Định hướng hệ thống câu hỏi.

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG PHƯƠNG PHÁP DẠY KIỂU BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (Trang 59)

Khi giáo viên có bề dày về lý luận văn học và tri thức về tác phẩm văn học, thì giáo viên sẽ tiếp cận và khai thác dễ dàng bất kỳ tác phẩm nào, đồng thời sẽ chủ động trong việc dẫn dắt học sinh tìm hiểu tác phẩm. Vậy nên, trước hết giáo viên dạy văn phải tự trang bị kiến thức cho bản thân và không ngừng học hỏi để nâng cao hiểu biết. Trong thực tế giáo viên chủ yếu rập khuôn theo tài liệu hướng dẫn giảng dạy của Bộ mà ít

nghiên cứu, tìm tòi hướng đi theo cách của mình. Để dạy thành công bài Hướng dẫn đọc thêm giáo viên phải bỏ công nhiều hơn. Hình dung rằng: Khi dạy các văn bản bình thường, giáo viên dẫn dắt học sinh cùng đi trên một con đường, nhưng khi dạy Hướng dẫn đọc thêm giáo viên không cùng đi trên một con đường với học sinh mà phải chỉ đường để học sinh tự đi đến đích. Dần dần sẽ rèn cho học sinh kỹ năng phân tích tác phẩm một cách độc lập. Việc chỉ đường được cụ thể hoá bằng hệ thống câu hỏi hướng dẫn học sinh khai thác văn bản. Do mục đích của bài Hướng dẫn đọc thêm có điểm khác văn bản học bình thường nên hệ thống câu hỏi cũng theo đó mà phải có sự thay đổi.

Hệ thống câu hỏi của bài Hướng dẫn đọc thêm cần đạt được các yêu cầu sau: * Tính chất của câu hỏi:

+ Câu hỏi phải có tính hệ thống, phân loại cụ thể, có câu hỏi khái quát, có câu hỏi chi tiết, nhưng phải tăng cường loại câu hỏi mang tính định hướng. Tuỳ vào đối tượng học sinh, nếu năng lực học sinh kém thì phải bổ sung nhiều câu hỏi gợi ý, dẫn dắt.

+ Hệ thống câu hỏi phải logíc, khoa học, không thừa, không thiếu, gọn rõ, vừa tầm nhận thức của học sinh, không đánh đố, không rườm rà, không tối nghĩa. Tránh trường hợp giáo viên hỏi nhưng nếu giáo viên là người trả lời cũng sẽ gặp khó khăn.

* Nội dung câu hỏi:

- Câu hỏi về các vấn đề tìm hiểu chung văn bản: hỏi về tác giả, tác phẩm, thể loại, ngôn ngữ, giai đoạn sáng tác... Chú trọng những thông tin giúp cho việc khai thác giá trị nội dung văn bản.

- Câu hỏi khai thác tìm hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản:

+ Câu hỏi định hướng cách khai thác văn bản. Câu hỏi này rất quan trọng, giúp học sinh xác định hướng khai thác văn bản. Nếu là truyện hỏi về bố cục hoặc hệ thống nhân vật, nếu là thơ tuỳ vào thể loại hỏi về cấu trúc hay mạch cảm xúc bài thơ. Hỏi về chủ đề, đề tài nội dung tác phẩm phản ánh.

+ Câu hỏi định hướng khai thác từng mảng nội dung của văn bản: Mỗi mạch ý đều có những câu hỏi khái quát nhằm định hướng hiểu nội dung chính. Trên cơ sở ý chính đó giúp học sinh khai thác các chi tiết, hình ảnh, sự việc để phân tích, đánh giá.

- Câu hỏi khái quát, tổng hợp: Sau khi triển khai phân tích, khai thác chi tiết cụ thể cần có thao tác hỏi yêu cầu học sinh khái quát lại nội dung vừa phân tích để đánh giá một cách toàn diện vấn đề đã tung ra, gói lại giá trị nội dung nghệ thuật của tác phẩm.

* Tham khảo hệ thống câu hỏi khai thác tìm hiểu văn bản:

Hướng dẫn đọc thêm "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" (Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 9 - tập 1)

Đây là một bài thơ thuộc phần thơ hiện đại của chương trình Ngữ văn lớp 9. Đối với học sinh lớp 9, kỹ năng phân tích, thẩm định tác phẩm đã được rèn luyện tương đối, nên giáo viên cần đưa ra hệ thống câu hỏi phù hợp để vừa khai thác được nội dung bài thơ, vừa phát huy được kỹ năng phân tích thơ các em đã được trang bị. Ở đây chúng tôi chỉ nêu hệ thống câu hỏi khai thác giá trị nội dung, nghệ thuật của bài thơ.

Bài thơ có một cấu trúc đặc biệt, cần khai thác mạch cảm xúc phát triển qua cấu trúc điệp khúc 3 lần của bài thơ. Đây là một tác phẩm trữ tình nhưng có bố cục khá rành mạch. Có thể nêu hệ thống câu hỏi khai thác như sau:

Câu hỏi 1: Nếu bài thơ là "khúc hát ru" thì lời ru này có cấu trúc như thế nào?

Gợi: Nêu đặc điểm của từng khúc? Số khổ thơ trong mỗi khúc?

Mở đầu, kết thúc mỗi khổ? Cách ngắt nhịp ở mỗi khổ?

Đặc điểm đó được lặp lại ở cả 3 điệp khúc có hiệu quả nghệ thuật gì?

Câu hỏi 2: Qua mỗi khổ thơ hình ảnh của người mẹ Tà Ôi hiện lên như thế nào?

Gợi: Mẹ được miêu tả trong những công việc gì? Hoàn cảnh nào?

Hình ảnh thể hiện sự vất vả gian khổ của mẹ?

Câu hỏi 3: Qua các khúc ru, tình cảm của mẹ đối em Cu - Tai được thể hiện như thế nào?

Gợi: Thể hiện qua hình ảnh của mẹ và em trong mỗi công việc? Thể hiện qua mong ước mẹ gửi gắm vào giấc mơ con? Nhận xét sự phát triển của các ước mơ trong mỗi lời ru?

Câu hỏi 4: Tình yêu con của mẹ gắn với những tình cảm gì? Qua đó bài thơ phản ánh hiện thực chiến tranh và tinh thần, ý chí của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ như thế nào?

Một phần của tài liệu ĐỊNH HƯỚNG PHƯƠNG PHÁP DẠY KIỂU BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (Trang 59)