Phong tục trong việc chữa bệnh

Một phần của tài liệu Điều tra cây thuốc được người sán chỉ sử dụng ở xã thanh lâm, huyện ba chẽ, tỉnh quảng ninh (Trang 40 - 41)

Không giống như các dân tộc khác có nhiều bàn thờ và thờ nhiều các thế lực siêu nhiên trong nhà, người Sán Chỉ ở xã thường chỉ có bàn thờ tổ tiên (ban thơ) và các nghi thức khi đi lấy thuốc, truyền dạy nghề thuốc hay có bệnh nhân đến khám … đều được thực hiện ở bàn thờ này. Các thầy lang Sán Chỉ không có nghi lễ hay phải cúng bái gì khi bắt đầu làm nghề bốc thuốc. Họ sẽ bắt đầu hành nghề khi cảm thấy mình đã đủ bản lĩnh và tự tin.

Đối với các bệnh đơn giản như cảm cúm, nóng người, mụn nhọt … thì những người bình thường có thể tự đi lấy thuốc về để dùng. Tuy nhiên với những trường họp bệnh khó, tự chữa không khỏi hay các bệnh mạn tính họ sẽ phải tìm đến thầy lang.

Các thầy lang không tự nhận công việc của mình là khám bệnh, mà họ chỉ nhìn hoặc nghe các triệu chứng được kể lại để bốc thuốc vì vậy không nhất thiết người bệnh phải đến tận nơi để được bốc thuốc mà có thể người nhà đến thay. Tuy nhiên với những bệnh mà thầy lang nói là “trong bụng không nhìn thấy được” hay có thể hiểu là những bệnh trong cơ thể mà họ không biết tới thì họ sẽ từ chối, không nhận lời chữa trị hoặc chữa dựa trên chẩn đoán của bệnh viện.

Khi người bệnh đến lấy thuốc phải đem lễ vật đến để làm lễ với tổ tiên nhà thầy thuốc.Lễ vật này thường là xôi hoặc bánh. Sau đó thầy lang sẽ thắp hương để cầu xin tổ tiên phù hộ cho người bệnh nhanh khỏi và quá trình chữa trị được diễn ra thuận lợi. Sau nghi lễ cúng tổ tiên, bệnh nhân hoặc người nhà của bệnh nhân sẽ kể các triệu chứng của bệnh để thầy thuốc biết. Nếu trong nhà không còn loại thuốc chữa bệnh đó thì thầy lang sẽ hẹn bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đến lấy vào một hôm khác để họ có thời gian đi thu hái các loại cây cần thiết.

Một phần của tài liệu Điều tra cây thuốc được người sán chỉ sử dụng ở xã thanh lâm, huyện ba chẽ, tỉnh quảng ninh (Trang 40 - 41)