8. Ký hành: một dạng thức của nhật ký hành trình hay du ký của văn học Nhật Bản , thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết
2.2.2. Văn hóa đô thị (Sài Gòn) được nhìn từ mặt tối, hạn chế
Mặt trái, mặt tối của văn hóa Sài Gòn trong thời hiện đại qua con mắt của Lý Lan cũng hiện lên thật nhức nhối. Đấy là tình trạng ồn ào, hỗn loạn bởi tình trạng giao thông chen lấn, con người như quay cuồng trong sự gia tăng không ngừng cường độ và tốc độ sống: “hàng triệu người đủ loại đang ngược xuôi đua tranh, người ta được chiều chuộng săn đón ở những khu thương mại – giải trí, người ta ngây ngất ngấm say cái không khí bon chen, vội vã, ồn ào, khoa trương, hào nhoáng, kiêu kỳ, gọi chung là văn minh đô thị” (Du khách về làng)...
Ký của Lý Lan còn đề cập đến những vấn đề bức xúc đang được đặt ra trong xã hội hiện nay nhất là ở một thành phố lớn như Sài Gòn: đấy là sự ô nhiễm. Sự ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng được Lý Lan thể hiện trong một loại bài ở tập Bày tỏ tình yêu, như Chiều dã ngoại, Mưa quái, Bảy tỷ cây, Phương tiện xanh, Ngày trái đất, Giờ trái đất…; Thái độ và trách nhiệm của con người trong việc giữ gìn môi trường sống ở các bài:
Cây dầu, cột điện, thùng rác; Sự giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức bảo vệ môi trường trong trường học, bài: Vệ sinh công cộng.
Nhiều câu chuyện trong Bày tỏ tình yêu là những nỗi buồn và tuyệt vọng sâu kín của con người trong cuộc sống mà đôi khi nhìn bên ngoài chúng ta không thể thấy được như tâm sự của người phụ nữ trong Bám víu cuối cùng; những nỗi niềm trăn trở, suy tư về cuộc đời trong Tự sự một ngôi nhà, Nhịp cầu lắt lẻo; ước mong tìm được sự thanh thản trong tâm hồn khi đã bước sang cái tuổi trung niên của những người phụ nữ trong Tuổi thần tiên. Hay những nuối tiếc, nhớ mong về một tuổi thơ đẹp đẽ đã qua, ước mơ trử về quê hương của những Việt kiều xa xứ trong Di dân Việt, Ngôi nhà trong hoài niệm.
Tập Bày tỏ tình yêu còn đề cập đến những vấn đề luôn được mọi người quan tâm đó là những biến động của cuộc sống hàng ngày như giá cả hàng hóa, những vấn đề bất cập trong việc tổ chức đầu ra cho nông sản của người
dân (bài Chợ nông dân); thị trường tiêu thụ và nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay (Hội chợ nông nghiệp, Hàng nội hàng ngoại); những dịch bệnh đang diễn ra trên thế giới như dịch cúm H1N1 (Thời mắc dịch) hay đơn giản là những thay đổi của con người nhằm thích nghi với khủng hoảng kinh tế đang diễn ra (Thời khủng hoảng).
Cuộc sống con người ngày càng biến động phức tạp, kéo theo đó là sự đổi thay của cả những mảnh đất họ sống. Có những sự thay đổi đáng mừng như ở Đồng Rùm trong câu chuyện cùng tên hay ở cánh đồng năn trong Trở về cánh đồng năn. Nhưng cũng có những sự thay đổi đã làm mất đi những nét đẹp văn hoá mà thế hệ trước đã cố công gìn giữ như trong Cổ tích Sài Gòn, Đường Nguyễn Tri Phương.
