4.2.2.1. Cải tiến trong kỹ thuật cắt bàng quang
Như đã trình bày (phần 1.2.3.2) dù dùng thuật ngữ cắt BQ đơn thuần nhưng chúng tôi không để lại túi tinh và TTL mà chủ trương cắt bỏ luôn túi tinh và một phần TTL. Cụ thể là sau khi cắt ngang TTL dưới cổ BQ 1cm và lấy bỏ cả BQ, túi tinh và phần đáy TTL, mỏm cắt TTL còn để lại sẽ được khoét bỏ nhân xơ TTL và lấy luôn đoạn NĐ này. Như vậy so với cắt BQ triệt căn chúng tôi chỉ để lại một phần vỏ vùng đỉnh tuyến. Mỏm cắt này sẽ được sinh thiết lạnh để đảm bảo cắt đến vị trí âm tính không còn tế bào UT [109].
Tóm lại thay vì phải bóc tách phía ngoài vỏ TTL để cắt bỏ nó cùng với đoạn niệu đạo TTL thì chúng tôi khoét bỏ bằng đường trong lòng tuyến để tránh đụng chạm trực tiếp đến bó mạch thần kinh TTL (đi sát phía sau vỏ tuyến) nên nâng cao tỷ lệ bảo tồn cương dương sau mổ. Niệu đạo TTL cũng được cắt bỏ nên vẫn đảm bảo về mặt ung thư học. Do nối BQ mới vào vỏ TTL nên miệng nối rất chắc, dễ thao tác khâu nối bằng khâu vắt làm giảm đáng kể thời gian mổ và tránh được khâu vào cơ vòng NĐ ngoài gây tiểu không tự chủ [47], [78].
4.2.2.2 Cải tiến trong kỹ thuật tạo hình bàng quang
Ở thì tạo hình BQ chúng tôi bố trí 2 kíp mổ, một kíp sẽ tiến hành khâu nối phục hồi lưu thông ruột đồng thời một kíp sẽ khâu tạo hình BQ. Bàng quang mới sẽ được tạo hình theo kiểu Hautmann – Studer [68].
Bảng 4.1 Thời gian phẫu thuật và lượng máu mất
Tác giả Số BN Thời gian mổ Lượng máu mất
Skinner E.C. [109] 44 387’ ± 13’ 1578 ± 127 ml
Lilien & Camey [156] 88 540’ 2500 ml
Tolhurst S.R. [132] 35 350’ 1005 ml
Đào Quang Oánh [11] 113 355’ ± 32’ Không ghi nhận
Chúng tôi 62 213,5’ ± 29,7’ 139,5 ± 78,5 ml
P < 0,001 < 0,001
Nhờ áp dụng nhiều cải tiến mà thời gian phẫu thuật của chúng tôi giảm khá thấp so với các tác giả khác, thay vì trung bình 5 giờ đến 8 giờ cho một ca mổ, chúng tôi chỉ còn mất trung bình 215 ± 23,86 phút (3 giờ 30’) cho mỗi
trường hợp. Sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê khi so với các tác giả khác (p<0,001). Giảm thời gian mổ sẽ làm giảm chi phí cho cuộc mổ, BN mau hồi phục sau mổ, tỷ lệ tai biến trong mổ và biến chứng sau mổ cũng giảm đi. Đồng thời do thì cắt BQ không phải bóc tách vùng TTL và cổ BQ nhiều nên lượng máu mất cũng giảm đi có ý nghĩa chỉ còn 139,5 ± 78,5 ml / BN (p<0,001), do đó lượng máu truyền trong mổ cũng giảm chỉ còn 152,4 ± 218,5 ml / BN và có đến 39 bệnh nhân (72,9%) không phải truyền máu.
Tóm lại thời gian phẫu thuật của chúng tôi giảm đáng kể là do: +Thì cắt BQ không cần phải cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt.
+ Thì tạo hình BQ được 2 kíp PT tiến hành đồng thời (kíp cắt nối ruột phục hồi lưu thông tiêu hóa và kíp khâu gấp ruột W tạo hình BQ).
+ Miệng nối BQ vào mỏm cắt niệu đạo được thực hiện bằng mũi khâu vắt. + Miệng nối 2 niệu quản vào BQ theo kiểu Studer.