8. Ký hành: một dạng thức của nhật ký hành trình hay du ký của văn học Nhật Bản , thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết
3.3.2. Ngôn ngữ ký Lý Lan sinh động, gần gũi đời sống
Bên cạnh đặc điểm mang tính vùng miền, in đậm dấu ấn miền Nam thì ngôn ngữ trần thuật của Lý Lan còn một đặc điểm khác không kém phần quan trọng làm nên phong cách riêng trong văn phong của nhà văn đó là ngôn ngữ đa giọng điệu hay còn gọi là tính chất đa thanh trong ngôn ngữ khi tác giả sử dụng. Đây là đặc điểm nổi bật, và khá đặc trưng để chúng ta có thể phân biệt với văn học trước đây với văn học sau 1975, mà đặc biệt là từ 1986 lại nay. Văn học sau 1986 đi sâu khai thác đời tư thế sự và nhất là nhà văn được quyền “moi móc” mọi ngóc ngách phức tạp của cuộc sống cho nên
chỉ có tính chất đa thanh trong ngôn ngữ mới có thể phản chiếu được bao nhiêu cái ngổn ngang và bề bộn của cuộc sống hôm nay. Lý Lan là nhà văn luôn hướng ngòi bút của mình đến vấn đề nữ quyền, rất am hiểu nữ quyền luận cho nên không có cái gì có thể thích hợp hơn khi sử dụng ngôn ngữ đa giọng điệu để phản ánh các vấn đề đó. Giọng xót xa: “Không Bé nằm tê liệt giữa chăn nệm ngổn ngang xộc xệch. Một món thuỷ tinh nữa vỡ tan trong lòng chị, miểng thuỷ tinh đang cắt đang găm khắp người. Chị cảm thấy đau đớn nhiều hơn tủi nhục”. Giọng thương cảm: “Con người mình đó ư? Sao có thể mừng vui đó rồi khổ sở đó chỉ vì một người đàn ông? Đâu rồi cái con người nghệ sĩ ngang tàng, ai khen ai chê cũng bỏ qua. Mình sinh ra để làm thơ thì tại sao mình không làm thơ mà làm mứt?” (Đường dài hạnh phúc). Giọng trìu mến: “Trong bơ vơ tuyệt vọng, trong đói khát kiệt quệ, trong khoảnh khắc có lẽ đã đánh mất chính mình, cũng có thể vừa tìm được chính mình, người đàn bà này sẽ đứng lên, cùng ông đi đến cuối cuộc đời…” (Một đời). Mỗi một tác phẩm của bà như một câu chuyện vừa hư cấu nhưng lại rất ám ảnh và gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc về các vấn đề trong cuộc sống hôm nay. Đặc biệt là đối với cuộc sống của người phụ nữ.
Những nhà văn nổi tiếng ở thể loại ký như nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Hoàng phủ Ngọc Tường ... mỗi người đều mang phong cách riêng, điều này thể hiện rõ nét qua giọng điệu của mỗi nhà văn trong tác phẩm của họ. Mỗi nhà văn như một người nghệ sỹ phải tìm cho mình nốt nhạc và lời ca riêng. Đọc ký của Lý Lan, ta thấy bao trùm lên toàn bộ những trang ký là giọng điệu chan chứa yêu thương, sự gắn bó với quê hương đất nước mà cụ thể ở đây là mảnh đất Sài Gòn Chợ Lớn. Chất giọng trữ tình, nhẹ nhàng khi viết về quê hương, bởi quê hương trong chị là những gì gắn bó máu thịt, vô cùng gần gũi. Giọng điệu trong từng bài viết mang những sắc thái khác nhau. Có lúc như nói với riêng mình, có lúc như giãi bày, tâm sự với người khác. Khi thủ thỉ tâm tình, khi thẳng thắn mạnh mẽ nhưng tế nhị. Đối tượng mà bà đưa vào trong các tập ký hết sức đa dạng và chính sự đa dạng này đã tạo ra một
không khí hết sức thân tình, gần gũi giúp câu chuyện, tâm trạng được bộc lộ tự nhiên hơn, thoải mái hơn. Nhà văn muốn qua những trang sách của mình để tâm sự với độc giả. Giọng văn mang sắc thái ngợi ca, say mê với nhiều giọng điệu : Đối thoại, độc thoại, kể, triết lí ... Nhưng luôn luôn có giọng độc thoại, đặc biệt là trong những bài viết về người thân, về kỉ niệm tuổi thơ. Chính sự kết hợp giữa các giọng điệu này đã tạo cho người đọc cảm nhận nhà văn đang trải lòng mình trên từng trang viết, trầm ngâm, miên man trong suy nghĩ.
Văn phong của Lý Lan là một kiểu văn phong trong sáng, giản dị, không làm duyên, làm dáng... Trong diễn đạt, Lý Lan rất ít dùng kĩ thuật, biện pháp tu từ, câu văn cũng không quá dài mà gọn gàng, dễ hiểu. Lý Lan là nhà văn “hồn nhiên với chữ”, “có khuynh hướng miêu tả đối tượng dưới cái nhìn nhà báo hơn nhà văn” (Mặc Lâm). Vì vậy, tác phẩm của Lý Lan cung cấp cho người đọc một lượng thông tin phong phú.
