8. Ký hành: một dạng thức của nhật ký hành trình hay du ký của văn học Nhật Bản , thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết
2.3.1. Những người đi mở cõ
Nam Bộ, đặc biệt là miền Tây và Tây Nam là vùng đất mới. Ký của Lý Lan, ngoài những nội dung đặc sắc mà bà đề cập nhiều như văn hoá sông nước, kênh rạch miền Tây Nam Bộ, văn hoá ẩm thực của miền Tây
Nam Bộ, chợ và văn hoá sinh hoạt ở miền Tây Nam Bộ, con người miền Tây Nam Bộ,..., bà cũng rất chú ý đến những người đi mở cõi.
Nhiều tài liệu cho biết, vào đầu thế kỷ XVI, ngoại trừ vùng cư trú của các tộc người bản địa Stiêng, Chrau, Mạ ở Đông Nam Bộ, hầu hết đất đai Nam Bộ đều là hoang hoá. Kể từ thời điểm đó, các cộng đồng lưu dân người Khmer, người Việt, người Hoa, người Chăm mới nối tiếp nhau tiến vào Nam Bộ, chia nhau khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán, dần dần biến một vùng đất hoang vu rộng lớn thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất. Nền văn hoá Nam Bộ cũng từ đó đã hình thành như một kết quả dung hợp giữa cái nền là văn hoá Việt với những yếu tố tiếp biến từ văn hoá Chăm, Khmer, Hoa... và cả phương Tây sau này. Gọi Nam Bộ là vùng đất mới, là theo nghĩa đó. Không gian văn hoá Nam Bộ thực chất là phần mở rộng của không gian văn hoá Việt Nam trên một vùng đất mới mà ở đó, chung tay khai phá với người Việt còn có các tộc người bản địa và các tộc người di dân. Vì vậy, trên vùng đất này, ngay từ đầu văn hoá của cư dân Việt, mà trong đó đã có sẵn yếu tố Chăm, đã giao lưu mật thiết với văn hoá của các cư dân Khmer, Hoa… Như vậy, ngay từ đầu, văn hóa Hoa đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Nam Bộ nói chung.
Khác với giai đoạn Bắc thuộc và thời kỳ cổ trung đại khi mà các đế chế Trung Hoa xâm lược và tái đô hộ nước ta, người Hoa đến Sài Gòn - Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) và các tỉnh thành Nam Bộ muộn hơn. Bắt đầu từ thế kỷ XVII, gắn liền với sự kiện người Mãn Thanh lật đổ triều Minh ở Trung Quốc. Thời Bắc thuộc, người Hoa nói chung đến nước ta cùng với đội quân xâm lược và bộ máy thống trị của họ và dù "di thực", "di trú" hay bị lưu đầy cũng vẫn là người đi khai thác thuộc địa, mở mang đế chế. Giai đoạn thế kỷ XVII, người Hoa đến vùng Nam Bộ (trong đó có Sài Gòn - Gia Định) với thân phận "vong quốc", "vong thần" tìm kiếm đất sống cho mình. Có thể lấy hai trường hợp tiêu biểu sau đây làm minh chứng. Một là trường
hợp của những người Minh Hương rời bỏ quê hương lánh nạn vì sự thống trị và đàn áp của triều đình Mãn Thanh đối với những người của vương triều cũ nhà Minh, hoặc những người có ý định "phản Thanh phục Minh". Đó là những "vong thần" nhà Minh như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đã mang theo 3.000 binh sĩ, gia thuộc, tuỳ tùng cùng 50 chiến thuyền xin làm bề tôi của chúa Nguyễn ở Đàng Trong của nước ta. Họ đến Nam Bộ cùng người Việt và người Khơme (đã định cư trước đó) khai mở ra các thành phố, làng mạc, trong đó có thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn sai dựng hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và thi hành chính sách Việt hóa người Hoa. Ông cho người Hoa ở Phiên Trấn lập Minh Hương xã và người Hoa ở Trấn Biên lập Thanh Hà xã và ghi vào sổ hộ tịch như các vùng hành chính của người Việt. Người Hoa ở hai trấn này được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như người Việt và trở thành người dân nước Việt từ đó. Sau hơn một trăm năm, những người Hoa ở Thanh Hà xã lại từ Cù Lao Phố (Nông Nại Đại Phố) về chung sống, làm ăn với người Hoa Minh Hương xã, lập nên Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay).
Hai là trường hợp của Mạc Cửu, vì bất bình với chính sách cai trị của nhà Thanh nên ông đã rời bỏ quê hương tìm đến vùng đất hoang vu, vô chủ - Mang Khảm cực tây Nam Bộ để sinh sống. Không giống như các "vong thần" Trần Thượng Xuyên, Trương Ngạn Địch đến xin làm bề tôi chúa Nguyễn, ông đến mảnh đất này tạo dựng giang sơn riêng cho mình. Trong quá trình khai mở nơi sinh sống, ông đã giao lưu với người Việt, nói tiếng Việt, lấy vợ người Việt. Năm 1704 mảnh đất của ông bị quân Xiêm xâm lược và ông bị cầm tù. Đến năm 1714, trước âm mưu thôn tính của triều đình Xiêm, để bảo vệ mảnh đất của mình ông đã xin sáp nhập vào giang sơn Đại Việt. Với chính sách Nhu viễn nhân (Cứu người phương xa), chúa Nguyễn đã chấp nhận, từ đó Hà Tiên, Phú Quốc trở thành mảnh đất tận cùng của Nam Bộ. Chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho Mạc Cửu chức Tổng trấn Hà
Tiên cai quản, khai thác đất ấy, con cháu nối đời được kế vị quyền, chức của ông.
Các thế kỷ XVIII, XIX, XX, người Hoa vẫn tiếp tục đến cư trú và sinh sống tại các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn. Từ cuối thế kỷ XIX, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp người Hoa đến Sài Gòn - Gia Định ngày càng đông hơn. Họ được chính quyền thuộc địa cho hưởng những chính sách ưu đãi trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp và buôn bán lúa gạo.
Tính chất của sự hội nhập của người Hoa là "hoà bình", "tự nguyện" vừa do nguyên nhân chính trị, vừa do nguyên nhân kinh tế của họ. Đồng thời chủ nhân của đất Nam Bộ là người Việt đã có tấm lòng bao dung, tinh thần nghĩa hiệp để tiếp nhận họ. Các chúa Nguyễn coi họ như người Việt, có chính sách cởi mở đối với sinh hoạt kinh tế, xã hội và văn hóa của người Hoa. Do vậy, người Hoa ở Nam Bộ, nhất là khu Sài Gòn, Chợ Lớn đã liên kết thành một cộng đồng xã hội đặc thù với một cơ cấu kinh tế - xã hội - văn hóa khá bền vững. Đến nay, cộng đồng người Hoa đã trở thành một bộ phận dân cư ổn định, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung.
Từ nền cảnh lịch sử đó, người Hoa và văn hóa người Hoa được bảo tồn, phát triển và hoà nhập vào văn hóa vùng Nam Bộ (trong đó có Sài Gòn, Chợ Lớn) đã đóng góp cho sự phát triển văn hóa ở vùng đất mới, tạo nên đặc trưng văn hóa vùng ở đây. Dấu ấn văn hóa người Hoa khá đậm nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật. Người Hoa đã cùng người Việt, người Khơme làm thay đổi không chỉ cảnh quan cư địa, đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của vùng Nam Bộ và Sài Gòn, Chợ Lớn.