Đời sống hiện đại của đô thị Sài Gòn trong ký (tản văn, tạp văn, tùy bút) Lý Lan là một bức tranh với đủ các gam màu. Cái đặc trưng dễ dàng nhận ra nhất là nhịp sống hiện đại nhanh chóng, khẩn trương, gấp gáp đang ngày ngày cuốn con người đi như một dòng thác cuồn cuộn chảy. Nhịp sống hối hả ấy được thể hiện rõ nhất ở việc mô tả những tuyến đường ồn ào, tấp nập xe cộ với dòng người đang trẩy đi như nước chảy, thường xuyên “sốt ruột, cau có, điên tiết lên văng tục vì những co quẹt thông thường nhỏ nhặt”, để góp phần mình tạo nên cái cảnh “giao thông hỗn loạn trong thành phố, tồi tệ nhất là cảnh chen lấn, luồn lách vào giờ cao điểm trên những con đường chính luôn bị kẹt xe” [46, 136]. Bị cuốn vào dòng chảy đó, con người luôn có ý thức bị hối thúc “nhanh lên, nhập vô, tiến tới trước” và như Lý Lan nói: “sáng nào dắt xe xuống lòng đường tôi cũng nghe âm thanh cuộc sống đương đại này giục giã tôi ráng xông pha, ráng bươn chải, ráng tranh sống với đời..”[46, 137]. Trong đời sống công nghiệp hiện đại đó, con người bận bịu, luôn thấy thiếu thời gian và không thể “sống chậm” lại. Người ta chấp nhận nguy hiểm và trả giá cao gần gấp đôi để được ngồi trên một chuyến xe đò “chất lượng cao” mà “tài xế lái xe tranh từng tấc đường” chạy “lấn cả xe khác” [46, 138] để rút ngắn thời gian di chuyển được một tiếng đồng hồ.
Trong Sỏi và đá, sự phân tích kĩ càng về thực trạng sống của con người ở đô thị của Lý Lan sẽ khiến không ít người thành thị ngỡ ngàng nhận ra cuộc sống của chính mình đang bị nền văn minh vật chất này đè bẹp: “Cuộc sống đô thị khiến cho người ta cảm thấy mình bận quá. Hoạt động nào không cần thiết hoặc không đưa tới một hiệu quả thực tiễn thì coi như ‘thì giờ lãng phí vô tích sự’. Người ta bèn nghiên cứu một cách nghiêm túc cách sử dụng thời gian của con người hiện đại. trung bình một người sống ở đô thị vào những năm tháng này lãng phí hết 2 năm rưỡi của đời mình cho đủ thứ chuyện vô tích sự như kẹt xe, chờ xe, sắp hàng, giấy tờ thủ tục hành chánh không cần thiết, v.v… Cụ thể là mỗi tuần trung bình một người mất một tiếng đồng hồ để kiếm cái gì đó mình đã để ở đâu đó trong nhà mình, một giờ ba mươi phút kẹt trong rừng xe cộ, một giờ 24 phút mất cho sự rườm rà của thủ tục hành chánh và thói quan liêu, một giờ 12 phút đứng sắp hàng ở cửa hàng, nhà băng hay đâu đó, một giờ 18 phút lãng phí đi tìm mua một món đồ mà rốt cuộc không mua được. Và bây giờ 28 phút mất vào những lúc không biết làm gì cả. Người ta còn đưa ra kết luận là những người trẻ tuổi lãng phí nhiều thời gian hơn những người thuộc lứa tuổi hưu trí, đàn ông lãng phí thời gian nhiều hơn đàn bà. Và vì những sự lãng phí đó, người ta thường xuyên trễ nãi, luôn luôn thiếu thì giờ” (Sỏi và đá). Để bắt kịp nhịp sống của xã hội con người phải gồng mình lên để mà “Làm việc. Làm việc. Làm việc. Đúng giờ. Khẩn trương. Chính xác. Nhanh lên. Vội lên. Gấp lên. Mình đang tụt hậu. Mình đang lạc hậu. Mình đang chậm tiến. Vươn lên. Vươn lên. Vươn lên. Tin học. Ngoại ngữ. Quản lý kinh doanh. Không còn cách nào khác hơn phải trang bị cho mình những vũ khí tôí ưu để xông pha vào chiến trường kinh tế ngày nay” (Sỏi và đá)... Nhu cầu mưu sinh, hưởng thụ cuốn con người vào một “cơn lốc kiếm tiền”như lời trần tình của một cô bạn: “Còn kiếm tiền được thì cứ làm, ai biết ngày mai ra sao. Mà đã là làm ăn thì không thể không tranh cướp chụp giựt. Như cái xe đang trong dòng xe chảy cuồn cuộn, mình phải lanh tay lẹ mắt, phải quyết liệt tranh chấp, phải mạnh
bạo tiến tới, chậm tay lỡ thời cơ là chết như chơi”[46, 139]. Lý Lan cũng đã chỉ ra cái hệ quả tất yếu của lối sống nhanh đến mức xô bồ ấy: “người còn sức khỏe thì làm việc như máy, người trẻ tha hóa, người già cô độc” [46, 139]. Cái cô độc của con người trong cuộc sống hiện đại này vẫn được Lý Lan nêu ra đầy day dứt dù trong một nét phác họa về cảnh những người già cô đơn mỏi mòn chờ đợi con cháu về thăm ở Cần Giuộc.
Trong cuốn Miên man tùy bút, bằng việc phân tích và nhìn nhận giá trị sử dụng của “cái nón chào hàng”, Lý Lan coi “cái nón là biểu tượng của thời đại”, một thời đại mà “đại chúng là quan trọng, thực dụng là đạo đức”. Xã hội hiện đại với lối sống thực dụng, ưa hưởng thụ và quá coi trọng đồng tiền tất yếu sẽ làm méo mó, biến dạng những chân lý đời sống và giá trị đạo đức vốn tồn tại ngay cả ở nơi tưởng như chúng không thể xâm nhập được: trường học. Các trường thi nhau “trổ tường, khoét vách” xây ki - ốt tham gia thị trường, các trường đua nhau kinh doanh, biến “chữ nghĩa trở thành một món bán kèm”[46, 61], biến mối quan hệ thầy - trò trở thành người bán – kẻ mua, người phục vụ - kẻ được phục vụ. Từ nền giáo dục đó, học sinh có thể nghỉ học làm gái nhảy với lý luận thật giản đơn mà phũ phàng: “Làm gì miễn có tiền thì thôi, bao nhiêu người bán cả lý tưởng, cả lương tri... thì sá gì một cô gái bán thân? Từ tác phẩm Kiều học ở trường đến những vở kịch, cải lương, tranh ảnh, sách báo nhan nhản khắp nơi, hình ảnh gái điếm được tô điểm, biện hộ mà em đâu có thấy xấu”[46, 63]. Thật chua chát!.
