Quyền được bảo vệ tài sản đầu tư

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tập trung theo quy định của pháp luật chứng khoán ở Việt Nam (Trang 36)

Tài sản đầu tư là khái niệm chung chỉ các loại tài sản mà nhà đầu tư sử dụng để đầu tư chứng khoán trên TTCKTT. Tài sản đầu tư bao gồm hai loại, tiền và chứng khoán. Quyền bảo vệ tài sản đầu tư, xét về bản chất là việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản theo quy định chung của pháp luật dân sự, đó là quyền của người sở hữu tài sản bảo vệ tài sản của mình khỏi sự xâm hại, quyền truy tìm, đòi lại tài sản của mình bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.

Đối với các loại tài sản thông thường, quyền sở hữu tài sản có thể bị xâm phạm dưới hình thức vi phạm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Đối với tài sản là chứng khoán, việc xâm hại tài sản đầu tư còn thể hiện ở các hành vi làm giảm giá trị của tài sản đầu tư, ví dụ việc công ty tự ý tăng vốn điều lệ mà không có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, việc tăng vốn dẫn đến hệ quả pha loãng giá trị cổ phiếu, làm giảm giá trị cổ phiếu mà các cổ đông đang nắm giữ.

Với các loại tài sản thông thường, được chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng, hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền của chủ sở hữu thì mức độ kiểm soát của chủ sở hữu đối với tài sản của mình là tương đối cao. Nhưng chứng khoán niêm yết là một loại tài sản đặc biệt. Nhà đầu tư kiểm soát tài sản đầu tư của mình qua các định chế trung gian như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ tín thác, các Sở giao dịch, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký, ngân hàng thương mại…, bởi vậy, cơ chế kiểm soát có phần khó khăn hơn, đồng nghĩa với việc tài sản đầu tư của nhà đầu tư có khả năng dễ dàng bị chiếm hữu, sử dụng và định đoạt không có căn cứ pháp luật, không thể hiện ý chí của chủ sở hữu.

31

Nhà đầu tư mặc dù là chủ sở hữu số tiền đầu tư chứng khoán và số chứng khoán mà mình đã mua, nhưng số tài sản này lại do chủ thể khác quản lý. Bằng các hợp đồng, thỏa thuận mở tài khoản giao dịch chứng khoán, ủy thác đầu tư…, nhà đầu tư đã ủy quyền cho các tổ chức trung gian thị trường và cung ứng dịch vụ thị trường chiếm hữu và quản lý tài sản đầu tư của mình. Như đã nêu trên, số chứng khoán thuộc sở hữu của nhà đầu tư được lưu ký tại thành viên lưu ký hoặc Trung tâm Lưu ký. Tùy thuộc vào loại chứng khoán và loại hình TTCK mà chứng khoán được lưu ký một cấp (tức là lưu giữ tại thành viên lưu ký) hay lưu ký hai cấp (nhà đầu tư lưu ký chứng khoán tại thành viên lưu ký, sau đó thành viên lưu ký tái lưu ký số chứng khoán đó tại Trung tâm Lưu ký). Còn số tiền mà nhà đầu tư sử dụng để mua chứng khoán cũng không do họ trực tiếp quản lý, mà được lưu giữ trong một tài khoản tại ngân hàng gọi là tài khoản tiền gửi đầu tư chứng khoán. Tùy từng luật pháp của mỗi quốc gia, số tiền gửi đầu tư chứng khoán này có thể được kết hợp trong chính tài khoản tiền gửi thông thường (tài khoản kết hợp), có nơi lại sử dụng tài khoản tiền gửi chuyên dùng cho mục đích đầu tư chứng khoán (tài khoản chuyên dùng), cũng có nơi số tiền đầu tư chứng khoán này lại được lưu giữ cùng với chứng khoán trong một tài khoản chung là tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư mở tại công ty chứng khoán.

Tài sản đầu tư của nhà đầu tư có thể bị xâm hại theo những cách thức như sau:

- Thành viên lưu ký tự ý bán số chứng khoán có trong tài khoản giao dịch chứng khoán mà không có lệnh hoặc ủy quyền của nhà đầu tư: Nhà đầu tư là người duy nhất được sử dụng và định đoạt số chứng khoán thuộc sở hữu của mình. Các công ty chứng khoán, thành viên lưu ký chỉ là người quản lý và thay mặt cho nhà đầu tư thực hiện quyền của nhà đầu tư theo lệnh của họ. Tuy nhiên, vì số chứng khoán này đã được lưu ký, nên thành viên lưu ký (cụ thể là nhân viên quản lý tài khoản) vẫn có thể tự động thực hiện lệnh bán chứng khoán mà nhà đầu tư không hay biết. Điều này có thể xảy ra khi mà nhân viên

32

môi giới nhận thấy xu hướng thị trường đang lên cao, họ đặt lệnh bán chứng khoán trong tài khoản nhà đầu tư, sau đó, khi giá xuống, họ đặt lệnh mua lại đúng số chứng khoán mà họ đã bán, còn số tiền chênh lệch thì nhân viên môi giới hưởng.

