Xã hội hóa việc ứng dụng thương mại điện tử

Một phần của tài liệu Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường (Trang 83)

Phải khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước và mọi người dân tham gia TMĐT. Doanh nghiệp là người bán, người mua, người phát triển công nghệ lớn nhất. Chính mỗi doanh nghiệp sẽ tự quyết định có tham gia thương mại điện tử hay không, tham gia như thế nào, vào thời điểm nào, sẽ đầu tư nhân lực và nguồn lực ra sao, v.v... Nói cách khác, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt đối với việc ứng dụng và phát triển thương mại điện tử.

Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng. Nhà nước có nhiệm vụ tạo ra môi trường thuận lợi cho ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, xây dựng khung khổ pháp lý, thiết lập sự cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ tạo ra cơ chế giải quyết tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng, v.v... Đồng thời, Nhà nước cũng là khách hàng rất lớn của các doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng đáng kể trong các giao dịch thương mại.

Nhà nước có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ cho thương mại điện tử như hải quan điện tử, thuế điện tử, đăng ký đầu tư điện tử, cấp phép nhập khẩu điện tử, v.v... Nếu nhà nước không hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công này thì thương mại điện tử cũng rất khó phát triển một cách toàn diện và mạnh mạnh mẽ.

Cần định hướng các doanh nghiệp nhà nước tham gia giao dịch điện tử, đặc biệt là hình thức B2B. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Chính phủ điện tử tất yếu dẫn đến việc Chính phủ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các giao dịch TMĐT với doanh nghiệp và người dân. Tại Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác trên thế giới, DNV&N rất năng động và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này bị hạn chế về nguồn lực nên ứng dụng TMĐT là cơ hội để họ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí giao dịch và chăm sóc khách hàng, v.v... Chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ là lực lượng tiên phong trong việc ứng dụng TMĐT, và có những ứng dụng nhất định vào từng khâu hay của toàn bộ các khâu của giao dịch thương mại.

Những thành tựu phát triển kinh tế trong 5 năm 2005 - 2009 ở Việt Nam đã tăng thu nhập bình quân đầu người, nhất là ở các vùng đô thị, trong khi chi phí cho máy tính cá nhân và Internet giảm mạnh đã dẫn đến tăng số hộ gia đình và cá nhân sử dụng Internet cho các mục đích khác nhau, đặc biệt là cho việc mua sắm trên mạng.

Đồng thời, tỷ lệ thanh niên được đào tạo tốt, tiếp thu nhanh cái mới và hấp thụ ảnh hưởng của văn hoá thương mại các nước tiên tiến, v.v... ngày càng tăng nhanh là yếu tố quan trọng thúc đẩy các người tiêu dùng, đặc biệt ở vùng đô thị, mua sắm hàng hoá qua mạng Internet.

Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ thiết yếu như nước máy, điện, điện thoại, ngân hàng, v.v... đang phát triển mạnh các hình thức thanh toán tự động. Nhiều siêu thị bán lẻ và các nhà cung cấp dịch vụ khác đã và sẽ tiếp tục

ứng dụng mạnh mẽ hình thức bán hàng hoá và dịch vụ qua mạng. Các doanh nghiệp này sẽ tạo ra động lực và thói quen cho người tiêu dùng ứng dụng TMĐT trong mua sắm hàng hoá và dịch vụ.

Chính vì vậy, song song với việc ưu tiên hỗ trợ loại hình B2B, loại hình B2C và C2C cũng cần được ưu tiên phát triển. Người tiêu dùng sẽ tích cực tham gia góp ý cho các cơ quan hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật về TMĐT để bảo vệ quyền lợi của mình. Thực tiễn cho thấy những hành vi không lành mạnh diễn ra cực kỳ phức tạp nhưng lại rất khó xác định danh tính của những kẻ chủ mưu và tham gia trực tuyến trên môi trường mạng. Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và các biện pháp chuyên môn, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và bảo vệ người tiêu dùng nói riêng rất cần sự giúp đỡ, phối hợp của người tiêu dùng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi không lành mạnh trên môi trường mạng, đặc biệt là việc cung cấp thông tin về các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại tới lợi ích về vật chất và tinh thần của người tiêu dùng.

Sự thay đổi tập quán mua sắm của hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước sẽ góp phần thúc đẩy TMĐT phát triển nhanh và đa dạng, tạo ra thị trường mới cho các DN và kích thích các DN ứng dụng công nghệ mới. Quá trình tác động qua lại giữa người tiêu dùng và DN trong phương thức mua bán mới sẽ mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Tóm lại, từ các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp đến mọi người dân cần được tạo mọi điều kiện để hiểu biết và tích cực tham gia TMĐT, có như vậy mới có thể phát triển được loại hình kinh doanh này.

Một phần của tài liệu Phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường (Trang 83)