Theo những NCCT thì trong xã còn có những người chữa bệnh bằng mẹo.Việc chữa bệnh bằng mẹo thường bí mật, không để cho người bệnh biết đồng thời cũng không được truyền dạy cho người khác biết.Ví dụ như nếu một người bị ngã ở đâu thì sau khi họ về nhà, người thân trong gia đình của họ sẽ đến chỗ họ ngã và gọi to tên người bị ngã.Người ta coi đó là “gọi vía” và làm như vậy có thể làm cho chỗ bị thương nhanh lành. Hay nhu những người thường nằm mơ thấy ác mộng hay bị bóng đè thì sẽ để đồ kim khí (có thể là dao, kéo…) dưới gối hoặc dưới chiếu, gần đầu giường nằm để những điều này không xảy ra nữa. Tuy nhiên cũng theo những NCCT thì việc chữa bệnh bằng mẹo này thường không có mấy hiệu quả mà chủ yếu vẫn phải dùng đến cây thuốc.
Không chỉ đơn thuần sử dụng cây thuốc, người Sán Chỉ trong xã còn tiến hành các nghi lễ cúng bái, kết hợp với các niềm tin tâm linh trong việc chữa bệnh. Tuy nhiên chỉ khi uống thuốc không khỏi thì mới viện đến cúng bái.
Người Sán Chỉ quan niệm con người sẽ khỏe mạnh nhất khi ở nhà tức là dưới sự che chở và phù hộ của tổ tiên, mọi chuyện ốm đau tai nạn đều là do khi ra ngoài không được phù hộ mà gây ra. Đối với tổ tiên của các thầy lang – những người đã truyền lại tri thức sử dụng cây thuốc cho cộng đồng đến tận ngày nay, thì người Sán Chỉ tin rằng sự phù hộ của họ mạnh hơn tổ tiên của các gia đình bình thường khác. Vì vậy, có những trường hợp người bệnh tự thấy bệnh mình nặng hoặc cơ thể hay ốm yếu, bệnh tật kéo dài thì họ sẽ tôn thầy lang làm cha nuôi hay mẹ nuôi để được cả tổ tiên nhà thầy thuốc phù hộ cho khỏe mạnh.
Đối với các trường hợp ốm nặng, ngoài việc chữa bệnh bằng cây thuốc, một số người còn tìm đến các thầy cúng để thực hiện các nghi lễ tâm linh.Các thầy cúng này sẽ “bắt mạch” cho người bệnh để xem người này có đang gặp hạn gì không và cần phải cúng lễ như thế nào thì mới nhanh khỏi bệnh.Cũng có những trường hợp sau khi ốm nặng sẽ mời thầy cúng về nhà để làm lễ giải hạn (làm trái).
Ngoài ra ngay cả khi các thành viên gia đình còn đang khỏe mạnh nhưng khi đi xem bói và các thầy cúng thấy có khả năng gặp hạn thì người ta cũng làm lễ cúng:
o “Lời slạnh”cho người già. Lễ vật gồm 4 con gà và 1 thủ lợn.
o “Sun văn” cho thanh niên. Lễ vật gồm 1 quả trứng gà và 1 con gà.
o “Mó văn” cho trẻ con. Lễ vật chỉ gồm 1 quả trứng gà.
Lễ cúng này vừa có tác dụng xua đuổi bệnh tật cũ và tránh mắc thêm các bệnh tật mới, cầu mong bình an, khỏe mạnh. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng sẽ buộc vào cổ tay người bệnh 1 sợi chỉ vào cổ tay trái. Đối với trẻ em thì không cần buộc chỉ. Lễ cúng này thường được tiến hành vào mùng 1 hoặc 15 hàng tháng theo lịch âm.
Trẻ em ngay lúc mới sinh còn được gia đình mời thầy cúng đến để lập một bàn thờ trên chỗ em bé đó ngủ. Bàn thờ này được gọi là “pời vụ” chỉ là một ống tre, bên trong có tro để cắm hương. Bàn thờ này được lập với mục đích là cầu cho trẻ nhỏ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, ít bệnh tật, ít quấy khóc và sẽ được bỏ đi khi đứa trẻ đó đến tuổi trưởng thành (16-18 tuổi). Hoặc nếu trong gia đình lại có thêm trẻ mới sinh thì “pời vụ” sẽ được chuyển cho đứa trẻ này (tức là trong một gia đình không có quá một “pời vụ”). Lúc chuyển cũng cần mời thầy cúng đến và phải mất 1 con gà để làm lễ hoặc có thể thay bằng thịt lợn tùy theo điều kiện của gia đình.
“Pời vụ” cũng không cần phải thắp hương quanh năm mà chỉ cần thắp hương vào duy nhất dịp tết. Nếu không may đứa trẻ bị ốm nặng hay uống thuốc lâu không khỏi thì sẽ lại phải cúng ở chính bàn thờ này.