Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cơ quan

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 72)

quản lý nhà nước về môi trường để thực hiện bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch

Phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhằm tiến hành bảo vệ môi trường du lịch là một trong những nội dung quản lý nhà nước về môi trường của cả hai cơ quan quản lý. Hoạt động phối hợp được thể hiện thông quan một số phương thức cơ bản như sau:

+ Điều tra, quan trắc, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường trong phạm vi ngành;

+ Xây dựng, trình Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong phạm vi ngành;

+ Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thuộc phạm vi ngành;

+ Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ môi trường trong phạm vi ngành;

+ Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường du lịch

Ở cấp trung ương, Tổng cục Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Bảo vệ Môi trường, Vụ Môi trường) đã thực hiện một số hoạt động mang tính phối hợp, tuy nhiên, việc phối hợp hiện nay chủ yếu tập trung vào hoạt động

nghiên cứu khoa học. Cục Bảo vệ Môi trường đã cùng với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch xuất bản sách hướng dẫn về du lịch sinh thái, sổ tay hướng dẫn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong ngành du lịch. Theo các quy định hiện hành, khi thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án phát triển du lịch, cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Song quy định này hiện nay gần như không được thực hiện. Đối với việc thẩm định các dự án thuộc các ngành khác nhưng được tiến hành tại các khu, điểm du lịch, ngành du lịch cũng không được hỏi ý kiến vì bản thân quy chế quản lý các khu, điểm du lịch hiện nay cũng đang trong quá trình xây dựng cho nên không có cơ chế ràng buộc các cơ quan liên quan phải hỏi ý kiến ngành du lịch. Có những trường hợp, Tổng cục Du lịch được hỏi ý kiến về vấn đề đánh giá tác động môi trường của dự án, nhưng dường như đây chỉ là một hành động mang tính thủ tục, tiếng nói của ngành du lịch không có ý nghĩa. Điển hình cho bất cập này là trường hợp xây dựng nhà máy xi măng Cẩm Phả có công suất lớn nhất Việt Nam (2,3 triệu tấn/năm) nằm trên bờ vịnh Bái Tử Long – Hạ Long, Quảng Ninh [2, 5]. Vì lợi ích kinh tế mà chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý cho triển khai một dự án công nghiệp nặng ngay cạnh một di sản thế giới được UNESCO công nhận. Dự án này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tổng cục Du lịch khi được hỏi, đã có ý kiến : “mặc dù vị trí này không nằm trong khu vực di sản thế giới và khu vực đệm của Vịnh Hạ Long, nhưng lại trong khu vực đối diện với cụm di tích Bái Tử Long và các điểm, tuyến tham quan du lịch như : Điểm du lịch Hang Hanh, tuyến du lịch Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long - Đảo Cô Tô.... nên dễ phá vỡ cảnh quan môi trường ở khu vực này”. Tổng cục Du lịch, với lý do nêu trên, đã đề nghị phải cân nhắc kỹ lưỡng các phương án về vị trí, công trình và các giải pháp kiến trúc. Tuy nhiên Dự án vẫn được phê duyệt, triển khai thực hiện mà không hề có ý kiến phản hồi, chỉnh sửa, bổ sung, gây ra bức xúc trong nhân dân và UNESCO cũng đã yêu cầu Việt Nam phải báo cáo về vấn đề này.

Đối với hoạt động quan trắc, theo dõi diễn biến môi trường, ngành môi trường ít khi có thông báo cho ngành du lịch các kết quả theo dõi này để ngành

du lịch có căn cứ tiến hành các hoạt động quản lý. Bản thân ngành du lịch trong phạm vi khả năng của mình cũng chỉ có thể có những đánh giá trên cơ sở quan sát, thiếu năng lực kỹ thuật cần thiết để đánh giá hiện trạng môi trường trong lĩnh vực du lịch theo các thông số kỹ thuật cần thiết. Có thể thấy, thiếu sự phối hợp chặt chẽ là nguyên nhân của việc đánh giá hiện trạng môi trường ngành du lịch không được thường xuyên và đầy đủ.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, ngành môi trường và ngành du lịch cũng ít có sự phối hợp để tiến hành hoạt động này. Điều này khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra khó đạt được hiệu quả vì ngành môi trường không nắm được tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch, việc kiểm tra thiếu toàn diện, còn ngành du lịch thì chỉ có thể kiểm tra những dấu hiệu mang tính cảm quan, không có khả năng về chuyên môn và trang thiết bị để đo đạc, tính toán các chỉ số môi trường, trên cơ sở đó đánh giá chính xác hiện trạng môi trường.

Đối với công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật môi trường trong ngành du lịch. Nhìn chung, chưa có sự phối hợp thực sự, ngoài việc ngành du lịch tổ chức một số khóa tập huấn nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho cán bộ du lịch có sự tham gia của ngành môi trường, tổ chức xuất bản một số ấn phẩm bảo vệ môi trường du lịch, thi viết bài bảo vệ môi trường du lịch thì hai ngành hầu như “mạnh ai nấy làm”, hiệu quả không cao, nhiều khi gây lãng phí không cần thiết.

Đánh giá chung về thực trạng hoạt động phối hợp này, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường chưa tạo ra được sự phối hợp thường xuyên. Hoạt động phối hợp hiện nay chỉ được thực hiện trên một số phương diện, thiếu toàn diện và chặt chẽ. Theo kết quả điều tra do Tổng cục Du lịch tiến hành, có tới 84% đối tượng làm công tác quản lý nhà nước và kinh doanh du lịch cho rằng sự phối hợp trên là không chặt chẽ và không hiệu quả. Điều này đã hạn chế hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Nhìn chung, ở góc độ quản lý nhà nước, hoạt động bảo vệ môi trường chưa được tiến hành thường xuyên, đều đặn và rộng khắp theo đúng

yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Để có thể bảo vệ có hiệu quả môi trường trong lĩnh vực du lịch, việc nâng cao năng lực và hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động này là một yêu cầu tất yếu.

Bên cạnh sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước về môi trường và cơ quan về du lịch, hoạt động bảo vệ môi trường du lịch còn cần có sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ. Trên thế giới đã có nhiều Chính phủ đã tham gia trực tiếp vào một chiến dịch, một phong trào bảo vệ môi trường du lịch, hoặc chỉ đạo toàn bộ bộ máy nhà nước tập trung cho một hoạt động bảo vệ môi trường du lịch trọng điểm. Cụ thể, Chính phủ Malayxia, khi nhận thấy vấn đề vệ sinh môi trường có thể làm xấu đi hình ảnh của đất nước này trong mắt du khách, đã phát động một phong trào trên toàn quốc mang tên “Văn hóa toilet”[32, 25],

trong đó giáo dục người dân thói quen sử dụng nhà vệ sinh công cộng một cách sạch sẽ, thậm chí lấy người Nhật làm tấm gương về việc sử dụng toilet để giáo dục những người dân của mình. Chính phủ Malayxia cũng chỉ đạo thực hiện kiểm tra hệ thống các nhà vệ sinh công cộng hiện có, lắp đặt mới hoặc thay thế nhà vệ sinh không đủ tiêu chuẩn. Đích thân Phó Thủ tường Malayxia đã đi kiểm tra một số nhà vệ sinh công cộng, phát biểu trên báo chí, truyền hình kêu gọi người dân sử dụng toilet một cách có văn hóa. Với hoạt động này Malayxia đã cải thiện đáng kể tình hình vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan du lịch, tăng sự hấp dẫn của du lịch Malayxia đối với du khách.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam Luận văn ThS. Luật (Trang 72)