8. Ký hành: một dạng thức của nhật ký hành trình hay du ký của văn học Nhật Bản , thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết
3.1.2. Sự lựa chọn các thể ký của Lý Lan
Trong số những tác giả kể trên, Lý Lan là tác giả rất đáng được chú ý kể cả ở hai phương diện: Khối lượng sáng tác và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.
Độc giả từng biết và quen thuộc với tạp văn, tản văn Lý Lan trên các tờ báo thành phố với một phong cách mộc mạc, đằm thắm và hiện đại khó lẫn.
Nhà văn đã thể hiện một vốn văn hóa sâu rộng, khả năng ghi nhận đời sống sắc sảo, giọng điệu tâm tình và những suy tưởng bất ngờ. Có thể kể đến những tác phẩm đặc sắc của Lý Lan như: Ăn cháo Tiều, Sài Gòn về sáng, Tiệm chạp phô, Một góc phố Tàu, Kẹo ú bà Hai, Dân ngã tư… Bà viết tạp văn, tản văn với cách viết dung dị, hướng đến số đông độc giả bằng kiểu kể chuyện miên man cảm xúc, chân thật và giàu suy nghĩ về đời sống. Nhà văn quan sát hiện thực với cái nhìn của một ký giả, quan tâm sâu sắc đến những hình ảnh bình dị trong cuộc sống đời thường. Đọc Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, Dặm đường lang thang và Miên man tùy bút, người đọc bị dẫn dụ theo bước chân lang thang của nhà văn đi dọc theo chiều dài đất nước sang đến tận trời Tây xa xôi để khám phá những vẻ đẹp văn hóa, con người và hiện thực cuộc sống sống động. Cây bút nữ này với thế mạnh riêng là am tường về người Hoa nên những kí sự về người Hoa là những trang văn đặc sắc, có thể nói là hiếm hoi trong việc khắc họa về cộng đồng này. Nhà văn chọn đề tài người Hoa xuất phát từ thực tế cuộc sống của nhà văn và từ nỗi niềm hoài cố hương sâu lắng. Lý Lan viết về “Một góc phố Tàu”, về người Hoa ở Sài Gòn, Chợ Lớn giàu bản sắc văn hóa từ món “ăn cháo Tiều”, nghệ thuật “múa lân” ngày tết, buổi đầu xuân viết “bút tích ngày vui”, về các địa danh chùa Ông, chùa Bà, về Chợ Lá và Dòm Mé Sán cho đến các sinh hoạt đời thường của người Hoa. Chinatown với Lý Lan là chốn bình yên với những người Hoa lao động bình dân lặng lẽ, âm thầm sinh sống trong các con hẻm nhỏ như “cái phễu”, là những người Hoa họ hàng nhọc nhằn kiếm sống ở tận chân trời phía bên kia đại dương, là những sinh hoạt đời thường khá đặc thù của họ ở “tiệm nước”, “tiệm chạp phô”, từ “chuyện làm ăn”, buôn bán kinh doanh cho đến phong tục tập quán trên vùng đất mới mà họ chọn làm quê hương thứ hai. Chẳng hạn, trong tác phẩm Ăn cháo Tiều, với mục đích kể câu chuyện về người thân, về món cháo truyền thống của người Hoa nghèo gốc Triều Châu, Phúc Kiến, Lý Lan lại đưa người đọc đến với những liên tưởng bất ngờ: “Tôi phải mất hơn ba mươi năm mới thấm
thía hết cái ngon của một chén cháo ăn với củ cải muối vào buổi sáng tinh mơ…” (Ăn cháo Tiều). Cháo là cháo trắng được “nấu vừa chín, hột gạo còn nguyên, chỉ hơi mềm hơn cơm một chút” được ông cụ thân sinh của nhà văn ăn đều đặn mỗi buổi sáng kèm với các loại thức ăn mặn như “củ cải muối, đậu muối, hột vịt muối…” và lời giải thích ngắn gọn “ăn nhẹ bụng, dễ tiêu”, lại hàm chứa bao ẩn ý sâu sắc về giá trị cuộc sống và triết lý của cả một đời người mà không phải ai cũng dễ dàng hiểu được.
