Giá trị tài nguyên cây thuốc của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm

Một phần của tài liệu Điều tra cây thuốc được người sán chỉ sử dụng ở xã thanh lâm, huyện ba chẽ, tỉnh quảng ninh (Trang 55)

(a) Giá trị sử dụng:

Tài nguyên cây thuốc của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, phòng và chữa bệnh, đặc biệt ở huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Quảng Ninh như Ba Chẽ. Trừ cảm cúm, viêm đường hô hấp trên thì với các bệnh thường gặp khác như mụn nhọt, mẩn ngứa, vàng da sinh lý ở trẻ, quai bị, các bệnh về đường tiêu hóa … người Sán Chỉ trong xã đều sử dụng cây cỏ thông dụng để phòng và chữa bệnh dựa trên tri thức cộng đồng. Điều này không chỉ thu được qua kết quả phỏng vấn mà còn được thể hiện ở 66 loài (chiếm 37,29%) có hệ số tin cậy Fv > 0,75. Ví dụ với các loài đều có Fv = 1 như Nghệ (Curcuma longa L.) được sử dụng để chữa đau dạ dày; Hoàng đằng (Fibraurea tinctoriaLour.) được sử dụng để chữa vàng da, đau dạ dày; Ké hoa đào (Urena lobata L.) được dùng để chữa mụn nhọt.

(b) Giá trị kinh tế:

Thu nhập được từ tài nguyên cây thuốc đối với người Sán Chỉ trong xã là chưa cao.Đó là bởi hoạt động làm thuốc vẫn còn giữ nguyên trạng thái sơ khai đã trình bày ở mục 3.6.1. Ngay cả trong quá trình đi điều tra chúng tôi cũng nhận thấy chưa có nhà thầy lang nào trong xã có kinh tế trung bình hay khá giả.

Là một xã có tỷ lệ diện tích đất lâm nghiệp chiếm 95%, cho nên sinh kế chính của người dân phụ thuộc vào rừng. Không chỉ thu lợi từ trồng các cây nguyên liệu như keo, thông…người dân còn có nguồn sinh kế từ buôn bán, thu các loại dược liệu như đã trình bày ở mục 3.6.2 cho các thương lái Trung Quốc. Hoạt động này không thể tính được giá trị kinh tế chính xác song lợi ích mà nó đem lại cho người dân là không cao và sẽ giảm nhiều trong tương lai.

Các mô hình trồng dược liệu hàng hóa tại xã mới bước đầu được thực hiện từ giữa năm 2012 vì vậy chưa kiểm chứng được nhiều về giá trị kinh tế. Trong thời gian tới, với sự hoàn thành quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế Quảng Ninh đến năm 2020 của Sở Y tế tỉnh, giá trị kinh tế từ tài nguyên cây thuốc đối với không chỉ người Sán Chỉ trong địa bàn xã sẽ có nhiều đổi khác.

Với việc quan niệm cho rằng những chất đi từ tự nhiên sẽ thân thiện hơn với con người, nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng cây cỏ ngày càng được nâng cao. Do đó các ưu điểm trong tri thức sử dụng cây thuốc của người Sán Chỉ mà đặc biệt là các thầy lang đều có giá trị tiềm năng nhất định. Ví dụ như cây Sán chíu me chá chẩu pầng (Costus sp.) được các thầy lang dùng để chữa cho trẻ em chậm đứng được không chỉ người Sán Chỉ mà các dân tộc khác trong xã công nhận về mặt hiệu quả.

Tuy nhiên đề tài mới chỉ dừng ở bước đầu khai phá, tiếp cận với tri thức sử dụng cây thuốc của người Sán Chỉ, do đó nếu muốn phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng từ nguồn tri thức này thì cần phải tiến hành các nghiên cứu sàng lọc sâu hơn nữa.

Công ước về Đa dạng sinh học (CDB), Nghị định thư về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phát sinh từ nguồn gen (Nghị định thư ABS), Luật Đa dạng sinh học 2008 và Nghị định 65/2010/NĐ-CP đã công nhận nguồn tài nguyên sinh học của quốc gia và mỗi quốc gia có trách nhiệm bảo tồn và duy trì tri thức, sự sáng tạo, hoạt động hành nghề của dân chúng cũng như thừa nhận các quyền của cộng đồng [7]. Bởi vậy mọi nghiên cứu phát triển dựa trên kết quả điều tra cần tôn trọng bản quyền tri thức của người Sán Chỉ và đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng cho cộng đồng.

(d) Giá trị văn hóa:

Như đã nêu ở phần bàn luận về cách sử dụng (mục 4.2.5), người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm sử dụng cây thuốc dưới dạng tắm là nhiều nhất thay vì sắc uống. Điều này có thể được dùng để xác định đa dạng văn hóa của người Sán Chỉ do di cư.

Trong bức tranh tổng thể về các dân tộc ở Việt Nam, có thể nói Sán Chay (bao gồm Sán Chỉ và Cao Lan) là một trong những mảng còn nhiều vấn đề chưa được giới thiệu đầy đủ nhất [10]. Các kết quả thu thập được về phong tục trong việc khám, chữa bệnh, truyền dạy tri thức sử dụng hay thu hái cây thuốc (như đã trình bày ở mục 3.4) của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm đều có giá trị văn hóa hết sức nhân văn, mang sắc thái riêng. Ví dụ như:

- Cách tắm cây thuốc của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm là đun nước tắm sau đó dội và lau lên người chứ không phải tắm bồn như người Dao ở Sapa [14].

- Ý thức bảo tồn cây thuốc khi thu hái của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm chưa cao như của người Hmông ở Hòa Bình [18].

- So với nghiên cứu về người Sán Chỉ ở Bắc Giang [10], kết quả cũng cho thấy nhiều điểm tương đồng về: quan niệm “thuốc cha, ma cầu” (ốm phải chữa bằng thuốc là chính, rồi mới viện đến cúng ma); số lượng loài được sử dụng làm thuốc quanh khu vực sinh sống (khoảng 200 loài); cách truyền nghề (cha mẹ truyền cho con cái); phong tục khi đến chữa bệnh (lễ trước khi khám và trả ơn sau khi khỏi bệnh).

- Tuy nhiên người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm lại không có phong tục thờ “ma ham” (những điều cấm kỵ không được vi phạm trong nghề thuốc); không có bàn thờ ma thuốc; và cũng không có các hoạt động thương mại từ dược liệu (chuyên nấu cao thuốc để bán) như người Sán Chỉ ở Bắc Giang [10].

- Bàn thờ “pời vụ” , lễ cúng giải hạn “làm trái” (như đã trình bày ở mục 3.4.4) của người Sán Chỉ ở Thanh Lâm khá tương đồng với người Sán Chỉ ở Phú Lương, Thái Nguyên. Tuy nhiên khác với người Sán Chỉ ở Phú Lương, Thái Nguyên, người Sán Chỉ ở đây phân ra làm ba lễ: “lời slạnh” cho người già, “sun văn” cho thanh niên và “mó văn” cho trẻ con.

- Ngoài ra phong tục nhận những người bệnh nặng làm con nuôi đều diễn ra với người Sán Chỉ ở Thanh Lâm, Thái Nguyên, và Bắc Giang.

Chương 5: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT A. Kết luận:

Về da đạng các loài cây thuốc: Đã lập được danh mục 167 tên cây cỏ làm thuốc theo tiếng địa phương. Đã thu được 177 mẫu cây thuốc khác nhau theo danh mục, trong đó có trong đó có 82 loài được giám định sơ bộ đến loài, 78 loài được giám định sơ bộ đến chi, 10 loài được giám định sơ bộ đến họ và 7 loài chưa giám định được tên khoa học.

Về tri thức sử dụng: Đã tư liệu hóa được 28 nhóm bệnh được phòng và chữa bởi 177 loài, đồng thời mô tả được các phong tục về cây thuốc và bệnh tật của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh

Về trị trường dược liệu: Hoạt động buôn bán dược liệu tại các chợ phiên Đạp Thanh và Thanh Lâm diễn ra không thường xuyên và được thực hiện bởi người Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Tày và Nùng. Các thầy lang người Sán Chỉ chỉ bốc thuốc tại nhà chứ không mang thuốc ra chợ bán như các dân tộc khác.

Trên địa bàn xã đã có 41 hộ gia đình tham gia trồng nấm Linh Chi, và 1 cơ sở đang thực hiện mô hình trồng Ba kích tím (HTX Toàn Dân). Năng suất trồng nấm là 30-35kg nấm khô/1 tấn nguyên liệu, giá bán khoảng 500.000 đồng/1kg, loại từ 3-5cm thì 450.000 đồng/1kg, loại từ 2-3cm thì chỉ 350.000 đồng/1kg.

B. Đề xuất

Từ những kết luận trên, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất sau:

(1) Mở rộng tư liệu hóa cây cỏ làm thuốc, các bài thuốc của người Sán Chỉ để bảo tồn và phát triển cây cỏ làm thuốc của các dân tộc trên cả nước nói chung và người Sán Chỉ ở tỉnh Quảng Ninh nói chung.

(2) Định hướng và hợp tác với các cơ sở nghiên cứu và sản xuất để nghiên cứu và phát triển một số cây thuốc và bài thuốc có tiềm năng.

Một phần của tài liệu Điều tra cây thuốc được người sán chỉ sử dụng ở xã thanh lâm, huyện ba chẽ, tỉnh quảng ninh (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)