C. Ghi nhớ: Cần chú ý một số nội dung trọng tâm:
7.3.7. Chăm sóc mía gốc
Mía gốc sau khi xử lý và dặm mầm xong, thì các khâu chăm sóc tiếp theo phải tiến hành tương tự như quá trình chăm sóc mía tơ (Hình 7.3). Chỉ cần lưu ý thêm các vấn đề sau đây:
+ Đối với mía lưu gốc, thường các loại sâu hại ở dưới đất như bọ hung, ấu trùng bọ hung, mối hại gốc,… được tích lũy lại nhiều hơn ở mía tơ, nên phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, nếu chúng phát sinh nhiều đến ngưỡng phải dùng thuốc, thì phải tiến hành diệt trừ kịp thời.
+ Ở giai đoạn đầu, mía gốc thường sinh trưởng nhanh hơn mía tơ, nhưng lại đình chỉ sinh trưởng sớm hơn mía tơ, do đó phải kết thúc việc bón phân sớm hơn mía tơ khoảng 1 tháng.
+ Mía gốc thường bị trồi gốc dẫn đến dễ đổ ngã hơn mía tơ, nên phải vun vồng sớm hơn, cao hơn và kỹ hơn mía tơ, phải bảo đảm tròn đỉnh kín cổ, nên vun làm 2 lần để tạo thành 2 tầng rễ, tăng cường khả năng chống đổ cho mía gốc.
+ Mía gốc thường nhiễm bệnh than nặng hơn mía tơ (đối với giống nhiễm bệnh) do đó cần tăng cường kiểm tra, cắt bỏ sớm các cây bị bệnh, để chúng khỏi tung bào tử bệnh ra ngoài, gây lây lan ra diện rộng.
Hình 7.3: Chăm sóc mía lưu gốc Một số điểm cần chú ý về mía gốc
Giống mía để gốc phải chọn loại có khả năng tái sinh mạnh. Ruộng mía để gốc phải chọn ruộng tốt, đồng đều, không bị mất quảng quá 20%, ít bị sâu bệnh, phải chọn thời điểm thích hợp để thu hoạch tạo điều kiện cho gốc tái sinh thuận lợi. Sau khi thu hoạch xong ruộng mía gốc phải được xử lý, chăm sóc kịp thời tạo điều kiện cho mầm mọc và phát triển.
Tốc độ cỏ dại mọc sớm hoặc trễ, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết mưa nhiều hay ít.
Bằng phương pháp giữ lá,tủ lá, che phủ mặt đất, chúng ta có thể giới hạn cỏ dại một phần.
Chăm sóc mía gốc, bón phân đầy đủ, giúp mía phát triển nhanh, lá mía mau giao tán, là một biện pháp khống chế cỏ dại hữu hiệu.
Sau khi thu hoạch, nếu đất có đủ độ ẩm, sử dụng thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm. Sử dụng cơ giới xới xáo để khống chế cỏ non giữa hàng.
Khi mía đã có lóng, có thể sử dụng những loại thuốc diệt cỏ hậu nảy mầm gốc Paraquat (Gramoxone …) phun diệt cỏ dại lá rộng và hẹp trong hàng mía.
Khi mía đã giao tán, những loại dây leo có trong ruộng vẫn tiếp tục phát triển, leo bò quấn mía. Nên lưu ý phun thuốc diệt cỏ gốc 2,4D sớm khi dây leo còn nhỏ chưa ra hoa, tạo hạt. Thuốc diệt cỏ gốc 2,4D diệt các loài dây leo và cỏ lá rộng trong ruộng mía rất hiệu quả.
Xử lý mía gốc trong vụ hạn nặng
Trong điều kiện thời tiết khô hạn, độ ẩm của đất quá thấp sẽ có ảnh hưởng xấu đến khả năng tái sinh của mía gốc. Để khắc phục cần áp dụng các biện pháp sau đây:
+ Đối với các vùng có nguồn nước, trước khi thu hoạch một tháng phải tiến hành tưới nước, tạo điều kiện cho mầm gốc phát động sinh trưởng và tăng thêm hàm lượng đạm trong đất. Chú ý không tưới gần ngày thu hoạch quá, có ảnh hưởng xấu đến hàm lượng đường. Khi thu hoạch xong, có thể tưới ngấm một đêm rồi tháo kiệt nước, vừa có tác dụng chống hạn, vừa diệt trừ được một số sâu hại ở dưới đất.
+ Đối với các vùng hạn gay gắt kéo dài có tính quy luật nhưng không có điều kiện tưới thì khi thu hoạch cần giữ lại toàn bộ các cây vô hiệu và các cây mầm. Các mầm có lá xanh này sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ gốc, bộ rễ vĩnh cửu của các mầm này sẽ tiếp tục đâm xuống các lớp đất dưới để hút nước nuôi mầm và gốc. Mặt khác, các mầm này không bị chặt sẽ làm giảm được lượng nước tiết ra từ các vết cắt, làm tăng thêm khả năng chịu hạn của gốc.
Trong trường hợp này, sau khi thu hoạch, không nên bạt gốc và lọng gốc ngay, vì đất quá khô, mía không thể nẩy mầm được.
Phải giữ lại toàn bộ số lá tồn dư sau khi thu hoạch để che phủ đất, giảm bớt lượng nước bốc hơi mặt đất.
Khi nào có trận mưa đầu tiên, đất đủ ẩm thì chặt bỏ các mầm quá cao và tiến hành xử lý gốc như đã trình bày ở phần trên.
Xử lý gốc trong lúc quá rét
Thời tiết quá rét cũng có ảnh hưởng xấu đến khả năng tái sinh. Tốt nhất là không nên thu hoạch mía cần lưu gốc vào lúc quá rét. Trường hợp bắt buộc không thể tránh được phải thu hoạch mía vào lúc rét dưới 7oC thì không nên xử lý gốc ngay, vì nhiệt độ quá thấp, các mầm ở vào trạng thái ngủ, hoạt động rất kém, chưa cần nhiều dưỡng khí. Trường hợp này phải giữ lại toàn bộ số lá và số mầm chưa thành cây để bảo vệ gốc, chờ đến khi nào thời tiết chuyển ấm, nhiệt độ lên đến 12 – 15oC mới tiến hành xử lý như đã trình bày ở phần trên.