1.3.1.1. Doanh thu, lợi nhuận
Doanh thu là số tiền mà doanh nghiệp thu được khi bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Lợi nhuận là khoản tiền thu về sau khi đã trừ đi chi phí. Bởi vậy doanh thu và lợi nhuận có thể coi là một chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh. Căn cứ vào doanh thu, lợi nhuận qua từng thời kì hoặc qua các năm ta có thể đánh giá được kết quả hoạt động kinh doanh của công ty là tăng hay giảm. Nhưng để đánh giá được hoạt động kinh doanh đó có mang lại hiệu quả không thì phải xét thêm cả chi phí đã hình thành nên doanh thu đó. Nếu doanh thu và chi phí của doanh nghiệp đều tăng lên qua các năm nhưng tốc độ tăng của doanh thu lớn hơn tốc độ tăng của chi phí thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá là tốt, doanh nghiệp biết phân bổ và sử dụng hợp lí yếu tố chi phí.
1.3.1.2. Thị phần và tốc độ tăng thị phần
Thị phần là phần thị trường mà doanh nghiệp chiếm được trong tổng dung lượng thị trường. Chỉ tiêu này càng lớn nói lên sự chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp càng rộng. Thông qua sự biến động của chỉ tiêu này, ta có thể đánh giá mức
độ hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả không bơi nếu doanh có thị trường lớn thì chỉ số trên đạt mức cao và ấn định cho doanh nghiệp một vị trí ưu thế trên thị trường. Qua đó, ta cũng đánh giá được sức cạnh tranh của tuyến sản phẩm của doanh nghiệp, ưu thế cũng như điểm mạnh yếu tương đối của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh.
1.3.1.3. Khách hàng
Một chỉ tiêu khác nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh tuyến sản phẩm của công ty kinh doanh đó là chỉ tiêu về khách hàng, được thể hiện ở tốc độ phát triển khách hàng mới và doanh thu bình quân trên đầu khách hàng của doanh nghiệp.
Khách hàng mới của doanh nghiệp gồm khách hàng đã và đang sử dụng một sản phẩm nào đó của doanh nghiệp, tiếp tục tiến hành mua thêm các sản phẩm khác của doanh nghiệp để dùng và khách hàng hoàn toàn mới, lần đầu tiên quyết định sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Từ việc phân tích tốc độ phát triển khách hàng mới của doanh nghiệp, ta có thể nhận thấy được tiềm năng thị trường của sản phẩm, tuyến sản phẩm mà doanh nghiệp đang sở hữu, nhận dạng cơ hội phát triển của sản phẩm trong tuyến, khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó thấy được năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tuyến sản phẩm của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh (ĐTCT) khác trên thị trường.
Doanh thu bình quân trên đầu khách hàng của doanh nghiệp: việc xác định chi phí mỗi khách hàng của doanh nghiệp bỏ ra là cơ sở để các nhà quản trị của doanh nghiệp thấy được giá trị của sản phẩm, tuyến sản phẩm của mình. Không phải cứ doanh nghiệp có nhiều khách hàng là doanh nghiệp đó thành công và ngược lại, có ít khách hàng là không thành công, nếu doanh thu bình quân trên đầu khách hàng của DN cao thì dù có ít khách hàng, nhưng doanh nghiệp đó cũng đã phần nào khẳng định được chất lượng sản phẩm, tuyến sản phẩm của mình, khiến cho khách hàng chấp nhận bỏ ra mức giá cao để sử dụng.