội thì mức bồi thường, hỗ trợ là 5.300.000 đồng/mộ. Mộ chưa cải táng là mộ mới chôn, chưa sang cát, có trường hợp mới chôn từ 1 tháng cho đến dưới 3 năm, chưa phân huỷ hết. Do đó di chuyển sang nơi khác rất khó khăn, kinh phí di chuyển không dưới 10.000.000 đồng. Di chuyển mộ có yếu tố tâm linh, chủ yếu dựa vào sự tình nguyện của các gia đình. Từ thực tế các dự án lớn trên địa bàn Huyện cho thấy,
di chuyển mộ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GPMB. Hầu hết các dự án đều liên quan đến di chuyển mộ do Sóc Sơn chưa quy hoạch các nghĩa trang, việc an táng tuỳ tiện.
- Đơn giá bồi thường đất ở: Được xây dựng dựa trên khả năng sinh lời, khoảng cách tới đường giao thông, đường phố và điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên việc xây dựng này chưa sát với thực tế giao dịch, chuyển nhượng và giá trị thực của nó. Ví dụ giá đất cao nhất dọc đường quốc lộ 3 qua địa phận Thị trần: 6.050.000 đồng/m2, trong khi thực tế chuyển nhượng khoảng 40.000.000 đồng/m2, giá đất ở nông thôn một số xã đồng bằng là 700.000 đồng/m2, trong khi thực tế chuyển nhượng khoảng 3.000.000 - 5.000.000 đồng/m2, thấp nhấp ở một số xã trung du là 250.000 đồng/m2, trong khi thực tế chuyển nhượng khoảng 1.000.000 đồng/m2. Chênh lệch đơn giá quá lớn khiến người dân không muốn nhận tiền bồi thường, hỗ trợ mà muốn bán trên thị trường dẫn đến khó khăn trong công tác GPMB.
Một điểm bất cập là giá đất ở một số nơi thấp hơn giá đất nông nghiệp. Ví dụ ở Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ giá đất 250.000 đồng/m2 trong khi đất nông nghiệp là 504.000 đồng/m2. Trong khi bản đồ địa chính chưa hoàn thiện, việc xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn, người dân chỉ nhận phần đất ở theo hạn mức giao đất tại địa phương, phần đất vườn liền kề đều kê khai là đất nông nghiệp để lấy đơn giá đền bù cao hơn.
- Đơn giá bồi thường đất nông nghiệp: Theo Quyết định 59 của Thành phố thì đất nông nghiệp ở tất cả các quận, huyện khác đều là 360 triệu đồng/sào bắc bộ, còn ở các xã đồng bằng huyện Sóc Sơn là 236 triệu đồng/sào bắc bộ và các xã Trung du là 190 triệu/sào bắc bộ. Đây là điều không hợp lý vì: Đối với đất ở thì căn cứ vào khả năng sinh lời để bồi thường, còn đất nông nghiệp thì phải căn cứ vào năng suất cây trồng để đền bù, ở Sóc Sơn năng suất không thấp hơn các quận, huyện còn lại. Một dự án đi qua địa bàn nhiều huyện sẽ dẫn đến tình trạng so sánh chính sách đền bù. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ GPMB.