Mặc dù Nhà trường đã có được những thành công đáng kể trong công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số những tồn tại, yếu kém cần phải được khắc phục. Cụ thể như sau:
- Nhà trường cần phải làm tốt hơn công tác dự báo để xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục ở các bậc học, đặc biệt là đào tạo trình độ trung cấp nghề cho những năm trước mắt và lâu dài, kế hoạch cần phải phù hợp với tình hình cụ thể của
nhà trường. Qua tìm hiểu cho thấy việc xây dựng kế hoạch tổng thể ở đây chưa đảm bảo tính khách quan, tính chính xác, khoa học chưa cao, công tác dự báo giáo dục còn hạn chế, nhiều tiêu chí đưa ra chưa phù hợp gây khó khăn cho công tác tổ chức, chỉ đạo và quản lý làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
- Xây dựng cơ chế, chính sách chưa phù hợp với yêu cầu đào tạo nghề trong tình hình mới, cần phải thực hiện và ban hành các quy chế đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng để quản lý hoạt động dạy học trong Nhà trường.
- Công tác bồi dưỡng giáo viên hiệu quả chưa cao, việc hướng dẫn thực hiện các quy định mới trong dạy học, giáo dục trong nhà trường, với giáo viên chưa được chu đáo, khoa học dẫn tới tình trạng vận dụng thực hiện không được đồng bộ, thống nhất trong toàn trường.
- Cơ sở vật chất đã tương đối tốt nhưng đồ dùng trang thiết bị phục vụ dạy và học của Nhà trường vẫn còn thiếu, đã gây không ít khó khăn cho việc đổi mới phương pháp dạy học và đây cũng chính là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
- Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học cần phải được triển khai ở tất cả các môn học và làm thường xuyên, liên tục.
- Công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được tăng cường hơn nữa. Thực tế việc đánh giá hoạt động đào tạo hiện nay ở Nhà trường chưa được tiến hành thường xuyên, chưa có kế hoạch và hiệu quả, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Cán bộ làm công tác này phải được lựa chọn từ những cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, công tâm khách quan trong nhà trường. Có như vậy, mới làm tốt công tác nhận xét, đánh giá, tư vấn cho đội ngũ và phát hiện ngăn ngừa, điều chỉnh những lệch lạc trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo.
- Công tác tham mưu cho cơ quan cấp trên có lúc chưa được kịp thời, chưa khoa học vì vậy dẫn tới sự phối kết hợp giữa quản lý ngành và các cơ quan khác của Bộ còn chồng chéo, không mang lại hiệu quả. Sự phân định trách nhiệm giữa trong công tác quản lý, chỉ đạo chưa được rõ ràng cụ thể, nên cán bộ quản lý ở nhà trường
thường hay bị động trong công tác chỉ đạo chuyên môn cùng các hoạt động giáo dục khác.