Đây là đề tài nghiên cứu hiện tượng chuyển loại các từ chỉ BPCTN trong tiếng Anh, do vậy trước khi tìm hiểu từ chỉ bộ phận nào có chuyển loại cũng cần làm rõ hai vấn đề: (i) thế nào là một bộ phận (cơ quan) cơ thể? và (ii) cơ thể người có tất cả bao nhiêu bộ phận?
Liên quan đến câu hỏi thứ nhất, theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia, đặc trưng của một bộ phận cơ thể là được cấu thành từ nhiều tế bào khác nhau. Một cách cụ thể hơn, theo trang Web: http://www.anatomy.org/ của Hội Giải phẫu Hoa Kỳ (American Association of Anatomists), định nghĩa về BPCTN được chấp nhận rộng rãi nhất cho đến nay là: BPCTN là một tập hợp các mô cùng nhau thực hiện một hoặc số chức năng nào đó. Hiểu theo định nghĩa này thì mỗi một xương riêng lẻ trong bộ xương người cũng được xem là một cơ quan, bộ phận. Tuy nhiên, đến đây vấn đề trở nên phức tạp: Sọ người được xem là một cơ quan hay là nơi tập trung nhiều cơ quan riêng lẻ trong nó (tức xương)? Hai hàm răng là một phần của sọ người, hay 32 cái răng cũng là 32 cơ quan riêng lẻ của hệ thống tiêu hóa?... Để tránh làm phức tạp vấn đề, hơn nữa, vì đây là một đề tài nghiên cứu
thuộc lĩnh vực ngôn ngữ học liên quan đến tên gọi, trong bài viết này chúng tôi chấp nhận cái gọi là tính tầng bậc và tính vị trí trong việc xác định BPCTN: các bộ phận nhỏ hơn cấu thành bộ phận lớn hơn trong cùng một hệ thống hay vị trí, và tất cả đều xem như các bộ phận của cơ thể người. Theo đó, răng (teeth), môi (lips), lưỡi (tongue) được xem là các phần cấu thành nên phần miệng (mouth); miệng, mũi (nose), mắt (eyes), tai (ears),… là các phần cấu thành nên phần đầu (head) của con người; đầu, chân (leg), tay (hands, arms), thân (trunk) là các phần cấu thành nên cơ thể người,…. Tất cả các hợp phần lớn, nhỏ đó đều được xem là các bộ phận của cơ thể người. Có những bộ phận nhìn thấy được ở bên ngoài, nhưng cũng có những bộ phận hành chức ở bên trong cơ thể người (tim – heart, gan – liver, ruột – gut,…). Có những bộ phận nằm ở một vị trí nhất định, nhưng cũng có bộ phận nằm rải rác, xuyên suốt cơ thể như: xương (bones), da (skin), máu (blood),...
Về câu hỏi thứ hai, chúng ta đều biết cơ thể người là một cấu trúc tổng thể được cấu thành từ nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau. Tuy nhiên xuất phát từ vấn đề (i), có thể hình dung đi tìm câu trả lời vấn đề (ii) sẽ khó khăn như thế nào. Một khi mà tiêu chí xác định cơ quan, BPCTN chưa được rõ ràng, theo nhiều hướng (sinh lý học, giải phẫu học), có tính đan xen thì khó mà có thể trả lời được câu hỏi cơ thể người có chính xác bao nhiêu bộ phận. Chẳng hạn nếu xem BPCTN là một tập hợp các mô cùng nhau thực hiện một hoặc số chức năng nào đó, thì chỉ xét riêng cơ và xương, cơ thể người phải có đến 1000 cơ quan, bộ phận. Còn nếu căn cứ theo danh mục thuật ngữ giải phẫu người Terminologia Anatomica (TA), được phát triển bởi Ủy Ban Liên Đoàn về thuật ngữ giải phẫu (FCAT) và Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội của các nhà Giải phẫu học (IFAA) xuất bản vào năm 1998 thì cơ thể người có hơn 7500 cơ quan. Trong số đó có những phần vẫn còn đang tranh cãi và có những tên gọi thật ra chỉ là thành tố cấu thành nên các cơ quan trong cơ thể người.
Ngoài ra, việc xác định tên gọi bộ phận còn trở nên khó khăn do tồn tại hai hệ thống tên gọi cùng lúc: hệ thống các tên gọi thông dụng và hệ thống các tên gọi theo khoa học. Bảng dưới đây sẽ cho thấy một vài ví dụ như vậy:
Bảng 1.3: Bảng tên gọi bộ phận cơ thể người thông dụng và theo khoa học
TÊN THÔNG DỤNG TÊN KHOA HỌC
1 Forehead Frontal
2 Nose Nasal
3 Eye Orbital/ Ocular
4 Cheek Buccal
5 Neck Cervical
6 …. ….
