Hình thức thực hiện và quy mô của các dự án FDI tại Việt Nam

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VÀ LỰA CHỌN ĐỐI TÁC ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM (Trang 40)

Mặc dù hình thức kinh doanh FDI của các nước là rất đa dạng nhưng nhìn chung các đối tác nước ngoài thực hiện kinh doanh FDI ở Việt Nam chủ yếu dưới các hình thức liên doanh với đối tác Việt Nam, hình thức 100% vốn nước ngoài và hợp đồng hợp tác kinh doanh, trong đó hình thức liên doanh với các đối tác Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Các dự án có vốn FDI của Nhật Bản liên doanh với một hoặc nhiều đối tác Việt Nam chiếm tới hơn 60% tổng số dự án và hơn 70% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Với Đài Loan, tính đến hết năm 1995 là năm đỉnh điểm của FDI của Đài Loan vào Việt Nam, trong số 164 dự án đang hoạt động có tới 81 dự án liên doanh với các đối tác địa phương với tổng số vốn là 1287 triệu USD, chiếm 49% tổng số dự án và 67% tổng số vốn đầu tư. Các đối tác ASEAN cũng có hình thức

thực hiện FDI ở Việt Nam tương tự. Xu hướng chung gần đây nổi lên là các đối tác nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng số lượng các dự án dưới hình thức 100% vốn nước ngoài. Theo số liệu thống kê chính thức của JETRO, cơ quan đại diện về thương mại và đầu tư của Nhật Bản ở Việt Nam, năm 1994, Nhật Bản mới chỉ có 4 dự án FDI 100% vốn nước ngoài nhưng chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 1997 đã có tới 14 dự án dưới dạng này của Nhật Bản được cấp giấy phép ở Việt Nam.

Các nước Âu - Mỹ đầu tư vào Việt Nam chủ yếu dưới hình thức liên doanh với các đối tác Việt Nam để bước đầu thăm dò và thử nghiệm môi trường đầu tư ở Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý và rủi ro trong thị trường tài chính cũng như những khác biệt về cách thức kinh doanh và quản lý của mỗi nước.

Về qui mô của các dự án FDI giữa các nước cũng có những đặc điểm khác biệt. Nhìn chung dự án của các nước Tây Âu và Mỹ thường có số vốn tương đối lớn, trong khi các đối tác trong cùng khu vực như Nhật Bản, NICs và ASEAN lại có dự án ở mức thấp hơn. Các dự án với qui mô vừa và nhỏ chiếm ưu thế trong kinh doanh FDI ở Việt Nam. Điều này được giải thích trên cơ sở sự khác biệt về cơ cấu đầu tư theo ngành của các loại đối tác này. Mỹ và các nước Tây Âu thường chú trọng vào các ngành có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao hoặc các ngành dịch vụ đòi hỏi chi phí quảng cáo tiếp thị lớn do vậy mà vốn đầu tư bình quân cho một dự án thường ở mức cao, trong khi Nhật Bản và một số đối tác ở Châu Á chủ yếu tập trung vào ngành chế biến cần nhiều lao động do vậy qui mô một dự án thường ở mức thấp hơn.

Một phần của tài liệu MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TRONG HOẠT ĐỘNG KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VÀ LỰA CHỌN ĐỐI TÁC ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI Ở VIỆT NAM (Trang 40)