III. Định hướng cách khai thác từng cụm bài:
8. Cụm văn bản nhật dụng:
Chương trình và sách giáo khoa hiện hành đưa vào một lượng văn bản nhật dụng từ lớp 6 đến lớp 9 với mục đích là cung cấp cho học sinh những kiến thức về các vấn đề đang diễn ra trong xã hội. Các vấn đề văn bản nhật dụng đưa vào chương trình tương đối rộng, liên quan đến các lĩnh vực môi trường, sinh học, giáo dục truyền thống, giáo
dục pháp luật…Tuy nhiên các văn bản đều đạt đến một giá trị nghệ thuật nhất định, cho nên vẫn phải tìm hiểu các văn bản này như một văn bản văn học về mặt thi pháp thể loại. Như vậy khi định hướng phân tích cụm văn bản này cần quan tâm mục tiêu “nhật dụng” (cung cấp cho học sinh những vấn đề bức thiết trong xã hội hiện nay), vừa phải chú ý khai thác văn bản đầy đủ các yếu tố với tư cách là một văn bản nghệ thuật.
Hai văn bản nhật dụng trong cụm bài hướng dẫn đọc thêm thuộc chương trình lớp 6. Văn bản “Cầu Long Biên chứng nhân lịch sử” giáo viên phải cung cấp cho học sinh khái niệm văn bản nhật dụng và ý nghĩa của việc học loại văn bản này. Đây là một bài bút ký mang nhiều tính chất hồi ký, nên ngoài việc ghi chép sự kiện tác giả còn bày tỏ cảm xúc dâng trào của mình. Giáo viên phân đoạn, khai thác các yếu tố nghệ thuật của thể loại bút ký để giúp học sinh phân tích, làm rõ được ý nghĩa làm “nhân chứng lịch sử” của cầu Long Biên từ đó nâng lên thành tình yêu quê hương đất nước.
Văn bản “Động Phong Nha” giới thiệu vẻ đẹp lộng lẫy kỳ ảo của thiên nhiên, qua đó đặt ra vấn đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ danh lam thắng cảnh và phát triển kinh tế du lịch. Khi khai thác văn bản này, mục đích “nhật dụng” lớn hơn mục đích khai thác một văn bản nghệ thuật, nên để thành công, giáo viên có thể vận dụng nhiều hình thức hỗ trợ: giới thiệu ảnh, băng hình giới thiệu phong cảnh động Phong Nha để giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp kỳ thú của động.
Mỗi cụm văn bản có những đặc trưng về thể loại chung, nhưng mỗi tác phẩm lại là một chỉnh thể nghệ thuật riêng, nên khó có thể có một định hướng cụ thể áp dụng cho tất cả các văn bản. Vậy nên giáo viên có thể hướng dẫn học sinh khai thác, đánh giá văn bản từ nhiều hướng, bằng nhiều phương pháp khác nhau, làm sao để đạt được hai mục tiêu: học sinh tiếp thu được giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản và bước đầu rèn kỹ năng phân tích, thẩm định một văn bản văn học.