Nhân tố Kinh tế Chính trị, Văn hóa Xã hội

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về hoạt động du lịch tỉnh Ninh Bình (Trang 30)

Nhân tố kinh tế: Du lịch là hoạt động liên ngành, liên vùng, do vậy yếu tố kinh tế ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của du lịch, sự phát triển của du lịch lệ thuộc vào hiệu qủa của các ngành kinh tế khác. Trong quá trình phát triển, du lịch yêu cầu sự phát triển đồng bộ về đời sống nhân dân, địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thích hợp để phát triển du lịch nhưng lại không đủ nguồn lực xây dựng được các địa điểm du lịch, quy hoạch những điểm này phục vụ mục đích du lịch lâu dài thì rất khó đáp ứng yêu cầu phát triển. Thực tế cho thấy, địa phương nào huy động được nguồn lực kinh tế

to lớn cho du lịch và các ngành dịch vụ du lịch thì sẽ được hưởng lợi ích rất lớn từ nguồn lợi nhuận thu về. Một số địa phương trong nước như Ninh Bình, Huế, Quảng Bình… nhận thấy tầm ảnh hưởng quan trọng của nguồn lực kinh tế đã đầu tư một nguồn kinh phí khổng lồ trước mắt để quy hoạch, bảo tồn địa điểm du lịch lý tưởng, đề ra kế hoạch khai thác, sử dụng lâu dài nguồn tài nguyên không khói, sau đó là quảng bá sản phẩm du lịch nổi tiếng đến toàn thể nhân dân trong nước và đưa lên các phương tiện truyền thông, có tính chất toàn thế giới. Làm được điều này, cần phải có sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, sự quản lý tầm vĩ mô đối với du lịch, cái tâm và tầm của người lãnh đạo, nhận thức rõ tầm quan trọng của du lịch trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương có nguồn lực du lịch phong phú.

Nhân tố văn hoá- xã hội: đảm bảo sẽ giúp du khách cảm thấy an toàn, yên tâm gặp gỡ dân bản xứ, giao thiệp, làm quen với phong tục, tập quán của địa phương và ngược lại. Con người Việt Nam có truyền thống hiếu khách, niềm nở và hòa đồng đối với mọi người trên toàn thế giới, và đặc biệt, tỏ ra quan tâm và giúp đỡ những người phương xa khi lạ lẫm, lần đầu đặt chân lên những mảnh đất truyền thống du lịch. Đó là giá trị nhân văn sâu sắc đã được truyền thừa trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Hòa theo sự phát triển khoa học kỹ thuật chung của thế giới, con người Việt Nam đã có sự giao lưu, trao đổi về mọi mặt, trong quá trình hòa nhập nền tinh hoa văn hóa của nhân loại, cũng có những điều tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý hiếu khách của người dân nước ta hiện nay, đó là tình trạng coi thường khách du lịch, thậm chí coi khách du lịch như những “con mồi” của một bộ phận không nhỏ những nhà hàng, quán cơm ven đường cạnh các khu du lịch, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng cũng như nguồn lợi nhuận thu được trong quá trình phát triển du lịch. Người dân bản xứ cần có thái độ và phong cách ứng xử, giao tiếp chuyên nghiệp trong công tác làm du lịch, muốn làm được

điều đó, vai trò quản lý nhà nước cần phải áp dụng và phát huy tác dụng. Thay mặt nhà nước, các cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch tổ chức những buổi tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa công cộng, nhằm phổ biến các quy định và văn hóa du lịch đối với đại bộ phận người dân mới bước vào ngành dịch vụ mới ngoài nghề nông nghiệp bao đời nay. Làm được điều này, gián tiếp các cơ quan nhà nước đã nâng cao quản lý nhà nước đối với du lịch địa phương.

Nhân tố chính trị: Du lịch phát triển được là nhờ điều kiện chính trị hoà bình ổn định và ngược lại. Điều này là hiển nhiên, đối với một đất nước còn trong giai đoạn chiến tranh, tranh giành đất đai, địa bàn sinh sống thì làm sao có thể ổn định và phát triển được du lịch. Tại Thái Lan, khi các cuộc chính biến trên chính trường xảy ra, đã gây thất thu cho nguồn ngân sách từ hoạt động du lịch nhiều tỷ đô la. Đất nước ta, trong thời kỳ hòa bình hiện nay, phần lớn người dân đều thuần nông, chất phác, cần cù làm ăn, sinh sống trên mảnh đất cha ông để lại, chiến tranh là không thể xảy ra, tuy nhiên cũng không thể loại trừ nguy cơ bất ổn như diễn biến hòa bình, lôi kéo của những phần tử phản cách mạng hay kích động lòng dân của một số thế lực thù địch. Với sự phát triển mạnh mẽ của những công cụ truyền thông, truyền thanh, truyền hình và internet, thông tin nhiều chiều tác động vào tâm lý người dân, tạo cho họ có những tư tưởng không yên phận trong hoàn cảnh của mình mà tìm cách thay đổi cách sống lâu nay, điều này không thể không ảnh hưởng đến sự quản lý của nhà nước trong du lịch. Họ có thể tác động to lớn đến chính trị nếu họ không nhận thức được tầm quan trọng của hành động họ làm, đối với du khách trong nước, chỉ có thể ảnh hưởng trong một vùng nhất định, nhưng đối với khách du lịch nước ngoài, một hành động khiếm nhã, một lời nói không đúng lúc, không hợp hoàn cảnh có thể làm xấu đi nền chính trị tốt đẹp giữa hai quốc gia được tiếng là hòa bình, hợp tác và phát triển. Điều này cần phải nhận thức rõ và có sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức

năng, tránh tình trạng khi xảy ra việc chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của nó.

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về hoạt động du lịch tỉnh Ninh Bình (Trang 30)