Sau khi phong trào công nhân thất bại, giai cấp này tiếp tục sống khổ sở. Tình hình đó làm cho nhiều nhà tư tưởng tiến bộ xúc động: xã hội mà họ nhìn thấy là một xã hội lừa đảo, bóc lột,... không đem lại hạnh phúc, bình đẳng như cương lĩnh mà giai cấp tư sản đề ra trong các cuộc cách mạng tư sản. Do đó, một số nhà tư tưởng tiến
bộ đã xây dựng những lí thuyết về một xã hội mới, trong đó không có bất công và nghèo nàn,... Chế độ xã hội mà họ đề ra đó là chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Các đại biểu tiêu biểu:
- Saint Simon (1760 – 1825 sau Công Nguyên): Ông công kích kịch liệt chủ nghĩa tư bản; kêu gọi mọi người hướng về một tương lai tốt đẹp, thủ tiêu chế độ ăn bám và xã hội được cải tạo theo hướng xã hội chủ nghĩa. Ông chủ trương xây dựng một xã hội mới trong đó mọi người phải lao động trên cơ sở của nền sản xuất lớn, được quyền hưởng thụ bình đẳng, nền kinh tế được kế hoạch hóa.
Saint Simon (Nguồn: easycoursesportal.com).
- Charles Fourier (1772 - 1837 sau Công Nguyên): Ông đã lên án những thương nhân dùng các thủ đoạn gian xảo để đầu cơ trục lợi. Ông đả kích sự cạnh tranh và sản xuất không kế hoạch, vô tổ chức của chủ nghĩa tư bản. Ông chỉ ra rằng trong xã hội tư sản, sự thừa thãi ở cực này là do sự nghèo đói ở cực kia.
Charles Fourier (Nguồn: britannica.com).
- Robert Owen (1771-1858 sau Công Nguyên): Ông đã thí
nghiệm xây dựng một xã hội mới trong xưởng riêng của mình ở Scotland bằng những biện pháp như: hạn chế ngày lao động, thủ tiêu chế độ phạt tiền, đặt ra chế độ tiền thưởng, xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân. Ông chủ trương xây dựng công xã trong đó tài sản là của chung, xóa bỏ sự nghèo khổ, lao động trở thành nghĩa vụ và hạnh phúc của mọi người.
Robert Owen (Nguồn: larousse.fr).
Những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đã phê phán sắc sảo, vạch ra bản chất của chủ nghĩa tư bản, đả kích tận gốc xã hội; lúc nào họ cũng nghiêng về những người nghèo khổ; nhưng họ không thấy ở giai cấp vô sản một sức mạnh cải tạo xã hội, chỉ
chủ trương cải cách bằng du nhập dần chủ nghĩa xã hội vào chủ nghĩa tư bản.