Bên cạnh những tạp văn, tản văn là tùy bút (hoặc tùy bút pha bút ký) của Lý Lan. Trong Miên man tùy bút, nhà văn viết với cảm xúc rất thật, gần như là tự truyện, hướng độc giả say sưa lang thang theo đôi chân trần của những người thân và của chính Lý Lan đi khắp các nẻo đường từ miền quê ngoại lên Sài Gòn kiếm sống rồi sang tận nước Mỹ. Bằng hình thức “miên man” tự do cảm xúc, Lý Lan thể hiện khả năng quan sát, ghi nhận đời sống sâu sắc cả về diện lẫn về điểm. Nhà văn có dịp trình bày những mối quan tâm xã hội của mình từ giáo dục, đời sống cho đến đổi mới xã hội. Đặc biệt với người bình dân, Lý Lan quan sát họ ở góc độ vừa cận cảnh vừa viễn cảnh với mong muốn góp một tiếng nói, gióng một lời cảnh báo với xã hội về tương lai đất nước. Từ Thư mùa xuân viết cho trẻ em bất hạnh, mồ côi, cơ nhỡ, từ cái nhìn “dân ngã tư” bày biện cả cuộc đời trên vỉa hè cho đến việc quan sát những “gánh hàng rong” có mặt khắp nơi từ nông thôn ra thành thị, nhà văn đều thể hiện sự chia sẻ và thông cảm chân thành đối với đời sống người dân lao động nghèo. Đổi mới xã hội, theo Lý Lan cần thiết phải chăm lo đời sống cho phần đông những người lao động nghèo có cuộc sống bấp bênh.
Khi nhà văn khóc là tập ký chân dung văn học (miêu tả những văn nghệ sĩ trong giới và nhìn nhận về nghề văn) khá thành công của Lý Lan. Ở đây, nhà văn vừa bộc lộ khả năng khắc họa chân dung các nhân vật thật sinh động vừa thể hiện cách cảm nhận văn chương sâu sắc bằng kiến thức sâu rộng, bằng trực giác nhạy bén và giàu nữ tính của mình. Chân dung các nhà
văn lão thành như Phương Đài, Sơn Nam, Trang Thế Hy, giáo sư Dương Thiệu Tống, nghệ sĩ Phùng Há cho đến các bạn văn “cùng lứa của thời đó” như Thanh Nguyên, Lưu Thị Lương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Cao Vũ Huy Miên, Dư Thị Hoàn, Lê Thị Kim và cả lớp nhà văn trẻ sau mình như Nguyễn Thị Châu Giang, qua ngòi bút Lý Lan trở nên thật rõ nét. Mỗi người một câu chuyện, một tính cách, nhà văn đã phát huy sở trường quan sát tinh tế, ghi nhận và lựa chọn những chi tiết khá đắt để tạo ra những chân dung văn nghệ sĩ bè bạn vừa gần gũi vừa sinh động. Chẳng hạn, một Nguyễn Thị Minh Ngọc rất nghệ sỹ song sống hết mực nghĩa tình trong Người đóng nhiều vai. Minh Ngọc, nhà văn, đạo diễn sân khấu ngay trong đời thường đã viết một kịch bản, làm đạo diễn và tự biểu diễn thật đáng yêu trong “bộ dạng rất ngầu, chống nạnh niễng một vai”, đi đòi tiền dưa cho một