Kinh nghiệm giải quyết việc làm của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Một phần của tài liệu GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TẠI HUYỆN KIM BẢNG, TỈNH HÀ NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 35)

Trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm lao động nông thôn trên địa bàn huyện đạt được một số thành tựu khả quan để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu:

Thực hiện giải quyết vấn đề lao động – việc làm các cấp lãnh đạo địa phương đã ban hành hệ thống cơ chế chính sách thuận lợi tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, nổi bật đó là công tác dạy nghề theo mô hình thí điểm cho lao động nông thôn. Bằng việc triển khai và các hình thức đào tạo nghề đa dạng, trong 3 năm (từ 2011 – 2013) toàn huyện Duy Tiên đã đào tạo được tổng số hơn 3.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 35% lên 43%. Qua đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện từ 13 triệu đồng/người/năm vào năm 2011, lên 24,5 triệu đồng/người/năm đến hết năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm xuống còn 7,2%. Số lao động được giải quyết việc làm mới và việc làm thêm bình quân đạt khoảng 6.400 người/năm, chủ yếu là chuyển đổi nghề và làm thêm sau học nghề.

Khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống và nghề mới, tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh chủ trương lựa chọn phát triển mạnh các ngành nghề truyền thống đã có và đang phát huy hiệu quả: Sản xuất cói, mây tre đan, thêu ren, may mặc, mộc mỹ nghệ cao cấp, … Để thực hiện tốt chủ trương trên, huyện rất chú trọng công tác xây dựng vùng nguyên liệu: cói, mây tre, bương nứa… phục vụ cho chế biến, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại, các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động là hướng quan trọng của tỉnh vừa thực hiện phương châm thu ngoại tệ phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động nông thôn.

Khuyến khích việc kết hợp giữa hướng nghiệp và dạy nghề, chuyển giao kiến thức và công nghệ tại các trung tâm dạy nghề của tỉnh đặc biệt là mở các lớp cơ động ngay tại xã phường

Khuyến khích các hộ gia đình trong làng xã có kinh nghiệm trong tổ chức và phát triển sản xuất nhận đỡ đầu, hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn. Đây là hình thức dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao.

Tăng cường giáo dục sức khoẻ và dinh dưỡng cho cộng đồng, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong từng bữa ăn của các gia đình bằng việc hướng dẫn họ tự tăng gia, sản xuất để cải thiện chất lượng bữa ăn.

Như vậy, những bài học kinh nghiệm trong giải quyết việc làm ở đây rất bổ ích để Kim Bảng có thể tham khảo, học hỏi trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Từ kinh nghiệm của các tỉnh có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Kim Bảng về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn:

Thứ nhất, Kim Bảng cần có những chính sách vĩ mô về vai trò quản lý nhà nước để chống thất nghiệp, thiếu việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động. Từ đó, đề ra những giải pháp và chính sách đúng đắn, đồng bộ, đồng thời đảm bảo được những điều kiện để thực thi

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế bằng con đường CNH, HĐH bền vững. Trước hết thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; đưa công nghiệp lớn từ đô thị về nông thôn, song hành với quá trình giải phóng lao động nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn làm vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn;

Thứ ba, kinh nghiệm giải quyết việc làm, rút lao động khỏi nông nghiệp, ly nông bất ly hương. Chính quyền các cấp và nông dân tập trung phát triển xí nghiệp hương trấn, xây dựng thêm nhiều thành phố trên địa bàn nông thôn góp phần tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông thôn.

Thứ tư, bài học kinh nghiệm về CNH nông nghiệp, nông thôn bền vững với việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, tiếp biến kinh nghiệm quốc tế

Tuỳ vào điều kiện tự nhiên, văn hoá, kinh tế - xã hội của mỗi địa phương Hà Nam, mà có những giải pháp giải quyết việc làm khác nhau. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nam cần tham khảo và vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm của các tỉnh, nhất là những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng để giải quyết tốt việc làm cho người lao động ở nông thôn.

Một phần của tài liệu GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TẠI HUYỆN KIM BẢNG, TỈNH HÀ NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 35)