Cái tôi tác giả với giọng điệu riêng trong ký Lý Lan

Một phần của tài liệu Dấu ấn văn hóa nam bộ trong ký của lý lan (Trang 76)

8. Ký hành: một dạng thức của nhật ký hành trình hay du ký của văn học Nhật Bản , thường phát triển đậm đặc tính chất trữ tình thông qua sự kết

3.2.2. Cái tôi tác giả với giọng điệu riêng trong ký Lý Lan

Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm,… Với tư cách là một yếu tố thẩm mĩ, một phương tiện nghệ thuật, giọng điệu không chỉ tham gia trực tiếp vào việc cấu trúc dòng thơ, câu văn mà nó còn là thành tố hình thức mang tính nội dung, có nghĩa là thông qua giọng điệu, chủ thể sáng tạo truyền đi một tín hiệu nội dung và người đọc cũng dựa trên tín hiệu ấy để nắm bắt, giải mã thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

Theo M. Khrapchenkô, “Cái quan trọng trong tài năng văn học… là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một ai khác” [33, 190]. Giọng điệu không tự nhiên mà có, tuy nó chi phối hầu hết thế giới ngôn từ trong tác phẩm cho nên muốn tìm hiểu tác phẩm không thể loại trừ tìm hiểu giọng điệu. Ngoài ra giọng điệu trong tác phẩm ngoài giọng chủ đạo còn có các giọng điệu khác chi phối tác phẩm: “Giọng điệu chủ đạo không những loại trừ mà còn cho phép tồn tại trong tác phẩm văn học những giọng điệu khác nhau” [33, 169]. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo

nên phong cách của nhà văn. Trong mỗi tác phẩm văn học, giọng điệu là sự biểu hiện thái độ, cảm xúc của chủ thể đối với cuộc sống và phụ thuộc vào cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.Thông qua giọng điệu trong tác phẩm, người đọc như nhìn thấu hồn cốt của nhà văn, đồng thời thấy được sự sinh động trong bức tranh hiện thực cuộc sống phản ánh trong tác phẩm [24].

Tác phẩm của Lý Lan từ nhiều thể loại: truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, thơ… đều toát lên giọng điệu chính vẫn là dòng trữ tình tha thiết, sâu lắng và đầy ân tình. Bởi ngấm sau trong máu thịt huyết quản của chị là tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương, gia đình, bạn bè và nhất là những người ruột thịt thân yêu. Bởi quê hương là nơi mà chị mắc nợ và bằng ngòi bút mà chị cảm thấy trả sao cũng không thể hết được. Chị đã từng viết trong Miên man tuỳ bút: quê mẹ và tuổi thơ ở quê là mạch nước ngầm của cuộc đời tôi. Khi nào khát tình cảm, khát đề tài, khát cảm hứng thì tôi lại tìm về cái mội nước ấy. Và hơn nữa với con người luôn luôn muốn bộc bạch tâm tình, muốn cho bạn đọc nhìn thấy những gì mà mình phát hiện và chiêm nghiệm trong cuộc đời, tha thiết tìm kiếm những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời mà nhất là những giá trị thuộc về truyền thống, thuộc về bản sắc của dân tộc… Chỉ có thể giọng trữ tình sâu lắng mới có thể thay bà bộc bạch chính nỗi lòng ấy, tình cảm sâu đậm ấy.

Chất trữ tình là một đặc trưng nổi bật trong ký Lý Lan. Giọng trữ tình là giọng bày tỏ tình cảm cảm xúc của người trần thuật đối với những sự vật, sự việc. Giọng trữ tình còn cho thấy chất trữ tình, những cảm giác nhẹ nhàng, êm ái, có lúc ngọt ngào, có lúc lắng sâu. Là một nhà văn nữ, những trang viết của Lý Lan nhiều lúc thấm đẫm chất trữ tình, giàu cảm giác. Chất trữ tình này được tạo nên bởi những dòng hồi ức miên man, những câu chuyện đầy xúc động về người cha, về bà ngoại, những người thầy... Ở điểm nhìn từ bên trong, Lý Lan kể chuyện như giãi bày tâm tình, tâm trạng, cảm xúc của mình với người bên cạnh. Nhân vật chính trong câu chuyện vì vậy

không còn là nhân vật tự sự mà là nhân vật trữ tình với đời sống nội tâm được trình bày một cách tự nhiên.

