Có nhiều nhân tố tác động đến vấn đề việc làm của người lao động nông thôn. Những nhân tố chủ yếu có thể kể đến như:
- Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái của nông thôn Việt Nam. Như đã biết vị trí địa lý của nước ta trải dài 15 vĩ độ. Diện tích phần lớn là đồi núi và cao nguyên( chiếm 3/4 diện tích cả nước), vị trí địa hình chia cắt phức tạp, điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau. Nếu như ở miền Bắc nắng nóng mưa nhiều thì miền Nam khí hậu lại ôn hoà còn miền Trung thì nắng nóng khô hạn hơn. Mặt khác, trong những năm gần đây hạn hán lũ lụt thường xảy ra. Do đó, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái thuận lợi, sẽ có nhiều dự án, nhiều chương trình kinh tế - xã hội đầu tư và như vậy nơi đây sẽ có điều kiện hơn trong giải quyết việc làm cho người lao động. Ngược lại, không thể có sự thuận lợi trong giải quyết việc làm tại chỗ đối với người lao động sống ở những nơi điều kiện tự nhiên bất lợi (sa mạc, vùng băng giá, vùng núi cao, hải đảo...). Vấn đề đặt ra là phải bảo đảm cho môi trường nhân tạo hoà hợp
với môi trường thiên nhiên, coi đây là một mục tiêu chính quan trọng trong giải quyết việc làm. Đồng thời, phải có giải pháp khắc phục tác động với thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi và hậu quả chiến tranh còn lại đối với môi trường sinh thái nước ta.
- Dân số, lực lượng lao động nông thôn Việt Nam : Dân số, lao động, việc làm và nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tăng trưởng dân số với tốc độ và quy mô hợp lý là nguồn cung cấp nguồn nhân lực vô giá. Tuy nhiên, nếu dân số phát triển quá nhanh, quy mô phát triển lớn vượt khả năng đáp ứng và yêu cầu của xã hội, thì tăng trưởng dân số không phải là yếu tố tích cực mà lại là gánh nặng cho nền kinh tế. Mức sinh, mức chết, cơ cấu giới, tuổi của dân số đều ảnh hưởng đến quy mô của lực lượng lao động. Nếu mức sinh cao dẫn đến gia tăng nhanh chóng số lượng người trong độ tuổi lao động tương lai. Ngoài ra, vấn đề di dân và các dòng di dân, đặc biệt là di dân từ nông thôn ra đô thị gây ra các áp lực kinh tế - xã hội và chính trị còn nguy hiểm hơn so với tỷ lệ gia tăng dân số nhanh chóng. Quá trình đô thị hoá gây ra hậu quả trực tiếp đến vấn đề việc làm, để có thể thu hút hết số lao động này, cần phải nhanh chóng tạo ra một số lượng lớn chỗ làm việc.
- Giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ cho nông dân Việt Nam. Giáo dục - đào tạo giúp cho người lao động có đủ tri thức, năng lực, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của công việc. Người lao động qua quá trình đào tạo sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện các công việc mà xã hội phân công sắp xếp. Giáo dục và đào tạo là động lực thúc đẩy, là điều kiện cơ bản để đảm bảo việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội. Giáo dục và đào tạo nhằm vào định hướng phát triển, trước hết cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động mới đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả để đảm bảo việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Năm 1992, UNESCO khẳng định “Không có một sự tiến bộ và thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành tựu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Một quốc gia không đủ tri thức và khả năng cần thiết để làm giáo dục có hiệu quả thì số phận của quốc gia đó coi như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản”.
- Về Khoa học - công nghệ. Khoa học công nghệ là nhân tố tham gia đắc lực vào quá trình biến đổi lực lượng sản xuất. Ngày nay, khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Khoa học công nghệ có mối quan hệ mật thiết với trình độ của người lao động. Nó đòi hỏi người lao động phải thích ứng và luôn đứng ở vị trí nắm bắt khoa học, điều khiển công nghệ. Ở các nước đang phát triển như nước ta hiện nay vẫn tồn tại tình trạng khá phổ biến là người lao động không đủ trình độ và gạt ra khỏi những dây chuyền công nghệ hiện đại. Do đó, việc đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động và lựa chọn công nghệ phù hợp luôn là bài toán khó làm đau đầu những nhà kinh tế khi đi tìm lời giải.