em bé trên tàu lửa. Nghệ sĩ Phùng Há là chân dung một cô đào người Hoa, ca Quảng, có cuộc đời sóng gió, nhọc nhằn theo đuổi nghiệp cầm ca trọn vẹn mà cuối đời vẫn đau đáu một tấm lòng vì người khác “người ta sống có cái nhà, người nghệ sĩ sống chỉ có sân khấu” [44, 140]. Ngoài ra, Lý Lan còn có những trang phê bình biểu cảm và thuyết phục khi đọc văn xuôi của Lý Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, các cây bút nữ, các nhà văn nam viết về phụ nữ… Về nghề văn, Lý Lan bộc lộ những trăn trở nghề nghiệp rất thật mà nghe sao xót xa: “Tuổi già. Sơn Nam không hề nghỉ ngơi, vì lòng còn tha thiết cầu học, vì muốn tìm hiểu đề tài vô cùng tận là đồng bằng Nam Bộ, vì sức sáng tạo vẫn dồi dào, hay chỉ vì mưu sinh?” [44;16]; hoặc chính mình, để đeo đuổi nghề văn, có một thời Lý Lan đã “Chịu khó dạy nhiều “cua” để có thể dành dụm chút đỉnh để làm chuyện tào lao như làm văn chương” [44, 77]. Như vậy, Lý Lan phần nào đã giải bày tâm sự của những người cầm bút ở xứ sở này là để theo đuổi văn chương mà sống thuần được với nghề, mỗi nhà văn cũng phải nhọc nhằn thân phận biết bao.
Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (1994) là tập ký đầy đặn về những người Hoa làm cách mạng trong thời kỳ miền Nam chống Mỹ.
Chân dung các nhân vật Ngô Liên, Đặng Hoán Bổn, Phùng Ngọc Anh… được dựng lên như một bức tranh sinh động về những người Hoa yêu nước, gắn bó máu thịt cuộc đời mình với thành phố Sài Gòn, nơi mà họ đã tìm đến mưu sinh và chọn làm quê hương. Viết về họ, bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp, thu thập cứ liệu lịch sử, Lý Lan còn viết bằng lòng thiết tha và mong muốn “mở một cánh cửa” để các dân tộc gắn bó bền chặt hơn vì sự nghiệp chung. Nhà văn đã làm được điều đó khá thuyết phục trong việc dựng lại bối cảnh vùng đô thị Sài Gòn trước giải phóng, chân dung các nhân vật chân thật từ lời ăn tiếng nói đến tâm lý, hành động. Tập ký này là một bước đệm để về sau nhà văn xây dựng thành công chân dung người Hoa trong truyện ngắn Đất khách và tiểu thuyết Lệ Mai.
Tạp văn, tản văn, hay tùy bút của Lý Lan là những cảm nhận chân thực, suy nghĩ sâu sắc rút ra từ những sự việc bình thường, tưởng như rất riêng tư của nhà văn. Từ những trang văn ăm ắp hơi thở của đời thường, nhà văn bộc lộ những cảm nhận có chiều sâu của mình về thân phận con người, về văn hóa Sài Gòn, Nam Bộ. Chính điều này tạo cho ký của bà sức sống lâu bền trong lòng người đọc.