Tuy nhiên, ở Lý Lan, có sự kết hợp giữa phong cách báo chí với ngôn ngữ văn chương, nên cách hành văn của bà dù giản dị nhưng không giản đơn, ngôn ngữ gần gũi với đời sống thường ngày nhưng vẫn sinh động, hấp dẫn. Có thể thấy trong ký Lý Lan một lớp từ thông dụng rất gần gũi với cuộc sống thường ngày như: “trố mắt nhìn”, “ù té chạy”, “hết sức tức cười” (Du khách về làng), “coi đi coi lại”, “đọc tới đọc lui”, “liếm láp”, “thòm thèm”, “coi ké ti vi” (bài số 6, mục 2, Miên man tùy bút), “è cổ”, “bở hơi tai”, “chép lấy chép để”, “bù trất” (bài số 7, mục 2, Miên man tùy bút), “năm lần bảy lượt”, “dụ khị”[48, 55], “phăng tới phăng lui” [46, 129]…
Trong ký Lý Lan xuất hiện nhiều kiểu câu đặc biệt, mang tính khẩu ngữ. Chẳng hạn mở đầu Người thầy đứng lớp ở ngã tư, nhà văn viết: “Giấc ấy khoảng ba bốn giờ chiều. Tôi đi đâu đó về, loay hoay cất xe dưới cầu thang chung cư rồi đi lên đến lầu ba, đứng tựa lan can để thở.” , “Mới biết mình còn nhu nhược và đa cảm quá!” [46, 57], “Có khi năm nay đi phụ rao bán hoa kiểng mà vui không chừng.” (Hội hè đình đám), “Thích nhất là lúc
gội đầu.” [46, 124], “Trời nắng ráo lên rồi, đi dạo phố thôi!” [46, 126], “Thôi thì đi mua sắm cho đỡ buồn.” [46, 126], “Dẫu có “đì-sai” thiên tài thì cũng phăng tới phăng lui nhiêu đó kiểu.” [46, 129], “Người như tôi không phải ít đâu nha.” [46, 128], “Thử nhìn ra nước ngoài coi” (Coi sách cọp)...
Lý Lan viết về tuổi thơ: “Ôi, những giấc mơ hoang đường của những đứa trẻ lang thang ở lề đường. Nó sống dai dẳng từ lứa này sang lứa khác, bởi vì hiếm khi nào nó thành hiện thực. Tôi nghĩ nó đã chết ba mươi năm rồi từ khi tôi đủ lớn để nhìn vào thực tế. Nhưng bây giờ tôi đang gặp lại nó đây, vẫn bồn chồn tha thiết trong những em bé sớm tha phương cầu thực, từ những làng quê miền Bắc, miền Trung, miền Tây lên thành phố bán báo, bán xé số, đánh giầy, gõ mì, lượm rác. Chiếc lồng đèn phượng hoàng kia đẹp quá, những con Tý thằng Tèo ở làng mình đời nào nhìn thấy. Mình sẽ mua một trăm cái lồng đèn và một trăm hộp bánh đem về chia cho tụi nó. Có khi không đủ đây. Mình phải mua một ngàn ký kẹo, một triệu đồng bánh, một tỷ cây đèn cầy... Không ai hào phóng bằng một đứa bé chỉ có cái quần xà lỏn và trí tưởng tượng (Đốt đèn đi chơi)”. Lý Lan như đang nói với mình, với đứa trẻ thiếu thốn một thời trong mình, cũng như đang nói hộ tình cảm của những đứa trẻ lang thang nghèo nàn vật chất, nhưng bao giờ cũng tràn ngập những ước mơ... Ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu nhưng vẫn giàu sức gợi và xúc động. Trong Du khách về làng, nhà văn viết: “Mùa khô cây thay lá từ từ, lá già rụng đến đâu, lá non mọc lên đến đó, mà áng chừng lá non còn mọc lẹ hơn lá già rơi. Buổi trưa trong vườn vẫn râm mát, nhưng quang đãng hơn, có thể giăng võng dưới tán măng cụt hay sầu riêng nằm đọc sách. Thỉnh thoảng gió nổi lên chỉ đủ làm một lượt lá khô rơi lả tả quanh võng. Có mấy con nhen, con sóc chạy sột soạt trên đám lá khô, bỗng dưng đứng chựng lại, trố mắt nhìn trân trối cái gì đó, rồi lại ù té chạy. Không phải ai cũng luôn luôn được chứng kiến hoạt cảnh này; phải nằm võng lâu lắm, giả đò ngủ quên nhiều lần, mới được gặp một lần những con nhen lưng có sọc hết sức tức cười đó”. Cảnh vật hiện lên bằng những miêu tả trực tiếp, tưởng
như một đoạn phim quay cận cảnh, qua thứ ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, ít tính tu từ, ít dụng công mà vẫn thật sinh động, đầy chất thơ. Sự bình dị, tự nhiên, trong sáng đã góp phần tạo nên tính hấp dẫn riêng của ký Lý Lan.
KẾT LUẬN