Trong nền kinh tế phát triển, người lao động muốn thích ứng với các công việc xã hội yêu cầu. Trước hết, họ phải là những người được trang bị nhất định về khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, trong thực tế ở những nước sản xuất kém phát triển thường có mâu thuẫn: Nếu công nghệ sản xuất tiên tiến với các dây chuyền sản xuất tự động hoá, chuyên môn hoá cao thì trình độ người lao động chưa bắt kịp dễ dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động bị gạt ra khỏi quá trình sản xuất kinh doanh. Vì thế, bên cạnh công việc đào tạo nâng cao trình độ lành nghề cho người lao động, vấn đề lựa chọn áp dụng mức độ công nghệ nào trong dây chuyền kinh doanh phải tính toán thận trọng.
- Cơ cấu ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là hướng đi tất yếu để phát triển kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc
hậu, chậm phát triển; đồng thời, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế nói chung và ở các đô thị nói riêng. Tuy nhiên, quá trình thay đổi này diễn ra chậm chạp. Nhu cầu việc làm phi nông nghiệp trở nên bức xúc đối với lao động nông thôn vì đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá. Trong khi phát triển ngành nghề phi nông nghiệp còn nhiều bất cập. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của người nông dân lâu nay vẫn sống bằng nghề truyền thống quá thấp so với nhu cầu của thị trường lao động. Do đó, muốn rút lao động nông nghiệp sang những ngành nghề mới phải chuẩn bị nguồn lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và kỹ năng phù hợp.
- Chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam và ảnh hưởng tới nông thôn. Chính sách kinh tế vĩ mô có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để người lao động có khả năng tìm và tự tạo việc làm trong cơ chế thị trường. Có rất nhiều chính sách hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh có quan hệ gắn bó với nhau tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến cung cầu lao động.
Nhóm chính sách khuyến khích phát triển những lĩnh vực, hình thức và vùng có khả năng thu hút được nhiều lao động trong cơ chế thị trường: Chính sách phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chính sách phát triển các khu vực phi kết cấu; Chính sách di dân và phát triển các vùng kinh tế mới; Chính sách đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Chính sách khôi phục và tạo điều kiện phát triển các làng nghề…Nhóm chính sách hướng ưu tiên vào đối tượng người có công với cách mạng hoặc yếu thế trong vấn đề tìm việc làm: thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người tàn tật, các đối tượng xã hội…Nhóm chính sách về việc làm thuộc hệ thống chính sách xã hội nhưng biện pháp giải quyết không những mang nội dung kinh tế mà còn đề cập đến những vấn đề thuộc về tổ chức kinh doanh như tạo ra môi trường và hành lang pháp lý phù hợp, lựa chọn và chuyển giao công nghệ, xây dựng kết cấu hạ tầng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng quy mô vốn…
- Quá trình CNH, HĐH của Việt Nam và ảnh hưởng tới nông thôn. Khi nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu thì lao động trong nông nghiệp thường chiếm tuyệt đại đa số. Nhưng dưới tác động của quá trình CNH, HĐH sẽ xuất hiện sự tách rời lần lượt các ngành công nghiệp ra khỏi nông nghiệp. Do ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại, sử dụng máy móc trong sản xuất làm cho năng suất lao động trong nông nghiệp không ngừng tăng lên và cho phép một bộ phận lao động chuyển sang làm các ngành nghề khác. Đối với bộ phận dân cư cần thiết để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt, bộ phận này càng ít đi bao nhiêu thì bộ phận dôi ra để dùng cho các việc khác càng nhiều bấy nhiêu.
CNH, HĐH còn làm xuất hiện nhiều ngành nghề mới ở khu vực nông thôn nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới như: chế biến bảo quản sản phẩm, chế biến thủy sản, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản… nhờ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ có khả năng thu hút lao động rất lớn. Tuy nhiên, CNH, HĐH đòi hỏi phải có nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và hợp lý về cơ cấu.
- Toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế của Việt Nam và ảnh hưởng tới nông thôn. Số lượng việc làm ở khu vực này có thể tăng lên nhưng lại giảm đi ở khu vực khác, một số loại việc làm sẽ mất đi nhưng một số loại việc làm mới xuất hiện. Những biến đổi về quy mô và cơ cấu việc làm, sẽ gây không ít khó khăn và những chi phí lớn của cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Do mất việc làm người lao động phải tìm chỗ làm việc mới, phải học tập những kiến thức và kỹ năng mới, phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tìm việc làm, phải thích nghi với những điều kiện sống luôn thay đổi. Điều đó, đã gây gánh nặng về đào tạo lại, trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp do chính phủ phải gánh chịu. Trong điều kiện thế giới ngày nay, để khai thác và sử dụng tốt các yếu tố bên ngoài, đồng thời phải phát huy tối đa nội lực, kết hợp nội lực với ngoại lực thành sức mạnh tổng hợp trong giải quyết việc làm một cách năng động, hiệu quả, bền vững, tránh được những rủi ro.