- Do sự cố kỹ thuật hoặc do sơ suất của nhân viên công ty chứng khoán khi đặt lệnh cho nhà đầu tư bị nhầm lệnh mua thành lệnh bán hoặc ngược lại, lệnh mua ít thành lệnh mua nhiều, lệnh bán ít thành lệnh bán nhiều hoặc ngược lại. Trong trường hợp này, do lệnh đã được thực hiện trên tài khoản của nhà đầu tư không thể hiện đúng ý chí của nhà đầu tư, nhưng không do sự chiếm hữu hoặc sử dụng trái pháp luật mà do sự cố đường truyền, sự cố kỹ thuật, hoặc do sự bất cẩn của nhân viên môi giới chứng khoán.

- Nhà đầu tư không thể tiếp cận tài khoản của mình để đặt lệnh mua, bán chứng khoán, hoặc số dư tiền, chứng khoán trong tài khoản bị phong tỏa không theo lệnh của nhà đầu tư, không có căn cứ pháp lý, khiến cho giao dịch mua bán chứng khoán của nhà đầu tư không thể thực hiện được.

- Tiền gửi của nhà đầu tư trong tài khoản chứng khoán bị sử dụng sai mục đích hoặc không theo lệnh của nhà đầu tư: Cũng giống như chứng khoán, tiền gửi của nhà đầu tư chỉ được sử dụng theo yêu cầu của nhà đầu tư và chỉ sử dụng cho mục đích duy nhất là mua bán chứng khoán, mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, khoản tiền gửi này lại do các Công ty chứng khoán hoặc Ngân hàng thương mại quản lý trong tài khoản của họ (tùy theo quy định của pháp luật từng quốc gia). Do vậy, khoản tiền gửi của nhà đầu tư có thể được các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại sử dụng để mang lại lợi nhuận cho chính họ như mua bán chứng khoán tự doanh khi giá thấp, bán ra khi giá cao hưởng chênh lệch, cho vay hưởng lãi hoặc sử dụng theo mục đích khác.

Ngoài ra, tài sản đầu tư của nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi các hành vi sau:

33

- Tổ chức niêm yết tự ý tăng vốn điều lệ làm giảm giá trị cổ phiếu của nhà đầu tư là cổ đông hiện hữu: Việc tăng vốn điều lệ luôn làm giảm giá trị của cổ phiếu, được gọi bằng thuật ngữ "pha loãng giá trị cổ phiếu". Việc giảm giá trị cổ phiếu này nếu được thực hiện mà không thể hiện ý chí của đa số cổ đông bằng một nghị quyết của đại hội đồng cổ đông là một hình thức làm giảm tài sản đầu tư của nhà đầu tư.

- Các hành vi thao túng thị trường bằng cách tạo ra cung cầu giả tạo làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Trên thị trường, có nhiều người cũng tham gia mua bán nhưng có người sử dụng các chiêu thức để thao túng thị trường như mở nhiều tài khoản để cùng lúc giao dịch cùng một loại cổ phiếu, tạo ra cung hay cầu ảo đối với một loại cổ phiếu nào đó, dẫn đến việc tăng giảm giá chứng khoán không đúng với bản chất của giao dịch, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư khác.

Bảo vệ tài sản đầu tư là một nội dung chi tiết hóa quyền bảo vệ tài sản nói chung, là một trong những quyền trung tâm của con người. Quyền bảo vệ tài sản đầu tư khi được pháp luật quy định rõ ràng, chi tiết với các cơ chế thực hiện quyền hiệu quả sẽ tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường. Ngoài ra, khi cơ chế thực hiện quyền bảo vệ tài sản đầu tư được thực hiện khoa học, hợp lý và khả thi, thì sẽ ngăn chặn được các hành vi xâm hại đến lợi ích chung của thị trường, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của TTCK.

Một phần của tài liệu Bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tập trung theo quy định của pháp luật chứng khoán ở Việt Nam (Trang 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)