(http://www.proprofs.com/flashcards/story.php?title=bio210-anatomy-common-scientific- names-parts--body)
Trong phạm vi giới hạn của đề tài, chúng tôi xác định tiêu chí lựa chọn từ chỉ BPCTN phục vụ cho việc khảo sát hiện tượng chuyển loại là như sau: (i) Các từ có tính phổ biến trong giao tiếp hàng ngày
(ii) Ưu tiên chọn các từ thuộc hệ thống tên gọi thông dụng, không thuộc hệ thống các tên gọi khoa học
(iii) Chỉ chú ý đến tên gọi (nhằm phát hiện triệt để các hiện tượng chuyển loại). Chúng tôi sẽ không quan tâm đến số lượng cụ thể các cơ quan có chung tên gọi (ví dụ như bone – xương, tooth – răng, leg – chân, finger – ngón tay,…). Trường hợp có hai tên gọi khác nhau cho cùng một cơ quan vẫn được xét đến như là các tên riêng lẻ (ví dụ như: pinky / little finger, intestine / gut,…). Do vậy số lượng tên gọi và số lượng cơ quan, bộ phận có thể sẽ không khớp nhau.
Căn cứ vào ba tiêu chí trên, qua quá trình khảo sát các danh mục và hình ảnh BPCTN từ các nguồn như: http://englishwilleasy.com/english-
through-pictures/people-english-through-pictures/human-body/,
http://training.seer.cancer.gov /anatomy/body/, http://en.wikipedia.org/wiki/Human_bodychúng tôi tiến hành hạn định và xác lập danh mục 105 từ chỉ BPCTN trong tiếng Anh phục vụ cho công việc khảo sát hiện tượng chuyển loại (xem Phụ lục 1). 105 từ này được chúng tôi chia thành ba nhóm, dựa trên vị trí của các bộ phận trên cơ thể theo chiều thẳng đứng:
Nhóm 1: Phần đầu (the Head), bao gồm các từ chỉ bộ phận nằm ở đầu và cổ. Nhóm này có 34 từ, đó là:adam’s apple, beard, brain, cheek, chin, cornea, ear, earlobe, eye, eyebrow, eyelash, eyelid, face, forehead, hair, head, iris, jaw, lip, mouth, mustache, nape (of the neck), neck, nose, nostril, palate, pupil, scalp, sideburn, skull, temple, throat, tongue, tooth
Nhóm 2: Phần thân (the Body), bao gồm các từ chỉ bộ phận tính từ vai xuống tới eo. Nhóm này có 25 từ, bao gồm: back, backbone, belly, breast, chest, flank, groin, gut, heart, intestine, kidney, large intestine, liver, lung, navel, nipple, rib, shoulder, small intestine, spine, spleen, stomach, torso, waist, windpipe.
Nhóm 3: Phần tứ chi và một số bộ phận khác, bao gồm các từ chỉ bộ phận nằm ở phần tay (19 từ), chân (từ thắt lưng trở xuống, 22 từ), và một số bộ phận nằm xuyên suốt cơ thể (5 từ). Nhóm này có các từ:
arm, armpit, elbow, finger, fingernail, forearm, forefinger, hand, index finger, knuckle, little finger, middle finger, nail, palm, pinky, ring finger, thumb, upper arm, wrist(phần tay); ankle, arch, backside, big toe, buttocks, calf, foot, heel, hip, hip- bone, instep, knee, kneecap, leg, little toe, loin, pelvis, shin, sole, thigh, toe, toenail (phần chân); blood, bone, muscle, skeleton, skin (một số bộ phận khác).
Ở chương tiếp theo chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát hiện tượng chuyển loại các từ chỉ BPCTN dựa trên khối dữ liệu 105 từ nói trên. Toàn bộ quá trình khảo sát được thực hiện dựa trên các trang từ điển trực tuyến có uy tín trên thế giới, đó là: http://www.oxforddictionaries.com/,
http://dictionary.cambridge.org/, http://www.merriam-webster.com/,
http://www.macmillandictionary.com/, và http://www.etymonline.com/. Việc tham khảo nhiều nguồn từ điển khác nhau, theo chúng tôi, là rất cần thiết vì không phải bất kỳ hiện tượng chuyển loại nào cũng đều được phản ảnh, hay cập nhật kịp thời trong các từ điển. Ngoài ra, việc khảo sát dựa trên nhiều nguồn từ điển sẽ giúp chúng tôi có lượng thông tin phong phú về xu hướng chuyển loại của từ chỉ BPCTN.