Giọng trữ tình trong ký Lý Lan có nhiều cung bậc, sắc thái. Có khi là giọng thủ thỉ tâm tình như lời tâm sự với đứa con bé nhỏ: “Cái ấn tượng ghi sâu mãi trong lòng một con người về cái ngày “hôm nay tôi đi học” ấy, mẹ muốn nhẹ nhàng cẩn thận và tự nhiên ghi vào lòng con, để một ngày kia, bất cứ một ngày nào đó trong đời, khi con nhớ lại, lòng con lại rạo rực những cảm xúc bâng khuâng xao xuyến” (Cổng trường mở ra); với cô học trò nhỏ: “Người khách sang sông nhỏ kia ơi, đò đã đưa em tới bến rồi, phải bước lên bờ thôi. Phải quay lưng lại con đò mà đi tới. Không có cách nào khác đâu. Cũng như không có cách nào níu lại một dòng sông” [46, 67]; với đứa cháu nhỏ - nhưng cũng là với đứa trẻ trong mình của một thuở xa xưa: “Bé Bi biết không, con cúc nhỏ xíu như hạt cát vậy. Nó đào hang trong cát, miệng hang hình cái phễu nhỏ xíu trên mặt cát, dễ thương ơi là dễ thương. Buổi sáng mình ra bờ suối, ngồi thụp xuống tìm cái miệng hang con cúc, thổi nhẹ nhẹ cho cát dưới đáy phễu bay đi. Nhớ là thổi nhẹ thôi, rất nhẹ, để con cúc không hay biết gì hết. Nó cứ yên trí ngủ say dưới đáy hang cho đến khi cát bị thổi bay hết, và con cúc bị lộ ra, luống cuống xoay trở tứ phía, chỉ còn một cách thoát thân duy nhất là lại vùi mình vô trong cát” (Có một con suối). Có khi giọng văn lại miên man da diết với những hồi ức xa xôi: “Hồi xưa, có một dòng suối trong mát ngọt lành chảy qua vườn măng cụt sầu riêng, có một chiếc thuyền giấy chở ước mơ qua làng, thôi thúc một đứa bé làm thơ…” (Có một con suối) Với giọng điệu thủ thỉ, đôn hậu, chân tình đó, Lý Lan cứ nhẩn nha nói chuyện về tuổi thơ, tuổi học trò, về bà ngoại, về người cha tần tảo và cả những ... người dưng: “Hai chị bán rau cải này tôi cũng không kịp hỏi tên khi xin phép chụp hình. Chợ ở ngoại thành, bên kia bờ sông Sài Gòn, cách bến phà Thủ Thiêm một quãng đường xa. Chợ không đông, buôn bán chắc không lời mấy. Nhưng trông hai chị cười tươi chưa! Tôi thử hình dung hai chị quanh năm buôn bán ở chợ, không nghỉ ngày chủ

nhật hay ngày lễ. Có lẽ mùng một Tết nghỉ một ngày sau bốn năm đêm thức trắng bán chợ Tết.”[46, 239]. Giọng điệu này thể hiện rất rõ một tình cảm thiết tha, một tấm lòng đôn hậu, sự thông cảm sâu sắc với những người lao động nghèo. Đặc biệt khi viết về những trẻ em lang thang kiếm sống mưu sinh, giọng văn bao giờ cũng đầy thương cảm, đau đáu một nỗi niềm day dứt.

Trong ký của Lý Lan có những trang viết về thiên nhiên thật đẹp. Thiên nhiên, dù là vùng quê miệt vườn Lái Thiêu hay giữa phố thị Sài Gòn đông đúc thì cũng được nhìn và miêu tả bằng một giọng văn như thơ. Đây là miền quê của những vườn cây ăn quả: “Mấy nếp nhà ngói thâm thấp ẩn hiện trong những vườn cây ăn trái âm u. Hầu như các loại trái đều hẹn nhau chín vào mùa hè, rộ lên một hai tháng. Mười tháng kia, cây cối chỉ là cành với lá. Lá xanh rì lao xao trên cao, và lá khô rã mục âm thầm quanh gốc” (Du khách về làng); còn đây là thành phố Sài Gòn: “Mới hôm qua, bao nhiêu lá vẫn trên cành, bỗng sang nay hè nhau rơi xuống, khiến cho bầu trời lộ ra bàng bạc: lạ lạ, than than. Mà chỉ một sang thôi. Hôm sau nữa, hằng hà lá non li li đã nhú đầy cành mơn mởn. Cây cỏ xứ này có thói quen gom cả thu, đông vào một ngày cho gọn, để xuân dài không bận bịu chi”[46, 116]… Dù câu văn đầy chất thơ, nhưng vẫn trong sáng và giản dị bởi chất thơ ấy toát lên từ cái đời thường. Nói như Vương Trí Nhàn: “Đọc tạp văn Lý Lan ta thấy “gợi một cảm giác trẻ trung song nó là cái trẻ trung chắc chắn, chững chạc không có cái vẻ giả bộ ngây thơ hoặc uốn éo làm đỏm như đang thấy ở một vài người viết khác” [74].