Qua Sài Gòn, Lý Lan nói về nền kinh tế hiện đại với ít nhiều chua chát bởi “những tòa nhà cao ngất xây bằng tiền nước ngoài đầu tư”, “rừng xe cộ ngoại nhập đủ loại ngược xuôi”, “đôi cánh máy bay Boeing mua chịu”, “xe hơi nhập cảng” hoặc “xe gắn máy nước ngoài”(Quang gánh đường xa)... Nhà văn bộc lộ nỗi lo mất đi những giá trị truyền thống: “sợ rồi khẩu vị mình sẽ bánh mì kẹp thịt băm McDonald’s làm tê liệt, không còn phân biệt được hương vị bánh bèo bì với bánh nậm tôm cháy và bánh ít trần nhân thịt”(Gánh hàng rong). Sự phát triển ồ ạt của kinh tế thị trường đã làm mai
một đi những vẻ đẹp của những vùng đất, không còn nữa những mảnh vườn rợp bóng cây, lúc lỉu quả bên những dòng kênh xanh mát, do nhu cầu hiện đại hóa cuộc sống “người ta bán vườn đi, ra khu dân cư gần xa lộ có điện có phố, đi làm trong khu công nghiệp hay lên Sài Gòn buôn bán, sống qua ngày. Vườn có chủ mới, nhà kiểu cọ như trong ca-ta-lô mọc lên, từ trong đó ánh sáng đèn màu và nhạc hip hop dội ra” (Du khách về làng). Kinh tế thị trường biến dòng suối “giống một con rồng tre xanh uốn lượn qua những rẫy cà, rẫy mướp” thành “con trăn già da mốc thếch” “nước đục lợn cợn, mùi hôi hóa chất cùng chất thải công nghiệp theo dòng suối vào từng con mương thấm vào những mảng vườn măng cụt sầu riêng. Phất phơ hai bên bờ suối những bao ni-lông và các thứ rác của xã hội tiêu dùng như ống hút, dây thun, giấy gói quà, bình nhựa đủ dạng màu kích thước, chén dĩa xài một lần, băng vệ sinh” (Có một con suối). Ngay cả một ngày lễ tết truyền thống như trung thu cũng không còn giữ nguyên giá trị: “Trung thu trở thành dịp để người lớn bày tỏ tấm lòng với nhau hay củng cố quan hệ xã hội, nên người ta kinh doanh bánh trung thu là chủ yếu, lồng đèn là thứ bán kèm theo, bởi vì có bánh trung thu thì phải có lồng đèn, như có lân phải có địa vậy”(Đốt đèn đi chơi), và cái đèn lồng, vốn chỉ giản dị là đồ chơi cho những đứa trẻ đêm trung thu bấy giờ chỉ còn là vật trang trí và tiếp thị.
Cùng với sự phát triển vũ bão của nền kinh tế, thế giới biến đổi từng ngày. Xu hướng bất bình đẳng và tách biệt, sự phân biệt giàu nghèo, cái “bất công phân phối tri thức” ngày càng rõ nét trong cuộc sống của xã hội hiện đại đã trở thành mối băn khoăn lớn trong nhiều tạp văn của Lý Lan. Bằng đôi mắt quan sát nhạy cảm và vốn hiểu biết, Lý Lan nhận ra “mỗi ngày có hàng trăm nhà triệu phú mới xuất hiện trong nghành công nghiệp thông tin và giải trí, và cũng mỗi ngày có hàng ngàn trẻ em chết đói ở nơi gọi là ‘thế giới thứ ba’. Mỗi ngày lại có thêm phát minh mới, số người có máy tính tăng lên, số máy tính nối mạng nhiều hơn, trái đất đang nhỏ lại với hai
chủng người: người ưu việt điều khiển thông tin và người thua thiệt mù thông tin”(Tản mạn ở Soái Kình Lâm).
Bằng hiểu biết sâu rộng, sự trải nghiệm và những quan sát nhạy cảm, Lý Lan đã cho ta thấy nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội hiện đại. Song song với sự phản ánh đó, ta thấy một niềm hoài cổ khôn nguôi đối với vẻ đẹp và những giá trị quá khứ đã bị cuộc sống hiện đại làm cho tha hóa, biến chất, mai một. Nhìn chung, bức tranh về cuộc sống hiện đại trong tạp văn của Lý Lan có nhiều mảng tối. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy, trên cái nền mờ tối đó, ta vẫn thấy vụt sáng hình ảnh của cây cầu Mỹ Thuận hiện đại và uy nghi nối hai bờ sông Tiền, thắp lên “niềm vui chất phác hiển hiện rõ trên những gương mặt rám nắng, làm giãn nở những vết nhăn nheo, làm tươi thắm những nụ cười hiền hòa” của “mấy ông Hai Lúa, Sáu Tôm, Mười Cá” (Qua cầu Mỹ Thuận).