Lý Lan viết tạp văn, tản văn hay tùy bút, ở thể nào, bà cũng thực sự trong vai một người đàn bà đằm thắm, sắc sảo đang rủ rỉ nói chuyện. Có khi, trên những trang viết, ta thấy một đôi mắt mơ màng xa xăm với những hoài niệm thơ bé về người bà nhân hậu, người cha tần tảo, về những năm tháng học trò thơ mộng. Có khi ta nghe thấy tiếng thầm thì nhè nhẹ như một lời tâm sự lúc nửa đêm, có thể là với đứa con bé bỏng sắp bước vào lớp một, hay với cô học trò sắp đi qua ngưỡng cửa của tuổi mộng mơ… Cho dù Lý Lan cũng có những câu chuyện của đời sống đang vang động ngoài kia với những âm thanh khẩn trương gấp gáp hay kể về Sài Gòn, Chợ Lớn phồn hoa nhộn nhịp kẻ bán người mua thì giọng điệu nhìn chung vẫn tự nhiên, nhỏ nhẹ. Có lẽ bởi thế mà ở ký của Lý Lan, tính trữ tình trở thành một đặc trưng ngang bằng với tính chính luận, thậm chí là lấn át. Những vấn đề được Lý
Lan đặt ra trong tạp văn, tản văn và tùy bút của mình ít khi là những vấn đề xã hội mang tính khẩn thiết, bức bách. Nói chung, Lý Lan không hướng ngòi bút của mình vào những vấn đề nóng hổi của dư luận xã hội (khác với Nguyễn Việt Hà, Thảo Hảo, Nguyễn Khải… hay với một cây bút nữ Nam Bộ khác là Nguyễn Ngọc Tư). Những vấn đề của đời sống rất thường tình đã bước vào ký Lý Lan một cách bình dị, tự nhiên, tạo được sự chú ý của độc giả. Lý Lan đã biết cách làm cho thú vị ngay cả những vấn đề gần gũi, tưởng như ai cũng biết. Từ những gánh hang rong quen thuộc trên những nẻo đường phố xá đô thị (Gánh hàng rong, Quang gánh đường xa) đến gu quần áo, đầu tóc của các bà các cô thời hiện đại; từ những suy ngẫm về văn hóa xe máy đến văn hóa nón chào hàng, văn hóa giáo dục...
Trong ký Lý Lan, bên cạnh sự nhìn nhận, khám phá những mảng sáng tối của cuộc sống hiện tại còn có hồi ức miên man về một thế giới xa vời của quá khứ. Kí ức, có thể nói là một phần quan trọng tạo nên hồn cốt của ký Lý Lan dẫu ở hình thức thể nào. Những hoài niệm về người bà cô độc, nhân hậu, về người cha vất vả, tảo tần, về tuổi thơ mất mát và thiếu thốn, tuổi học trò mơ mộng hay quãng thời gian mới bước chân vào đời, vào nghề với những lý tưởng, hoài bão, buồn vui…, tất cả đều lung linh cảm động. Có khi quá khứ hiện lên trong sự đối lập với hiện tại như những giá trị đẹp đẽ đã mai một và biến mất theo thời gian (Có một con suối, Du khách về làng); có khi quá khứ trỏ thành nỗi ám ảnh khôn nguôi bởi nó gắn với những gì thân thương, tha thiết và thiêng liêng nhất (kí ức về bà ngoại, về cô giáo Thuận, về người cha trong Miên man tùy bút). Quá khứ thường được gợi nhắc từ một sự kiện của hiện tại (kí ức về ngôi trường nghèo ở Cần Giuộc đã hiện về khi một người bạn nhờ tác giả viết nột bài về trường Minh Khai trong Miên man tùy bút) hay đồng hành cùng hiện tại (kí ức về người cha trong bài viết về những người bán rong, kí ức về những năm tháng thơ ấu mất mát khó khăn trong bài viết về đêm Trung thu Đốt đèn đi chơi)… Không đơn thuần là quá khứ được chứng kiến và trải qua, kí ức trong ký Lý Lan còn là kí ức
được kể lại. Kí ức của người cha - di dân hay kí ức chung của một bộ phận tộc người Hoa di dân sang Việt Nam được Lý Lan làm sống dậy trong những câu chuyện, trong đó người đọc cảm nhận được nỗi ám ảnh về một “thân phận kép” của chính tác giả: “Thân phận của những con người tuy được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng trong nhà vẫn giữ phong tục tập quán người Hoa, nói tiếng Hoa, học trường chữ Hoa, sau đó học thêm chữ Việt, cùng chìm nổi theo vận mệnh đất nước Việt”, những con người tuy “ý thức ông cha mình là “từng nấng” nhưng quê hương mình là Việt Nam” [46, 200]... Những mảnh vỡ của quá khứ với nỗi hoài niệm man mác buồn đã góp phần làm nên chất trữ tình đặc biệt trong ký Lý Lan.