TẠI VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘ
4.1.1 Giới thiệu đối tượng khảo sát
Để tìm hiểu những kiểu lỗi mà sinh viên ngành tiếng Anh-Viện Đại học Mở Hà Nội có thể mắc phải trong quá trình dịch các từ chuyển loại thuộc lớp từ chỉ BPCTN trong tiếng Anh, chúng tôi tiến hành khảo sát 87 sinh viên năm thứ 4 (niên khóa 2011 – 2015), thuộc chuyên ngành Biên – phiên dịch. Chúng tôi chọn nhóm đối tượng khảo sát này vì các lí do sau:
- Thứ nhất, đây là nhóm sinh viên có thời gian học tiếng Anh nhiều nhất ở Khoa vào thời điểm khảo sát. Không kể khoảng thời gian tích lũy vốn kiến thức tiếng Anh ở bậc học phổ thông, sau ba năm rưỡi học ngành Ngôn ngữ Anh ở Viện Đại học Mở Hà Nội, các em đã được trang bị một khối lượng lớn kiến thức thực hành tiếng (gồm có 75 đơn vị học trình – ĐVHT, trong đó có 18 ĐVHT Nghe + 18 ĐVHT Nói + ĐVHT Đọc + 18 ĐVHT Viết + 3 ĐVHT tiếng Anh cơ bản). Ngoài khối lượng kiến thức thực hành tiếng ra, các em cũng đã được học tiếng Anh qua các môn học thuộc khối kiến thức văn hóa – văn học (11 ĐVHT cho các môn: Lịch sử phát triển tiếng Anh, Đất nước học, Giao thoa văn hóa, Văn học Anh – Mỹ), các môn học thuộc khối kiến thức ngôn ngữ (17 ĐVHT, gồm có: Ngữ âm thực hành, Ngữ âm lý thuyết, Ngữ pháp thực hành, Ngữ pháp lý thuyết, Ngữ dụng học, Tiếng Anh thương mại). Như vậy, đến thời điểm khảo sát có thể khẳng định sinh viên đã có một
nền tảng kiến thức tiếng Anh rất tốt. Với một đối tượng như vậy, lỗi sản sinh và tiếp nhận tiếng Anh, về mặt lý thuyết, sẽ rất là hạn chế.
- Thứ hai, về kiến thức chuyên ngành, các em thuộc nhóm đối tượng khảo sát cũng đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng dịch. Các em đã được học 15 ĐVHT các môn lý thuyết và thực hành dịch, cũng như là các môn bổ trợ cho kỹ năng dịch, trong đó có 2 ĐVHT Đại cương về dịch thuật, 5 ĐVHT Dịch thực hành, 2 ĐVHT Lý thuyết dịch, 2 ĐVHT Phân tích diễn ngôn, 4 ĐVHT Dịch nâng cao 1 (tính đến thời điểm khảo sát). Có thể khẳng định nhóm sinh viên khảo sát không những được trang bị nhiều kiến thức tiếng, mà còn đã tích lũy được một lượng kiến thức và kĩ năng dịch đáng kể. Các em đã được học cách phân tích một văn bản trong quá trình dịch, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình dịch thuật, cách đánh giá một bản dịch, cách xử lý cú pháp và từ vựng,…
- Cuối cùng, đây cũng là đối tượng đã có một thời gian dài tích lũy vốn từ vựng tiếng Anh nói chung, vốn từ vựng về các BPCTN nói riêng. Trong chương trình đào tạo cử nhân tiếng Anh của Viện Đại học Mở Hà Nội, lớp từ chỉ BPCTN được học trong các giáo trình thực hành tiếng (ví dụ như các bài nghe, nói, đọc, viết có chủ đề mô tả người). Ngoài ra từ chỉ BPCTN còn gặp ở nhiều môn học khác như Từ vựng – ngữ nghĩa học (bài giới thiệu về hiện tượng chuyển nghĩa, hiện tượng chuyển loại), các môn thực hành dịch, lý thuyết dịch,….
Để phục vụ cho công việc khảo sát lỗi, chúng tôi thiết kế một bộ công cụ gồm có 50 câu người học phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại (xem Phụ lục 4). Trong đó, mỗi câu tiếng Anh đều chứa ít nhất một từ chỉ BPCTN được chuyển loại, còn mỗi câu tiếng Việt đều có ít nhất một nghĩa nào nó có thể chuyển dịch sang tiếng Anh bằng cách sử dụng từ chỉ bộ phận cơ thể đã được chuyển loại.
Bước tiếp theo chúng tôi tổng hợp các bài dịch của sinh viên, và tiến hành nhận diện, phân tích lỗi. Từ kết quả thu được, chúng tôi sẽ có những đề xuất cho quá trình dạy và học tiếng Anh nhằm giúp người học tránh được tối đa các lỗi dịch liên quan đến hiện tượng chuyển loại tên gọi BPCTN trong tiếng Anh.