v. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
3.2.3. Tổ chức kế toán chi tiết hàng tồn kho
Qua khảo sát thực tế cho thấy (Câu II.20 Phụ lục 4) tại các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 70% áp dụng phương pháp thẻ song song để hạch toán chi tiết hàng tồn kho. Cả 3 công ty mà học viên chọn để nghiên cứu trong luận văn này là công ty TNHH công nghệ và thiệt bị hàn, công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lâm Anh, công ty CP thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP đều áp dụng hình thức này. Bởi hình thức thẻ song song đơn giản, dễ làm, dễ hiểu để đối chiếu kiểm tra cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, đặc biệt dẽ dàng vận dụng máy vi tính vào việc hạch toán chi tiết hàng tồn kho.
Tại kho hàng căn cứ vào chứng từ xuất, nhập hóa thủ kho mở thẻ kho để theo dõi, ghi chép tình hình biến động và tồn kho về mặt số lượng của từng loại hàng tồn kho.
Tại phòng kế toán cũng trên cơ sở chứng từ nhập, xuất hàng hóa kế toán tiến hành mở sổ chi tiết để theo dõi tình hình biến động và tồn kho về mặt số lượng và giá trị của từng loại hàng tồn kho.
Cụ thể tại công ty TNHH công nghệ và thiết bị hàn và công ty CP thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP đã tổ chức kế toán chi tiết hàng tồn kho như sau:
Tại kho: Căn cứ vào phiếu nhập kho, xuất kho thủ kho tiến hành ghi vào thẻ kho số lượng hàng mua vào và số lượng hàng xuất ra. Thẻ kho do thủ kho mở chi tiết đối với từng loại hàng hóa và được sắp xếp theo một trật tự nhất định giúp việc ghi chép, kiểm tra, đối chiếu được thuận lợi. Hàng ngày thủ kho căn cứ vào chứng từ nhập xuất kho của từng loại hàng hóa để ghi vào cột tương ứng trong thẻ kho. Mỗi chứng từ ghi một dòng, cuối ngày tính ra số tồn kho. Thủ kho có nhiệm vụ theo dõi chi tiết hàng hóa nhập - xuất - tồn ghi vào thẻ kho sau đó gửi hóa đơn, chứng từ lên phòng kế toán.
Thẻ kho tại công ty ty CP thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP được trình bày ở Phụ lục 20.
Tại phòng kế toán: Hàng ngày khi nhận được chứng từ, hóa đơn GTGT, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu nhập kho do thủ kho gửi lên, kế toán tiến hành kiểm tra tính hợp lý của chứng từ đó và nhập số liệu vào máy tính để theo dõi số lượng nhập - xuất - tồn. Định kỳ kế toán đối chiếu giữa bảng tổng hợp nhập - xuất - tồn và thẻ kho.
Qua xem xét tình hình thực tế kế toán chi tiết hàng tồn kho ở các doanh nghiệp thương mại cho thấy nhìn chung các doanh nghiệp theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình kế toán nhập - xuất - tồn tại kho. Tuy nhiên việc cung cấp thông tin còn nhiều hạn chế do phải mất nhiều thời gian đối chiếu, tổng hợp số liệu. Số liệu chỉ mang tính tổng hợp chứ chưa đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời của thông tin.
3.2.4. Kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Qua khảo sát thực tế (Câu II.17 Phụ lục 4) kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho ở các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được coi trọng, có đến 80% doanh nghiệp được khảo sát không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Doanh nghiệp không lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dẫn đến tình trạng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi giá thị trường biến động theo xu hướng giảm. Hai công ty mà học viên nghiên cứu cũng không trích lập dự phòng. Trên bảng cân đối kế toán của công ty TNHH công nghệ và thiết bị hàn và công ty cổ phần CP thương mại và phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP đã thể hiện rõ điều này và được trình bày ở Phụ lục 18 và Phụ lục 19.
Theo quy định của Chuẩn mực kế toán về hàng tồn kho thì cơ sở để lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là “giá trị thuần có thể thực hiện được” quy định này của Việt Nam còn rất chung chung dẫn đến doanh nghiệp khó vận dụng vào thực tế nên các doanh nghiệp thường bỏ qua không trích lập dự phòng.
Để xác định mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho thì các doanh nghiệp cần xác định được giá trị thuần có thể thực hiện được. Trên thực tế các doanh nghiệp thường có rất nhiều loại hàng hóa nên việc đánh giá lại tất cả các loại hàng hóa này theo mặt bằng
thị trường để có thể xác định giá trị thuần có thể thực hiện được là không khả thi vì đòi hỏi rất nhiều công sức và chi phí. Nếu doanh nghiệp không lỗ hoặc giá trị hàng tồn kho giảm không đáng kể thì công sức và chi phí bỏ ra là không cần thiết.