III. Định hướng cách khai thác từng cụm bài:
3. Cụm thơ trung đại:
Cụm thơ trung đại gồm bảy văn bản, đều thuộc chương trình lớp 7, trong đó bốn bài thơ trung đại Việt Nam, có 3 bài thơ đời Đường Trung Quốc.
Đây là những văn bản có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc - là những viên ngọc sáng của văn học dân tộc cũng như văn học Trung Quốc. Những bài thơ được viết từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII, bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, qua các bản dịch mới đến được độc giả. Do những rào cản về khoảng cách thời gian, về kiến thức lịch sử, về văn tự, về thi pháp thơ cổ nên với đối tượng là học sinh lớp 7 sẽ rất khó nắm bắt giá trị đích thực của những tác phẩm văn học giai đoạn này. Đây cũng chính là lý do Bộ đưa những văn bản này vào phần hướng dẫn đọc thêm. Những bài thơ Đường của thơ ca Trung Quốc có nội dung hàm súc, giàu tính biểu tượng cũng là đối tượng khó khai thác đối với học sinh lớp 7. Vậy nên để định hướng cho học sinh phân tích cảm nhận đánh giá được các văn bản này đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài chu đáo.
Trước hết, cần định hướng cho học sinh nắm được thời gian ra đời, hoàn cảnh sáng tác, tác giả, bởi vì đối với thơ trung đại, đây là các yếu tố tiên quyết giúp học sinh hiểu đúng, khai thác đúng hướng giá trị của văn bản. Nếu ý thức được bức tranh thôn quê trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” là cảm nhận của một nhà vua về quê hương, học sinh sẽ khai thác được tâm hồn, tình yêu đất nước của tác giả và cảm hứng ngợi ca trong văn học giai đoạn này. “Sau phút chia ly” là tâm sự khắc khoải da diết của một người chinh phụ khi tiễn chồng ra trận. Có lẽ vậy mà Đoàn Thị Điểm đã rất thành công khi tái sinh lại tác phẩm bằng bản dịch thơ từ chữ Hán của Đặng Trần Côn sang chữ Nôm. Nếu nắm được bút pháp lãng mạn là phong cách sáng tác của Lý Bạch thì sẽ khai thác được vẻ đẹp kỳ ảo, phi thường được vẽ nên bằng trí tưởng tượng của bức tranh thác núi Hương Lô.
Giáo viên định hướng được cách khai thác từng tác phẩm dựa vào thể loại cụ thể từng tác phẩm, cần quan tâm đặc biệt đến thi pháp thơ cổ. Các thể thơ được sử dụng ở đây chủ yếu là thơ đường luật, nhưng qua dịch có một số văn bản thay đổi, "Côn Sơn ca" được chuyển thành thơ lục bát. "Sau phút chia ly" là một thể thơ dân tộc khá đặc biệt: song thất lục bát; còn "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" lại viết theo loại cổ thể. Sáu bài thơ đầu có thể phân tích tìm hiểu theo mạch cảm xúc và cấu trúc bài thơ đường luật (phân tích theo cấu trúc: đề, thực, luận, kết), còn bài thơ "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" nên phân tích theo bố cục, đây là một bài thơ trữ tình xen yếu tố tự sự và có bố cục rất rành mạch, đồng thời mạch cảm xúc của bài thơ phát triển theo bố cục đó.
Khi dạy những văn bản này, giáo viên thường mắc lỗi sa vào tìm hiểu những vấn đề liên quan tác phẩm mà không có thời gian tìm hiểu giá trị nội dung chính của văn bản, vì vậy cần lưu ý phân bố thời gian hợp lý cho các phần, bởi mục đích tìm hiểu các yếu tố liên quan là nhằm tạo cơ sở để thẩm định giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản.
4. Cụm ký:
Trong bốn văn bản của phần này, có một văn bản thuộc thể loại hồi ký (Lao xao - Ngữ văn 6), còn ba văn bản thuộc thể loại tuỳ bút, đều là các trích đoạn của tác phẩm.
Thể loại tuỳ bút nhằm ghi chép về những con người, những sự việc cụ thể, có thực, qua đó tác giả bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, nhận thức, đánh giá của mình về con
người và cuộc sống. Sự ghi chép tuỳ theo cảm hứng chủ quan, có thể tản mạn, không cần gò bó theo kết cấu, hệ thống, nhưng vẫn tuân theo một tư tưởng, cảm xúc chủ đạo. Lối ghi chép của tuỳ bút giàu chất trữ tình hơn ở các loại ghi chép khác (bút ký, ký sự).
Đặc điểm của tùy bút là bộc lộ cảm xúc của tác giả. Tùy bút viết về một vấn đề nào đó nhưng được cảm nhận theo cảm xúc chủ quan của tác giả. Vậy nên khi khai thác tùy bút cần xác định được cảm xúc chủ đạo và mạch phát triển của cảm xúc tác giả trong bài tùy bút. Tùy bút “Sài Gòn tôi yêu” bày tỏ cảm xúc của tác giả về một Sài Gòn trong kí ức, tác giả ấn tượng về Sài Gòn trong những thời khắc thiên nhiên khác nhau, mỗi thời điểm Sài Gòn đều hiện lên tuyệt đẹp và mang một sắc thái rất riêng. Văn bản "Lòng yêu nước" của I-li-a Ê-ren-bua bắt đầu từ chân lí: "Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tố quốc". Chân lí đó được chứng minh không phải bằng lập luận khô khan mà bằng chính tình cảm thiết tha sâu đậm và sự hiểu biết phong phú về các miền quê trên Tổ quốc Liên bang Xô - Viết của tác giả. Tác giả đã dùng tình cảm, cảm xúc của mình để lay động, thuyết phục người đọc.
Vũ trung tuỳ bút (Tuỳ bút viết trong những ngày mưa), với trích đoạn "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” tuy không có kết cấu đặc biệt, nhưng vẫn tuân theo tư tưởng cảm xúc chủ đạo của tác giả: Thể hiện thái độ phê phán thói ăn chơi xa xỉ và tệ nhũng nhiễu nhân dân của bọn vua chúa và lũ quan lại hầu cận trong phủ chúa Trịnh những năm cuối thế kỷ XVIII.
Như vậy khi khai thác các văn bản thuộc thể loại tuỳ bút, giáo viên cần định hướng tìm hiểu các sự việc, chi tiết, hình ảnh đặt trên nền mạch cảm xúc của tác giả, nếu tách rời khỏi mạch cảm xúc ấy sẽ không đúng với đặc trưng thể loại của tuỳ bút.