Thảm thực vật mà các cây thuốc được thu mẫu cũng như địa điểm thu hái cây thuốc của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm là ven sông, ven suối với 92 loài, mặc dù trong quá trình điều tra theo tuyến đã đi qua khá đầy đủ các loại thảm thực vật trong xã. Trong khi đó nơi thu hái cây thuốc của người Sán Chay ở Lệ Viễn, Sơn Động, Bắc Giang lại chủ yếu có ở đồi (núi đất) với 132 loài chiếm 45,99%, còn ở ven suối chỉ có 15 loài, chiếm 5,23% [32]. Kết này cho thấy tri thức sử dụng cây thuốc của người Sán Chỉ được vừa được điểu chỉnh tùy vào điều kiện khách quan về tự nhiên mà họ sinh sống vừa có nét đặc trưng khác với người Sán Chỉ ở Lệ Viễn, Bắc Giang.
Kết luận được điều này là do yếu tố khách quan về địa hình, diện mạo cũng như tư duy khi lấy thuốc của người Sán Chỉ ở xã Thanh Lâm. Huyện Ba Chẽ nói chung và xã Thanh Lâm nói riêng có địa hình đồi núi trùng điệp rất nhiều, đồng thời lại có hệ thống sông suối vô cùng phong phú mà đặc biệt là sông Ba Chẽ chảy suốt cả xã. Tuy nhiên khi nhắc đến việc đi thu hái cây thuốc, các thầy lang lại mặc định coi chuyến đi đó sẽ phải tới một khe suối nào đó, chứ không phải là đi lên đồi hay là ra ruộng. Điều này có thể do quá trình làm lâm nghiệp mà đặc biệt là trồng keo đã làm cho hệ sinh thái ở các vùng đồi, núi đất giảm mạnh. Hoặc cũng có thể do hệ thực vật ven sông suối ở Thanh Lâm là trù phú hơn hẳn và tri thức sử dụng được truyền lại chỉ tập trung vào đó.