III. Định hướng cách khai thác từng cụm bài:
6. Cụm truyện hiện đại:
Khi hướng dẫn đọc thêm văn bản truyện, giáo viên cần cân đối thời gian đọc, tóm tắt tác phẩm hợp lý, không để phần đọc chiếm hết thời gian tìm hiểu tác phẩm. Cần chọn đoạn để đọc, xen lẫn tóm tắt từng phần. Những phần chọn đọc có nội dung quan trọng, có nhiều chi tiết, sự việc, hình ảnh cần cho thao tác phân tích khai thác để làm rõ giá trị nội dung của tác phẩm.
Có hai hướng phân tích truyện thường được vận dụng là phân tích theo cốt truyện hoặc phân tích theo nhân vật. Nếu xác định phân tích theo cốt truyện thì cần tìm hiểu bố cục truyện, nếu phân tích theo nhân vật thì cần tìm hiểu chung về hệ thống nhân vật, nhân vật chính, nhân vật phụ của truyện.
Truyện ngắn "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" của tác giả Nguyễn Ái Quốc hình thức có vẻ như một kí sự, nhưng thực chất là một truyện ngắn mang màu sắc hư cấu. Truyện có hai nhân vật tương phản, đối nghịch nhau, chi tiết của truyện tập trung miêu tả hành động, lời nói, cử chỉ của nhân vật Va-ren, nhân vật Phan Bội Châu chỉ được phác hoạ vài nét, không hành động, không ngôn ngữ, chỉ một vài biểu hiện của cử chỉ và thái độ, nhưng lại nổi bật, đẹp đẽ, lớn lao, vĩ đại bên cạnh sự thảm hại của Va - ren.
Những truyện hướng dẫn đọc thêm ở lớp 9 bổ sung vào cụm bài của từng giai đoạn: Truyện Bến quê là truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu viết sau 1975. Sau 1975 có một số tác phẩm tiếp tục viết về đề tài chiến tranh, nhưng xu hướng cơ bản chủ yếu tập trung vào phản ánh các vấn đề của xã hội thời hậu chiến, các tác giả chú ý đi sâu vào khai thác đời sống nội tâm của con người - Bến quê là một tác phẩm như thế. Để phân tích truyện, học sinh cần xác định xem chọn cách nào để phù hợp với tác phẩm: phân tích theo nhân vật hay phân tích theo cốt truyện. Bến quê là một truyện ngắn thiên về khai thác nội tâm nhân vật, cốt truyện rất nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, chi tiết nghệ thuật đơn giản, bình dị nhưng có một sức gợi rất lớn. Chính vì vậy có thể phân tích theo cốt truyện, bám vào các tình huống truyện, các chi tiết nghệ thuật có tính biểu tượng của truyện để khai thác. Truyện xoay quanh tình huống của cuộc đời Nhĩ: Nhĩ đã hơn nửa đời bôn ba khắp nửa vòng trái đất. Lúc lâm bệnh nặng sắp giã từ cuộc đời, anh bỗng phát hiện ra bãi bồi bên kia sông có một sức hấp dẫn kỳ lạ mà chưa bao giờ anh đặt chân tới. Anh khao khát được đặt chân lên bãi bồi lấy một lần, nhưng trong tình cảnh
bệnh tật, anh không thể thực hiện được ước nguyện đó. Ý nghĩa của câu chuyện rất sâu sắc: con người hãy biết yêu thương, quí trọng những gì gần gũi gắn bó với mình, đừng thờ ơ với nó, bởi khi những thứ đó vuột khỏi tầm tay sẽ phải nuối tiếc xót xa. Hình ảnh bãi bồi bên kia sông, đám cờ thế bên đường, cây bằng lăng nở muộn… là những hình ảnh giàu tính biểu tượng cần khai thác trong truyện.