- Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Tổng thống G.Bush sau sự kiện 11/9/
CHƯƠNG 3.MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á
3.2. Những thuận lợi và khó khăn, thách thức đối với Mỹ trong việc triển khai chính sách đối ngoại ở khu vực Đông Bắc Á hiện nay
Dưới thời cầm quyền của Tổng thống G.W.Bush, Mỹ thực hiện chính sách đối ngoại “đơn phương”, “hiếu chiến” đã gây ra những hệ lụy, làm cản trở mối quan hệ của Mỹ với các nước khu vực và các nước trên thế giới. Do vậy, ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống B.Obama đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và triển khai chính sách đối ngoại theo hướng linh hoạt, mềm dẻo,
thực dụng, coi trọng chủ nghĩa đa phương, sức mạnh tập thể nhằm tạo ra một mô hình quan hệ đối tác mở rộng với sự lãnh đạo của Mỹ. Trọng tâm của chiến lược mới là sử dụng “sức mạnh thông minh” với ưu tiên hàng đầu là các công cụ ngoại giao và phát triển. Chính sách đối ngoại mới của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á cũng được triển khai tích cực theo hướng đó.
Trước hết, chính quyền Obama có sự điều chỉnh với Trung Quốc, coi quan hệ Mỹ - Trung là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất”.Tổng thống Obama thăm Trung Quốc (11/2009). Qua các chuyến thăm, hai bên khẳng định quan hệ hai nước đã “thiết lập được cơ sở vững chắc”, cam kết tăng cường đối thoại và mối quan hệ mật thiết giữa hai bên. Mỹ cam kết sẽ “làm sâu sắc hơn nữa và mở rộng” mối quan hệ này, coi quan hệ kinh tế song phương là “thiết yếu”, duy trì đối thoại cấp cao về chiến lược (các vấn đề chính trị, an ninh và toàn cầu) và đối thoại kinh tế (các vấn đề tài chính và kinh tế). Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: chống chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, thúc đẩy kiểm soát vũ trang, ngăn chặn Iran theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và đối phó với vấn đề thay đổi khí hậu…Nhìn chung, chính quyền Obama tận dụng các cơ chế đã hình thành và thậm chí sẵn sàng gạt bỏ sang một bên các vấn đề Mỹ vẫn thường sử dụng để gây sức ép như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo nhằm thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong việc giải quyết khó khăn của kinh tế Mỹ và các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, chính quyền Obama vẫn tiếp tục duy trì và triển khai chính sách kiềm chế Trung Quốc thông qua việc củng cố quan hệ với các nước đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, Mỹ tiếp tục khẳng định Nhật Bản là đồng minh quan trọng số một của Mỹ ở Đông Bắc Á, quan hệ Mỹ - Nhật là “hòn đá tảng” trong chính sách của Mỹ ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Mỹ cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ Nhật Bản và giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách tổng thể, ủng hộ Nhật Bản là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp trong đàm phán sáu bên, hợp tác giải quyết các vấn đề khủng hoảng kinh tế, năng lượng sạch, an ninh, biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác. Trước xu thế muốn “độc lập” hơn trong chính phủ mới của Nhật Bản, Mỹ nhấn mạnh đến yếu tố “bình đẳng” trong quan hệ đồng minh và khẳng định đây là “nền tảng” cho an ninh và thịnh vượng của cả Mỹ lẫn Nhật Bản.
Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ chủ trương mềm dẻo và linh hoạt với Bắc Triều Tiên, sẵn sàng đàm phán và bình thường hóa quan hệ, ký hiệp định hòa bình và cung cấp viện trợ nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ chuyển sang thái độ cứng rắn hơn khi điều chỉnh này không đạt hiệu quả mong muốn giúp khởi động lại tiến trình đàm phán đa phương về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Có thể thấy, với sự điều chỉnh chính sách ngoại giao mềm dẻo và linh hoạt, chính quyền Obama đã tạo ra một môi trường cởi mở, thân thiện hơn so với chính quyền tiền nhiệm G.Bush.Đây là một trong những nhân tố thuận lợi để Mỹ có thể thực hiện những toan tính chiến lược của mình.