Ký của Lý Lan cũng rất quan tâm đến vấn đề giáo dục (có 13 bài bàn về vấn đề này). Trước khi đến với nghề văn, nghề chính của bà là dạy học. Gần hai mười năm trong nghề, trải qua nhiều môi trường giảng dạy, từ những ngôi trường nông thôn nghèo đến ngôi trường “giàu và lớn nhất thành phố”, Lý Lan đã trải hết mọi khổ nhục buồn vui. Là người trong cuộc, Lý Lan cũng đã nhìn thấy, trải qua để hiểu rằng những bất cập và vô lý trong ngành của mình “như một thứ bệnh nan y, mà người có trách nhiệm như một thầy lang kinh doanh cao đơn hoàn tán. Chỉ có người trong cuộc là ta, bệnh nhân hay nạn nhân mới biết nỗi đau đớn như thế nào, đã từng chịu đựng và tuyệt vọng ra sao mà vẫn gắng gượng sống. Sự mổ xẻ vụng về, hời hợt chỉ làm tầy huầy, nhức nhói thêm vết thương. Thôi thì như đại đa số đồng nghiệp, âm thầm làm công việc của mình, tự hiểu mình, tự thương lấy mình”[46, 73]... Lý Lan cũng từng băn khoăn với câu hỏi sẽ dạy học sinh của mình những gì ? Bà tâm sự: “Nhà trường là nơi tôi chọn để mà lui về, nhưng là nơi xuất phát của các em để tỏa ra ngàn vạn nẻo đường trắc trở. Để mặc cho các em phát triển những gì cần thiết để ứng phó với cuộc sống mà
chính mình cũng không lường được nổi sẽ ra sao, hay cố mà ôm giữ lấy “đạo nhà”? Và liệu có giữ nổi không, có đạo đức giả không, khi dạy các em những điều cao đẹp mà chính mình cũng khó giữ được, và các em, bằng thực tế cuộc sống quanh mình, trong trường, lớp, tại gia đình, cũng biết là “xài” không được? Khi mọi người báo động “đạo đức học sinh xuống cấp”, phải chăng người ta muốn nói rằng: ‘Điều xưa là đạo đức nay đã xuống cấp ở các em’ vì nó không còn là giá trị thực trong xã hội nữa?” [46, 62]. Lý Lan luôn đòi hỏi một môi trường giáo dục thuần khiết. Môi trường đó trước hết phải được tạo nên từ vẻ đẹp sư phạm của các ngôi trường. Phản đối việc các trường học cho thuê mặt tiền xây dựng ki-ốt, Lý Lan liên tiếp đặt ra những câu hỏi nhức nhối: “Nếu cứ đập trường ra xây ki-ốt như vậy, liệu có phải chỉ gạch ngói tan tác không? Ai lường được cái giá sẽ phải trả cho sự đổ vỡ trong tâm hồn trẻ thơ, sự dung tục hóa, tầm thường hóa và thực dạng hóa đang nhiễm dần vào tư tưởng thiếu niên khi mỗi ngày các em ngồi học trong cõi ì xèo những mặc cả và lường lọc của kẻ bán người mua? Hay ta quan niệm rằng tu giữa chợ mói chóng đắc đạo nên đem chợ búa bao vây trường học cho các em sớm thành ...con buôn?” [46; 72]. Không chỉ việc các trường “trổ rào, khoét vách tham gia thị trường”, môi trường giáo dục thuần khiết đang ngày ngày bị băng hoại đi bởi xu hướng kinh doanh hóa: “Trường có mặt bằng thuận lợi cho việc kinh doanh. Lại có phòng nha sẵn máy móc, học sinh phải làm sổ nha bạ (đóng tiên) muốn nhổ răng, trám răng, cà răng (trả tiền theo dịch vụ). Phòng máy vi tính, muốn học đóng tiền. Thuê máy sử dụng: đóng tiền (...) Giáo viên chủ nhiệm suốt tuần chỉ lo mỗi việc đóng