Bên cạnh giọng trữ tình sâu lắng - giọng điệu chủ đạo của ký Lý Lan là giọng chính luận, tranh biện. Khi bàn luận về việc con người cần những tri thức gì trong thời hiện đại, Lý Lan viết: “Phương tiện truyền thông nhan nhản các tên tuổi đang lên, chỗ này bơm, chỗ kia thổi, chỗ nọ chọc xì căn đan, chưa kịp biết ai là ai thì đã không cần biết ai là ai nữa rồi. Lại nữa, xu hướng truyền thông bây giờ khai thác đời tư cá nhân nhiều hơn tính xã hội

của lao động văn chương nghệ thuật, mà đời tư người ta, mình biết hay không biết, hoặc biết nhập nhèm, thì đã sao?”(Ai biết ai là ai?). Giọng văn đầy lý lẽ, lập luận nhằm hướng tới mục đích thuyết phục người đối diện (người đọc) tin vào điều mình nói. Lý Lan đang đóng vai chàng trai – anh sinh viên kia để tự bào chữa cho mình cái sự nhầm lẫn kiến thức trước người bố, và người bố ở đây, thực ra chính là bản thân người đọc chúng ta.

Giọng tranh biện như thế có khá nhiều trong những trang ký về giáo dục. Trong bài ký thứ 13, mục 3, băn khoăn trước việc dạy gì cho học sinh để phù hợp với điều kiện, yêu cầu của và xã hội thời đại, Lý Lan đã đặt ra hàng loạt những câu hỏi nhức nhối, chạm đến vấn đề căn cốt của giáo dục: “Tôi đã chọn trường học như một vị trí cố thủ để hành cái đạo của ông cha. Nhưng trường học là một cái hồ con không cách ly được biển đời đầy sóng gió. Những dòng nước đục ra vào mang theo bao tạp chất mới lạ (...) Và liệu có giữ nổi không, có đạo đức giả không, khi dạy các em những điều cao đẹp mà chính mình cũng khó giữ được, và các em, bằng thực tế cuộc sống quanh mình, trong trường, lớp, tại gia đình, cũng biết là “xài” không được? Khi mọi người báo động “đạo đức học sinh xuống cấp”, phải chăng người ta muốn nói rằng: “Điều xưa là đạo đức nay đã xuống cấp ở các em” vì nó không còn là giá trị thực trong xã hội nữa”?[46, 62]. Những đoạn văn với mật độ dày đặc những câu hỏi vì thế cũng thường xuất hiện trong ký Lý Lan. Những câu hỏi bật ra kêu gọi sự đối thoại từ phía người đọc: “Tại sao nhà trường cứ học hoài một bài học đau lòng mà không thấm? Nếu cứ đập trường ra xây ki-ốt như vậy, liệu có phải chỉ gạch ngói tan tác không? Ai lường được cái giá sẽ phải trả cho sự đổ vỡ trong tâm hồn trẻ thơ, sự dung tục hóa, tầm thường hóa và thực dạng hóa đang nhiễm dần vào tư tưởng thiếu niên khi mỗi ngày các em ngồi học trong cõi ì xèo những mặc cả và lường lọc của kẻ bán người mua? Hay ta quan niệm rằng tu giữa chợ mói chóng đắc đạo nên đem chợ búa bao vây trường học cho các em sớm thành ...con buôn?”[46, 72]. Hàng loạt câu hỏi day dứt xoáy sâu vào tình

cảm và đánh mạnh vào lý trí của chúng ta. Cũng vì thế, giọng chính luận của Lý Lan thể hiện qua những trang viết như thế này là giọng chính luận – trữ tình. Lý Lan lập luận và tranh biện đầy suy tư và xúc cảm.

Một phần của tài liệu Dấu ấn văn hóa nam bộ trong ký của lý lan (Trang 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w