Chính sách đối ngoại của Tổng thống G.Bush trước sự kiện 11/9/

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG GEOGRE WALKER BUSH (2001 2009) (Trang 42)

Điều quan trọng hàng đầu cho bất kỳ ai làm tổng thống Mỹ là tiến hành thành lập nội các mới. Ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Bush đã nhanh chóng bắt tay vào việc thành lập nội các. Việc bổ nhiệm của G.Bush đạt kết quả kỷ lục, chỉ trong vòng chưa đầy bốn tuần lễ, Tổng thống G.Bush đã bổ nhiệm hàng loạt các nhân vật thuộc phái Bảo thủ có quan điểm cứng rắn vào vị trí then chốt. Đó là Phó tổng thống Richard B.Cheney, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Ngoại trưởng Colin Powell và đặc biệt là Cố vấn An ninh quốc gia Condoleezza Rice…những nhân vật với quan điểm được coi là cứng rắn, bảo thủ. Tổng thống cùng với nội các bảo thủ của mình đã ngay lập tức cho cả thế giới biết tới một đường hướng đối ngoại cứng rắn theo chủ nghĩa hiện thực, mang màu sắc biệt lập mà người ta thường gọi bước đầu là “Học thuyết Bush”. Ở một góc độ nào đó, có thể đánh giá khách quan chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống G.W.Bush trước sự kiện 11/9/2001 gồm những nét cơ bản sau:

➢Thứ nhất, không phải theo chủ nghĩa biệt lập mà là sự can dự khắp thế giới để mở rộng hòa bình kiểu Mỹ. Trong bài diễn văn đưa ra tranh cử tổng thống ngày 19/11/1999, G.Bush đã bác bỏ sự rút lui và chủ nghĩa biệt lập mà nhấn mạnh tới chủ trương “nước Mỹ phải can dự khắp thế giới để bảo vệ hòa bình”[31, tr.26]. Sự can dự của Mỹ dựa vào ba nguyên tắc trụ cột: Một là, sử dụng sức mạnh quốc gia, lâu dài và bảo đảm an ninh tuyệt đối của nước Mỹ. Hai là, duy trì lâu dài vị trí độc tôn bá chủ của Mỹ. Và Mỹ phải kiểm soát được lục

địa Á- Âu, vị trí chiến lược của Mỹ. Chính sách của Mỹ sẵn sàng chống lại sự đe dọa của bất kỳ nước nào đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Ba là,bảo đảm sự vượt trội về quân sự của Mỹ so với các nước khác trên thế giới.

➢Thứ hai, trọng điểm của chiến lược toàn cầu là lục địa Á - Âu, coi trọng ngang nhau cả châu Âu và châu Á. Trước đây, chiến lược toàn cầu của Mỹ tập trung vào hai hướng trọng điểm là Tây và Đông lục địa Á - Âu, nơi có những đồng minh và kẻ thù lâu đời của Mỹ. Tại đây, Mỹ muốn duy trì sự ổn định bằng thế mạnh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ, Colin Powell đưa ra thuyết “hai nền tảng” ở khu vực này. Nền tảng thứ nhất là châu Âu - Đại Tây Dương, lấy NATO làm nền tảng và nền tảng thứ hai là dựa trên Liên minh quân sự Nhật - Mỹ làm nòng cốt.

➢Thứ ba, Mỹ đưa ra các ưu tiên trong chính sách đối ngoại với sáu điểm ưu tiên, trong đó quan trọng nhất vẫn là tăng cường và chia sẻ trách nhiệm với các nước đồng minh châu Âu, châu Á, Trung Đông…để mở rộng hòa bình; hướng châu Âu, NATO và EU có kế hoạch mở rộng sang phía Đông. Duy trì sự khống chế của Mỹ ở Trung Đông; tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm soát việc phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt. Đặc biệt là thi hành chính sách can dự với Nga và Trung Quốc một cách “rõ ràng, kiên định và có nguyên tắc”.

Về chính sách quân sự, an ninh liên quan đến chính sách đối ngoại, Tổng thống G.Bush xem quốc phòng - an ninh là mối quan tâm hàng đầu, là trách nhiệm trước tiên của tổng thống và phòng thủ nước Mỹ là trách nhiệm hàng đầu.

Với những tư tưởng trên, G.Bush đã thực hiện đường lối ngoại giao theo chủ nghĩa đơn phương, Mỹ đã liên tiếp từ chối những ràng buộc đa phương để tự do hành động. Tháng 2/2001, Mỹ đơn phương rút khỏi Nghị định Kyoto về việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong khi 178 nước trên thế giới đã ký kết hiệp định này thì Chính phủ của G.Bush đã không đồng ý. Tiếp đó, tháng 7/2001, Mỹ từ chối thi hành “Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện” (CTBT) với lý do là khả năng sát hạch của hiệp ước này không cao, thiếu cơ chế trừng phạt đối với những hành vi không tuân thủ hiệp ước này…Thậm chí, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Condoleeza Rice đã rằng đây là một “hiệp ước tồi” và từ chối đưa ra Thượng viện phê chuẩn. Đến tháng 12/2001, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo vì cho rằng hiệp ước này chỉ là những tàn

dư của cuộc xung đột Đông - Tây trước đây, mặt khác còn cho rằng hiệp ước cản trở chính quyền Bush đảm bảo nước Mỹ không bị tấn công bất ngờ bằng tên lửa của các phần tử khủng bố. Chính quyền của Tổng thống G.Bush còn nhấn mạnh an ninh tuyệt đối đơn phương, công khai tuyên bố, vận động để Mỹ nhanh chóng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NDM) và Hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD).

Cùng với đó, Mỹ đã không ký vào việc đồng ý tham gia Tòa án quốc tế, Mỹ cùng với Israel ngang nhiên bỏ diễn đàn Hội nghị của LHQ về chống phân biệt chủng tộc diễn ra tại Bustan (Nam Phi, tháng 9/2001). Chính quyền Bush tăng cường cấm vận đối với Cuba, công khai cổ vũ, ủng hộ các lực lượng chống đối người Mĩ gốc Cuba, cô lập Cuba với cộng đồng Mĩ - Latinh. Thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn với Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Như vậy, trong thời gian đầu cầm quyền, chính phủ G.Bush đã hoạch định những đường hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình.Đó là một đường lối ngoại giao cứng rắn, đơn phương, ngược lại với nền ngoại giao đa phương thời Tổng thống B.Clinton. Học thuyết Bush đi theo chủ nghĩa hiện thực, coi lợi ích quốc gia là cao nhất. Những quan điểm đơn phương, cứng rắn của giới cầm quyền Mỹ càng cơ hội được củng cố và tăng cường sau sự kiện 11/9/2001.

Một phần của tài liệu CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á DƯỚI THỜI TỔNG THỐNG GEOGRE WALKER BUSH (2001 2009) (Trang 42)