Đối với các nước Đông Bắc Á, trong quá trình thực hiện chiến lược cân bằng trong quan hệ với các nước ở khu vực cũng như toàn cầu, Đông Bắc Á đã rất chú trọng tăng cường và phát triển quan hệ với Mỹ. Cho dù hiện nay, Hàn Quốc, Nhật Bản có khuynh hướng muốn độc lập và bình đẳng rõ rệt nhưng vẫn muốn Mỹ duy trì một lực lượng quân sự nhất định ở Đông Bắc Á. Điều này xuất phát trước tiên là do sự bất ổn, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và sự trỗi dậy mạnh mẽ cũng như tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, ngay từ Chiến tranh lạnh, Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc đã thiết lập và tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống, ở mức độ nào đó, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực là nền tảng cho sự tin cậy hợp tác giữa Mỹ và đồng minh. Thứ ba, xuất phát từ lợi ích an ninh của bản thân, hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc muốn dựa vào thế lực của Mỹ để cân bằng ảnh hưởng sức mạnh với Trung Quốc, giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên; mặt khác cũng muốn thông qua đó được Mỹ ủng hộ, viện trợ về quân sự và kỹ thuật liên quan. Đối với Trung Quốc, mặc dù có sự tranh giành quyền ảnh hưởng, nhưng Trung Quốc hiểu được vai trò to lớn của Mỹ trong cán cân kinh tế. Cho nên Trung Quốc có những điều chỉnh chính sách đối ngoại khôn khéo hơn đối với Mỹ trong thời gian tới.
Có thể nói, xuất phát từ những tính toán lợi ích an ninh, kinh tế ngoài việc không ngừng tăng cường quan hệ với Mỹ, các nước đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ ở Đông Bắc Á đều không ngừng tăng cường quan hệ với Mỹ, phối hợp với Mỹ trong việc giải quyết các điểm nóng còn tồn tại…Đây chính là cơ hội thuận lợi cho Mỹ triển khai một cách mạnh mẽ chính sách can dự vào khu vực. Tuy nhiên bên cạnh đó, Mỹ cũng đang phải đối mặt với một số thách thức không nhỏ trong việc
theo đuổi các mục tiêu chiến lược tại khu vực Đông Bắc Á.
Trước hết, ở trong nước, Mỹ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kinh tế, tình trạng suy thoái kéo dài, trái phiếu chính phủ giảm giá, vấn đề nợ công và tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, cục diện chính trị nội bộ Mỹ đang đặt chính quyền B.Obama vào tính thế khó khăn, bị động, không thể tiếp tục đặt ra và theo đuổi những mục tiêu đơn phương, bá quyền như dưới chính quyền G.Bush, buộc phải chuyển hướng tích cực, mềm dẻo, coi trọng và san sẻ trách nhiệm với các đồng minh. Những hệ lụy của chính sách chống khủng bố của Mỹ đã dẫn đến sự gia tăng xung đột cả bề rộng và chiều sâu, nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở cả bên ngoài và bên trong nước Mỹ. Cho dù sau cuộc bầu cử năm 2008, đảng Dân chủ kiểm soát gần như toàn bộ chính quyền và Quốc hội, nhưng những thất bại của đảng Dân chủ trong thời gian vừa qua trước đảng Cộng hòa cho thấy, chính quyền Obama rất khó tạo ra sự đồng thuận trong nội bộ Mỹ để đưa ra các giải pháp có hiệu quả đối với các vấn đề lớn của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á.
Thứ đến, ở bên ngoài, cục diện đa cực đang hình thành nhanh, Mỹ gặp phải sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nước lớn, trong đó có cả các nước đồng minh. Lợi dụng việc Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Các đối thủ cạnh tranh đã và đang ráo riết tăng cường thế và lực, sử dụng các con bài khu vực, đẩy Mỹ vào thế bị động, lúng túng về chiến lược. Ở Đông Bắc Á, Mỹ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt của Trung Quốc trên tất cả các mặt; Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là đối thủ cạnh tranh với Mỹ trên lĩnh vực kinh tế. Các điểm nóng, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải là những thách thức đối với Mỹ trong giai đoạn hiện nay.