8. Ký hành: một dạng thức của nhật ký hành trình hay du ký của văn học Nhật Bản , thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết
3.3.1. Ngôn ngữ Nam Bộ trong ký Lý Lan
Vốn từ ngữ Nam Bộ, “cách nói” người Nam là điều ta dễ bắt gặp nhất trong ký Lý Lan. Ở các tập ký Miên man tùy bút, Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi, Bày tỏ tình yêu…, tập ký nào của bà cũng được diễn đạt bởi ngôn ngữ giàu chất Nam Bộ. Dù viết về những người thân yêu, về quê hương hay viết về truyền thống văn hoá đáng tự hào, bà thường xuyên sử dụng các từ: coi bộ, héng, thiệt là, ổng, cổ, ảnh, quẹo, xài, ráng, như vày, riết… Với những từ ngữ này, người đọc như nhìn thấy những sinh hoạt của con người trong đời thường mang tính tự nhiên, gần gũi như chính cuộc sống con người trong đời sống. Trong truyện ngắn của bà, cũng vậy, chất Nam Bộ in dấu trong từng lời nói, hành động của các nhân vật như các đoạn đối thoại xảy ra trong các tác phẩm Romeo và Juliet: “Thằng trộm thật là quá đáng, dắt con heo đi đúng lúc bà Tím giả xong!”. Hay trong Phương pháp hiện thực,
dường như lời ăn tiếng nói của người dân Nam Bộ được tác giả kể cả vào: “Thằng Nhứt, dù xấp xỉ bốn chục tuổi, cả trong xóm lẫn ngoài chợ vẫn gọi nó là thằng Nhứt, gọi vợ nó là con vợ thằng Nhứt, bé Na là con gái thằng Nhứt… Nó khiêng vác, đẩy mướn…”. Hay trong tác phẩm Đường dài hạnh phúc: “Alô? Tui nè! Chỗ bồ kêu là gì… Bồ đang ở đâu”, “ mình sinh ra để làm thắc mắc mớ gì mình phải ngồi đây để làm mứt? ”…
Ngôn ngữ Nam Bộ là một trong những yếu tố rất đặc trưng của các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư. Với Lý Lan, phương ngữ Nam Bộ cũng tạo nên một phần đặc sắc trong tác phẩm của bà. Cùng với nhứng nhà văn Nam Bộ khác, Lý Lan đã góp phần đưa thổ âm miền Nam thành một “đặc sản” văn chương. Thứ ngôn ngữ mang màu sắc Nam
Bộ này được thể hiện trong cách dùng từ, dùng ngữ, cách xưng hô, các mẩu đối thoại.
Trong ký Lý Lan xuất hiện một lớp từ ngữ gắn với khẩu ngữ Nam Bộ: “sắp nhỏ”, “lấy hên”, “ngồi sui” [46, 129], “coi hát cọp”, “mài mại”, “không chánh quy”, “thơi thới”, “tránh nắng đụt mưa”, “đầu nậu” (Coi sách cọp), “cho lẹ đi”, “đi phứt cho rồi”, “ngó”, “thấy đã”, “nhảy xe đò”(Qua cầu Mỹ Thuận)…. Cách xưng hô của các nhân vật trong tác phẩm cũng mang đậm dấu ấn con người Nam Bộ như: “xứ tui”, “thằng chả”, “ổng”, “bồ”… Lớp từ này tuy có thể gây khó hiểu cho người tiếp nhận nhưng nó lại làm cho ta hiểu rõ hơn về phong cách người Nam Bộ: thân mật, gần gũi, xởi lởi trong quan hệ giao tiếp hàng ngày.
Các mẩu đối thoại giữa các nhân vật trong ký Lý Lan cũng thể hiện rõ nét sắc thái Nam Bộ:
“- Bao nhiêu một chục, em ? - Chị cho xin ba ngàn
- Mắc quá. Thằng bé kia bán có hai ngàn. - Ổi của em lớn hơn mà.
- Một chục mười bốn hay mươì hai? - Mười bốn.
- Ổi nhà em hái bán à?
- Em đếm lại của người ta” (Qua bắc Mỹ Thuận)
“- Tới đây có đèn đường sáng rồi, em xin phép cô, em trở về dưới. Tôi sửng sốt.
- Chớ… không phải… cậu đi thành phố à?
- Dạ, cô không nhận ra em sao? Hồi chiều tan trường, em thấy cô về, lát sau trời mưa, em nghĩ thế nào cô cũng mắc mưa…” [46, 58].
Về phong cách, phương ngữ Nam Bộ mang rõ dấu ấn đời sống tinh thần của nhân dân lao động, trong đó nổi bật là sự hài hước hóm hỉnh, khỏe khoắn mộc mạc và giàu hình tượng: “cà tong cà teo”, “phăng tới phăng lui”
[46, 129], “coi chơi, bắt mắt, móc tiền mua” (Coi sách cọp), “té lăn kềnh” [46, 57], “đọc tới đọc lui” [46, 35]…
Tính chất văn hoá vùng miền trong ngôn ngữ trần thuật thể hiện ở chất giọng nhà văn. Chất giọng trữ tình sâu lắng, thể hiện tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương trân trọng các giá trị tinh thần tốt đẹp của vùng đất, của con người: “Mùa mưa thỉnh thoảng làm biếng đi chợ làng – đi bộ cũng hơi xa, đường đất lầy lội,cầu tre lắt lẻo khó đi – tôi lại ra vườn lật lên những lớp lá và rơm ủ gốc cây. Một thế giới ‘xì trum” hiện ra với những tai nấm trắng nõn tròn vo, ngộ nghĩnh đến mức tôi cứ ngồi xổm cả buổi trong vườn, ngắm mãi những tai nấm đang nở, tưởng tượng ra hàng tỉ chuyện hoang đường. Những khúc gỗ cây so đũa, hai ba khúc ghép lại, bắc ngang mương trong vườn, mùa mưa cũng nọc đầy những tai nấm mèo quăn queo. Nấm tươi, mặt mịn láng, màu nâu trong veo, nấu chè thưng ăn nghe dòn sựt” (Du khách về làng). Hơn thế, người trần thuật không những kể chuyện mà còn chuyển tải những giá trị văn hoá nằm sâu dưới lớp ngôn ngữ, làm cho nội dung trần thuật phong phú, đặc trưng. Thứ ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ này bên cạnh thể hiện trong giọng điệu, còn được thể hiện trong cách dùng từ, dùng ngữ, cách xưng hô…Tuy nhiên, so với Nguyễn Ngọc Tư, nồng độ phương ngữ miền Nam trong văn Lý Lan không đậm đặc bằng.