Cụm truyện dân gian:

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG PHƯƠNG PHÁP DẠY KIỂU BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (Trang 51)

III. Định hướng cách khai thác từng cụm bài:

1.Cụm truyện dân gian:

Cụm truyện dân gian được phân bố ở lớp 6, đây là những truyện thuộc các thể loại truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn và truyện cười thuộc truyện dân gian Việt Nam và truyện dân gian nước ngoài. Có bảy văn bản, trong đó có ba truyền thuyết, hai truyện cổ tích, một truyện ngụ ngôn và một truyện cười. Các truyện đọc thêm được bố trí xen các truyện được học chính thức ở từng thể loại.

Đối với mỗi thể loại có một cách khai thác khác nhau nhưng cần định hướng cho học sinh những vấn đề sau:

Yêu cầu học sinh xác định đúng thể loại văn bản được học, nắm được khái niệm thể loại truyện và khai thác đúng hướng văn bản theo đặc trưng thể loại truyện.

Đối với truyền thuyết cần xác định sự kiện và nhân vật lịch sử mà truyện lấy làm căn cứ, nhận xét cách nhân dân đánh giá và bày tỏ thái độ đối với sự kiện lịch sử đó. Đồng thời phân tích được màu sắc thần kỳ - sản phẩm của trí tưởng tượng nhân dân đã tạo nên vẻ đẹp của truyền thuyết như thế nào. Bởi vì "truyền thuyết không phản ánh lịch sử mà là nghệ thuật phản ánh lịch sử của con người", hay nói cách khác "truyền thuyết không phản ánh chính xác các sự việc và nhân vật mà quan tâm đến sự lay động tình

cảm và niềm tin của người nghe sau những sự kiện, nhân vật đó" (Ngữ văn 10 Nâng cao).

Hệ thống câu hỏi tìm hiểu truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm cần xác định được sự kiện lịch sử được nói đến trong truyện là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ thứ XV, nhân vật lịch sử trong truyện là chủ tướng Lê Lợi. Truyền thuyết thể hiện thái độ ngợi ca của nhân dân dành cho người anh hùng Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa yêu nước Lam Sơn. Những chi tiết chuôi gươm khắc chữ "Thuận Thiên", lưỡi gươm do Rùa Vàng dâng tặng, và từ khi có gươm thần, đội quân của Lê Lợi đi đến đâu thắng đến đấy muốn khẳng định rằng: Không những lòng người, mà cả trời đất, linh khí non sông cũng hội tụ lại tiếp thêm sức mạnh cho đội quân chiến thắng. Cách giải thích lịch sử và bộc lộ thái độ đánh giá của nhân dân đã được lồng vào chuỗi chi tiết kỳ ảo tưởng tượng tạo nên vẻ đẹp của truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.

Đối với truyện cổ tích cần khai thác được mô típ cốt truyện thể hiện theo từng kiểu nhân vật: kiểu nhân vật tài năng, nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sỹ… và mô típ truyện có hậu, thiện thắng ác thể hiện mơ ước muôn đời của nhân dân. Bởi nội dung của truyện cổ tích là phản ánh số phận của những kiếp người nhỏ bé, bất hạnh và bày tỏ ước mơ về sự công bằng, dân chủ, hạnh phúc trong xã hội. Cốt truyện cổ tích đã gần với đời thường hơn truyền thuyết, truyện xoay quanh số phận các kiểu nhân vật, mỗi kiểu nhân vật có những đặc điểm riêng. Đối với kiểu nhân vật tài năng, cần khai thác các tình huống, các sự việc bộc lộ tài năng kỳ lạ của nhân vật. Kiểu nhân vật bất hạnh khai thác các chuỗi việc để thấy được hoàn cảnh đặc biệt của nhân vật, kết thúc có hậu với các nhân vật bất hạnh như một phần thưởng thể hiện ước mơ, niềm tin của người xưa muốn có sự công bằng cho những kiếp người đáng thương trong xã hội.

Đối với truyện cười cần tìm được sự việc, hiện tượng gây cười của truyện, từ đó chỉ ra thói xấu mà tác giả muốn chỉ trích, phê phán. Truyện cười ở lớp 6 chỉ dừng lại ở khía cạnh cười những lệch lạc, bất hợp lý chứ chưa đi sâu vào phương diện đả kích phê phán các đối tượng xấu trong xã hội nên chưa cần khai thác sâu.

Lớp 6 cần rèn kỹ năng đọc và kể chuyện cho học sinh, nên ngoài việc chú trọng khai thác nội dung, giáo viên cần lưu ý dành thời gian nhất định cho học sinh luyện đọc và kể tóm tắt truyện.

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG PHƯƠNG PHÁP DẠY KIỂU BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (Trang 51)