2.1. Cách đọc tiêu bản máu nhuộm
– Khảo sát giọt máu dày trước, làn máu mỏng sau.
– Quan sát tiêu bản ở độ phóng đại nhỏ (100 lần) trước để quét tìm giun chỉ. Ấu trùng giun chỉ hiếm khi có nhiều, thường chỉ có vài con trong mỗi phết máu.
– Sau đó mới đổi sang độ phóng đại lớn để tìm KST SR và đơn bào khác.
P.vivax, thường thấy nhiều giai đoạn phát triển, còn P. falciparum, thường chỉ thấy 1 – 2 giai đoạn phát triển.
Có thể xem phết máu với các độ phóng đại khác nhau. Tùy vào khả năng và kinh nghiệm của người đọc lam máu, việc kiểm tra phết máu thường mất 10 đến 20 phút để quan sát 100 – 300 vi trường ở độ phóng đại 1000 lần.
2.2. Đọc tiêu bản giọt dày
– Trong giọt máu dày, tế bào máu tập trung nhiều nhất ở giữa. Để tìm KST SR, tốt nhất nên đọc ở độ phóng đại 1000 lần.
– Khảo sát toàn bộ giọt máu theo hình chữ chi để xem có KST SR hay không, phải quan sát kỹ ở vùng xung quanh giọt máu vì những vùng đó thường tập trung nhiều KST SR và sáng, dễ xem hơn.
– Thời gian đọc thường từ 5 đến 10 phút (gần 100 vi trường với vật kính dầu).
– Hình thể KST SR trên tiêu bản giọt máu dày về cơ bản giống như hình thể KST SR trên tiêu bản làn máu mỏng. Tuy nhiên do phương pháp làm tiêu bản khác nhau, phương pháp nhuộm khác nhau nên hình thể KST SR trên tiêu bản giọt máu dày có khác hơn một chút, không đẹp bằng ở tiêu bản làn máu mỏng và KST SR tập trung hơn.
2.3. Đọc tiêu bản làn máu mỏng
– Khảo sát phần đuôi và hai bên rìa của làn máu để xác định rõ loại KST SR.
– KST SR thường hiện diện ở bờ hoặc ở phía cuối của phết máu do quá trình làm phết máu. Đồng thời, ta nên kiểm tra KST SR ở phần cuối phết máu, nơi hồng cầu được tách riêng ra. Ở nơi này, hình dạng và kích thước của hồng cầu bị nhiễm được thấy rõ nhất.
– Khi xem phải kết hợp 2 yếu tố: KST SR và hồng cầu bị ký sinh để xác định kết quả và loại KST SR.