Các nhân tố ảnh hưởng đến mía gốc

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng mía nghề trồng mía đường (Trang 77)

C. Ghi nhớ: Cần chú ý một số nội dung trọng tâm:

7.2.3.Các nhân tố ảnh hưởng đến mía gốc

a. Độ phì nhiêu của đất và chất đất

Sự chăm sóc và độ phì nhiêu của đất đai không những có ảnh hưởng quyết định đến năng suất của vụ mía trước mắt mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vụ mía gốc tiếp theo.

Đất được bón nhiều phân hữu cơ, đất có tỷ lệ mùn cao, có cấu tượng tốt, sẽ điều hòa được chế độ nước và chế độ khí hậu ở khu vực bộ rễ và gốc mía nên tỷ lệ mầm tốt, mầm ngầm (mầm đã phát động sinh trưởng) trước khi thu hoạch cao. Sau khi thu hoạch, tốc độ nẩy mầm và tỷ lệ nẩy mầm tái sinh cao, tỷ lệ mầm hữu hiệu cao dẫn đến năng suất mía gốc tốt.

Đất có nguồn gốc núi lửa (đất đỏ) thường có độ xốp cao, tầng canh tác dày, khả năng giữ nước ở tầng đất 40 – 50cm tốt nên có ảnh hưởng tốt đến việc để gốc.

Các loại đất bị nén quá chặt, không có cấu tượng tốt, do thiếu mùn, đất có tỷ lệ cát cao, đất cao hạn, thiếu ẩm nghiêm trọng, đất quá thiếu không khí hoặc quá thiếu nước đều có ảnh hưởng xấu đến khả năng tái sinh của mía gốc.

Ở các loại đất này, sau khi thu hoạch, nếu đào đất lên, chúng ta sẽ thấy các mầm không cương (không phát động sinh trưởng), bên ngoài mầm có màu đen và tương đối cứng. Đó là biểu hiện của mầm bị thiếu không khí nghiêm trọng, đang đe dọa vụ mía gốc một cách đáng lo ngại.

Với những lẻ trên, việc chọn đất và việc cải tạo bồi dưỡng đất có một ý nghĩa rất quan trọng đối với kỹ thuật để gốc, thời gian lưu gốc và năng suất mía gốc.

b. Giống mía: Giống mía cũng là một trong những nhân tố chi phối khá quyết định đến khả năng và niên hạn để gốc. Cùng một điều kiện thời tiết, đất đai và kỹ thuật canh tác như nhau, giống này có thể kéo dài thời gian để gốc gấp hai, ba lần giống kia. Do đó, phải tùy theo đất đai, tùy giống mía đang dùng mà xác định thời gian để gốc tương ứng.

c. Điều kiện thời tiết lúc thu hoạch

Điều kiện thời tiết lúc thu hoạch có ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề để gốc. Thu hoạch vào lúc trời ấm áp, độ ẩm đất vừa phải thì khả năng tái sinh sẽ được nâng cao, tỷ lệ nẩy mầm cao, thời gian nẩy mầm được rút ngắn, tỷ lệ mầm hữu hiệu nhiều.

Thu hoạch vào lúc quá rét hoặc thời tiết quá khô hạn đều ảnh hưởng xấu đến khả năng tái sinh.

Thu hoạch vào lúc trời mưa, đất ướt, quá thừa ẩm, đất sẽ bị nén chặt do các thao tác thu hoạch do các thao tác thu hoạch và vận chuyển gây nên, các vết chặt dễ nhiễm nấm khuẩn có ảnh hưởng xấu đến vấn đề tái sinh của mía gốc.

Các ruộng mía cần để gốc, nên cố gắng bố trí thu hoạch vào lúc thời tiết thuận lợi. Lúc thời tiết bất thuận nên thu hoạch các ruộng mía hết chu kỳ, cần phá gốc.

d. Tình trạng sâu bệnh, rệp

Tình trạng sâu bệnh cũng có ảnh hưởng nhiều đến vấn đề lưu gốc:

Mía bị rệp nặng sẽ mất khả năng tái sinh, không nên lưu gốc mà nên phá đi để trồng lại mía tơ.

Mía bị bệnh than nặng cũng không nên lưu gốc.

Mía có nhiều bọ hung, ấu trùng bọ hung hoặc mối hại gốc phải phạt sớm để xử lý diệt trừ kịp thời, nếu chưa xử lý xong, không nên lưu gốc, vì nếu để gốc sẽ bị thiếu mầm nghiêm trọng, năng suất thấp.

Một phần của tài liệu giáo trình mô đun trồng mía nghề trồng mía đường (Trang 77)