Thứ nhất, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch là cơ sở để thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch.
Pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch cụ thể hoá các yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch thành những hành vi cụ thể và thể hiện chúng thành các nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch cũng như các hoạt động có liên quan đến môi trường du lịch. Trên cơ sở đó, các chủ thể xác định được những hành vi buộc phải làm hoặc không được làm khi có những hoạt động tác động đến môi trường du lịch. Dưới hình thức là những nghĩa vụ pháp lý, việc vi phạm chúng đồng nghĩa với việc phải gánh chịu những chế tài nhất định. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc xử lý vi phạm, áp dụng chế tài không quan trọng bằng việc định hướng hành vi, ngăn ngừa vi phạm. Nói cách khác, vai trò "ngăn ngừa" của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là rất quan trọng.
Thứ hai: Pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch xác định vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và mối liên hệ phối hợp giữa các cơ quan này trong việc bảo vệ môi trường du lịch.
Hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường là không thể thiếu để thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, để vai trò của các cơ quan này được phát huy cần có các quy định pháp luật xác định hệ thống tổ chức, nhân sự, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và thẩm quyền tác động đến các đối tượng quản lý để thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường; quy định các phương tiện và điều kiện cần thiết để các cơ quan này có thể sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các quy định pháp luật không những là cơ sở pháp lý cần thiết để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các nhiệm vụ của mình mà còn là điều kiện ràng buộc để tránh sự tuỳ tiện khi tiến hành hoạt động quản lý.
Môi trường du lịch là đối tượng quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, chịu sự tác động không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch mà còn thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuỷ sản, quốc phòng, tài nguyên và môi trường… Để có thể đạt được sự phối hợp cao giữa các cơ quan này, phát huy vai trò của từng cơ quan và tránh sự buông lỏng hoặc chồng chéo cần có những quy định pháp luật quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này.
Như vậy, pháp luật môi trường là điều kiện không thể thiếu để hoạt động quản lý nhà nước về môi trường đạt được hiệu lực và hiệu quả.
Thứ ba: Pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch là cơ sở pháp lý để gắn kết hoạt động bảo vệ môi trường ngành du lịch với hoạt động bảo vệ môi trường nói chung.
Môi trường trong lĩnh vực du lịch là một bộ phận không thể tách rời của môi trường chung. Việc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch muốn đạt được hiệu quả cần phải được thể hiện trong các yêu cầu về bảo vệ môi trường nói
chung. Pháp luật bảo vệ môi trường thông qua việc cụ thể hoá các hành vi về bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch đã góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
Thứ tư: Pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch xác định các cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.
Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường không thể không có các phương tiện tài chính cần thiết để đầu tư cho việc nghiên cứu, theo dõi đánh giá tình hình môi trường, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng để phục vụ cho hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường, tiến hành các hoạt động thu gom và xử lý chất thải, khắc phục các sự cố ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường v.v. Để cân đối các nguồn vốn cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho hoạt động này, pháp luật quy định các nguồn vốn cũng như cách thức sử dụng các nguồn vốn dành cho công tác bảo vệ môi trường. Thông qua các quy định pháp luật, hoạt động bảo vệ môi trường có được các điều kiện tài chính cần thiết để vận hành.